Hà Nội ô nhiễm tứ bề, lãnh đạo đã làm tròn trách nhiệm? (RFA Tiếng Việt)

Nếu cứ phó mặc số phận cho đảng và nhà nước, thì chúng ta sẽ không chết kiểu ếch bị đun sôi, mà chết vì sốc độc. Tình hình đã nguy cấp tới mức toàn bộ thực phẩm, nước sạch và không khí đã bị đầu độc, chúng ta không còn lựa chọn nào khác khác ngoài việc dấn thân chính trị để tự cứu mình và người thân.

Buổi họp báo công bố sự cố và nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước tại Hà Nội. RFA Edited

Tại cuộc họp báo sáng 15/10, ông Lê Văn Dục giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội xác nhận với báo chí, đơn vị ông đã kiểm tra và phát hiện khu vực đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm và chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài, là hồ chứa nước của nhà máy sản xuất nước sạch Sông Đà (Viwasupco) thuộc công ty Viwaco và công ty nước sạch Hà Đông dùng để cung cấp cho một số khu dân cư tại Hà Nội.

Vào cuộc chậm chạp…

Được biết vào ngày 8/10 một số cán bộ của công ty Viwasupco đã phát hiện váng dầu tràn vào hồ chứa nước nhưng lại không có bất cứ báo cáo nào gửi về Hà Nội, thay vào đó lại gửi báo cáo về tỉnh Hòa Bình, nơi Viwasupco đặt trụ sở. Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Viwasupco còn bao biện rằng công ty đã huy động toàn bộ cán bộ quây để dầu không lan ra hồ sau đó dùng máy hút dầu. Tuy nhiên, ông cho rằng “không dám chắc” việc dây chuyền sản xuất của đơn vị có xử lý triệt để nguồn nước nhiễm dầu thải hay không…

Với nhận định “mơ hồ” và chủ quan của mình, nên ông tổng giám đốc Viwasupco mặc dầu biết nước cung cấp ô nhiễm dầu nhưng ông vẫn tiếp tục cung cấp nước đến hàng ngàn hộ dân.

Chưa dừng lại ở đó, với cách nhận thức mơ hồ của người lãnh đạo, ông Tốn lại lý giải việc tại sao sau khi có kết quả xét nghiệm chỉ số nước của đơn vị ông cung cấp có hàm lượng Styren vượt mức cho phép, rằng do công nghệ của công ty ông chỉ giám sát các chỉ tiêu loại A, không giám sát được chỉ tiêu loại C. Nghĩa là công nghệ của công ty ông không phát hiện được Styren. Nên ông tiếp tục cấp nước “ô nhiễm” cho dân…

Không đồng tình với cách trả lời của ông Tốn, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, người dân sống tại Hà Nội cho rằng đây là việc làm thiếu trách nhiệm, ông nói:

“Tướng đổ cho đồng, đồng đổ cho tướng, cơ quan này đổ cho cơ quan kia nhưng chung một cái là thiếu trách nhiệm. Từ cơ quan phát hiện ra đầu tiên thì đúng ra phải báo cáo ngay nhưng lại chần chừ xử lý không kịp thời rồi đến cơ quan được báo cáo không sâu sát vào cuộc ngay đến lúc sự việc vỡ toan ra thì mới bắt đầu bên này đổ cho bên kia. Mà cái cơ chế này thì nói chung cho mọi cơ quan đều có tính chất là thiếu trách nhiệm và vô trách nhiệm như thế”

Còn theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ tài nguyên môi trường nhận định với RFA hôm 15/10/2019:

“Đầu tiên tôi muốn phân tích đến cách hành xử của công ty đã, thì ở đây đã có biểu hiện nói dối, tức là họ đã biết nhưng tại sao không đưa ra công luận không thông báo với người dân, những người mua nước. Điều thứ hai là thiếu trách nhiệm, nắm trong tay vận mệnh sức khỏe của rất nhiều người dân đang mua nước của mình mà lại không có giải pháp đến nơi đến chốn, không thông báo cho người dân là việc làm vô cùng thiếu trách nhiệm. Về phía người dân, hiện nay tại Việt Nam tính thụ động còn rất nhiều, lẽ ra khi phát hiện thì việc làm lúc này là mối quan hê dân sự giữa công ty cấp nước và người dân mua nước thì cũng đừng lấy chính quyền làm chỗ dựa mà hãy chủ động đem đi kiểm định nước, khi có kết quả kiểm định thì lúc bấy giờ; một là thông báo với công ty, hai là kiện ra tòa án dân sự đó mới là cách làm chủ động, tự mình biết bảo vệ mình. Về phía chính quyền thì tôi cho rằng chính quyền cũng không có kiểm tra, thanh tra thường xuyên để mà chủ động phát hiện.”

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nhà vật lý học từ Hà Nội có cùng nhận định cho rằng, khi phát hiện mùi “khét” trong nước, người dân nên chủ động hành động, nhưng rất tiếc là không ai làm cả.

“Một là bà con đem nước này đến ngay công ty đó mà hỏi tại sao bị nhưng không ai đi cả, thứ hai lấy mẫu nước này đem lên viện khoa học xã hội Việt Nam, viện công nghệ môi trường rồi cũng chả ai mang lên. Nếu gần thì mang đến tổng cục tiêu chuẩn đo lường hay là chi cục tiêu chuẩn này hoặc đến viện hóa học nơi mà người ta có mấy móc để đo thì sẽ biết ngay thôi. Tôi không cần biết đó là nhân viên hay cán bộ lãnh đạo mà khi thấy nước bẩn đen kịt như thế chảy vào mà không xử lý thì nói thật họ không có tính người. Cứ để như thế đến khi báo chí lên tiếng mà lãnh đạo cũng không xử lý thì đó cũng là lỗi lãnh đạo luôn, phải xử lý nghiêm khắc, vì ai cũng biết là nước bẩn mà vẫn không xử lý mà nhất là những người làm nước sạch thì càng phải biết rằng nước như thế là không được phép. Để sự cố cho hàng trăm ngàn hộ dân như vậy là không thể chấp nhận được.”

Tiến sĩ Khải đặt câu hỏi vì sao tại buổi công bố kết quả, chính quyền không thông báo cho người dân biết loại dầu này là gì, dầu được sử dụng trong mục đích nào, còn bao nhiêu chất hại trong nước và sau khi qua xử lý còn lại bao nhiêu chất trong đó. Vì đây là dầu đã sử dụng nên không thể xét nghiệm chỉ ra một chất như công bố.

Truy đến cùng thủ phạm –kiện ra tòa

Theo kết quả xét nghiệm nguồn nước của trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở Y tế thành phố xác nhận mùi “khét” có trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy Viwaco tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren từ dầu thải gây ra kết hợp chất Clo gây ra mùi nồng nặc và khét như phản ánh của người dân.

Với kết quả rõ ràng như vậy nhưng phía công ty cấp nước vẫn ngụy biện khi cho rằng “Mùi trong nước là do lượng clo cao, ngoài ra công ty chúng tôi khẳng định không có chất độc gì trong nước".

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải không đồng ý với lời giải thích của phía công ty và lý giải rằng: “Clo chỉ dùng để tiệt trùng, đó là nhóm Halogen nó sẽ tác dụng với kim loại. Từ ngày xưa người ta đã sử dụng chất này để tiệt trùng nên nó đắng, nó khét là phải rồi. Không thể có mùi khét là có một chất được, hiện nay anh phải nói là chất Clo còn thừa bao nhiêu, clo cao hơn nước là bao nhiêu. Trước khi nấu ăn lấy nước đun sôi rồi để một lúc đi thì mới được sử dụng nhưng tại sao không hướng dẫn người dân như vậy. Họ cho tăng Clo thì hiện nay trong nước Clo tăng bao nhiêu, nếu chẳng may cho nhiều Clo quá thì cứ đun nước lên để một lúc bay hơi hết đi là xong, tại sao không hướng dẫn cho dân điều đó. Vì tất cả họ không ai biết điều đó.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng thừa nhận về mặt kỹ thuật nó hoàn toàn không hợp lý, ông cho biết:

“…vì bản thân hóa chất Clo thì có chức năng tác dụng khử trùng. Ở đây họ cũng phát hiện ra mùi đó là mùi dầu mỡ mà clo thì không thể khử được cặn của dầu mỡ mà điều này các nhà quản lý, sản xuất nước sạch chắc chắn phải biết rõ điều này.”

Sau khi sự cố xảy ra, cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ dân có nhiều xáo trộn và sự lo lắng càng tăng thêm khi nhiều trẻ nhỏ, người già xuất hiện các bệnh về tiêu chảy, đau mắt đỏ, một số vấn đề về đường ruột và ngoài da... nghi do dùng nước do nhà máy Sông Đà bị ô nhiễm. Nhiều người dân cho báo chí biết để giải quyết tình trạng này họ sử dụng nguồn nước do thành phố cung cấp miễn phí và một số khác thì mua nước đóng sẵn để dùng và trung bình hết khoảng 100 ngàn đồng/ ngày. Cho đến 15/10, chính quyền Hà Nội mới thông báo “khẩn” hỗ trợ cấp nước sạch miễn phí cho dân bằng xe téc.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng: “…đến nay không có một nhà khoa học nào, cơ quan nào xử lý, quan trọng nhất là hướng dẫn cộng đồng xử lý mà tại sao không làm. Họ cũng không nói sẽ điều tra tiếp đâu chỉ lên báo nói bà con không được dùng nước đó để ăn mà phải đi mua nước nơi khác về thì ai sẽ chịu trách nhiệm và đền tiền đó, ví dụ một khi trả 1 khối nước khoảng 5-7 ngàn và mua 20l mất bao nhiêu tiền thì tôi sẽ mua đến bao giờ, bao nhiêu ngày nữa. Xử lý vấn đề này cực lỳ phức tạp nhưng sức mạnh toàn dân, cộng đồng bởi vì không có một tổ chức nào có thể làm sạch các đường ống trong nhà vì đây là dầu nhớt chứ không phải đất cát trôi hết được.”

Còn theo giáo sư Đặng Hùng Võ thì lại có ý kiến cho rằng, sức khỏe của người dân tác động trực tiếp đến ba vấn đề một là thực phẩm, hai là nguồn nước và ba là không khí và nếu cả ba vấn đề bị ô nhiễm thì người dân chắc chắn suy kiệt ngay lập tức.

“Đây là ba vấn đề khá lớn của Hà Nội và thành phố chưa đảm bảo được chuyện này cho nó an toàn, thực phẩm nhiễm bẩn nhiều, nước là yếu tố rất thiết yếu cho cuộc sống sức khỏe của người dân nhưng cũng không được đảm bảo, thiếu trách nhiệm từ nhiều phía. Không khí thì Hà Nội cũng đã công bố nằm trong những nhóm đầu về ô nhiễm không khí. Tất cả điều này làm cho người dân cảm thấy không yên tâm, không thấy nơi sống của mình còn là nơi an toàn đó là về người dân. Còn về xã hội thì đây là những vấn đề tiêu cực cần sớm khắc phục.”