Nội chiến Libya: Tướng Haftar rời Nga, không ký thỏa thuận ngừng bắn (Trọng Thành)
Vẫn chưa có lối ra cho cuộc nội chiến ở Lybia, vấn đề hòa giải dân tộc khi đã xảy ra nội chiến bao giờ cũng khó khăn. Nội chiến không chỉ tàn phá cơ sở vật chất, nhân mạng mà còn hủy diệt ước nguyện sống chung, nghĩa là hủy diệt nền quốc gia.
Khi mà những người đồng bào không còn muốn đối thoại với nhau mà phải trông chờ sự dàn xếp từ bên ngoài có nghĩa là đất nước đang đứng trước nguy cơ giải thể.
14/01/2020 - 15:10
"Người hùng" Libya, tướng Khalifa Haftar, trong một cuộc duyệt binh ở phía đông thành phố Benghazi, Libya, ngày 07/05/2018. Abdullah DOMA / AFP
Nỗ lực đạt thỏa thuận hưu chiến chính thức tại Libya, do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy, đang đi vào ngõ cụt. Cuộc thương lượng suốt 8 giờ đồng hồ tại Matxcơva, giữa phe chính quyền Tripoli và phe của thống chế Khalifa Haftar, rút cục đã không mang lại kết quả. Thống chế Haftar trở về nước mà không ký thỏa thuận.
Theo AFP, lãnh đạo chính phủ Libya Fayez Al Sarraj và thống chế Khalifa Haftar không trực tiếp gặp nhau trong cuộc thương lượng hôm qua. Hai bên đàm phán thông qua các ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Libya đã ký kết văn bản hưu chiến hôm qua, trong lúc thống chế Haftar đề nghị cho thêm thời gian suy nghĩ cho đến sáng nay. Lệnh hưu chiến trước đó đã tạm thời được áp dụng kể từ 0 giờ ngày Chủ Nhật 11/01.
Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Matxcơva :
''Thống chế Khalifa Haftar đã để kéo dài nỗi nghi ngờ suốt đêm hôm qua, tuy nhiên cuối cùng ông đã rời Matxcơva mà không ký kết thỏa thuận hưu chiến, đã được thương lượng suốt 8 giờ đồng hồ ngày hôm qua, tại thủ đô nước Nga. Nhà lãnh đạo hùng mạnh miền đông Libya đã không đưa ra tuyên bố nào. Hiện tại không rõ lý do chính thức nào khiến ông Haftar từ chối ký vào văn bản hưu chiến.
Theo các phản ứng trên mạng xã hội của giới thân cận với thống chế Haftar, chính vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong các đàm phán đã khiến ông Haftar từ chối thỏa thuận này. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia vừa quyết định đưa quân đến Libya để trợ lực cho chính quyền của thủ tướng Fayez Al Sarraj, có trụ sở tại thủ đô Tripoli, đối thủ của thống chế Haftar. Một điểm gây bất đồng khác là vấn đề triệt thoái các nhóm vũ trang của ông Haftar ra khỏi khu vực xung quanh thủ đô Tripoli.
Rút cục, nỗ lực môi giới của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã không thành. Sáng sớm hôm nay, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gián tiếp thừa nhận, khi thông báo là ''trong hiện tại, (các bên) đã không đạt được một kết quả thực sự nào''. Matxcơva từng hy vọng đàm phán hòa bình tại Libya có được kết quả, gặt hái được các lợi thế về ngoại giao trong hồ sơ Libya. Rốt cục đây là một thất bại. Tuy nhiên, ngoại trưởng Nga cũng khẳng định Matxcơva ''sẽ tiếp tục nỗ lực'' nhằm tìm lối thoát hòa bình cho cuộc khủng hoảng Libya''.
Châu Âu lo ngại Libya sẽ trở thành một Syria thứ hai. Hiện tại, ở Liên Hiệp Quốc đang thảo luận để thành lập một phái đoàn quan sát viên, nhằm giám sát tình hình tại Libya, nếu lệnh ngừng bắn được chính thức ký kết.
Nguồn: RFI Tiếng Việt