Học sinh Việt kém tiếng Anh vì thầy cô phát âm sai (vnexpress)


Phát âm luôn bị xem nhẹ trong chương trình dạy Anh văn Trung học phổ thông, bị xem nhẹ đến mức giáo viên - người thị phạm cũng thực hành sai nghiêm trọng. Điều đó làm học sinh phải tốn rất nhiều công sức, tiền bạc, ý chí để cải thiện. Nhà nước cộng sản đóng góp một phần quan trọng vào sự tồi dở này khi quản lý chất lượng kém, dùng "tiền bạc" làm tiêu chí để tuyển dụng, phân bổ giáo viên.

Ảnh: hoctienganhnhanh.net

Học sinh khi nghe tiếng Anh thật cứ ngớ người ra vì các em đã quen nghe phát âm sai từ thầy cô.

Xung quanh câu chuyện "Bức tranh tương phản dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông", nhiều độc giả VnExpress cho rằng nguyên nhân của tình trạng giao tiếp kém của học sinh Việt xuất phát từ phương pháp giảng dạy ngược ở các trường từ phổ thông đến đại học:

Cơ sở vật chất thì chỉ cần một cái máy tính có kết nối internet của giáo viên, một cái tivi to để nối từ máy tính ra, một bộ loa để cho các em học nghe. Còn lại là một giáo trình học tiếng Anh. Và quan trọng là nếu học đông quá sẽ không phát huy được hiệu quả nhiều.

Tôi nghĩ các em ở trường PTTH đang học để thi trên giấy nên vẫn bị nghiêng về phương pháp học ngữ pháp và từ vựng để thi nhiều, phần giao tiếp và nói thì ít hơn. Học ngữ pháp sẽ rất tốt cho các kỳ thi viết sau này hoặc đi làm mà cần viết thư từ hay công văn giấy tờ.

Học ở ngoài trung tâm thì tự do hơn khuyến khích các em học hơn, họ đi từ phát âm sẽ là con đường ngắn nhất để học tiếng Anh. Nếu phát âm chuẩn sẽ nghe được người ta nói gì, hiểu được sẽ phản xạ được, rồi dần dần đến cao hơn là nối âm, chặn âm....

Về giáo viên, không nhất thiết phải là giáo viên nước ngoài, giáo viên Việt giỏi tiếng Anh rất nhiều và hiểu được tâm tư nguyện vọng để tháo gỡ vấn đề cho các em rất tốt. Tóm lại, học sinh vẫn phải học ở trường để đi thi vì phụ huynh không thay đổi được kỳ thi, còn học ở trung tâm để giao tiếp tự tin hiệu quả và phục vụ đi làm.

Phương pháp dạy tiếng Anh ở THPT của ta đi ngược lại sự phát triển tự nhiên của loài người nên rất khó đạt kết quả như mong muốn. Hãy nhìn trẻ con lúc còn đỏ hỏn đến vài tháng tuổi khi giao tiếp với mọi người: đầu tiên bé tập nghe để phản ứng; tiếp đến học nói; rồi nhìn vào vở xem chữ, hình, đọc nghêu ngao; cuối cùng thì viết "như gà bới" rất dễ thương. Nghe - nói - đọc - viết bị đảo lộn lại quá chú tâm vào văn phạm lê thê rối rắm và phải nghe, học theo thầy, cô phát âm có nhiều từ sai. Dạy tiếng Anh ở THPT hiện nay có thể tạo ra một số học sinh khá văn phạm, phiên dịch tạm được (viết lách, dịch văn bản) còn thông dịch (nghe, nói, giao tiếp, dịch trực tiếp bằng miệng) thì gần như mất trắng, trong khi đó lại là thứ chính yếu cần thiết cho việc tiếp tục học tập, làm việc hàng ngày sau khi rời ghế nhà trường.

Có một điều phải nói thẳng, lý do học sinh THPT, khi nghe tiếng Anh thì cứ ngớ người ra vì quá trình học các em đã quen nghe phát âm sai từ thầy cô, điều này càng tai hại hơn vì nhiều năm đã thành thói quen, rất khó sửa. Đây là những kinh nghiệm thực tế từ các con của tôi, suốt thời gian từ trung học tới Đại học (học bằng C) học tiếng Anh đều từ thầy cô người Việt dạy.

Có lẽ là do giáo trình quá nhàm chán, kém sáng tạo, nặng về tầm chương trích cú, nhẹ về nghe, nói, giao tiếp. Trình độ giáo viên cũng là vấn đề lớn: hãy kiểm tra tổng thể và tái kiểm tra thường xuyên giáo viên tiếng Anh không chỉ ở bậc phổ thông mà cả bậc đai học về kỹ năng nghe, nói, đọc (hiểu) và viết, ta sẽ luận ra thôi. Chừng nào chưa dám nhìn vào thực trạng thì mọi giải pháp đều vô ích mà thôi!


>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lê Phạm tổng hợp



Nguồn: vnexpress