Kỹ sư ở Silicon Valley gửi thư ngỏ về 'lạm thu' ở một số sứ quán Việt Nam! (BBC Tiếng Việt)

Quan chức cộng sản dù đã sang các nước văn minh làm việc, nhưng vẫn không quên mang theo thói nhũng nhiễu, ăn cắp. Điều đáng buồn là hầu hết Việt kiều im lặng chấp nhận hành vi này, số người lên tiếng tố cáo như kĩ sư Dương Ngọc Thái rất ít.
Một tòa nhà của Google tại Silicon Valley, California, nơi Kỹ sư Dương Ngọc Thái đang làm việc
Getty Images
Một tòa nhà của Google tại Silicon Valley, California, nơi Kỹ sư Dương Ngọc Thái đang làm việc

Một kỹ sư Việt sống và làm việc ở Silicon Valley, hơn 10 năm tuần trước gửi một bức thư ngỏ cho chính phủ Việt Nam về tình trạng lạm thu phí và thiếu minh bạch tại một số sứ quán và lãnh sự quán ở nước ngoài.

Trong bức thư gửi ngày 12/11, kỹ sư phần mềm Dương Ngọc Thái nói về những 'bức xúc và uất ức' của người Việt ở hải ngoại trước cái mà ông cho là tham nhũng và sách nhiễu người dân ở một số sứ quán và lãnh sự quán Việt Nam.

Gửi thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, kỹ sư Thái cũng đưa ra ba giải pháp cho chính phủ mà theo ông là cần làm trước tiên.


Kỹ sư Thái cũng nhắc đến Báo cáo Minh bạch Sứ quán 2019 mà nhóm của ông thực hiện, và đăng trong bức thư một tấm nhiệt đồ, trong đó các sứ quán/lãnh sự quán Việt Nam trên thế giới được tô màu từ hồng đến đỏ, với màu càng đậm chỉ mức lạm thu càng cao.

BBC đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam về bức thư ngỏ này, nhưng đến 18/11 chưa nhận được phản hồi.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn với Kỹ sư Dương Ngọc Thái được BBC thực hiện ngày 14/11.

Duong Ngoc Thai
Duong Ngoc Thai
Bức thư ngỏ gửi các lãnh đạo cấp cao Việt Nam của kỹ sư Dương Ngọc Thái được đăng trên blog cá nhân và trang Tôi và Sứ quán

BBC: Xin kỹ sư cho biết vì sao anh lại viết bức thư ngỏ này?

KS Dương Ngọc Thái: Tôi sống ở khu vực San Francisco cũng được gần 10 năm. Các anh chị em ở đây đa phần là du học sinh. Chúng tôi có công ăn việc làm ở đây, định cư ở đây. Mọi người cũng thường xuyên có các mối quan hệ và các chuyến về Việt Nam, phải làm giấy tờ thủ tục như hộ chiếu, giấy miễn thị thực hay giấy khai sinh cho mấy đứa con nít.

Từ năm 2012, bắt đầu trên nhóm của tôi mọi người có thảo luận về cái chuyện này làm giấy tờ này. Mỗi lần làm giấy tờ, mọi người lại nói thứ nhất là giá cả không có rõ ràng, mỗi lần gọi điện thoại lên lãnh sự quán là một cái giá khác nhau. Giá làm giấy tờ mà nó giống như giá thị trường chứng khoán vậy, lên xuống bất chợt theo cảm xúc của nhân viên lãnh sự.

Thứ hai, đa số mọi người nói nếu cái chi phí làm hộ chiếu, ví dụ 70 USD, mà là thấp quá thì nhà nước nhà nước có thể tăng lên miễn sao là làm cho nó hợp lý đàng hoàng và cái thái độ phải rõ ràng minh bạch.

Cái chính vẫn là mọi thứ vẫn mù mờ và mỗi lần làm giấy tờ là mỗi lần hồi hộp lo âu. Nộp hồ sơ đi không biết là nó sẽ như thế nào rồi nhận được điện thoại của họ là mình phải chuẩn bị tâm thế là phải đối phó với họ.

Mình đến bao nhiêu sứ quán, lãnh sự quán của các nước không gặp vấn đề gì hết, nhưng cứ đến [sứ quán/lãnh sự quán] Việt Nam là gặp vấn đề.

Sau đó tôi mới tìm hiểu thì thấy việc này đã diễn ra rất là lâu rồi. Nhiều người có tâm huyết đã có kiến nghị nhưng mãi bao lâu vẫn không giải quyết được.

Nên tôi thấy nếu mình phụ giúp cho mọi người được một tay thì mình làm. Đó là lý do tôi làm dự án Tôi và Sứ quán và tôi viết cái thư ngỏ.

BBC: Thường những người nào gặp khó khăn hay có bức xúc thì mới hay lên các diễn đàn để lên tiếng. Còn những người có những trải nghiệm tốt hay không gặp vấn đề gì thì họ lại không lên tiếng. Vậy nếu như anh làm một báo cáo, như Báo cáo Minh bạch Sứ quán 2019, mà chỉ dựa trên ý kiến của những người này như vậy thì có công bằng không?

KS Dương Ngọc Thái: Đó cũng là chỗ mà tôi rất chú ý tới khi làm cái báo cáo. Báo cáo Minh bạch Sứ quán hiện giờ tập trung vào chuyện than phiền của người dân. Đúng như chị nói là chỉ có những người muốn than phiền thì họ mới viết bài gửi than phiền. Còn những người có thể là họ không có than phiền thì họ sẽ không nói gì hết.

Đó là lý do mà tôi không có đưa ra kết luận gì về chuyện là trên phạm vi toàn thế giới này có bao nhiêu người than phiền vì cái dữ liệu của mình là nó không có được rõ ràng.

San Francisco là nơi có nhiều người Việt và người Mỹ gốc Việt sinh sống
Getty Images
San Francisco là nơi có nhiều người Việt và người Mỹ gốc Việt sinh sống

Sau khi tôi đưa báo cáo lên thì tôi mới nhận được một cái bảng ghi cứu rất là bài bản mà khoa học của nhóm Tôi và sứ quán. Năm 2016 họ làm một khảo sát ngẫu nhiên cho khoảng 1000 người trong đó họ đánh giá tất cả toàn diện tất cả các vấn đề liên quan đến Sứ quán. Không chỉ là chuyện lạm thu mà cả thời gian phục vụ, thái độ phục vụ, tất cả các vấn đề. Đó là một cái báo cáo rất là khoa học, rất là bài bản. Khi tôi đọc thì tôi thấy thứ nhất họ không bị vấn đề này vì cách họ thu thập dữ liệu là đúng với lại cách làm khảo sát, có nghĩa là mình thu thập dữ liệu ngẫu nhiên và dữ liệu không có định kiến trong đó.

Kết luận đầu tiên của họ cho thấy là 75% số người thực hiện khảo sát này nói họ bị lạm thu, và số tiền lạm thu trung bình là 60 đô la Mỹ. Tôi rất là ngạc nhiên vì trong báo cáo của tôi, khi tôi tính số tiền lạm thu dựa trên phản hồi của người dân trên Tôi và Sứ quán trên tổng số người than phiền thì tôi cũng ra được con số 60 đô la Mỹ này.

Có thể đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng nó cho thấy cái dữ liệu mình thấy cũng tượng trưng được chuyện lạm thu ở sứ quán.

Dĩ nhiên hiện giờ số lượng những người làm việc trên sứ quán có than phiền so với những người cảm thấy vui vẻ, không có vấn đề gì hết là con số gì mà mình không biết được. Thì sắp tới kế hoạch của tôi là sẽ làm lại một khảo sát dựa trên phương pháp mà bên Tôi và Sứ quán đã định ra từ 2016. Lúc đó mình sẽ có một cái nhìn chính xác và khoa học về vấn đề này.

BBC:Anh đã nhận được phản hồi nào cho bức thư ngỏ của mình chưa?

KS Dương Ngọc Thái: Cho tới giờ thì tôi chưa nhận được phản hồi nào. Một vài người trong dự án của tôi cũng có mặt ở Quốc hội thì họ có nói là họ có gặp và trao đổi bên lề Quốc hội với Bộ trưởng Phạm Bình Minh. Ông Phạm Bình Minh nói rằng ông sẽ xem, nhưng mà ông cũng nói là trên trang Tôi và Sứ quán có rất nhiều thông tin không chính xác. Đó là cái phản hồi duy nhất mà tôi nhận được cho đến thời điểm này.

Quang cảnh một góc San Francisco nhìn từ trên cao
Getty Images
Quang cảnh một góc thành phố San Francisco nhìn từ trên cao

BBC:Nếu những điều anh nói trong thư ngỏ, như lạm thu hay thái độ phục vụ không tốt của nhân viên sứ quán/lãnh sự quán, là có thật thì theo anh chính phủ Việt Nam nên làm gì để khắc phục?

KS Dương Ngọc Thái: Thực ra trong thư tôi cũng có đến những vấn đề mà chính phủ nên làm ngay. Thứ nhất là chuyện phải có hóa đơn rõ ràng. Nếu mà chị coi cái báo cáo của tôi thì có một phần nữa là tôi có một cái triển lãm mấy cái biên lai mà sứ quán cung cấp cho người dân. Đó là cái làm tăng tính minh bạch của chính phủ về thủ tục cho sứ quán. Nếu mình làm đàng hoàng tại sao mình không cấp biên lai đàng hoàng?

Nếu chính phủ không tin vào bản báo cáo [của tôi] thì chính phủ có thể tạo ra một cách để mình kiểm tra lẫn nhau bằng cách yêu cầu sứ quán phải cung cấp biên lai rõ ràng. Mà thực ra trong luật đã có Thông tư 264 của Bộ tài chính quy định về phí và lệ phí lãnh sự, trong đó có ghi rất rõ là lãnh sự phải cung cấp biên lai và có sẵn mẫu biên lai luôn.

Chuyện thứ hai là cung cấp cái bảng phí bảng lệ phí và phí trên website của các sứ quán. Trong báo cáo của tôi có một phần là phần đánh giá xếp hạng các sứ quán. Cái chuyện này là chuyện rất dễ kiểm tra.

Hiện giờ là trong báo cáo của tôi cho thấy đây là đa số sứ quán không có bảng phí phí và lệ phí. Thậm chí là có rất nhiều sứ quán website đàng hoàng cập nhật liên tục đầy đủ thủ tục chỉ thiếu mỗi phần phí và lệ phí, mặc dù các website này có cấu trúc giống hệt nhau. Tại sao chính phủ không kiểm tra chuyện này? Bây giờ đã có một cái đánh giá như vậy nhìn vô đánh giá là biết ngay là chỗ nào làm đàng hoàng chỗ nào làm không đàng hoàng.

Cái thứ ba mà tôi yêu cầu là khi nhân viên làm việc với người dân hay khách đến sứ quán thì phải có bảng tên và chức vụ và phải xưng tên và chức vụ để người ta biết mình đang làm việc với ai. Tại vì bây giờ chính phủ nói lạm thu là chuyện của cá nhân sứ quán họ làm sai. Vậy thì phải biết tên và chức vụ thì mới biết là ai làm sai.

Họ đóng dấu ký tên mà chữ ký còn thua chữ ký bác sỹ nữa nên mình không biết mình làm việc với ai.

Ba yêu cầu này rất là đơn giản, mình không có yêu cầu muốn kết tội buộc tội ai hết.

BBC: Được biết anh đã nhiều lần viết thư ngỏ gửi Chính phủ Việt Nam về các vấn đề khác nhau. Chẳng hạn năm ngoái anh có viết thư ngỏ về Luật An ninh mạng. Vậy anh có kỳ vọng gì về phản ứng của chính phủ sau khi có bức thư ngỏ của anh lần này?

KS Dương Ngọc Thái: Thực ra cái kỳ vọng lớn nhất của tôi, như tôi vừa nói, là chính phủ đặt ra những kiểm soát để người dân có thể thay cho chính phủ kiểm soát những đơn vị này. Tại vì có thể họ ở xa, chính phủ có thể không có điều kiện, không có công cụ để mà giám sát họ.

Về kỳ vọng lâu dài thì thực ra cái chính của tôi vẫn là kỳ vọng vào người dân nhiều hơn là chính phủ. Mục tiêu chính của nhóm của tôi vẫn là muốn cung cấp thông tin về thủ tục lãnh sự, thông tin về lệ phí, về cách làm.

Tức là làm sao cho nó dễ hiểu - người ta vô là biết ngay mình muốn làm giấy tờ này thì phải làm sao. Khi mình đã có những thông tin đó rồi mình muốn mọi người sẽ thực thi những cách làm đó mà không có cố gắng mà làm trái luật. Tại vì khi một người làm trái luật thì sẽ tạo ra cái thói quen xấu cho sứ quán.

Tôi nghĩ về lâu dài, mục tiêu chính vẫn của dự án vẫn là tập trung cung cấp thông tin để làm sao cho mọi người biết là chẳng hạn, tôi muốn làm hộ chiếu thì tôi phải làm như vầy và tôi chỉ cần đóng chừng này tiền thôi. Và nếu mà sứ quán họ làm không đúng như vậy thì tôi có nơi để khiếu kiện, báo cáo và phản hồi.

Xem thêm: