Bắc Kinh đòi Hồng Kông mạnh tay chống biểu tình: Nói dễ, làm khó (Thu Hằng)

Cả lãnh đạo Bắc Kinh và đặc khu hành chính Hong Kong đang bế tắc. Việc giới chóp bu Hoa Lục ra lệnh cho lãnh đạo đặc khu dùng biện pháp mạnh, nhưng chỉ đưa ra mệnh lệnh chung chung chứng tỏ họ muốn trút trách nhiệm lên lãnh đạo Hong Kong.

Hong Kong vừa là vùng lãnh thổ có truyền thống dân chủ, vừa là trung tâm tài chính của thế giới, là trung gian tài chính của Hoa Lục và tư bản nước ngoài. Một hành động sai lầm tại Hong Kong của Bắc Kinh có thể khiến Trung Quốc sụp đổ. Một khúc xương khó gặm.

media

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) gặp trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Thượng Hải (Trung Quốc), ngày 04/11/2019.
Ju Peng/Xinhua via REUTERS


Bắc Kinh ủng hộ chính quyền Hồng Kông đưa ra «những biện pháp triệt để hơn» để loại trừ tận gốc tình trạng hỗn loạn tại đặc khu từ 22 tuần qua, do các cuộc biểu tình đòi dân chủ của đại đa số người dân. Như để tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với trưởng đặc khu Hồng Kông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 04/11/2019, bên lề Hội chợ Quốc tế Thượng Hải.


Bắc Kinh tiếp tục khẳng định sẽ không dung thứ « bất kỳ hành động ly khai nào ». Phó thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng), khi tiếp trưởng đặc khu Hồng Kông ngày 06/11, nhấn mạnh : « Phải chấm dứt tình trạng bạo lực và bất ổn và tái lập trật tự, là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay ». Bắc Kinh « khuyến khích mạnh mẽ chính quyền của "Đặc khu hành chính" thông qua những biện pháp chủ động hơn và hiệu quả hơn để giải quyết những vấn đề xã hội ».

Vấn đề ở chỗ, giải quyết cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông như thế nào? Dường như cả Bắc Kinh lẫn chính quyền đặc khu Hồng Kông đều chưa tìm ra được biện pháp khả thi. Những phát biểu của phó thủ tướng Hàn Chính quá chung chung và rất khó áp dụng được, theo nhận định của nhà báo Chris Buckley trên báo New York Times (06/11).

Thực vậy, Bắc Kinh đã sử dụng chiến lược hăm dọa, mạnh tay trấn áp người biểu tình Hồng Kông. Một mặt, Bắc Kinh gây sức ép từ bên ngoài khi điều động quân đội đến biên giới giữa Hoa Lục và đặc khu hành chính, sẵn sàng can thiệp nhằm « bảo vệ an ninh quốc gia » trước « những thế lực thù nghịch nước ngoài » giật dây người biểu tình Hồng Kông. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá chiến lược này là « phi thực tế ». Mặt khác, chính quyền trung ương không ngừng ủng hộ lực lượng cảnh sát Hồng Kông. Bất chấp vòi rồng, hơi cay và thậm chí là đạn thật của cảnh sát, người biểu tình vẫn không lùi bước và luôn thích ứng với những kiểu biểu tình mới.

Về chính sách, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy nhiều cải tổ sâu rộng thông qua cơ quan lập pháp do đảng kiểm soát. Tuy nhiên, trung ương khó có thể áp đặt trực tiếp luật chống tội phạm an ninh quốc gia đối với Hồng Kông do đặc khu có hệ thống lập pháp riêng. Theo điều 23 của Luật Cơ bản Hồng Kông, đặc khu hành chính « phải tự thông qua luật cấm mọi hành động phản bội, ly khai hoặc nổi loạn » chống chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hồng Kông vẫn không có luật an ninh riêng. Chính điểm này đã « đè nặng lên tâm trí các nhà lãnh đạo Trung Quốc » và giải thích ý đồ của Bắc Kinh can thiệp vào chính trị nội bộ Hồng Kông. Vào tuần trước, tại Hội nghị Trung ương 4, khóa 19, các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản đã phê chuẩn một loạt đề xuất nhằm củng cố chính phủ, trong đó có một đề xuất liên quan đến việc Trung Quốc sẽ « xây dựng và cải thiện hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi để bảo vệ an ninh quốc gia » ở Hồng Kông.

Quyết định này cũng nhằm gây sức ép để nội các của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhanh chóng thông qua luật an ninh Hồng Kông. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dù các nghị viên thân Bắc Kinh chiếm đa số tại Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông (LegCo), họ vẫn sẽ do dự thông qua đạo luật an ninh gây tranh cãi, như đã từng làm tương tự vào năm 2003.

Một số chuyên gia nêu lên điều 18 của Luật Cơ Bản Hồng Kông, theo đó Bắc Kinh có thể áp đặt một số luật chống lại các mối đe dọa đối với an ninh ở Hồng Kông, bằng cách đưa vào phụ lục của Luật Cơ Bản. Thế nhưng, « nói thì dễ, làm thì khó », vì không phải cứ được ghi vào phụ lục của Luật Cơ Bản là đủ, mà cần phải được trưởng đặc khu hoặc Hội Đồng Lập Pháp thông qua để có hiệu lực.

Nếu thông qua luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông để ban hành tình trạng khẩn cấp, « tình hình ở Hồng Kông sẽ khó được cải thiện », theo nhận định của giáo sư Wei, viện sĩ luật Trung Quốc. Các cuộc biểu tình phản đối sẽ rầm rộ hơn, nguy cơ bạo lực tăng mạnh hơn và Hồng Kông sẽ mất đi hình ảnh của trung tâm tài chính thế giới. Chính quyền Bắc Kinh cũng như đặc khu hành chính vẫn loay hoay trong mớ bòng bong, chưa tìm thấy lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng.