Vượt qua nỗi sợ, người trẻ Việt Nam tuần hành vì môi trường (BBC)

Hoàng Đức Minh, một trong top 30 người trẻ dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất năm 2014 do tạp chí Forbes bình chọn, hiện là Giám đốc chương trình tại Thinkzone Accelerator, trong một cuộc phỏng vấn với người viết bài này, đã gọi những người trẻ Việt Nam là "thế hệ bơ vơ" bởi: "Họ không được sự dẫn dắt, không được nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa, tư tưởng đủ mạnh. Nó gần như là thời kỳ mà mọi người bỏ bê thế hệ trẻ và họ chỉ theo đuổi các mục tiêu của cá nhân. Đó là những người trẻ cô đơn." (BBC)


Việc một nhóm trẻ tại Sài Gòn tự tổ chức cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu hôm 22/9 cho thấy người trẻ ở Việt Nam đang góp tiếng vào một hoạt động có quy mô toàn cầu.

Tuần hành chống biến đổi khí hậu đang diễn ra khắp nơi trên thế giới từ 20-27/9. 

Tại một quốc gia vốn e ngại các hoạt động tụ tập nơi công cộng như Việt Nam, vẫn có những người trẻ dám đứng ra tổ chức hoạt động với hy vọng góp chung tiếng nói về vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường. 

Phan Thanh Huyền, người Hà Nội, hiện làm việc tại TP Hồ Chí Minh, là một trong những người đưa ra ‎ý tưởng tổ chức cho hoạt động biến đổi khí hậu, diễn ra vào Chủ Nhật tuần rồi tại Sài Gòn. 

Khởi đầu là những quan tâm cá nhân về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu cũng như sự so sánh về chất lượng không khí ở hai nơi Huyền từng sống - Sydney và Hà Nội. 

Huyền cho biết, ở nơi bạn từng sống - Hà Nội và sau này là TP Hồ Chí Minh, đang có quá nhiều những công trình xây dựng mà quy hoạch chưa tốt. 

"Hồi trước, ở Hà Nội, đi ngang qua cây cầu bắc trên sông Hồng, tôi đã thấy hình dáng thành phố bên kia sông. Còn giờ, phải qua gần khỏi cầu mới thấy được thành phố. Không khí bẩn đến độ như vậy.""Hà Nội ngày xưa, ngay cả khi đang giữa mùa Hè, cũng không đến nổi quá nóng như bây giờ. Những cái đó làm mình quan tâm hơn đến biến đổi khí hậu, đến môi trường. Và dẫu biết mình không thể thay đổi được gì nhiều, nhưng chí ít, mỗi người chúng ta đều có thể góp chút gì đó…," Huyền chia sẻ tâm tư với BBC News Tiếng Việt.
Huyền cho biết muốn tham gia một hoạt động tuần hành chống biến đổi khí hậu tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng khi tìm kiếm trên trang Global Climate Strike, lại thấy chưa có một hoạt động nào tổ chức tại Việt Nam. 

Vậy là Huyền, vốn chưa từng có một chút kinh nghiệm nào về việc tổ chức các hoạt động cộng đồng, quyết định cùng với một số bạn khác … tự làm, dẫu chưa biết bắt đầu từ đâu. 

Và họ bắt đầu bằng tạo ra một sự kiện trên trang Global Climate Strike. Qua trang này, họ gửi 150 thư mời đến những người quan tâm, cũng như gửi nhiều thư cập nhật về sự kiện sau đó.
"Ban đầu, em không kỳ vọng là sẽ có nhiều người tham gia đến như thế. Thế nên, em thấy rất bối rối, run và cũng chẳng biết như vậy thì có đúng thủ tục hay luật pháp của Việt Nam hay không."''Lúc đầu, ở điểm tập kết đầu tiên trước Dinh Độc lập, tầm khoảng 10 giờ sáng, chỉ có hơn 20 người. Nhưng ngay lúc đó, đã có những du khách tính tham quan dinh đã bỏ buổi tham quan để tham gia cùng đoàn tuần hành. Cứ thế, mọi người cầm những thông điệp tự vẽ tay, và di chuyển từ dinh Độc Lập, qua công viên 30/4, bưu điện thành phố, tới phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đến đâu, cũng có người muốn tham gia. Họ không có bảng nên xin nhóm những mẩu bìa còn lại, vẽ chữ lên và nhập đoàn. Cứ vậy, đến điểm tập kết ở phố đi bộ Nguyễn Huệ lúc 11 giờ, đoàn tuần hành đã có hơn 100 người tham gia, trong đó có cả khách du lịch nước ngoài," Huyền kể.

Vượt qua nỗi sợ

Ở một quốc gia, nơi những hoạt động tuần hành vì môi trường hay bình đẳng giới tính cũng có thể bị xem như những hoạt động chính trị, nỗi e sợ khi những người trẻ đứng ra tổ chức những hoạt động như thế này là có thật. 

Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng cũng từng băn khoăn khi viết trên Facebook cá nhân rằng, báo chí Việt Nam và rất nhiều người trên Facebook chia sẻ tin về cuộc bãi khóa vì khí hậu của học sinh sinh viên toàn cầu, nhiều người bày tỏ sự khâm phục với cô bé Greta Thunberg, nhưng khi đặt vấn đề tổ chức những hoạt động như vậy ở Việt Nam thì mọi người đều hốt hoảng, chủ yếu cho rằng, làm cái này ở Việt Nam thì ... không phù hợp.
Còn ngay những người trẻ, họ cảm nhận ra sao?Phạm Thiên Ân, một bạn trẻ tham gia trong đoàn tuần hành vừa rồi cho BBC News Tiếng Việt biết: 

"Tất nhiên em biết, chính quyền sẽ tiếp cận với bọn em. Có hai khả năng, hỗ trợ hoặc ngăn chặn. Nếu họ hỗ trợ thì tốt, còn nếu ngăn chặn, em tin Hiến pháp Việt Nam đủ vững chắc để bảo vệ công dân, trừ khi lại có luật nào đó nằm trên hiến pháp, để tước đi quyền cơ bản của công dân Việt Nam."

Còn Huyền thì tâm sự rất thật: 

"Em rất sợ, thậm chí khá run. Nhưng em không nói cùng các bạn, vì nghĩ, mình đứng ra tổ chức mà nói ra như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý‎ chung của tất cả mọi người. Nhưng em cũng nghĩ rằng, nếu mình không làm gì sai thì vì lý‎ do gì để họ bắt hay gây khó dễ? Nhưng dù em nói thế, bạn bè, thậm chí gia đình em cũng nói rằng, cảnh sát sẽ không cần biết bọn em làm cái gì, chỉ cần họ thấy điều đó gây nguy hại cho họ thì họ sẽ bắt bọn em về đồn." 

"Em trấn an các bạn rằng, kể cả mình ra đến đó và sau đó, họ bắt mình giải tán thì mình về. Nhưng ít nhất, từ lúc bắt đầu đến lúc đó, mình cũng đã làm được chút gì đó rồi. Sau khi nói như thế thì em nghĩ là nhiều người sẽ không đến đâu, em nghĩ chắc cũng chỉ tầm 10 người tham gia là cùng, nhưng không ngờ rất nhiều người đến, Có người đến muộn, có người không tìm được chỗ tập kết, nên số người tham gia như thế là đáng ngạc nhiên lắm rồi," Huyền nói thêm.

Huyền kể lại rằng hôm đó, cảnh sát đã bắt đầu tiếp cận đoàn tuần hành khi đến trước Bưu điện thành phố, dẫu trước đó, có thể họ đã theo dõi đoàn từ lâu. Cảnh sát chụp ảnh và hỏi về mục đích hoạt động, rồi tại sao lại có nhiều người nước ngoài như vậy. 

"Họ hỏi khá nhẹ nhàng; sau đó giải thích là, do gần đây, xảy ra nhiều việc liên quan đến chính trị, nên nếu bọn em làm gì thì phải báo trước cho họ. Sau đó, họ đi theo bọn em đến phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đến chỗ nào, bọn em cũng thấy cảnh sát đã đứng ở đó rồi. Nhưng họ cư xử cũng khá thân thiện, bắt tay với người tuần hành và thậm chí chụp hình selfie với bọn em nữa," Huyền nói.

Người trẻ cô đơn

Sau khi tổ chức thành công cuộc tuần hành đầu tiên, ngày 27/9 tới, nhóm sẽ tổ chức thêm một cuộc tuần hành thứ hai. Và chỉ trong vòng một ngày từ khi phát động, tính sơ sơ đã có 300 người bày tỏ sẽ tham gia. 

Huyền cho biết, sau khi post những bức ảnh đầu tiên về cuộc tuần hành trên Facebook, nhiều bè bạn của cô nhắn tin nói rằng, họ không nghĩ là sự kiện đó lại nghiêm túc đến thế và thu hút nhiều người tham gia đến vậy. 

"Ngay hôm diễn ra sự kiện, nhiều người cả Việt Nam lẫn nước ngoài đã dừng lại chụp ảnh và quan tâm đến sự kiện," Huyền nói. 

Còn Phạm Thiên Ân cho BBC News Tiếng Việt biết: 

"Hiện tại, các thành viên nòng cốt đang xây dựng chương trình theo hướng bài bản hơn và đều đặn hơn vào mỗi thứ Sáu hàng tuần. Sau hoạt động vừa rồi, bạn bè quốc tế tới thăm Việt Nam rất nhiều người biết và nói sẽ tham gia vào sự kiện diễn ra vào thứ Sáu này."
Cuộc tuần hành vừa diễn ra cho thấy, giới trẻ Việt Nam không thờ ơ với những vấn đề chính trị - xã hội hay những vấn đề mang tính toàn cầu như nhiều người trước nay vẫn thưởng nghĩ. 

Chị Hoàng Thị Minh Hồng viết trên Facebook rằng, "Cái làm mình vui nhất là hoạt động hôm nay hoàn toàn do các bạn trẻ độc lập, không thuộc tổ chức hay dự án nào, đứng ra thực hiện. Các bạn thật sự đã cảm nhận được sự cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu, đã vượt qua được những nỗi e dè của mình để lần đầu tiên tham gia một buổi xuống đường để hưởng ứng một chiến dịch của cộng đồng toàn cầu; và biết đâu các bạn có thể đã giúp xoá đi một số định kiến về việc xuống đường để lên tiếng vì môi trường ở Việt Nam?"

Phan Thanh Huyền nhận xét về quan tâm chính trị của những người trẻ như mình: "Nói khộng quan tâm thì nặng nề quá. Họ có quan tâm, chỉ có điều là chưa được nhiều. Cũng có khi họ quan tâm nhưng chưa thực sự nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Cũng như, có thể do chưa có những hoạt động khơi gợi sự quan tâm đó."

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những nỗ lực cá nhân. Bởi khác với các nước khác, giới trẻ Việt Nam vẫn chưa tạo thành kết nối lớn hơn để cùng nhau xuống đường trong một ngày và thể hiện mong muốn đối với chính phủ Việt Nam, theo lời bà bà Cao Vĩnh Thịnh, một nhà hoạt động môi trường tại Hà Nội, vốn là thành viên của nhóm vận động bảo vệ môi trường Green Trees, nói với RFA.
Còn Hoàng Đức Minh, một trong top 30 người trẻ dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất năm 2014 do tạp chí Forbes bình chọn, hiện là Giám đốc chương trình tại Thinkzone Accelerator, trong một cuộc phỏng vấn với người viết bài này, đã gọi những người trẻ Việt Nam là "thế hệ bơ vơ" bởi: 

"Họ không được sự dẫn dắt, không được nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa, tư tưởng đủ mạnh. Nó gần như là thời kỳ mà mọi người bỏ bê thế hệ trẻ và họ chỉ theo đuổi các mục tiêu của cá nhân. Đó là những người trẻ cô đơn."

Bởi thế, hãy khoan đánh giá về lớp trẻ Việt Nam bằng việc so sánh giới trẻ Việt Nam với Hongkong. Bởi như Facebooker Phuoc M Nguyen viết trên Facebook: 

"Nhận thức gì và như thế nào luôn là kết quả của những "thực phẩm" được cung cấp để nuôi nó. Giới trẻ Việt Nam đang là nạn nhân. Không thể đổ hết lỗi lên đầu họ. Nhận thức của họ sẽ khác đi một khi họ được "nuôi" bằng những "thực phẩm" khác, mang hàm lượng và giá trị của một xã hội có tự do và dân chủ đích thực. Hành động của họ sẽ khác một khi họ được sống trong môi trường có nhiều không gian tư duy và hành động hơn."