Người Việt hời hợt (phần 6 - Viễn Huỳnh)

Những vấn đề cuối cùng trong logic của tư duy ngôn ngữ tiếng Việt.

Khi chúng ta chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ ở mức độ giao tiếp thông thường mà không có cơ hội đối chiếu ngôn ngữ đó với những ngôn ngữ khác hoặc sử dụng nó cho những mục đích tra cứu hoặc học thuật, chúng ta sẽ hiếm khi phát hiện hoặc quan tâm đến những lỗ hổng về mặt ngữ nghĩa hoặc ngữ pháp của thứ tiếng mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Nhưng nếu bạn phải làm việc với ngôn ngữ thường xuyên để dịch thuật, nghiên cứu hoặc giảng dạy, bạn sẽ phát hiện ra nhiều vấn đề về tính logic của tiếng Việt so với những ngôn ngữ khác. Sở dĩ tôi nói hơi nhiều về ngôn ngữ trong loạt bài viết này vì ngôn ngữ là cách con người thể hiện tư duy của mình. Nếu tư duy của bạn không sâu sắc và chặt chẽ, ngôn ngữ của bạn cũng thế. Ngôn ngữ cũng ảnh hưởng ngược lại đến tư duy của người sử dụng nó vì khi bạn đã quen với việc nói hoặc viết một ngôn ngữ nào đó, bạn sẽ quen luôn với cách tư duy của ngôn ngữ đó. Và khi bạn áp dụng tư duy này vào việc suy luận hoặc tiếp cận một ngôn ngữ khác, bạn sẽ bị một rào cản rất lớn.

No photo description available.

Bài viết này sẽ kết thúc mảng ngôn ngữ trong chủ đề “người Việt hời hợt” để có thể phân tích những vấn đề khác trong những bài viết sau. Thật ra, vẫn còn rất nhiều vấn đề về ngôn ngữ để nói nhưng tôi không muốn đi quá sâu vì cũng không cần thiết. Bài viết này tôi sẽ tập trung phân tích một số điểm thiếu logic trong bản thân ngôn ngữ tiếng Việt. Tôi lúc trước cũng không nhận ra những vấn đề này cho tới khi bản thân mình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Và quả thật, chúng khiến tôi có một cách nhìn hoàn toàn mới về tính logic của tiếng Việt. Bài viết này thay vì sử dụng một thái độ khẳng định, tôi sẽ viết theo hướng đặt ra những câu hỏi và rất mong muốn nhận được những câu trả lời thuyết phục.

1. Trật tự các từ trong tiếng Việt khá lỏng lẻo: Đối với những ngôn ngữ mang tính logic cao, mỗi một từ ở trong câu đều có một vị trí và chức năng nhất định, không thể tùy tiện thêm vào hoặc bỏ ra hoặc thay đổi vị trí. Tiếng Việt thì khác, có nhiều trường hợp những thành phần trong câu có thể thêm bớt hoặc thay đổi vị trí mà vẫn không ảnh hưởng đến ý nghĩa của câu. Ví dụ tôi nói: “Tôi bị nhức đầu” hay “đầu tôi bị nhức” hoặc “tôi nhức đầu” hoặc “đầu tôi nhức” thì nghĩa của câu này vẫn không có gì thay đổi. Khi viết câu này sang tiếng Anh, tôi chỉ có thể viết rằng: “I have a headache” (tôi bị nhức đầu) hoặc “My head aches/hurts” (đầu tôi bị đau). Nếu hiểu một cách sơ sài hoặc không nắm vững cách dùng trong tiếng Anh, người Việt thường sẽ sử dụng động từ “to be” để dịch từ “bị” hoặc “được” vì được dạy rằng “to be + past participle” có nghĩa là “bị” hoặc “được”. Vì thế nếu dịch thành “I am headache” thì câu này không có nghĩa vì “headache ở đây là danh từ chứ không phải động từ hoặc tính từ. Còn nếu dịch là “My head is hurt” thì nghĩa của nó lại là “Đầu tôi bị chấn thương” không hề cùng nghĩa với “My head hurts” (đầu tôi bị đau).

Tương tự, tiếng Việt có thể đảo thứ tự danh từ và tính từ trong một số trường hợp nhưng không có logic cụ thể cho việc đảo ngữ này. Ví dụ, ta có thể nói “ngựa trắng” theo kiểu thuần Việt gồm hai từ thuần Việt ghép lại với nhau theo thứ tự danh từ đứng trước tính từ hoặc “bạch mã” theo kiểu Hán Việt với hai từ Hán Việt ghép với nhau theo thứ tự tính từ đứng trước danh từ. Nhưng ta vẫn có thể nói là “ngựa bạch” gồm một từ thuần Việt ghép với một từ Hán Việt theo nguyên tắc ghép từ thuần Việt (danh từ trước tính từ) mà không có lý do cụ thể để giải thích cho sự ghép từ này. Ngược lại, tổ hợp từ “trắng mã”, “bạch ngựa” hay “mã trắng” đều không được chấp nhận trong tiếng Việt. Phải chăng tổ hợp từ “ngựa bạch” được chấp nhận bởi vì đây là một cách nói thuận miệng và nghe thuận tai chứ không có một logic nào xác đáng? Vì nếu đã là logic thì nó phải được áp dụng cho tất cả các trường hợp chứ không phải ngoại lệ.

2. Tiếng Việt có nhiều từ đồng nghĩa nhưng không dùng được để thay thế nhau: Trong tiếng Anh, những từ được gọi là từ đồng nghĩa (synonym) phải thỏa mãn ít nhất hai điều kiện sau:
a. Cùng từ loại
b. Luôn luôn thay thế cho nhau được trong mọi ngữ cảnh.

Còn đối với những trường hợp những từ ngữ có nghĩa gốc giống nhau nhưng chỉ được sử dụng ở những ngữ cảnh đặc trưng thì được gọi là từ gần nghĩa (connotation). Trong tiếng Việt thì khác, một từ có thể có nhiều từ cùng nghĩa nhưng vấn đề là những từ cùng nghĩa này chỉ được dùng cho một ngữ cảnh nhất định mà không thể thay thế cho nhau. Ví dụ cùng một từ “đen” nhưng khi dùng cho những loài vật khác nhau thì chúng ta lại dùng những từ khác nhau ví dụ mèo thì mèo mun, ngựa thì ngựa ô, chó thì chó mực. Bỏ qua những giải thích rằng đây là sự đa dạng và phong phú của ngôn ngữ vì đây không phải là logic mà tôi muốn tìm kiếm, câu hỏi của tôi đặt ra là liệu có logic nào cho việc tạo nên những tổ hợp từ như vậy hay chỉ là sự gán ghép tùy tiện để hình thành chúng. Và nếu “đen”, “ô”, “hắc”, “mực”, “mun” đều chỉ màu đen (không phải dùng để chỉ những sắc thái khác nhau của màu đen) thì tại sao chúng không thể dùng để thay thế nhau trong những tổ hợp từ nói trên?

3. Mạo từ và đại từ trong tiếng Việt mang tính định kiến sâu sắc: Trong bài viết lần trước tôi đã đề cập tới việc người Việt gặp khó khăn trong cách sử dụng mạo từ tiếng Anh (a, an, the, không có mạo từ) do không hiểu được quy tắc số ít, số nhiều, đếm được, không đếm được và xác định hoặc không xác định. Đây là một nguyên tắc nhất quán và không mang tính chất định kiến. Ngược lại khi tôi dạy tiếng Anh cho người nước ngoài, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải thích cho họ hiểu tại sao tiếng Việt lại có những mạo từ và đại từ mang tính định kiến phong phú đến như thế. Cùng là một danh từ “vua” nhưng nếu bạn dùng mạo từ “vị” hoặc “đức” trước nói, người đọc hoặc nghe sẽ mặc định rằng đây là một ông vua tốt, nhân từ. Còn nếu bạn dùng “lão” hay “tên” trước nó thì mặc nhiên người đọc hoặc nghe sẽ nghĩ đây là một ông vua tồi tệ. Cũng là “lính” nhưng “tên lính” hay “thằng lính” thì xấu, ắt hẳn thuộc về phe địch còn “anh lính” hoặc “người lính” thì sẽ tốt, là người của phe ta.

Trong tiếng Anh, đại từ “he” dùng để chỉ một người thuộc phái nam, “she” dùng để chỉ một người thuộc phái nữ, còn “they” chỉ một nhóm người. Những từ này không hề có thành kiến với người được nhắc đến. Nhưng “he” khi dịch sang tiếng Việt sẽ trở thành “ông ấy”, “anh ấy”, “ngài ấy”, “thằng ấy”, “lão ấy”, “tên ấy”, “hắn”…. “she” trở thành “cô ấy”, “nàng”, “chị ấy”, “bà ấy”, “mụ ấy”, con mẹ đó”… và “they” có thể là “họ”, “bọn họ”, “bọn chúng”, “lũ ấy”… tùy theo tình cảm mà người nói hoặc viết dành cho ngôi thứ ba được đề cập.

Tôi không phủ nhận tính đa dạng và sắc thái biểu cảm của những từ trên nhưng nếu xét về góc độ logic, người viết hoặc người nói có thể vô tình hoặc cố ý ảnh hưởng đến khả năng tự tư duy và nhận định của người nghe và người đọc khi dùng những mạo từ hoặc đại từ mang nặng tính định hướng. Ví dụ khi nghe nói “tên nhà giàu” hoặc “mụ dì ghẻ” thì người nghe hoặc người đọc vô tình sẽ bị dẫn dắt theo hướng rằng đây là những kẻ xấu, kẻ ác mà bỏ qua những yếu tố khách quan khác về tính cách của những người được đề cập. Đây là một điều hết sức nguy hiểm khi dạy văn học và lịch sử bằng tiếng Việt. Làm sao ta có thể dạy cho trẻ em công tâm nhận xét về nhân vật “MỤ dì ghẻ” trong truyện Lọ Lem (trong tiếng Anh, bạn hoàn toàn có thể đọc và nhận xét về “the stepmother” mà không bị chi phối ngay từ đầu)? Làm sao chúng ta có thể công bằng với lịch sử khi nói về sự hi sinh của “NGƯỜI lính cụ Hồ” nhưng lại nói về cái chết “TÊN lính Ngụy”? Với tầng suất lặp đi lặp lại của những cách dùng mạo từ và đại từ nói trên, người Việt Nam thường có khuynh hướng có thành kiến với một số danh từ bản thân nó không hề có nghĩa tốt hay xấu như “dì ghẻ” hay “nhà giàu”, “địa chủ” mà thiếu sự đánh giá khách quan.

4. Nói tắt gây tai hại: Có lần một người Mỹ nhờ tôi giải thích câu thành ngữ “chó treo, mèo đậy” ra tiếng Anh và tôi giải thích rằng: “thức ăn nếu muốn chó không đụng tới thì phải treo lên, còn đối với mèo thì phải đậy lại”, người này ôm đầu thốt lên: “Nói tắt kiểu đó thì tao chịu, không thể nào hiểu được”. Thật sự, những người chưa từng nghe qua câu này hoặc được giải thích sẽ có thể không hiểu hoặc hoàn toàn hiểu sai khi cấu trúc của câu thành ngữ này được tối giảng và thay đổi thứ tự đến mức không thể hiểu nó nói gì.

Không chỉ có những câu thành ngữ mà trong cách nói chuyện hàng ngày, chúng ta có khuynh hướng nói tắt bất chấp ngữ nghĩa và ngữ pháp miễn sao thuận miệng và người khác vẫn hiểu. Có một phần yếu tố vùng miền trong những cách nói tắt, nói rút gọn. Ví dụ người miền Bắc nói “áo (để giữ) ấm” thì miền Nam lại gọi đó là “áo (mặc cho khỏi) lạnh” và thế là “áo ấm” và “áo lạnh” trở thành hai từ đồng nghĩa mặc dù “lạnh” và “ấm” hoàn toàn trái nghĩa. Miền Bắc có từ “kẻo” mang nghĩa “để không” ví dụ “Đi cẩn thận kẻo ngã” (Đi cẩn thận để không ngã) thì miền Nam lại có khuynh hướng bỏ bớt từ “không” trong cụm “để không” khi nói “Đi cẩn thận để té” hoặc “mặc thêm cái áo vô để lạnh”. Cách nói này nếu người nghe đã quen vẫn hiểu đúng nghĩa nhưng đối với người nước ngoài, nó gây ra sự hoang mang vô cùng (tại sao lại phải đi cẩn thận ĐỂ té? Hoặc tại sao phải mặc thêm cái áo vào ĐỂ lạnh?). Miền Bắc rút gọn cụm từ “giấy dùng để chùi miệng sau khi ăn” thành “giấy ăn” (miền Nam gọi là “khăn giấy”) khiến cho nhiều người nếu không phải ở miền Bắc sẽ nghĩ rằng “giấy này dùng để ăn”.

Một trong những nguyên nhân khiến người Việt Nam học tiếng Anh rất khổ sở khi học về giới từ (preposition) vì trong tiếng Việt, giới từ cũng có khuynh hướng bị lượt bỏ rất nhiều. Ví dụ “đi để làm việc” hoặc “đi để chơi” sẽ được nói gọn thành “đi làm” và “đi học”. “Đi đến Châu Âu” sẽ được nói gọn thành “đi Châu Âu” và “đi bằng xe máy” sẽ được nói gọn thành “đi xe máy”. Lưu ý rằng những trường hợp này giới từ “để” ,”tới” và “bằng” đều có ý nghĩa khác nhau nhưng đều được tùy tiện giản lược trong khi trong tiếng Anh, những giới từ này không thể lượt bỏ.

5. Sự thiếu nhất quán về phương hướng trong tiếng Việt: Trong tiếng Anh, hai chữ “here” (ở đây) và “there” (ở đó) được hiểu rất nhất quán: ngay trước mặt người nói hoặc ngay tại chỗ hai người đối thoại đang đứng thì dùng “here” còn ngoài phạm vi đó thì dùng “there”. Trong tiếng Việt, thay vì nói“bạn đặt nó ở đằng kia”, một người vẫn có thể chỉ tay đến một nơi khác và bảo người kia: “bạn đặt nó ở đây này!” (“Ở đây” được hiểu là nơi mà người nói chỉ tới). Nếu dịch câu này sang tiếng Anh thành “You can put it HERE”, người nghe sẽ đặt món đồ đó ngay trước mặt bạn. Hoặc khi bạn chỉ vào một tấm ảnh chụp một nơi nào đó và nói rằng: “Tôi đã từng tới đây” thì người nghe sẽ hiểu rằng bạn đã từng tới nơi trong ảnh. Còn trong tiếng Anh, bạn phải nói “tôi đã từng tới ĐÓ” vì khi bạn nói “Tôi đã từng tới ĐÂY”, người nghe sẽ hiểu rằng bạn đã từng tới nơi mà cả hai đang ngồi. Sự thiếu nhất quán giữa “đây” và “đó” trong tiếng Việt gây rất nhiều phiền phức khi diễn đạt sang tiếng Anh và gây ra sự bối rối của cả người nói lẫn người nghe và kéo theo nhiều khái niệm khác cũng bị hiểu sai. Ví dụ “this” (cái này) và “these” (những cái này) dùng để chỉ vật ngay trước mặt (tương ứng với “here”) và “that” (cái kia) và “those” (những cái kia) dùng để chỉ vật cách xa mình (tương ứng với “there”) cũng rất hay bị người Việt dùng nhầm lẫn khi nói tiếng Anh. Thử nghĩ bạn đi nước ngoài mua sắm, người bán hàng sẽ rất bối rối khi bạn không nhận cái áo mà người ấy đưa cho bạn và chỉ vào một chiếc áo khác rồi bảo: “I want THIS one please” thay vì nói rằng “I want THAT one”.

Người miền Nam thường hay nói “ở dưới quê lên tỉnh” hoặc “dưới quê lên thành phố”. Nhưng cách nói này nếu dịch sang tiếng Anh sẽ gây khó hiểu vì “ở dưới đi lên” chỉ có nghĩa khi hai nơi này có vị trí địa lý chênh lệch về độ cao vật lý. Ví dụ, bạn có thể nói từ Sài Gòn lên Đà Lạt vì Sài Gòn rõ ràng thấp hơn Đà Lạt nhưng nếu bạn nói ở Bến Tre hoặc Cần Thơ lên Sài Gòn. Thật ra cách nói này ảnh hưởng cách nói ngày xưa “thượng kinh” có nghĩa là “lên kinh đô” với hàm ý từ nơi quê mùa lạc hậu đi tới nơi văn minh hơn, sang trọng hơn. Đây là cách nói mang tính kì thị nhưng do dùng quá lâu thành quen nên chúng ta vẫn sử dụng mà không nghĩ ngợi gì nhiều về nó.
Sự thiếu nhất quán về mặt phương hướng trong tiếng Việt khiến cho những từ đáng lẽ khác nghĩa hoặc thậm chí là trái nghĩa nhưng dùng trong những ngữ cảnh nhất định lại trở thành đồng nghĩa. Ví dụ tôi nói rằng: “Cậu ấy chưa RA ĐỜI, chưa va chạm nhiều nên chưa có kinh nghiệm sống” và “Hành trang VÀO ĐỜI của anh ta chỉ có những kiến thức học được trong trường” thì “RA ĐỜI” và “VÀO ĐỜI” là hai tổ hợp từ cùng nghĩa trong khi “RA” và “VÀO” hoàn toàn trái nghĩa. “Đứng TRÊN mặt đất” và “đứng DƯỚI mặt đất” đồng nghĩa với nhau mặc dù “TRÊN” và “DƯỚI” là hai từ trái nghĩa. Tương tự “TRONG cuộc đời này” và “TRÊN đời này” là hai cụm từ đồng nghĩa nhưng “TRONG” và “TRÊN” chỉ hai vị trí khác nhau. Ngược lại, cùng một từ chỉ vị trí trong tiếng VIỆT lại có thể chỉ hai vị trí hoàn toàn khác nhau. Khi tôi nói “nón đội TRÊN đầu” chúng ta sẽ hiểu rằng chiếc nón TIẾP XÚC TRỰC TIẾP ở phần trên của đầu” nhưng “mây che TRÊN đầu” thì rõ ràng không ai hiểu rằng mây tiếp xúc trực tiếp trên đầu mà có một khoảng cách với đầu chúng ta. Trong hai ngữ cảnh này, từ “TRÊN” được thể hiện bằng hai giới từ khác nhau trong tiếng Anh với nghĩa hoàn toàn rõ ràng là “ON” dùng cho trường hợp nằm trên và tiếp xúc trực tiếp và “ABOVE” là ở trên nhưng có khoảng cách.

Tôi xin tạm thời kết thúc việc phân tích ngôn ngữ ở đây để có thể chuyển sang những yếu tố khác để chứng minh sự hời hợt trong tư duy của người Việt. Tôi cũng xin nhắc lại là tôi không có ý bôi nhọ hay bêu xấu tiếng Việt mà chỉ muốn chỉ ra những điểm chưa nhất quán hoặc chưa logic trong tiếng Việt (Ngôn ngữ nào cũng có điều này, nhưng vấn đề là nhiều hay ít). Sự thiếu chuẩn xác và logic trong tiếng Việt phần nào thể hiện tư duy chưa được sâu sắc và dễ dãi đồng thời cũng khiến cho việc suy nghĩ bằng tiếng Việt không được logic và lý tính như khi bạn tư duy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức (với điều kiện bạn phải thành thạo những ngôn ngữ trên). Điều tôi có thể khuyên các bạn là nếu muốn học tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh cho hiệu quả, chúng ta phải hết sức lưu ý đến cách tư duy của người bản ngữ chứ đừng áp dụng cách tư duy của người Việt vào. Nếu không làm được điều này, bạn sẽ không bao giờ trở nên thông thạo được ngôn ngữ cần học. (còn tiếp)

Nguồn bài: FB Vien Huynh