Máu vẫn đổ, dân oan sẽ còn khắp xứ (Võ Ngọc Ánh)


Luật đất đai của cộng sản chưa bao giờ vì người dân, nó tạo cơ hội cho việc ăn cướp, làm giàu bất chính quan chức, doanh nghiệp. Chưa bao giờ chính quyền đứng về người dân trong việc tranh chấp đất đai. Dù có sai họ cũng sẽ hợp thức hóa bằng hình thức khác. Có hơn 90% các dự án bất động sản lớn, nhỏ ở Việt Nam tạo ra bất công. (Võ Ngọc Ánh)


Từ đợt Cải cách ruộng đất đầu những năm 1950 thế kỷ trước đến Đồng Tâm hôm nay tội ác trong chính sách đất đai của cộng sản nhiều không kể xiết.

Cụ Lê Đình Kình chết do những vết đạn, khí độc, thi thể cũng không yên bởi còn tin vào công lý của chế độ. Con người hơn 50 tuổi đảng ấy có lẽ cũng không ngờ các đồng chí của mình đã ra tay tàn độc như vậy.

Tường nhà loang lổ vết đạn; mảnh kính vương vãi trên nền nhà; vỏ lựu đạn cay lăn lóc. Hiện trường nhà cụ Lê Đình Kình, khiến người xem phải uất nghẹn. Cụ Kình chết bởi vết đạn, khí độc trong chính căn nhà của mình trước sự tấn công của chính quyền vào lúc màn đêm còn mịt mùng. Số phận con cháu cụ cũng chưa biết thế nào bởi sự bưng bít thông tin, tung hỏa mù từ phía chính quyền.

Rồi đây sẽ có những bản án không hề nhẹ cho những người dân oan và sự lấp liếm từ hành động của chính quyền.

Hơn 75 năm trước, cộng sản đã dùng khẩu hiệu nông dân sẽ làm chủ ruộng đất để tập hợp lực lượng cho việc cướp chính quyền. Trong xã hội thuần nông, tài sản lớn nhất của dân là ruộng, đất…Khẩu hiệu trên của cộng sản có sức hút để người dân đi theo.

Cộng sản thực hiện lời hứa nông dân có ruộng bằng việc cướp, bất chấp công bằng, lẽ phải trong cải cách ruộng đất. Việc này dẫn đến hàng trăm ngàn cái chết đầy oan ức của địa chủ, trung nông miền Bắc. Cộng sản đã thành công trong việc mượn tay dân nghèo để cướp ruộng đất nhân danh công lý cách mạng.

Số phận của người dân vẫn không thay đổi, chẳng có người dân nào được sở hữu một mảnh đất thật sự, cho dù là đất hương hỏa của gia đình. Người dân vẫn đói trên chính mảnh ruộng được giao, cái khác bây giờ dân đi làm thuê cho chính quyền, thay tô bằng thuế.

Miền Nam sau năm 1975, đất đai bị chính quyền ép vào hợp tác xã, tập đoàn, sản xuất, hoặc “mượn” nhưng chủ chẳng bao giờ được trả lại. Nhà nước trưng thu đất đai bằng chính sách phát triển nông nghiệp, cây công nghiệp.

Sau việc cướp đất chính quyền luật hóa để sở hữu, theo điều 53, Hiến pháp năm 2013 nhắc lại: “Đất đai… thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Trên giấy tờ chứng nhận dù sổ đỏ, sổ hồng hay giấy hồng người dân chỉ được cấp, “Quyền sử dụng đất”, không phải quyền sở hữu đất. Do đó, đất đai chỉ do chủ s hữu (nhà nước) cho mượn để sử dụng. Người dân chỉ sở hữu được những tài sản trên đất như nhà cửa, kho bãi, cây trồng…

Khi các loại tài nguyên đang trở nên cạn kiệt bởi sự phung phí của chính quyền, hoặc trở nên khó khai thác thì đất đai trở nên béo bở để làm giàu cho quan chức, doanh nghiệp.

Xưng danh nhà nước, quan chức chính quyền thực hiện việc thu hồi đất đã giao cho dân sử dụng để bán chác, trao đổi. Văn Giang, Thủ Thiêm, Cồn Dầu, vườn rau Lộc Hưng… những minh chứng rất rõ cho việc thu hồi đất bất minh để xây dựng công trình, lập dự án, buôn bán... nhân danh phát triển. Những ranh giới quy hoạch mập mờ, đánh lừa dân đen bằng các quyết định để chiếm lấy 59 ha tại Đồng Sênh là sự cố ý mập mờ của chính quyền để cướp đoạt.

Luật đất đai của cộng sản chưa bao giờ vì người dân, nó tạo cơ hội cho việc ăn cướp, làm giàu bất chính quan chức, doanh nghiệp. Chưa bao giờ chính quyền đứng về người dân trong việc tranh chấp đất đai. Dù có sai họ cũng sẽ hợp thức hóa bằng hình thức khác. Có hơn 90% các dự án bất động sản lớn, nhỏ ở Việt Nam tạo ra bất công.

Chính sách đất đai của chính quyền đã tạo lên một tầng lớp dân oan tại khắp các tỉnh thành. Không phải đến Đồng Tâm, mà trước đó đã có nhiều cái chết đầy uất ức từ việc thu hồi đất.

Đất đai sẽ còn là một cuộc chiến dai dẵng bất cân xứng giữa chính quyền, doanh nghiệp với người dân.

Võ Ngọc Ánh (15/1/2020)