Một thăm dò dư luận nói tham nhũng ở Việt Nam 'đã giảm' (BBC Tiếng Việt)
Tham nhũng giảm chẳng qua do chiến dịch " đốt lò " của ông Trọng khiến các phe nhóm đang thủ thế để tránh trở thành cái cớ cho đối thủ thanh trừng mà thôi.
Điều quan trọng nhất là cơ chế tạo ra tham nhũng vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí quyền lực đã trở nên tập trung hơn. Sau khi cuộc đấu đá nội bộ ngã ngũ, phe dành chiến thắng sẽ nắm quyền tuyệt đối và tham nhũng lại bùng phát nghiêm trọng hơn, bởi quyền lực tạo ra tham nhũng. Đây là quy luật mà thế giới đã kiểm chứng, không có ngoại lệ nào.
Mikhail Svetlov/Getty
Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Theo một thăm dò dư luận ở Việt Nam, có vẻ người dân cho rằng tham nhũng đã giảm trong những năm gần đây, cùng thời gian diễn ra công cuộc 'đốt lò' của TBT Nguyễn Phú Trọng.
Tổ chức Hướng tới Minh bạch, một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Việt Nam, hôm 7/1 công bố kết quả khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019.
Họ phỏng vấn 1.085 người dân tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước trong tháng 7 và tháng 8 và tháng 11 năm 2019.
Các tỉnh, thành phố được lựa chọn cho khảo sát bao gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Bến Tre, và Cà Mau.
Dịch vụ công ở miền Bắc 'tham ô nhiều hơn miền Nam'
Khi được hỏi về mức độ nghiêm trọng của tham nhũng trong khu vực công, bao gồm tất cả các ngành, dịch vụ mà nhà nước sở hữu, quản lý và điều hành, 73% người tham gia khảo sát cho biết tham nhũng là "nghiêm trọng" hoặc "rất nghiêm trọng".
Người dân tham gia khảo sát được hỏi xem trong vòng 12 tháng qua họ có liên hệ/tiếp xúc với bất kỳ lĩnh vực dịch vụ công nào trong số 7 lĩnh vực được đưa ra hay không (bao gồm trường học công, bệnh viện hoặc phòng khám công, làm giấy tờ, dịch vụ tiện ích (điện, nước…), công an, cảnh sát giao thông và tòa án).
Và nếu có liên hệ/tiếp xúc thì họ có phải đưa hối lộ hay không.
66% người được hỏi có liên hệ/tiếp xúc với ít nhất một lĩnh vực dịch vụ và cứ 5 người thì lại có 1 người - tương đương 18% phải đưa hối lộ ít nhất một lần.
Khảo sát cho hay việc hối lộ ở miền Bắc dường như xảy ra nhiều hơn ở miền Nam.
Kết quả cho thấy, khi tiếp xúc với các cán bộ, công chức thuộc một trong 7 lĩnh vực dịch vụ công được khảo sát những người sử dụng dịch vụ công ở miền Bắc, đặc biệt ở vùng Đồng bằng Sông Hồng đưa hối lộ nhiều hơn.
Tỷ lệ đưa hối lộ ở Hà Nội (39%) cao gấp 3 lần tỷ lệ này ở thành phố Hồ Chí Minh (12%).
Công ty tư nhân 'chi phối chính sách'
Tham nhũng cũng được cho là một vấn đề trong khu vực tư, theo đó 62% người được hỏi coi tham nhũng "nghiêm trọng" hoặc "rất nghiêm trọng" trong khu vực này.
Theo khảo sát, 54% người được hỏi cho rằng các công ty tư nhân lớn "luôn" hoặc "thường" chi phối các chính sách và quyết định của chính phủ.
Đặc biệt, số người ở Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ cho rằng các công ty/tập đoàn tư nhân lớn "luôn" chi phối chính sách và quyết định của chính phủ nhiều gấp đôi số lượng người ở những nơi khác.
Đáng chú ý là 64% người dân Hà Nội (hơn 10% so với tỷ lệ chung cả nước) có quan điểm này so với 56% người dân thành phố Hồ Chí Minh.
towardstransparency.vn
Có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng miền trong cảm nhận về mức độ tăng của tham nhũng
Mặc dù mức độ tham nhũng vẫn được cảm nhận là cao trên phạm vi cả nước nhưng có cải thiện trong 3 năm qua. Năm 2019, 43% người Việt Nam cho rằng tham nhũng ở Việt Nam tăng lên trong 12 tháng qua (thấp hơn so với 58% năm 2016); 31% cho rằng tình hình không thay đổi (so với 25% năm 2016); và 26% cho rằng tham nhũng đã giảm (so với 17% năm 2016).
Cũng có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng miền trong cảm nhận.
Tỷ lệ người dân ở thành phố Hồ Chí Minh tin rằng tham nhũng đã giảm, ít hơn nhiều so với tỷ lệ người dân ở Hà Nội có niềm tin như vậy (13% so với 35%).
Có 5 nhóm đối tượng được người dân cho là tham nhũng nhất ở Việt Nam, bao gồm: cảnh sát giao thông (30%), công an (20%), cán bộ thuế (17%), lãnh đạo doanh nghiệp (15%) và cán bộ, công chức nhà nước (13%).
Tuy nhiên, điều quan trọng là tỷ lệ này giảm đáng kể trong 6 năm qua.
Theo kết quả khảo sát của Phong vũ biểu Tham nhũng Việt Nam 2019, người dân ngày càng tin rằng tham nhũng đang thuyên giảm và các nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước là có hiệu quả hơn.
Qua chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, cứ hai người dân được khảo sát năm 2019 thì có một người cho rằng các hoạt động phòng, chống tham nhũng là có hiệu quả, tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ năm 2016.
Số lượng người dân tin rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng cũng tăng lên đáng kể sau ba năm (71% năm 2019 so với 55% năm 2016).
TTXVN
Các bị cáo trong vụ án MobiFone mua AVG bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 6.590 tỉ đồng
Khuyến nghị
Hướng tới Minh bạch kêu gọi Việt Nam tiếp tục tăng cường các biện pháp giảm thiểu nạn hối lộ và các loại hình tham nhũng khác, gia tăng các biện pháp đảm bảo tính liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức thông qua việc thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, cụ thể là các quy định về bộ quy tắc ứng xử, xung đột lợi ích và kê khai tài sản.
Ngòa ra, họ đề nghị ra quy định về vận động hành lang (lobby) đối với các công ty lớn và các nhóm lợi ích nhằm tránh tác động không chính đáng vì lợi ích cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế đất nước và lợi ích của người dân.
Tổ chức này cũng cho rằng Việt Nam nên trao quyền cho người dân, các tổ chức xã hội và cơ quan truyền thông (kể cả truyền thông xã hội) bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào phòng, chống tham nhũng.
Nguồn: BBC Tiếng Việt