Người Việt hời hợt (phần 2 - Viễn Huỳnh)
Nói về nguyên nhân gây ra sự hời hợt của người Việt hiện nay, rất nhiều người nghĩ ngay rằng đây là hậu quả của một nền giáo dục tệ hại. Tôi không phủ nhận điều này vì nó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề. Tuy nhiên sẽ rất cảm tính và thiếu khách quan nếu chúng ta không truy nguyên những khía cạnh khác ảnh hưởng đến tính cách của một cộng đồng hay một dân tộc như nền tảng tư tuỏng triết học, tôn giáo, tập quán sinh hoạt, nghệ thuật và ngôn ngữ. Và quả thật là sẽ rất “hời hợt” khi tôi nói về nguyên nhân mà không đề cập đến những điều nói trên. Hôm nay tôi sẽ phân tích khía cạnh ngôn ngữ tiếng Việt vì ngôn ngữ là sản phẩm của tư duy và nó ảnh hưởng ngược lại tư duy của người sử dụng ngôn ngữ. Những vấn đề khác tôi sẽ đề cập trong những bài viết sau.
II. Sự hời hợt về ngôn ngữ
Chắc có nhiều người sẽ nổi giận thậm chí sẽ kết tội tôi là bôi nhọ tiếng Việt khi tôi nói rằng tiếng Việt của chúng ta là một ngôn ngữ khá hời hợt về mặt tư duy. Tôi là một người có thể sử dụng lưu loát tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Hoa nên tôi luôn có sự so sánh và đối chiếu về ngôn ngữ của ba thứ tiếng trên. Đó là lý do tại sao tôi nhận thấy tiếng Việt so với cả tiếng Hán lẫn tiếng Anh đều không sâu sắc bằng. Chúng ta sử dụng nhiều từ Hán Việt nhưng không biết mặt chữ tượng hình mà chỉ dựa vào âm đọc được phiên âm bằng bảng chữ cái Latin nên việc hiểu sai hiểu lầm về nghĩa từ Hán Việt là chuyện hết sức đương nhiên. Ngược lại mặc dù chữ viết của chúng ta dựa trên bảng chữ cái Latin nhưng cấu trúc văn phạm và từ vựng của chúng ta không hề thuộc về nhóm ngôn ngữ trong ngữ hệ Latin. Điều đó dẫn tới tư duy về ngôn ngữ của chúng ta sẽ không có được sự logic cao như những ngôn ngữ sử dụng ngữ hệ Latin của Châu Âu.
Như các bạn đã biết, chữ viết Việt Nam mà chúng ta đang dùng hay còn gọi là chữ quốc ngữ là một hình thức mà các giáo sĩ Bồ Đào Nha thế kỷ thứ 17 dùng để ký âm lại tiếng nói của người Việt bằng những mẫu tự trong bảng chữ cái tiếng Latin vì chữ Hán và chữ Nôm là một trở ngại lớn trong việc ghi chép và giảng Kinh Thánh. Điểm thuận lợi của chữ viết Latin là người học có thể ráp vần và phát âm những kí tự được ghép với nhau (chữ tượng thanh). Tuy nhiên điều bất cập của bản chữ cái tiếng Việt là chỉ thể hiện cách phát âm của một từ chứ không thể diễn tả được nghĩa của từ đó. Chữ Hán và chữ Nôm trước đó vốn là chữ tượng hình, mỗi ký hiệu sẽ có một ý nghĩa riêng của nó và khi ghép lại với nhau sẽ bổ sung cho nhau về mặt ngữ nghĩa. Do đó, sẽ có rất nhiều chữ viết hoàn toàn khác nhau và mang ý nghĩa khác nhau nhưng lại được đọc giống nhau. Tôi lấy một ví dụ là khi nói chữ “phong”, phần lớn người Việt đều sẽ nghĩ tới “gió”. Nhưng trong tiếng Hán Việt, có rất nhiều từ đọc là “phong” nhưng nghĩa và cách viết bằng Hán tự hoàn toàn khác nhau ví dụ như “phong” là “dán lại” trong từ “phong tỏa” hoặc “niêm phong”,”phong “ có nghĩa là “đầy đặn” trong từ “phong phú”, “phong” là “ban thưởng” như trong từ “sắc phong” hoặc “phong tước”, “phong” cũng có thể là “mũi nhọn” như trong tên của thủ lĩnh phong trào Dù Vàng Hong Kong “Hoàng Chi Phong”, “phong” cũng có thể là “con ong” (hoàng phong), “phong” có thể là “bệnh hủi”, “phong” cũng có nghĩa là “bị điên”, hay chữ “phong” trong tên của con tôi có nghĩa là “đỉnh núi” hoặc “phong” cũng có thể là “cây phong”. Nếu chỉ dựa trên âm đọc của mà không hiểu được cách viết chúng ta sẽ rất dễ dàng hiểu nhầm nghĩa của một từ.
Rất nhiều lần tôi đã giải nghĩa cho bạn bè hoặc người thân hiểu rằng tên của con tôi không phải là “gió” mà là “đỉnh núi”. Đặt tên con là “Chính Phong” tôi mong muốn con mình lớn lên chính trực và hiên ngang như một đỉnh núi, không liên quan gì tới gió mây ở đây cả. Cũng nhiều lần tôi đọc những bài viết ca ngợi Hoàng Chi Phong và người viết ví von rằng “cậu thanh niên này là một làn gió mới mang đến dân chủ cho Hong Kong” và sự ví von này hoàn toàn sai vì chữ “phong” trong tên của Joshua Wong trong tiếng Hán có nghĩa là “mũi nhọn”. Điều này tạo nên một sự hời hợt trong tư duy của người Việt, nhất là khi dùng từ Hán Việt vì chỉ biết âm đọc nhưng không biết cách viết nên rất dễ dàng mặc định âm đọc đó với một nghĩa mà mình biết bất chấp nghĩa đó đúng hay sai.
Có một lần tôi đọc trên facebook của một người dịch câu thơ “hoàng phong luyến hoa tâm” là “gió vàng vương vấn nhụy hoa” và tôi góp ý trong comment rằng “hoàng phong” theo tôi nghĩ là “ong vàng” chứ không phải “gió vàng” vì hình ảnh con ong vàng bay quanh nhụy hoa hút mật hợp lý hơn là “gió vàng”. Vì không có bản gốc chữ Hán mà chỉ có bản phiên âm Hán Việt nên rất khó có thể nói là tôi đúng hay người bạn đó đúng. Bạn thử nghĩ nếu những người dịch hoặc giảng giải từ Hán Việt có trình độ kém và lười tra cứu thì sẽ có rất nhiều trường hợp bị hiểu sai, bóp méo nghĩa hoặc thậm chí là dịch vô nghĩa.
Một vấn đề nữa là nếu chỉ dựa vào cách phát âm, nghĩa của từ Hán Việt và từ thuần Việt sẽ dễ bị nhầm lẫn. Ví dụ từ “xán lạn” một từ ghép tiếng Hán hay được viết nhầm thành “sáng lạn” . Trong tiếng Hán “xán” có nghĩa là “rực rỡ, chói lọi” kết hợp với chữ “lạn” cũng là từ tiếng Hán có nghĩa là “ánh sáng của kim loại”. Còn “sáng” trong tiếng Hán có nghĩa là “chế tạo ra” (ví dụ như “sáng tạo”, “sáng kiến”, “sáng thế”). Nếu ghép vào chữ “lạn” thành “sáng lạn” thì cụm từ này vô nghĩa. Còn nếu ghép nghĩa thuần việt của từ “sáng” vào trong từ này thì càng không hợp lý vì một từ thuần Việt không thể ghép vào một từ Hán Việt như thế được. Cũng như từ “yếu điểm” hay bị hiểu lầm là “điểm yếu” thay vì “điểm quan trọng” (chữ “yếu” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là quan trọng như “trọng yếu”, “thiết yếu”, “tất yếu”). Còn nếu muốn nói là “điểm yếu” theo trật tự Hán Việt thì phải nói là “nhược điểm”. Một số từ để cho đọc thuận miệng đã bị đảo thứ tự lại thành ra sai nghĩa như “thủy chung” thường bị nói thành “chung thủy”. Đây là một cách nói sai hoàn toàn vì “thủy” có nghĩa là “bắt đầu” (thủy tổ, nguyên thủy) còn “chung” là “kết thúc” (chung kết, chung thân). “Thủy chung” có nghĩa là từ đầu tới cuối, còn nếu nói “chung thủy” thì có nghĩa là “từ cuối lên đầu”.
Thật lòng mà nói, bài viết này của tôi không có ý đổ tội cho việc Latin hóa chữ Việt nhưng chữ viết hiện đại của chúng ta chỉ phiên âm chứ không thể hiện được nghĩa từ và không phải ai cũng điều kiện để tìm hiểu hoặc truy nguyên gốc từ Hán Việt nên việc dùng nhầm, dùng sai, ngộ nhận đã góp phần không nhỏ ảnh hưởng đến cách tư duy của chúng ta trong ngôn ngữ. Đó là chưa kể sau này khi những kẻ dốt nát thất học lên “cải cách” ngôn ngữ và giáo dục, sự hời hợt và nông cạn thể hiện rất rõ trong việc sử dụng từ ngữ. Những danh từ như “chất lượng”, “cá tính”, “ngoại hình” đều bị dùng như một tính từ. “Cá tính” nếu hiểu đúng nghĩa là tính cách riêng của một người nên cho dù bạn là người mạnh mẽ hay yếu đuối, nhu nhược hay quyết đoán thì bạn đều là người có cá tính, chỉ có điều là cá tính của bạn như thế nào mà thôi. Tương tự, một vật dù tốt hay xấu đều có “chất lượng” chứ không thể nào không có chất lượng. Mỗi lần tôi đi ngang những nơi đăng bản tuyển nhân viên nữ “có ngoại hình” tôi lại vừa cảm thấy buồn cười vừa bực mình. Đã là vật hữu hình thì ai mà chả có ngoại hình chứ có phải là ma đâu mà không có ngoại hình. Cách nói tùy tiện theo quán tính này không chỉ thể hiện trong lời ăn tiếng nói hằng ngày mà còn xuất hiện trong rất nhiều văn bản viết vốn cần độ chuẩn xác cao của ngôn ngữ. Và việc sử dụng ngôn ngữ một cách tùy tiện và thiếu chuẩn xác hình thành nên một lối suy nghĩ cũng hời hợt và tùy tiện của người sử dụng nó.
Có thể bạn sẽ nói với tôi rằng ngôn ngữ luôn luôn thay đổi và những từ mượn như từ Hán Việt chẳng hạn sẽ có khuynh hướng mang ý nghĩa khác với nghĩa gốc ban đầu nên chuyện tiếng Việt dùng sai hoặc khác nghĩa với tiếng Hán Việt thì có gì to tát đâu. Điều này đúng là không quan trọng lắm cho tới khi bạn áp dụng cách tư duy trong tiếng Việt vào trong việc học một ngôn ngữ khác có tính logic cao như tiếng Anh chẳng hạn, bạn sẽ gặp rất nhiều rắc rối phiền hà trong việc diễn đạt vì ngôn ngữ đó không chấp nhận cách tư duy phiến diện. Ví dụ nếu tôi dịch câu “dịch vụ ở đây chất lượng lắm” sang tiếng Anh theo kiểu “the service here is very quality” thì không ai hiểu tôi nói gì cả vì câu này sai cả về ngữ pháp (phó từ “very” không thể bổ nghĩa cho “quality” là danh từ, còn “quality” không thể đứng ở vị trí tính từ) và sai về cả ngữ nghĩa (“chất lượng” (danh từ) không đồng nghĩa với “tốt” (tính từ)).
Bài viết tiếp theo tôi sẽ phân tích sự hời hợt và tùy tiện của tiếng Việt khi so sánh với tiếng Anh, một thứ ngôn ngữ được đánh giá rất cao về tính logic. Đó cũng là lý do tại sao người Việt gặp nhiều khó khăn khi học tiếng Anh vì phần lớn chúng ta không có sự logic trong tư duy ngôn ngữ. (còn tiếp)
Nguồn bài: FB Vien Huỳnh