Đồng thuận với một tư tưởng chính là giải pháp (Giang Hoàng)

Bởi nếu giải tư các công ty nhà nước thì một trong những thiệt hại cho đảng đầu tiên ai cũng có thể thấy là các chi bộ, đảng bộ trong những công ty này sẽ bị xóa bỏ, bởi trong công ty tư nhân không ai cần thẻ đảng cả.

How Working Agreements Help Scrum Teams
Ảnh: Clearlyagile

Cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước của chúng ta đã kéo dài quá lâu. Không những thế đang có dấu hiệu chùng xuống và bế tắc dù có nhiều điều kiện cũng như bối cảnh thuận lợi.

Vậy đâu là nguyên nhân? Theo tôi, chúng ta đã không có cố gắng để tìm kiếm một đồng thuận quốc gia mới.

Xét cho cùng, dân chủ là một tiến trình vận động để tìm kiếm một đồng thuận quốc gia. Với hoàn cảnh chúng ta hiện nay, đồng thuận này không đơn giản là những vấn đề cụ thể, ngắn hạn, mà là vấn đề nền tảng, nghĩa là cố gắng xây dựng một khế ước dân chủ ổn vững hậu công sản. Dù lực lượng đấu tranh khá đông đảo, nhưng cố gắng chiến lược này đã không được hưởng ứng vì nhiều nguyên nhân mà ta cần nhận diện.

Trước hết là văn hóa nhân sĩ, thứ văn hóa công cụ vẫn còn hiện diện rất mạnh trong giới khoa bảng Việt Nam dù họ có thể không ý thức được. Họ là những người đã thừa nhận chế độ này là tồi dở, dân chủ là tương lai bắt buộc phải đến. Nhưng họ lại không muốn tham gia hay ủng hộ một tổ chức đối lập; thay vì dồn cố gắng vào một giải pháp cơ bản, rốt ráo, họ lại tập trung vào những vấn đề vụn vặt. Các phản biện của họ với chính quyền chỉ tập trung vào yếu kém của các chính sách hoặc lĩnh vực cụ thể như kinh tế, giáo dục, hệ thống công chức, v.v… Họ luôn cố gắng thể hiện với nhà cầm quyền là những ý kiến của họ có “tính xây dựng” chứ không phải chống đối chế độ. Họ dường như không ý thức được rằng: không phải những lãnh đạo cộng sản Việt Nam không biết những vấn đề họ nói. Họ biết cả. Nhưng họ không muốn và không thể thay đổi vì nó tác động trực tiếp tới sự tồn vong của chế độ. Ví dụ: Ai cũng biết kinh tế nhà nước không hiệu quả. Các báo cáo về tình hình kinh tế xã hội đọc trước quốc hội cộng sản mà tôi theo dõi từ thời Phan Văn Khải đều có đoạn: “Khu vực năng động nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; khu vực trì trệ nhất, gây thất thoát, lãng phí là khu vực nhà nước”. Nhưng họ vẫn lấy kinh tế nhà nước là thành phần chủ đạo. Bởi nếu giải tư các công ty nhà nước thì một trong những thiệt hại cho đảng đầu tiên ai cũng có thể thấy là các chi bộ, đảng bộ trong những công ty này sẽ bị xóa bỏ, bởi trong công ty tư nhân không ai cần thẻ đảng cả. Tương tự là bộ máy công chức, chế độ biết là nó đã phình to quá cỡ gây lãng phí lớn cho ngân sách nhưng họ không thể tinh giảm vì cần nhiều người ăn theo chế độ, trung thành với chế độ. Một ví dụ khác là lĩnh vực giáo dục, nhiều nhân sĩ lên tiếng đóng góp đề nghị chế độ cải cách để có hệ thống giáo dục khách quan, khai phóng. Nhưng nếu làm thế thì hệ thống giáo dục đó sẽ tạo ra những thế hệ có tự chủ về tư duy và những tuyên truyền mị dân của đảng sẽ trở thành trò cười.

Như vậy, những góp ý, phản biện này của các nhân sĩ không hề đóng góp vào tiến trình dân chủ như họ nghĩ. Nó có tác dụng ngược là làm lạc hướng quần chúng vì quần chúng sẽ nghĩ rằng có thể cải tiến chế độ bằng những cải cách từng lĩnh vực một cách từ từ. Tai hại hơn, nó khiến nỗ lực của các tổ chức đối lập nghiêm chỉnh không được hưởng ứng. Những tác động này rất lớn vì những phản biện của các nhân sĩ thường được chế độ cho phép phổ biến trên các phương tiện truyền thông chính thống không bị chặn bởi tường lửa, và do đó, dễ dàng tiếp cận đông đảo quần chúng.

Trên thực tế, chế độ không những biết vấn đề mà giới nhân sĩ hô hào, họ còn biến nó thành cái van xả áp cho hệ thống bằng cách đều đặn đưa ra những hứa hẹn cải cách từ kinh tế, bộ máy hành chính, giáo dục với những cụm từ rất kêu như: sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, tái cơ cấu; rồi tinh giảm biên chế; rồi cải cách giáo dục, cải tiến sách giáo khoa, v.v… Và biến các nhân sĩ thành công cụ cho hệ thống tuyên truyền của họ. Nhưng rồi, mọi thứ vẫn như cũ, hoặc thay đổi không đáng kể. Còn người dân thì chỉ biết mỏi mòn chờ đợi và hy vọng.

Thứ hai là văn hóa lãnh tụ

Có thể nói, lực lượng đấu tranh hiện nay khá đông đảo, có nhiều gương mặt có uy tín, có ảnh hưởng, và được quần chúng biết đến. Thành phần này nếu kết hợp với nhau trong một tổ chức sẽ có đủ sức mạnh buộc đảng cộng sản nhượng bộ. Đáng buồn là hầu hết chỉ đấu tranh đơn lẻ, tự thành lập hoặc tham gia các tổ chức nhỏ được thành lập một cách vội vàng và thiếu chuẩn bị về tư tưởng, thay vì tham gia những tổ chức đã có thử thách qua thời gian, có tư tưởng, và có dự án chính trị nghiêm túc. Lựa chọn này xuất phát từ tâm lý lãnh tụ, đây là tâm lý của những người muốn có vai trò quyết định cao nhất và có ảnh hưởng bao trùm lên tổ chức.

Thật ra, đây là một tâm lý phức tạp, một mặt những người có tâm lý này không muốn tham gia một tổ chức đã có ít nhiều ảnh hưởng vì nghĩ rằng vai trò của mình sẽ mờ nhạt, nghĩa là họ không tự tin lắm về bản lĩnh chính trị của mình. Nhưng họ lại nghĩ là mình có thể xây dựng được một lực lượng từ con số không khi thời cơ đến, nghĩa là họ tự đánh giá khả năng chính trị của họ rất cao. Nhưng đó là suy nghĩ rất sai, nếu thực sự có khả năng thì khi tham gia một tổ chức có uy tín từ trước, xác suất thành công của họ lớn hơn vì điểm xuất phát cao hơn thay vì tự vận động từ con số không. Vả lại, thành công trong chính trị là vấn đề phức tạp cần sự kiểm nghiệm của thời gian, chứ không giản dị là giành được vai trò lớn trong nhất thời. Một người thiếu khả năng nhưng vẫn cố giành vị trí quyết định có khi còn gây hại cho đất nước và chính mình.

Khi Macron thành công với đảng Cộng Hòa Tiến Bước, một số nhà đấu tranh Việt Nam lạc quan tuyên bố đại ý là nếu có không gian tự do, họ cũng sẽ nhanh chóng làm được như Macron. Nhiều người nghĩ như vậy vì họ nhìn thành công như là một điểm đến, thay vì là một tiến trình có logic của nó.

Trước hết, họ sẽ chẳng bao giờ có cái không gian tự do đó nếu vẫn đấu tranh kiểu chờ thời để thành lãnh tụ, thay vì nỗ lực cho một giải pháp chính trị quốc gia. Và, ngay cả nếu chế độ cộng sản tự nhiên sụp xuống nhường không gian cho họ thì vấn đề cũng không đơn giản như họ nghĩ. Macron làm được vì nước Pháp đã có đồng thuận nền tảng. Đó là bản hiến pháp dân chủ đã áp dụng với nền tảng văn hóa dân chủ hàng thế kỷ của một cường quốc khai sinh khái niệm dân quyền. Vì đã có đồng thuận nền tảng, nên những vấn đề của nước Pháp của Macron chỉ mang tính “kỹ thuật”. Còn chúng ta? Chúng ta hầu như chưa bao giờ có đồng thuận quốc gia; chúng ta không có tư tưởng chính trị và cả văn hóa thảo luận chính trị. Kết quả là chúng ta chưa có ngôn ngữ chính trị chung. Cùng một khái niệm, nhưng mỗi người hiểu một cách khác nhau. Để nhanh chóng xây dựng được một lực lượng chính trị có thực chất trong hoàn cảnh như vậy là rất khó, vì để gắn bó lâu dài trong một tổ chức, phải có một mẫu số chung cho các thành viên, nghĩa là mọi người cần thấu hiểu và đồng ý với nhau trên những giá trị nền tảng.

Nói rằng: “đồng thuận với một tư tưởng chính là giải pháp” cho đối lập dân chủ có thể nhiều người cho đó chỉ là một xác quyết lý thuyết của giới chính trị salon. Thực sự nó không lý thuyết mà rất cụ thể, tôi xin trình bày vắn tắt:

Để đánh bại chế độ cộng sản, chúng ta cần có tổ chức mạnh, để có tổ chức mạnh, nghĩa là kết hợp của những con người có lý tưởng thực sự, các thành viên phải đồng thuận với nhau trên một tư tưởng chính trị thì mới có thể gắn bó trong một tổ chức và nỗ lực thực hiện lý tưởng mà tổ chức đã đề ra. Khi đã có tổ chức mạnh thì giải pháp là hiển nhiên. Ví dụ: nếu có một tổ chức dân chủ khoảng một ngàn thành viên thực sự có lý tưởng thì việc kêu gọi biểu tình đòi dân chủ không có gì khó cả. Cá nhân tôi tin rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu có một lực lượng như vậy thì chính quyền cộng sản sẽ tự động tìm đến đối lập để tìm kiếm thỏa hiệp vì đó là lối thoát của họ chứ chúng ta không cần phải sách động quần chúng làm gì cả.

Như vậy, thay vì loay hoay với những cố gắng vụn vặt, trí thức Việt Nam cần hướng đến một đồng thuận quốc gia. Một cách cụ thể, hãy tìm đến một Dự Án Chính Trị nghiêm túc để đóng góp và hoàn thiện nó. Dự Án Chính Trị cùng tổ chức chính trị mạnh không chỉ tạo áp lực buộc đảng cộng sản phải nhượng bộ, nó còn là điều kiện phải có để có sự hậu thuẫn quần chúng và là giải pháp lấp vào khoảng trống chính trị khi chính quyền cộng sản mất kiểm soát, tránh để đất nước rơi vào hỗn loạn.


Giang Hoàng, 18/11/2019