Châu Âu, mặt trận thương mại mới giúp Trump tạo thêm thế mạnh tái tranh cử (Thu Hằng)

Châu Âu là đối tượng tiếp theo mà Donald Trump gây sự, rất có thể, đây là mớ bòng bong mới chứ không đơn giản như Trump nghĩ.

24/01/2020 - 14:55
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, ngày 22/01/2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, ngày 22/01/2020. EUTERS/Jonathan Ernst

Thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc về thương mại, dù chỉ là hưu chiến, đã tạo đà cho tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển hướng tấn công Liên Hiệp Châu Âu. Một thỏa thuận với Bruxelles càng giúp chủ nhân Nhà Trắng củng cố vị thế để tranh cử nhiệm kỳ thứ 2.

Trump cáo buộc Liên Hiệp Châu Âu thủ lợi từ Mỹ

Liên Hiệp Châu Âu bị tổng thống Mỹ cáo buộc « thủ lợi quá nhiều từ đất nước chúng ta (Mỹ) trong nhiều năm nay ». Cụ thể, năm 2018, Mỹ nhập siêu 138 tỉ euro từ Liên Hiệp Châu Âu. Một điểm khác khiến chủ nhân Nhà Trắng bất bình là Mỹ đánh thuế ô tô nhập khẩu từ châu Âu là 2,5%, trong khi xe hơi Mỹ nhập khẩu bị Bruxelles áp mức thuế 10%.

Ngay mùa xuân 2018, Washington đã áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm của Liên Hiệp Châu Âu. Bruxelles đáp trả bằng cách tăng thuế nhiều mặt hàng tiêu dùng Mỹ, từ nước cam đến bơ lạc, đồng thời khiếu nại lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO/OMC). Về ô tô nhập từ châu Âu, đã ít nhất hai lần tổng thống Trump dọa tăng mức thuế này.

Giai đoạn tạm hoãn leo thang với Bruxelles từ ngày 25/07/2018 là thời gian để tổng thống Trump tập trung giải quyết hồ sơ thương mại với Trung Quốc, vì ông « không muốn xử lý Trung Quốc và châu Âu cùng lúc ». Tạm rảnh tay, tổng thống Trump thẳng thừng dọa Bruxelles : « Nếu không thể đúc kết được (thỏa thuận), chúng tôi sẽ phải áp mức thuế 25% đối với xe hơi », khi ông trả lời phỏng vấn đài Fox Business Network bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (Thụy Sĩ) ngày 22/01/2020.

Thỏa thuận trong tầm tay ?

Tổng thống Mỹ tỏ ra lạc quan « đã có trong đầu về ngày tháng và ngày đó sắp đến gần » để đạt được một thỏa thuận. Theo giới chuyên gia, đó phải là ngày trước kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020.

Tuy nhiên, ông Donald Trump không nêu rõ thỏa thuận nào. Vì trên thực tế, vào tháng 07/2018, Washington và Bruxelles thống nhất đàm phán hai thỏa thuận : Thứ nhất, công nhận các tổ chức cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn của nhau để giúp các nhà công nghiệp xuất khẩu dễ dàng hơn ; thỏa thuận thứ hai liên quan đến thuế quan đối với hải sản và sản phẩm công nghiệp.

Theo báo Le Monde, hiện mới chỉ có các cuộc thảo luận về mặt kỹ thuật đối với hồ sơ thứ nhất, được bắt đầu từ mùa Thu 2019. Một quan chức của Ủy Ban Châu Âu cho rằng « thỏa thuận về thuế quan trong lĩnh vực công nghiệp có thể nhanh chóng được ký kết, vì không bao gồm bất kỳ vấn đề nào liên quan đến vệ sinh, sở hữu trí tuệ hoặc các chỉ dẫn về nguồn gốc ».

Nếu chỉ cần một thỏa thuận như vậy để phục vụ tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2, ông Donald Trump có thể sẽ đạt được, vì đích thân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết có thể sẽ nhanh chóng đạt được một thỏa thuận với Mỹ vì « 90% công việc đã được hoàn thiện » « sẽ có nhiều cuộc họp sẽ được tổ chức trong những tuần sắp tới ».

Tuy nhiên, tổng thống Trump muốn đưa vào đàm phán vấn đề nhập khẩu nông phẩm Mỹ, vì nông dân Mỹ là một bộ phận cử tri đông đảo của ông. Nguyên thủ Mỹ đã thành công khi buộc Trung Quốc cam kết mua thêm hơn 200 tỉ đô la hàng hóa và dịch vụ, trong đó có 32 tỉ đô la nông phẩm của Mỹ. Tuy nhiên, nông nghiệp lại « là lằn ranh đỏ đối với Liên Hiệp Châu Âu ». Bruxelles có những tiêu chuẩn và quy định riêng về nông nghiệp, được cho là chặt chẽ hơn so với Hoa Kỳ. Thêm vào đó, phái đoàn đàm phán châu Âu hiện nay không được ủy quyền về vấn đề này.

Khó khăn đối với châu Âu, theo cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Châu Âu Anthony Gardner khi trả lời trang L’Echo của Bỉ (18/01/2020), là tổng thống Donald Trump « cư xử với Liên Hiệp Châu Âu như là một kẻ thù chứ không phải là một đối tác mà Hoa Kỳ có thể theo đuổi nhiều mục tiêu chung ».

Sau thỏa thuận thương mại ACEUM với Canada và Mêhicô, tiếp theo là với Trung Quốc, thì một thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu được cho là sẽ củng cố thêm thành tựu kinh tế của đương kim chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng ngược lại, nếu không đạt được trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump vẫn thể hiện rằng ông giữ lời hứa thực hiện tái cân bằng cán cân thương mại cho Hoa Kỳ.