''Ông tổ Quốc ngữ'' Francisco de Pina: Người bắc cầu văn hóa Âu - Việt - Tạp chí xã hội (Trọng Thành)

Trong khi một số nhân sĩ trong nước bận tâm với việc chỉ trích mục đích tạo ra chữ quốc ngữ là để truyền giáo, thậm chí là để phục vụ ngoại xâm, thì nhà nghiên cứu Roland Jacques khám phá ra chữ quốc ngữ là công trình chế tác không chỉ của các giáo sĩ phương Tây, mà còn có phần đóng góp không nhỏ của những đồng sự người Việt. Rõ ràng tư duy ích kỷ và động cơ không trong sáng đã tước bỏ cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu một công trình văn hoá có vai trò vô cùng quan trọng đối với dân tộc của các trí thức VIệt Nam. Chúng ta tụt hậu không phải vì thiếu điều kiện, khả năng trí tuệ,... mà là vì tư duy kiểu "thụt lùi".

22/01/2020 - 14:07
Nhà thờ cổ Phước Kiều, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Dinh trấn Thanh Chiêm xưa), nơi có ngôi mộ được cho là của Francisco de Pina.
Nhà thờ cổ Phước Kiều, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Dinh trấn Thanh Chiêm xưa), nơi có ngôi mộ được cho là của Francisco de Pina. @Copy d'ecran giaoxugiaohovietnam

Với công chúng rộng rãi, lịch sử chữ Quốc ngữ tưởng không còn bí ẩn lớn. Đối với nhiều người, Quốc ngữ do các giáo sĩ châu Âu chế tác để truyền đạo, nhân vật hoàn thành cơ bản sứ mạng này là giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes.

Thế nhưng, lịch sử ít nhiều chính thống ấy đang bị xét lại. Quá trình chế tác chữ Quốc ngữ có thể đã diễn ra rất khác. Vai trò của Francisco de Pina - người thầy của de Rhodes - đang ngày càng được chú ý hơn.

Francisco de Pina sinh tại tỉnh Guarda, Bồ Đào Nha, khoảng năm 1585-1586. Sau khi theo học nhiều năm thần học, khoa học xã hội và nghệ thuật tại học viện Công Giáo ở Macao, thuộc Bồ Đào Nha, tu sĩ Dòng Tên này đến miền nam Việt Nam vào khoảng 1618. Francisco de Pina được coi là giáo sĩ châu Âu đầu tiên thông thạo tiếng Việt. Ông làm việc chủ yếu tại khu vực Hội An và vùng Thanh Chiêm, thủ phủ chính trị Đàng Trong của các chúa Nguyễn thời bấy giờ (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam hiện nay), cho đến khi qua đời, trong một tai nạn trên biển năm 1625.

Để tìm hiểu về những đóng góp của Francisco de Pina, RFI tiếng Việt có cuộc phỏng vấn với giáo sư Roland Jacques (1), bên lề một hội thảo khoa học về chữ Quốc ngữ tại Lisboa, hồi tháng 10/2019 (2).

Trong dòng sông lịch sử có những giai đoạn bị quên lãng, nhưng nhiều khi chính những gì tưởng như bị lãng quên ấy lại là nguồn mạch của tương lai. Di sản bị chôn vùi của Francisco de Pina, của giai đoạn các giáo sĩ Bồ Đào Nha nói chung, nếu được khôi phục trở lại, rất có thể sẽ cho thấy quá trình chế tác chữ Quốc ngữ, ngay từ đầu đã là sản phẩm của các hợp tác Âu - Việt mật thiết, không chỉ đơn thuần trong lĩnh vực tôn giáo và vì mục tiêu tôn giáo (xem thêm phần đóng khung cuối bài : ''Vì sao người Bồ Đào Nha đi tiên phong trong đối thoại ngôn ngữ và văn hóa Âu-Việt ?''). 

Theo nhà nghiên cứu Roland Jacques, với Francisco de Pina, sự nghiệp chế tác chữ Quốc ngữ gắn liền với đối thoại văn hóa Âu - Việt. Chữ Quốc ngữ không đơn thuần là công cụ ghi âm, ghi lại lời nói, một phương tiện truyền giáo, mà còn là ''cơ sở cho những đối thoại'' giữa người Việt và người châu Âu trong chiều sâu tâm hồn. Chính ở bình diện quan trọng này mà chữ Quốc ngữ đã trở thành một di sản văn hóa sống, được nhiều thế hệ người Việt trân trọng, gìn giữ và phát triển. Dễ hiểu, dễ sử dụng, gắn liền với lời nói, chữ Quốc ngữ chứa đựng tiềm năng dân chủ hóa lớn lao, đã trở thành phương tiện giúp cho tiếng Việt trở nên độc lập (với chữ Hán), cho nền giáo dục phổ cập toàn dân.


Theo Roland Jacques, để hiểu đúng lịch sử chế tác chữ Quốc ngữ, cần đối chiếu quá trình này với dự án mang tính trực giác của Francisco de Pina. Trong tiến trình lịch sử lâu dài ấy, thành công hay những ''thất bại tạm thời'' của việc chế tác chữ Quốc ngữ gắn liền việc chữ Quốc ngữ có được giới trí thức bản địa tham gia tích cực hay không, văn hóa bản địa tham gia đến đâu vào thứ chữ viết của tương lai này, để cho những con chữ từ trời Tây thấm đẫm hồn nước Việt.

RFI : Xin Giáo sư cho biết nhận định chung của ông về lịch sử chế tác chữ Quốc ngữ Việt Nam và vai trò của Francisco de Pina.

GS Roland Jacques: Về phần mình, tôi rất hạnh phúc được làm nghiên cứu, từ lâu nay, về nguồn gốc của chữ Quốc ngữ. Như tôi đã có lần viết, cần phải phản biện lại lịch sử đã được viết trước đó, về nguồn gốc Quốc ngữ, của một số tác giả mà tôi vốn tôn trọng. Tôi cũng rất hạnh phúc là sau các bài viết và sách của tôi, đã có thêm nhiều nhà nghiên cứu tiếp nối con đường này.

Francisco de Pina là người đầu tiên nắm vững tiếng Việt, theo lời ghi nhận của Alexandre de Rhodes. ''Nắm vững tiếng Việt'', đó là nhận định mà de Rhodes đã dùng để nói về Pina. Có nghĩa là ông có thể dùng tiếng Việt không chỉ cho mục tiêu tôn giáo, mà còn cả về mặt văn hóa nữa.

Chúng ta biết rằng cuốn từ điển Việt - Bồ - La, xuất bản năm 1651, không do Pina trực tiếp biên soạn, mà đây là một tác phẩm tập thể. Alexandre de Rhodes luôn thừa nhận tác phẩm được xuất bản tại Roma này là sản phẩm của nhiều đồng sự, nhiều cộng tác viên người Việt. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm một điều là cuốn từ điển này vừa là một thành công lớn, nhưng cũng là một thất bại.

RFI : Một thành công lớn. Nhưng vì sao là thất bại ?

GS Roland Jacques: Thất bại là bởi vì Alexandre de Rhodes đã không có phương tiện để biến ý tưởng chủ đạo của Pina thành hiện thực. Cụ thể là, cuốn từ điển này đã không có chỗ cho những tinh hoa của văn học Việt Nam, của thế giới chữ tượng hình Hán-Việt. Tuy nhiên, đây là một thất bại tạm thời, vì ít nhất thì ta cũng có được một bộ từ điển. Và điều kiện làm việc tại Việt Nam vào thời điểm này không còn tốt nữa, điều đó làm chậm lại đáng kể các nghiên cứu, tìm hiểu. Phải đợi nhiều thế hệ nữa, các nghiên cứu sẽ mới được tiếp tục.

Hiện tại tôi biết có nhiều tư liệu của thế kỷ XVIII hiện chưa được khai thác. Có hàng trăm, hàng trăm trang tư liệu mà tôi mong muốn có thể giới thiệu một lúc nào đó.

Ý tưởng chủ đạo của Pina là soạn ra được một công trình mang tính toàn thể, hướng về một nền văn hóa có truyền thống lâu đời, nhưng đặc biệt là hướng đến xây dựng một nền văn hóa cho tương lai, nhờ ở tiếng Việt.

Tôi đã được thừa hưởng trực giác này từ giáo sư Hoàng Tuệ (cố viện trưởng Viện Ngôn ngữ học), trực giác về vai trò to lớn của những cộng tác viên người Việt của Pina, những cộng tác viên người Việt của Alexandre de Rhodes, của Pigneau de Béhaine (tức Bá Đa Lộc)… Pigneau de Béhaine đã nhấn mạnh đến vai trò của 8 thầy giảng (trong đó nhiều người Việt). Bộ từ điển Việt - Hán - Nôm - Latinh của Pigneau de Béhaine (hoàn thiện vào năm 1773) không phải là sản phẩm của riêng người châu Âu mà là sản phẩm của sự hợp tác mật thiết giữa một số người châu Âu, có kinh nghiệm về ngôn ngữ học, với nhiều người Việt sẵn sàng mở ra với cái mới.

Không có chữ Quốc ngữ, thì người Việt đã không thể tiến lên được, không thể phổ biến giáo dục cho toàn dân, không thể mang lại cho nhân dân những phương tiện cho các tiến bộ về mọi mặt, về chính trị, kinh tế, v.v. Trực giác của Pina là hướng đến một sự phát triển văn hóa chưa từng có, với chữ Quốc ngữ.

Năm 1651, với bộ từ điển Việt - Latinh đầu tiên, chỉ là một điểm dừng chân, một giai đoạn.

RFI : Cụ thể Francisco de Pina muốn gì xa hơn ?

GS Roland Jacques: Có thể nói là từ năm 1651 đến năm 1770, chúng ta đã không có sản phẩm đáng kể bằng Quốc ngữ, cả về mặt tôn giáo, hay các mặt khác. Pigneau de Béhaine chính là người đã hiểu được trực giác của Pina, tiếp nối trực giác của Pina. Rốt cục, hệ chữ viết tượng hình là một mấu chốt, cho phép thâm nhập vào chiều sâu của tiếng Việt. Pigneau de Béhaine và các cộng sự đã biên soạn được một tác phẩm tuyệt vời, bộ từ điển Việt - Hán - Nôm - Latinh nói trên. Và tiếp theo đó phải nói đến nhiều tác phẩm của thế kỷ XIX (trong đó đặc biệt phải kể đến Trương Vĩnh Ký) (3), và chúng ta có cuốn Đại Nam Quốc Âm tự vị của Paulus Của - Huỳnh Tịnh Của, đã kế thừa cuốn từ điển của Pigneau de Béhaine, với một số thay đổi.

Ta thấy đó chính là cái đích Pina muốn hướng tới. Quan niệm của Pina là phải thừa hưởng mọi thành quả của quá khứ, và hướng hẳn về tương lai. Nhìn theo hướng này thì bộ từ điển năm 1651 là một điều tuyệt vời, nhưng chỉ là một sản phẩm nhỏ, so với những gì mà ông kỳ vọng, mơ ước.

Mơ ước của Pina là gặp gỡ về văn hóa, khi đi đến chiều sâu của nền văn hóa Việt Nam, với quá khứ của Việt Nam, với những ảnh hưởng từ Trung Hoa. Nhưng điều đặc biệt quan trọng là hướng về tương lai. Pina đã thoáng nhìn ra triển vọng phát triển của tiếng Việt, nhờ ở việc phổ cập chữ Quốc ngữ.

Thư viện Biblioteca da Ajuda (thủ đô Lisboa), nơi lưu trữ bộ sưu tập Jesuítas na Ásia, trong đó có bản sao một bức thư, được coi là của Francisco de Pina, gửi bề trên năm 1622-1623, báo cáo hoạt động của giáo đoàn.
Thư viện Biblioteca da Ajuda (thủ đô Lisboa), nơi lưu trữ bộ sưu tập Jesuítas na Ásia, trong đó có bản sao một bức thư, được coi là của Francisco de Pina, gửi bề trên năm 1622-1623, báo cáo hoạt động của giáo đoàn. @Copy d'ecran :BibliotecaDaAjuda

RFI : Dựa trên những bằng chứng nào Giáo sư khẳng định đấy là tư tưởng của Pina ?

GS Roland Jacques: Tôi rút ra điều này bằng cách dựa sát vào bản thảo do Pina để lại. Trong một lá thư gửi bề trên (4), Pina đã giải thích là trong giai đoạn đầu, các giáo đoàn Dòng Tên đã đi sai hướng, bởi vì họ đã không có đủ tinh thần cởi mở.

Pina ghi nhận thoạt tiên, giữa các nhà truyền giáo, không biết chữ Nôm, và các thầy giảng người Việt, biết chữ Nôm, không có phương tiện đối thoại. Chính chữ Quốc ngữ đã mang lại cơ sở cho đối thoại, thông qua các chữ viết tiếng Việt theo kiểu mới. Tiếng Việt qua đó được thanh lọc, để trở nên độc lập.

Chính trên cơ sở đó mà có được đối thoại Đông - Tây, giữa các tâm thức khác nhau, với sản phẩm là những trái quả mới. Pina không mơ đến những trái quả về phương diện tôn giáo, mà là một điều rất khác.

Pina so sánh các tác giả cổ điển của nền văn minh Latinh với những gì tương đương mà ông muốn tìm thấy trong nền văn hóa Việt Nam. Tinh hoa văn hóa của quý vị là gì, đâu là các truyền thuyết và những thần thoại của quý vị? Đấy chính là điều mà Pina muốn học và hiểu. Ngược lại, ông cũng hy vọng là người Việt đến với nền văn chương châu Âu. Chính ở đó mà hai bên có thể gặp nhau trong chiều sâu tâm hồn, trong những tư tưởng mang tính xây dựng, những tư tưởng hướng đến làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn, cải thiện chính xã hội của người Việt.

Trong bức thư dài nói trên, được viết vào năm 1622 - 1623, gửi đến bề trên, Pina đã trình bày kế hoạch làm việc to lớn này, cả về mặt tiếng Việt, về việc hoàn thiện hệ thống ghi âm, cũng như về mặt học hỏi những phần kinh điển trong văn chương, văn hóa Việt Nam.

Cá nhân tôi, tôi tin tưởng vào tiếng Việt, vào văn hóa Việt Nam. Cần phải cẩn trọng không để bị hấp thu quá mức các ảnh hưởng từ bên ngoài, bởi có nhiều ảnh hưởng độc hại. Cần phải trở lại với các cội rễ, những gì tinh túy ban đầu, song song với việc mở ra để đối thoại với tất cả các nền văn hóa khác. Nhưng điều quan trọng là phải bắt rễ trong chính mình.

''Uống nước nhớ nguồn'' - Đừng quên những người tiên phong đã để lại cho quý vị một phương tiện tuyệt vời này, đó là Quốc ngữ, đã cho phép tiếng Việt trở thành chính mình !

RFI : Xin cảm ơn Giáo sư Roland Jacques.
*******
Ghi chú

1 - Giáo sư Roland Jacques - người Pháp, nguyên là trưởng khoa Luật Công Giáo Đại học Saint-Paul của Ottawa (Canada) - là tác giả cuốn ''Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học (cho đến năm 1651)'' (dịch sang tiếng Việt năm 2007, NXB Khoa học Xã hội). 1651 là năm ra đời bộ từ điển nổi tiếng Việt - Bồ - La. Ông còn là tác giả cuốn ''Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và sự khởi đầu của Giáo hội Công Giáo tại Việt Nam'' (2004).
2 - Tham luận của Giáo sư Roland Jacques "Vài suy niệm về Francisco de Pina và những bước đầu tiên trong việc hình thành chữ quốc ngữ", tại hội thảo Lisboa, tháng 10/2019 (theo Diendan.org).
4 - Bản sao bức thư của Pina gửi bề trên, dài 7 trang viết tay bằng tiếng Bồ Đào Nha, điểm xuyết một vài thành ngữ Latinh, một vài từ tiếng Nhật hay tiếng Mã Lai, và đặc biệt đáng chú ý là một số từ ''tiếng Việt chuyển tự'' (lúc đó Quốc ngữ Latinh còn đang manh nha). Bản sao thư này nằm trong số 61 tập lưu trữ (ước tính 60.000 trang), trong bộ sưu tập Jesuítas na Ásia, trong đó có 40 tập có liên quan đến Việt Nam (thư viện Biblioteca da Ajuda, thủ đô Lisboa). Việc chép lại bức thư, mang mã số 49/V/7, được thực hiện vào khoảng giữa thế kỉ XVIII. Giáo sư Roland Jacques gọi đây là ''viên ngọc nhỏ'' trong ''kho báu'', kho báu tức bộ sưu tập Jesuítas na Ásia. Sau khi phát hiện được bức thư, ông đã phải dành hai năm làm việc, ở Hà Nội, để tìm ra được cách giải mã.

Vì sao người Bồ Đào Nha đi tiên phong trong

đối thoại ngôn ngữ và văn hóa Âu-Việt ?

(tổng hợp một số nhận định của GS Roland Jacques
trong cuốn ''Những người Bồ Đào Nha…)

Vào thời điểm các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đến Việt Nam, Bồ Đào Nha đã có một nền văn học phong phú bằng tiếng mẹ đẻ, sớm hơn so với nhiều các nước châu Âu cùng thời. Giới nghiên cứu về ngữ pháp và ngữ âm tiếng Bồ đã đạt được nhiều thành tựu trong thế kỷ XVI, hàng chục năm trước khi Pina ra đời.

Trong thời kỳ Phục Hưng này, tại Bồ Đào Nha cùng một số nước Tây Âu khác, như Tây Ban Nha, Ý, Pháp, ngôn ngữ quốc gia trưởng thành mạnh mẽ, bước đầu cạnh tranh với tiếng Latinh, vốn được coi là ngôn ngữ duy nhất của khoa học, lô-gích, văn hóa ở châu Âu.

Thế kỉ XVI, giới trí thức Bồ Đào Nha đã thành công trong việc chuẩn hóa ngôn ngữ quốc gia. Thành tựu của Duarte Nunes de Leao về chính tả, với cuốn ''Orthographia de lingoa portugesa'' (xuất bản năm 1576), đã đặt những nguyên tắc nền tảng cho Pina và các nhà ngữ học châu Âu sau này. Sự phong phú về mặt phát âm của tiếng Bồ Đào Nha, đặc biệt với các nguyên âm, đòi hỏi những giải pháp chưa từng có, để lại nhiều kinh nghiệm cho những người kế tục trong việc tìm kiếm các ký hiệu tương thích để ghi âm tiếng Việt. Tiếng Bồ được coi là ngôn ngữ gần như duy nhất ở châu Âu mà phạm vi sử dụng tiếng gần như trùng khớp với không gian quốc gia, nói một cách khác tính thống nhất ngôn ngữ rất cao, tương tự như người Việt với nước Việt Nam (tr. 56 – 59).

Pina cũng được thừa hưởng các thành tựu tại Nhật Bản của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, đặc biệt là nhà ngữ học xuất chúng Joao Rodrigues, biệt hiệu là ''Tsuzzu'', nổi tiếng với một bộ từ điển Nhật – Bồ (1603) và một cuốn ngữ pháp tiếng Nhật (1604). Tiếng Bồ đã trở thành công cụ phân tích tiếng Nhật của các thầy tu Dòng Tên ở Nhật Bản, và Pina đã tiếp nối con đường này. Học Viện Macao của Bồ Đào Nha cũng là nơi đào tạo nổi tiếng về tôn giáo phương Đông (Trung Quốc, Nhật Bản).

Bên cạnh việc tiếng Bồ đã đi vào giai đoạn trưởng thành, cùng kinh nghiệm phong phú trong hiểu biết về văn hóa Nhật Bản, Trung Quốc, các giáo sĩ Bồ Đào Nha còn được thừa hưởng gia tài tiếng Latinh, vốn được coi là ngôn ngữ nhân văn, ngôn ngữ phổ quát của thời kỳ Phục Hưng. Tiếng Latinh vào thế kỷ XVII tiếp tục là phương tiện cho phép trí thức các ngành có thể giao lưu một cách thuận thiện và hiệu quả, chứ không chỉ là ngôn ngữ trong nội bộ Giáo hội Công Giáo.