Thủy điện thiếu nước, cán bộ trục lợi (RFA Tiếng Việt)

Tình trạng thiếu điện của Việt Nam trong thời gian tới chắc chắn sẽ rất trầm trọng, điều này có thể khiến Việt Nam mất cơ hội lớn khi mà nhà đầu tư rời bỏ thị trường Trung Quốc vì môi trường kinh doanh ở đây ngày càng khó khăn sẽ không chọn Việt Nam vì nguồn cung điện không đảm bảo.

Ngành điện Việt Nam do các công ty nhà nước quản lý, bộ máy lãnh đạo của những công ty này hầu như chẳng làm gì cả ngoài đục khoét, tham nhũng và quanh năm kêu lỗ, đòi tăng giá điện.

Ở Việt Nam, những khó khăn của đất nước (có khi do chính chế độ tạo ra) thường trở thành cơ hội lớn cho các quan chức cộng sản đục khoét thêm. Thiếu điện cũng là một cơ hội như vậy cho các đảng viên lãnh đạo.

Thủy điện Sơn La của Việt Nam
Thủy điện Sơn La của Việt Nam. AFP

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tính đến ngày 16/12, tổng lượng nước trong các hồ thủy điện trên toàn quốc đang bị thiếu hụt khoảng 11 tỷ m3, chiếm khoảng 1/3 lượng khi mức nước các hồ dâng bình thường.

Truyền thông trong nước loan tin hôm 18/12 cho biết với lượng nước thủy điện là khoảng 24 tỷ m3 hiện có, EVN quy ra lượng điện có thể sản xuất là khoảng 10 tỷ kWH và lượng thiếu hụt là gần 5 tỷ kWh.

Số liệu của EVN cho thấy lượng điện do các hồ thủy điện miền Bắc có thể sản xuất đang thiếu hụt khoảng 3,2 tỷ kWh, miền Trung hụt hơn 1,2 tỷ kWh và miền Nam là 0,45 tỷ kWh.

Nguyên nhân của tình trạng này được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia nói vì ảnh hưởng biến đổi khí hậu dù lưu vực có hồ thủy điện trên cả nước đã chuyển sang vận hành mùa khô. Theo đó, cùng với sự thiếu hụt nguồn nước trong mùa lũ, tuần suất nước về các hồ chứa vẫn tiếp tục yếu kém.

EVN nói đã huy động sản xuất điện từ các nguồn điện than, khí ngay trong mùa lũ, khai thác cao nguồn điện chạy dầu,… để tích lũy nước các hồ thủy điện nhưng việc tích nước lên mức bình thường là không thể đạt được.

Cũng liên quan đến tình trạng thiếu hụt nước thủy điện, một số cán bộ đã lợi dụng để trục lợi và bị đưa ra xét xử thời gian qua.

Mạng báo Pháp luật ngày 18 tháng 12 loan tin hôm 6/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiến hành xét xử sơ thẩm và tuyên ông Đỗ Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Giám đốc Công ty Khai thác công trình Thủy lợi Nam Khánh Hòa, 17 năm tù và 10 cán bộ liên quan từ 2 năm đến 16 năm tù giam vì tội danh ‘tham ô tài sản’.

Theo cáo trạng, trong hai năm 2014, 2015, các bị cáo đã lợi dụng chủ trương bổ sung kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán, phục vụ tưới tiêu thủy lợi chống hạn để lập các hồ sơ khống nhằm chiếm ngân sách Nhà nước.

Các cán bộ của công ty Nam Khánh Hòa bị xác định thông đồng, ký khống các biên bản nghiệm thu, quyết toán các công trình thủy lợi để chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng tiền ngân sách.