Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc bác bỏ khiếu nại của ''các phụ nữ giải sầu'' (Trọng Thành)

Những tội ác của chế độ quốc xã Đức trong thế chiến thứ hai với các dân tộc khác  lớn hơn chế độ quân phiệt Nhật. Nhưng người Đức đã giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, còn người Nhật vẫn chưa thể trút bỏ được gánh nặng quá khứ.

Đây có lẽ là vấn đề văn hóa, người phương Tây thẳng thắn hơn, can đảm hơn với quá khứ nên dễ dàng vượt qua trở ngại quá khứ.

Những di sản về "gái giải sầu" vẫn đè nặng quan hệ hai cường quốc dân chủ ở đông Á.


28/12/2019 - 13:54
Hàn Quốc : Bức tượng tượng trưng cho "Phụ nữ giải sầu" thời Thế chiến II, trước đại sứ quán Nhật tại Seoul. Ảnh chụp ngày 28/12/2015.
Hàn Quốc : Bức tượng tượng trưng cho "Phụ nữ giải sầu" thời Thế chiến II, trước đại sứ quán Nhật tại Seoul. Ảnh chụp ngày 28/12/2015. REUTERS/Ahn Eun-na/News1

Hôm qua, 27/12/2019, Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc ra phán quyết bác bỏ khiếu nại của các nạn nhân tình dục của quân đội đế quốc Nhật trong Thế Chiến Hai. Những người khiếu nại đã yêu cầu Tòa bãi bỏ thỏa thuận 2015 Hàn - Nhật.

Theo bên khiếu nại, chính phủ của bà Park Geun-hye đã không tham khảo ý kiến của các nạn nhân trước khi ký kết thỏa thuận này. Trong cuộc hội đàm ba bên Hàn – Nhật – Trung, hôm thứ Ba, 24/12, tại Trung Quốc, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhiều lần lên án thỏa thuận 2015 là ''bất công''.

Thông tín viên Louis Palliagiano tường trình từ Seoul :

''Sau gần 4 năm xem xét, Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc cuối cùng đã ra quyết định : Thỏa thuận năm 2015 giữa chính quyền của bà Park Guen-Hye, tổng thống Hàn Quốc vào thời điểm đó, và chính phủ Nhật, để giải quyết ''một cách dứt khoát và không thể đảo ngược'' vấn đề ''các phụ nữ giải sầu'', là mang tính ''chính trị''. Và như vậy không mang tính bắt buộc về mặt pháp lý.

Toàn bộ các thẩm phán đã nhất trí đưa ra phán quyết này, để đáp lại một khiếu nại do 29 nạn nhân của nạn nô lệ tình dục của quân đội Nhật thời chiến tranh, cùng 12 thân nhân. Những người khiếu nại coi thỏa thuận 2015 vi phạm các quyền căn bản của ''các phụ nữ giải sầu''. Họ yêu cầu Tokyo phải có những lời xin lỗi chân thành và phải chịu trách nhiệm pháp lý về các tội ác này.

Thỏa ước ký vào tháng 12/2015 dự kiến lập ra một quỹ hổ trợ các nạn nhân hiện còn sống. Tokyo đóng góp 1 tỉ yen, tương đương 8 triệu euro. Tuy nhiên, chính quyền của tổng thống Moon Jae-in, theo quan điểm tự do, khẳng định thỏa thuận này là ''sai lầm nghiêm trọng'' và ra lệnh giải thể quỹ nói trên vào năm ngoái. Nhật Bản phản đối, khẳng định đây là một hành động vi phạm thỏa thuận.

Ước tính, đã có đến 200 .000 phụ nữ, đa số là người Triều Tiên, bị buộc phải làm việc trong các nhà thổ của quân đội để phục vụ binh sĩ Nhật Hoàng trong thời gian Thế Chiến Hai. Hiện chỉ còn 20 phụ nữ Triều Tiên trong số các nạn nhân là còn sống''.

Phán quyết của Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc rất được trông đợi, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao Hàn – Nhật đang đặc biệt căng thẳng kể từ mùa hè đến nay. Việc đền bù cho các nạn nhân Hàn Quốc trong thời gian Triều Tiên bị Nhật Bản đô hộ, đặc biệt là các phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục, thường được gọi bằng uyển ngữ ''phụ nữ giải sầu'', vẫn luôn là chủ đề nhức nhối trong quan hệ song phương.

Tháng 7/2017, Seoul quyết định xây dựng một bảo tàng ở trung tâm thủ đô Hàn Quốc để tưởng niệm hàng trăm ngàn phụ nữ, từng là nạn nhân tình dục của quân đội Nhật Bản thời đế quốc. Theo bộ trưởng bộ Bình Đẳng Giới Hàn Quốc, mục đích là xây dựng một bảo tàng, một ''một điểm hành hương'', để tưởng nhớ và nhắc nhở về những vi phạm nhân quyền trong chiến tranh.