Phán quyết về Huawei 5G là một quyết định 'có ít lựa chọn tốt' (Gordon Corera)

Các nước phương Tây trong đó có Anh, trong một thời gian dài, vì quyền lợi kinh tế ngắn hạn đã để mặc Trung Quốc phát triển cộng nghệ viễn thông. Giờ đây họ đang phải trả giá khi Huawei thống trị mạng 5G và rất có thể cả mạng 6G trong tương lai.

Huawei ad in London
Getty Images

Việc có cho phép Huawei giúp xây dựng mạng 5G của Vương quốc Anh hay không là một trong những quyết định an ninh quốc gia khó khăn và sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nhất mà chính phủ Anh phải đối mặt.

Quyết định này - kỳ vọng sẽ được đưa ra tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Quốc gia vào thứ Ba tới - liên quan đến việc cân bằng các rủi ro kỹ thuật phức tạp với địa chính trị và chi phí cho nền kinh tế.

Nhưng nó cũng là một vấn đề khó xoay sở - một phần là do một loạt các quyết định trong nhiều năm qua đã giới hạn sự lựa chọn.

Nếu bạn muốn hiểu do đâu nước Anh đang ở vào vị trí hiện giờ, thì cần phải quay trở lại những diễn biến trong hơn một thập niên rưỡi qua, khi British Telecom (BT) nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông của Vương quốc Anh.

Lúc đó, BT muốn dùng công cụ của Huawei vì nó rẻ hơn.

5G mast
Reuters

BT - dùng một mánh khóe mà các công ty giờ đây vẫn đang sử dụng - cảnh báo rằng việc loại trừ Huawei sẽ tốn số tiền rất lớn đòi hỏi chính phủ phải bù đắp.

Lúc ấy, rất ít người ý thức được hậu quả của quyết định này.

Chỉ sau khi quyết định này đã được thi hành, các quan chức mới bắt đầu đặt câu hỏi, liệu có phải họ đã mở cửa Vương quốc Anh cho việc giám sát hay thậm chí phá hoại từ Trung Quốc không - điều mà công ty Huawei luôn phủ nhận.

Và do đó, một chiến lược giảm thiểu nguy hiểm đã được tạo ra.

Các bước này bao gồm đảm bảo mạng lưới có nhiều nhà cung cấp và bảo đảm các nhà cung cấp có rủi ro (nói cách khác là Huawei) được tách xa ra khỏi các bộ phận nhạy cảm nhất của mạng (ví dụ: lõi kiểm soát cách thức hoạt động của nó).

Điều này có nghĩa là cộng đồng tình báo Anh tin rằng, họ có sự hiểu biết tốt hơn nhiều so với bất kỳ ai khác về cách quản lý rủi ro từ Huawei.

Bảo mật 'dữ dội'

Khi việc sử dụng Huawei lan rộng sang các nhà khai thác viễn thông khác, Trung tâm Đánh giá An ninh mạng Huawei (HCSEC) được thành lập để cẩn thận đánh giá các thiết bị vật lý và mã mà Huawei đang giới thiệu vào Anh.

A sign outside Huawei's UK office
Reuters
Trụ sở Anh chính của Huawei tại Reading, phía Tây của London

Tôi đã đến thăm nơi được gọi là "tế bào" tại Ba
nbury 2013.
An ninh ở đây rất nghiêm ngặt - trong một phòng phía trong, một máy tính có quyền truy cập vào mã nguồn Huawei được các camera quan sát theo dõi để ngăn chặn mọi truy cập trái phép.

Không có cửa hậu cố tình hoặc bằng chứng gián điệp nào được tìm thấy. Nhưng đã từng có vấn đề.

Một báo cáo giám sát năm 2018 đã chỉ trích rất gắt gao các tiêu chuẩn kỹ thuật của công ty, còn báo cáo năm 2019 cho biết không có tiến bộ đáng kể nào được thực hiện để giải quyết những lo ngại đó, mà chỉ là "sự đảm bảo hạn chế" rằng an ninh có thể được bảo vệ.

Trải nghiệm này dù sao cũng đã tạo ra một mức độ tin cậy từ các quan chức tình báo và bảo mật rằng họ có thể giảm thiểu rủi ro của việc sử dụng Huawei trong mạng 5G, bằng cách đặt ra một loạt những hạn chế.

Nhưng họ cũng được cảnh báo rằng, quyết định cuối cùng phải mang tính chính trị vì nó liên quan đến việc cân bằng giữa những tư vấn kỹ thuật với chi phí về ngoại giao và kinh tế.


Mạng 5G đang được xây dựng một phần trên 4G, do đó, loại trừ Huawei khỏi 5G ở Anh (không giống như Mỹ, nơi nó gần như không có vai trò gì) cũng có nghĩa là tách nó ra khỏi 4G.

Điều đó sẽ tốn kém và làm chậm đi việc gia tăng kết nối, một ưu tiên của chính phủ Anh hiện tại.

Quyết định ''giảm thiểu nguy hiểm'' đó cũng gặp nhiều khó khăn hơn bởi sự chậm trễ - lẽ ra nó đã được thực hiện gần một năm trước, nhưng bầu cử và sự rò rỉ đã gây cản trở.

Trong khi đó, 5G đã được triển khai. Các nhà khai thác viễn thông đã đưa ra lập luận, tại sao phải dùng Huawei và thiết bị Huawei của họ.

Điều này có nghĩa là chi phí để loại trừ công ty Huawei đã ngày càng tăng lên. Nói "không" với Huawei sẽ làm chậm lại lời hứa và kỳ vọng về khả năng kết nối tốt hơn.

Nhưng sự chậm trễ cũng đã khiến Mỹ và những người chỉ trích có thêm thời gian để thống nhất các lý lẽ nhằm chống lại việc sử dụng công ty Trung Quốc của họ, bao gồm cả việc trình bày một hồ sơ gần đây - mặc dù các quan chức Anh nói rằng không thấy có bất kỳ "chứng cớ hiển nhiên" nào.

Mỹ và Trung Quốc

Mỹ cho biết họ sẽ xét lại việc chia sẻ thông tin tình báo nếu Vương quốc Anh sử dụng Huawei.
Các quan chức Anh tin - hoặc có thể là hy vọng - rằng Washington đang tháu cáy. Đó là một cú tố lớn.

Một trong những thách thức là gỡ chủ đề này ra khỏi cuộc đối đầu thương mại rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như bản chất không thể đoán trước của Tổng thống Trump.

Đôi khi có những dấu hiệu cho thấy Huawei đã trở thành một ván bài thương lượng trong cuộc chiến rộng lớn hơn đó. Các quan chức Anh có thể đã lo sợ rằng họ có thể loại trừ Huawei và chọc giận Trung Quốc, chỉ để thấy Tổng thống Mỹ đạt thỏa thuận với Bắc Kinh và khiến họ bị cô lập.

Một số quan chức Anh cảnh báo rằng điều này bỏ qua thực tế là mối quan tâm về công ty Huawei ở Washington sâu sắc hơn nhiều. Các quan chức an ninh quốc gia tại Washington đang ngày càng tập trung vào thách thức công nghệ từ Trung Quốc.

Hoa Kỳ đã có một đường lối cứng rắn vì họ biết quyết định của Anh có ý nghĩa toàn cầu.

Hiện giờ, nhiều quốc gia khác cũng đang có các cuộc tranh luận tương tự. Giống như Anh, họ muốn sử dụng Huawei vì giá rẻ nhưng sợ rủi ro bảo mật và cơn thịnh nộ của Mỹ.

Nếu Vương quốc Anh chấp thuận sử dụng Huawei, nhiều quốc gia trong số này có thể dùng điều đó làm cái cớ để học theo. Tuy nhiên, rất ít quốc gia khác có được kinh nghiệm kỹ thuật giám sát Huawei như những gì Vương quốc Anh đã xây dựng.

Viễn cảnh toàn cầu chạm đến một trong những rủi ro dài hạn rộng lớn hơn.

Một số người đặt vấn đề vì sao mà chúng ta đã phải ở vào vị trí cần phải cân nhắc việc sử dụng công nghệ của Trung Quốc.

Câu trả lời là bởi vì các nước phương Tây đã không nghĩ đến chiến lược bảo vệ hoặc nuôi dưỡng ngành công nghiệp viễn thông của riêng họ trong hai thập niên qua.

Nhiều công ty đã phá sản hoặc bị thâu tóm. Trong khi đó, Bắc Kinh theo đuổi chiến lược tập trung dài hạn để trở thành nước dẫn đầu về công nghệ.

Jeremy Hunt
Jack Taylor
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt đã từng bày tỏ quan ngại về việc phụ thuộc vào Huawei

Sự chấp thuận Huawei ở Anh và có thể là ở những nước khác về sau này, sẽ có khả năng thúc đẩy sự tăng trưởng của Huawei và những rủi ro của sự phụ thuộc vào công ty này.

Nguy cơ của việc Huawei trở thành một công ty thống trị được cựu Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt bày tỏ.

"Vấn đề là điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta gặp phải tình huống thực sự không có công ty phương Tây nào có thể cạnh tranh nổi với Huawei trong tương lai", ông nói với BBC.

"Dù muốn hay không, trong một thập niên, mọi người sẽ nhìn lại và nói," chúng ta có thực sự khôn ngoan khi đưa ra quyết định này vào năm 2020, dẫn đến sự phụ thuộc này?"

Hoa Kỳ đang nói về việc xây dựng tiềm năng lớn hơn của phương Tây trong lĩnh vực này, nhưng vẫn chưa rõ điều này được thực hiện như thế nào hoặc sẽ mất bao lâu để đạt được. Và có rất nhiều cuộc nói chuyện ở Washington về việc mất 5G nhưng đảm bảo không mất 6G.

Công ty Huawei luôn khẳng định rằng, họ không phải là một nhánh của nhà nước Trung Quốc và sẽ không thay mặt Bắc Kinh làm gián điệp.

Nhưng Huawei càng chiếm được ưu thế trong những năm tới, thì càng khó rút công ty này khỏi mạng lưới nếu phát hiện ra nó làm điều gì đó sai.

Vì vậy, quyết định hôm thứ Ba tới đây phải đạt được sự cân bằng giữa các rủi ro dài hạn quan trọng nhưng khó định lượng với chi phí kinh tế ngắn hạn.

Các quyết định trong quá khứ đã thu hẹp các lựa chọn của Vương quốc Anh.

Và điều này có thể bị lập lại thêm lần nữa.