Bất chấp yêu cầu của CIJ, Miến Điện khẳng định không có nạn diệt chủng người Rohingya (Thuỳ Dương)

Thất bại của bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ khi họ dần đánh mất sự ủng hộ quốc tế trong vấn đề người Rohingya.

24/01/2020 - 12:14
Chánh án Toàn Án Công Lý Quốc Tế, Abdulqawi Ahmed Yusuf (G), thông báo quyết định của Tòa, La Haye, ngày 23/01/2020
Chánh án Toàn Án Công Lý Quốc Tế, Abdulqawi Ahmed Yusuf (G), thông báo quyết định của Tòa, La Haye, ngày 23/01/2020 Robin VAN LONKHUIJSEN / ANP / AFP

“Không có nạn diệt chủng”. Đây là lời đáp của Miến Điện đối với Tòa Án Công Lý Quốc Tế. Trước khả năng xẩy ra nạn diệt chủng, định chế tài phán cao nhất của Liên Hiệp Quốc hôm qua 23/01/2020 đã yêu cầu chính phủ Miến Điện bảo vệ người Hồi Giáo thiểu số Rohingya.

Từ Rangun, thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou giải thích :

« Miến Điện ghi nhận quyết định của Tòa Án Công Lý Quốc Tế nhưng tái khẳng định là không có nạn diệt chủng. Đây là tiêu đề thông cáo được bộ Ngoại Giao Miến Điện phát đi. Trong tài liệu này, Miến Điện nhắc lại những kết luận của Ủy ban điều tra riêng của nước này, một ủy ban bị chỉ trích là thiếu tính độc lập. Ủy ban điều tra của Miến Điện kết luận có thể xẩy ra các tội ác chiến tranh, nhưng không có nạn diệt chủng, và các tội ác này sẽ do tư pháp Miến Điện xử.

Như vậy là quan điểm của chính phủ Miến Điện vẫn không thay đổi. Họ không nói có tuân theo các yêu cầu của Tòa Án Công Lý Quốc Tế hay không, chẳng hạn về việc trong vòng 4 tháng nữa phải đưa ra một báo cáo liên quan tới các biện pháp cụ thể để bảo vệ người Rohingya. Thế nhưng, trong một bài viết đăng trên báo Financial Times vài giờ trước đó, đích thân lãnh đạo Aung San Suu Kyi đã chỉ trích định chế tư pháp quốc tế và nói thêm là nhiều người Rohingya tị nạn có thể đã nói quá lên.

Mặc dù quyết định của Tòa tạo thêm sức ép quốc tế đối với chính phủ Miến Điện, nhưng nước này vẫn có những sự ủng hộ quan trọng, chẳng hạn của Trung Quốc. Và ngay trong nước, chỉ có ít người lên tiếng bảo vệ cộng đồng Hồi Giáo thiểu số Rohingya, bất chấp thực tế hiếm thấy là khoảng một trăm tổ chức xã hội dân sự của Miến Điện đã ủng hộ quyết định của Tòa Án Công Lý Quốc Tế. »