Việt – Trung: Chiến tranh hay chiến tranh chính trị? (An Hải)

Theo logic thông thường thì Trung Quốc không có lý do gì phải dùng biện pháp quân sự ( nhất là trên bộ ) với Việt Nam. Bởi cái giá mà Trung Quốc phải trả rất lớn, vì Trung Quốc đã là một phần quan trọng trong chuổi cung toàn cầu nên kinh tế Trung Quốc sẽ rất nhạy cảm với xung đột quân sự. Việt Nam cũng là thị trường xuất siêu hàng chục tỉ usd mỗi năm của Trung Quốc, nên việc tấn công Việt Nam có nghĩa là chấp nhận thiệt hại rất lớn. Đó là chưa kể phản ứng của thế giới trước hành động quân sự của Trung Quốc. Nhưng cả Việt Nam và Trung Quốc đều là những chính thể độc tài toàn trị nên chúng ta cũng cần cảnh giác. Lịch sữ cho thấy, các chế độ độc tài có thể có những hành động điên rồ khó lường.

Theo chúng tôi thì khả năng là thời gian tới, cuộc chiến sẽ xảy ra chỉ là cuộc chiến chính trị giữa đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản Trung Quốc khi Việt Nam đang có xu hướng xích lại gần Hoa Kỳ hơn.

Xe chở phi đạn xuyên lục địa DF-5B của Trung Quốc tại lễ diễn hành ngày 01/10/2019 tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, nhân dịp kỷ niệm 70 ngày Quốc khánh Trung Quốc.

Một học giả Úc theo dõi tình hình Trung – Việt nói với VOA rằng Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự, bao gồm các doanh trại, nhà kho, và cả bệ phóng phi đạn gần biên giới với Việt Nam; điều mà ông cho là Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc xâm lược. Tuy nhiên, các chuyên gia khác bác bỏ nhận định ấy, nói rằng nếu có xung đột thì có lẽ là “bờ vực chiến tranh chính trị”, hoặc đối đầu trên biển.

Nhà khoa học Úc, David Archibald, thuộc Viện Chính trị Thế giới (The Institute of World Politics), dựa vào hình ảnh vệ tinh Planet Labs ở tỉnh Quảng Tây ở 24° 24 vĩ độ Bắc; 106° 42’ kinh độ Đông mà ông quan sát được, nói rằng:

“Bởi vì khá rõ từ những gì mà họ đã xây dựng ở phía bên kia biên giới. Một cơ sở rộng 50 hecta này cách biên giới Việt Nam chỉ có 10 km mà dường như không có chức năng nào khác ngoài ngoài mục đích là căn cứ quân sự nơi binh sĩ có thể được huy động vào ban đêm và đồn trú ở đó vài ngày trước cuộc tấn công mà không có bất cứ ai có thể phát hiện ra họ.”

Bản đồ thị trấn Sùng Tả, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (màu xanh dương) và khu vực biên giới Trung - Việt. Photo mapnall.
Bản đồ thị trấn Sùng Tả, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (màu xanh dương) và khu vực biên giới Trung - Việt. Photo mapnall.

“Và chỉ cách đó 1,5km, có một số tòa nhà có mái màu xanh trông giống như chúng được thiết kế để chứa tên lửa đạn đạo tầm trung mà những tên lửa này có thể được di chuyển ra bên ngoài và sử dụng để bắn vào Việt Nam khi họ mở cuộc tấn công,” ông Archibald cho biết thêm.

Tuy nhiên, đây chỉ là “tập quán phổ biến đối với các quốc gia có khu vực biên giới đang tranh chấp,” theo nhận định của Derek Grossman, nhà phân tích chính sách thuộc tập đoàn Rand Corporation của Mỹ. Hay theo nhận định tương tự của Bill Hayton, chuyên gia Anh, tác giả cuốn Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á (2014): “Tất cả các quốc gia đều xây dựng cơ sở hạ tầng để bảo vệ biên giới của họ.”

Được hỏi vì sao giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn mở một cuộc xâm lược như thế, ông Archibald lý giải, là để “dùng lãnh thổ đổi biển đảo.”

“Bởi vì Trung Quốc muốn chiếm toàn bộ Biển Đông. Và hiện tại Việt Nam có 17 căn cứ ở Biển Đông mà Việt Nam không tự nguyện từ bỏ.”

Dùng lãnh thổ đổi biển đào, Archibald nhận định, là một “dàn xếp ôn hòa”, theo cách nhìn của Bắc Kinh.

Nhận định về các quan điểm của học giả Archibald, ông Greg Polling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở thủ đô Washington, nói với VOA: “Quan điểm của ông ấy không được các chuyên gia về Trung Quốc hay Việt Nam đồng tình.”

Một lý do khác, vẫn theo Archibald, là để tạo cơ hội cho Trung Quốc “luyện tập sử dụng bộ binh và sử dụng các cơ sở quân sự vì họ không có kinh nghiệm chiến trường kể từ khi tấn công Việt Nam lần cuối vào những năm của thập niên 80.”


Bài phân tích của David Archibald, được dịch giả Phạm Nguyên Tường dịch sang tiếng Việt, mô tả những gì ông quan sát Bắc Kinh đang chuẩn bị tại khu vực giáp biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Tây.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế quan sát tình hình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Biển Đông đưa ra những ý kiến khác nhau về nhận định của ông David Archibald; phần lớn không cùng nhận định “chiến tranh” như Archibald.

Derek Grossman, từ Rand Corporation của Mỹ, cho VOA biết ông ghi nhận “sự cải tiến cơ sở hạ tầng quân sự rõ rệt” ở khu vực mà ông Archibald đề cập; nhưng cũng nói đó là việc thường xảy ra ở khu vực biên giới tranh chấp; và “tập quán này, tự bản thân nó, không cấu thành nên điều gì cả nếu không có bằng chứng thực tế về ý định của Trung Quốc nhằm tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ.”

Ông Grossman kết luận: “Theo như tôi biết, không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc có kế hoạch xâm chiếm Việt Nam tại biên giới trên đất liền.”
Từ Anh, chuyên gia Bill Hayton nói với VOA: “Việt Nam và Trung Quốc có khả năng đi tới bờ vực chiến tranh về chính trị (political brinkmanship) trong những năm tới và cả hai bên đều phải chứng tỏ cho bên kia thấy rằng họ có khả năng leo thang và giành chiến thắng trong một cuộc xung đột.”

“Bất kỳ công trình xây dựng căn cứ quân sự mới nào cũng có khả năng là một phần của chiến lược răn đe chính trị-quân sự hơn là một phần của kế hoạch xâm lược cụ thể,” ông Hayton nhấn mạnh.
Chuyên gia Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc Qũy Nghiên cứu Biển Đông, nói rằng ông “không tin Trung Quốc có thể tấn công xâm lược Việt Nam trong thời gian này.”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam ngày 12/11/2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam ngày 12/11/2017.

Ông Hoàng Việt nêu ba lý do: “Thứ Nhất, nếu tấn công trên bộ thì Việt Nam có nhiều lợi thế và kinh nghiệm để phòng thủ và bảo vệ trên đất nước của mình, nên Trung Quốc chưa chắc đã đạt được ý đồ. Trận chiến năm 1979 đã cho thấy điều đó. Thứ Hai, Tấn công Việt Nam lúc này bất lợi cho Trung Quốc cả trên chiến trường lẫn uy tín trên trường quốc tế. Coi như thành quả ngoại giao của Trung Quốc sẽ bị phá hủy. Thứ Ba, Trung Quốc chỉ muốn đe dọa để đạt được mục đích mà không cần phải sử dụng chiến tranh, tam chủng chiến pháp.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nhận định với VOA Việt Ngữ: “Giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã kế thừa quyền bá chủ của người Hán và đã biến nó thành một mô hình bá quyền rất phức tạp. Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý định và kế hoạch xâm lược Việt Nam.”

“Tuy nhiên, bài báo [của ông Archibald] mà quý vị gửi cho tôi không chứa đựng bất kỳ sự lo lắng nào đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội, bởi vì chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập khu vực (AA/AD) của Hà Nội có thể ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc và vô hiệu hóa tất cả các cuộc tấn công bằng cách răn đe,” Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết.