Bất mãn với nền dân chủ tại Anh và Mỹ 'ở mức cao kỷ lục' (Sean Coughlan)
Thế giới đang trong một giai đoạn đặc biệt, trật tự thế giới sau thế chiến thứ hai đang có dấu hiệu lung lay.
Toàn cầu hóa cùng cuộc cách mạng 4.0 khiến một bộ phận dân chúng không kịp thích nghi đang cảm thấy mình bị gạt ra ngoài lề. Chính điều đó đã khiến họ hoài nghi và thất vọng về dân chủ.
Vấn đề là thế giới cần tăng cường tính thực chất của dân chủ vì dù còn nhiều khiếm khuyết, nhưng nó vẫn là mô thức tổ chức xã hội tốt nhất. Chúng ta hoàn toàn lạc quan về tương lai dân chủ bởi dân chủ là cơ chế cho phép cải tiến liên tục trong hòa bình. Vấn đề lúc này là cần có những khái quát hóa các vấn đề của thế giới mới để quần chúng không bị mất phương hướng.
Getty Images
Cuộc khảo sát cảnh báo nền dân chủ ở nhiều quốc gia đang ở trong "tình trạng bất ổn"
Sự không hài lòng với nền dân chủ của các quốc gia phát triển đang ở mức cao nhất trong vòng gần 25 năm, theo các nhà nghiên cứu của Đại học Cambridge.
Các học giả phân tích những gì họ nói là bộ dữ liệu lớn nhất toàn cầu về thái độ đối với nền dân chủ, dựa trên 3.500 cuộc khảo sát có bốn triệu người tham dự.
Vương quốc Anh và Hoa Kỳ có mức độ bất mãn cao đặc biệt.
"Trên toàn cầu, nền dân chủ đang ở trong tình trạng bất ổn", tác giả báo cáo về kết quả nghiên cứu, ông Roberto Foa nói.
Nghiên cứu, do Trung tâm Tương lai Dân chủ của Đại học Cambridge, đã theo dõi quan điểm về dân chủ từ năm 1995 - với số liệu năm 2019 cho thấy, tỷ lệ không hài lòng tăng từ 48% lên 58%, mức cao nhất được ghi nhận.
"Chúng tôi thấy rằng sự không hài lòng với nền dân chủ tăng lên theo thời gian và đang đạt đến mức cao nhất toàn cầu, đặc biệt là ở các nước phát triển," Tiến sĩ Foa nói.
Nghiên cứu được thực hiện ở 154 quốc gia trên thế giới, dựa trên việc hỏi mọi người xem họ hài lòng hay không với nền dân chủ ở chính đất nước họ đang sống.
Dữ liệu nghiên cứu của một số quốc gia có từ thập niên 1970 và bức tranh dài hạn đã ghi lại sự lên cao đều đặn của con lắc hướng tới sự hài lòng hơn với nền dân chủ trong những thập niên cuối của Thế kỷ 20.
Getty Images
Sự sụp đổ kinh tế và phân chia xã hội ngày càng cao có liên quan đến sự mất niềm tin vào nền dân chủ
Đó là kỷ nguyên của sự sụp đổ của chế độ Cộng sản ở Đông và Trung Âu cùng sự lên ngôi rõ rệt của nền dân chủ phương Tây - với "tình cảm toàn cầu" dường như ủng hộ sự gia tăng của nền dân chủ.
Nhưng trong thập niên qua, tình hình dường như đã thay đổi theo hướng tiêu cực đi - với sự bất mãn đang gia tăng.
Nghiên cứu cho thấy, điều này có thể phản ánh những tiếng vang chính trị và xã hội về "cú sốc kinh tế" của vụ sụp đổ tài chính năm 2008, cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015 và "thất bại của những chính sách đối ngoại".
Kết quả nghiên cứu cảnh báo về sự mất niềm tin vào nền dân chủ và rằng, sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy không phải là nguyên nhân mà là một triệu chứng.
Ở Anh, nghiên cứu cho biết, từ thập niên 1970, sự hài lòng với nền dân chủ đã tăng liên tục trong 30 năm - đạt đến đỉnh cao trong những năm sau thiên niên kỷ.
Nhưng sự hài lòng đã trượt xuống kể từ năm 2005 theo những xu hướng toàn cầu như khủng hoảng tài chính và tranh cãi quốc gia như chi phí của các nghị sĩ.
Và các nhà nghiên cứu nói rằng, gần đây mức hài lòng đã có sự sụt giảm mạnh hơn, có thể phản ánh sự bế tắc chính trị xung quanh Brexit, trong các cuộc khảo sát được thực hiện trước cuộc tổng tuyển cử tháng 12:
- Năm 1995, tỷ lệ những người không hài lòng với dân chủ ở Anh là 47%
- Năm 2005, nó đạt điểm thấp nhất - 33%
- Năm 2019, trong các cuộc khảo sát trước cuộc tổng tuyển cử, tỷ lệ người không hài lòng đạt tới 61%
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã chứng kiến mức độ hài lòng cao - khoảng 75% từ năm 1995 đến 2005 - tiếp theo là sự sụt giảm "kịch tính và bất ngờ", xuống còn dưới 50%.
Reuters
Tình trạng vô gia cư ở Los Angeles: Sự hài lòng với nền dân chủ tại Hoa Kỳ sụt giảm mạnh
Sự yếm thế như vậy có thể không phải là bất thường ở một số quốc gia nhưng Tiến sĩ Foa nói rằng, nó thể hiện một "thay đổi sâu sắc trong quan điểm của nước Mỹ về đất nước của họ".
Nghiên cứu cho thấy sự hài lòng đã tụt nhanh sau vụ sụp đổ tài chính, với sự phân cực chính trị và mức độ mất lòng tin sâu sắc.
Nhưng một nhóm các nước châu Âu đã và đang đi ngược lại xu hướng này, khi sự hài lòng với nền dân chủ cao hơn bao giờ hết ở Đan Mạch, Thụy Sĩ, Na Uy và Hà Lan.
"Nếu niềm tin vào dân chủ bị tuột dốc, đó là do các thể chế dân chủ được đánh giá là không giải quyết được một số cuộc khủng hoảng lớn trong thời đại của chúng ta, từ các biến cố kinh tế đến mối đe dọa của sự hâm nóng toàn cầu", Tiến sĩ Foa nói.
"Để khôi phục tính hợp pháp dân chủ, điều đó phải thay đổi."
Nguồn: BBC Tiếng Việt