Không tin mạng xã hội sao lại bắt facebookers? (Diễm Thi)

Một mặt tung tin bôi nhọ, xuyên tạc tính đa chiều, phong phú của các nguồn tin trên mạng xã hội facebook. Một mặt theo dõi, quấy phá và bắt bớ những người dũng cảm dám phát biểu chính kiến, phản biện, tố giác sự thối nát của bộ máy cầm quyền. Những "hạ sách" này không những làm cho người dùng tin tưởng hơn vào facebook, mà còn hạ uy tín của nhà nước xuống mức thấp nhất.

Hình ảnh một chiếc iPhone hiển thị các ứng dụng cho Facebook và Messenger
Hình ảnh một chiếc iPhone hiển thị các ứng dụng cho Facebook và Messenger

Dù Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng luôn nói không nên cả tin bất kỳ cái gì trên mạng, thế nhưng bộ máy công quyền VN lại luôn “rình rập” trên mạng xã hội (MXH) để phạt và thậm chí bắt những facebooker đăng tin “nhạy cảm” về chính phủ hoặc quan chức chính phủ…


Liên tục bắt bớ vô cớ

Liên tiếp thời gian gần đây, nhiều facebooker bị sách nhiễu, bắt bớ khi đăng tải hay chia sẻ bài viết trên facebook. Thậm chí nhiều người vừa đăng tin ngày hôm trước, hôm sau đã bị phạt. Trong khi đó, lãnh đạo đứng đầu ngành Thông tin & Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã từng phát biểu, thông tin trên mạng xã hội không được kiểm duyệt nên mỗi cá nhân tham gia phải có bộ lọc của riêng mình, không nên cả tin bất kỳ cái gì trên mạng…

Rõ ràng, “nói một đàng làm một nẻo” là cách mà cơ quan công quyền tại VN đang áp dụng.

Ông Nguyễn Tiến Trung, thạc sĩ CNTT, cũng là cựu tù nhân lương tâm nói với RFA rằng:

“Theo tôi biết thì những người bị bắt hay sách nhiễu khi đưa chính kiến của mình lên Facebook thì thường liên quan đến chính trị, hoặc ít nhất cũng phơi bày sự thật, tham nhũng trong nội bộ đảng cộng sản, cho nên họ tìm cách trù dập, bắt bớ để những người đó phải im lặng.

Nhiều học sinh sinh viên viết trên facebook về chế độ chính trị hay những bất công trong xã hội Việt Nam thì cũng bị công an đến trường quấy nhiễu, thậm chí có trường hợp còn bị đuổi học.”

Kể từ cuối tháng 8 đến nay, công an Việt Nam đã bắt giữ và khởi tố ít nhất 7 facebookers với các cáo buộc bao gồm: Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu chống phá nhà nước, và lợi dụng các quyền tự do dân chủ. Con số này chưa bao gồm những facebooker đang bị bắt giữ mà gia đình và người thân của họ đã phản ánh trên mạng xã hội nhưng phía công an chưa thừa nhận.

Cụ thể, hôm 5 tháng 9, tòa án tỉnh Ninh Bình đã tuyên án tù 5 năm đối với ông Lê Văn Sinh, có hai tài khoản facebook mang tên Sinhle và Sinh Levansinh, với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, khi ông viết 16 bài đăng trên MXH, mà chính quyền cho rằng nói xấu chế độ, xuyên tạc chủ trương, đường lối của đảng Cộng sản, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vi phạm Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Đặc khu.

Nhiều học sinh sinh viên viết trên facebook về chế độ chính trị hay những bất công trong xã hội Việt Nam thì cũng bị công an đến trường quấy nhiễu, thậm chí có trường hợp còn bị đuổi học. - ThS. Nguyễn Tiến Trung

12 ngày sau, ngày 17 tháng 9, ông Nguyễn Văn Công Em lại bị tòa án tỉnh Bến Tre tuyên án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước”, khi ông sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook khác nhau để đăng tải, chia sẻ các bài viết và phát trực tiếp những video với nội dung bị cơ quan chức năng Việt Nam cho là ‘xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ  Hà Nội…

Và, hôm 22 tháng 9, tòa án Cần Thơ đã tuyên án ông Nguyễn Hồng Nguyên với tài khoản facebook tên Bồ Công Anh hai năm tù; Trương Đình Khang có tài khoản facebook là Hồ Mai Chi một năm tù với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Trước đó nữa, một số facebookers khác như Huỳnh Trương Ca, Nguyễn Ngọc Ánh, Đoàn Khánh Vinh Quang, và Bùi Mạnh Đồng cũng bị bắt với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nhà nước”.

Gần đây nhất là trường hợp Nguyễn Vượng, một người trẻ thường livestream về tình hình đất nước và các vấn đề xã hội, bị công an bắt tại nhà sáng 23 tháng 9, mặc dù gia đình Vượng không hề hay biết lý do Vượng bị bắt. Ông Doanh, anh trai Vượng nói với RFA sáng 27 tháng 9 rằng không biết vì sao Vượng bị bắt vì công an không nói, cũng không đưa lệnh bắt.

Đó chỉ là một số những trường hợp các facebooker bị bắt, bị kết án trong thời gian gần đây.

Ngoài chuyện bị bắt, bị mời làm việc, các facebooker còn bị phạt tiền khi chia sẻ hoặc viết những vấn đề xảy ra hàng ngày trong xã hội, như trường hợp thầy giáo Đặng Nguyên Triết ở Ninh Thuận. Thầy giáo này bị phạt 3 lần, tổng cộng 7,5 triệu đồng do đưa lên MXH những bài viết mà cơ quan an ninh cho là “Truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của đảng, nhà nước”; hay anh Nguyễn Hữu Đức ở tỉnh Bình Phước bị yêu cầu nộp phạt 7,5 triệu đồng hôm 27 tháng 9 khi đưa thông tin bị công an phạt lên mạng xã hội mà công an cho rằng xúc phạm danh dự, uy tín của họ.


Facebooker nên làm gì?

Để bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến trên MXH, ông Nguyễn Mạnh Hùng từng lên tiếng yêu cầu các MXH nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, phải thực hiện yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai theo pháp luật Việt Nam.

Về phía facebook, bà Amy Sawitta Lefevre, Quản lý chính sách truyền thông đã từng cho RFA biết, nếu nội dung bị coi là bất hợp pháp ở Việt Nam thì Facebook có thể hạn chế quyền truy cập, và việc này được thực hiện ở Việt Nam cũng giống như những nơi khác trên thế giới.

Vậy người dân trong nước phải làm sao khi Facebook không còn là nơi để họ truyền đạt chính kiến, trong khi các MXH khác đều bị nằm dưới sự kiểm duyệt của chính phủ VN như MXH Lotus, Gapo, Vietnamta…?

Biểu tượng mạng xã hội Livenguide
Biểu tượng mạng xã hội LivenguideRFA

Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, người sáng lập mạng xã hội Livenguide, nói với RFA rằng, Livenguide là một sản phẩm ông tâm huyết vì thông qua đó, người dùng có thể biểu đạt và được bảo vệ quyền riêng tư vì Luật An Ninh Mạng ra đời nhằm hạn chế sự hướng thượng của con người. Ông tâm sự:

Dầu Nhà nước Việt Nam có đặt tường lửa đối với Livenguide thì Livenguide vẫn theo đuổi các cam kết của mình. Tôi nghĩ không có bức tường nào đủ cao để ngăn người Việt đến với tự do. - TS. Lê Trung Tĩnh

“Nói thật cứ mỗi lần thấy có người bị Facebook xóa bài hay đóng tài khoản thì tôi lại nhủ lòng cố gắng thêm một chút. Ước mong của tôi là tạo một không gian trao đổi tự do và lưu giữ những cảm xúc, cảm nghĩ, ký ức của người dùng một cách chắc chắn nhất. Vậy là thật vui rồi!”.

Những người sáng lập và phát triển Livenguide là những người hoạt động xã hội nên họ hiểu tầm quan trọng và cam kết bảo vệ quyền tự do biểu đạt của người dùng. Khi RFA đặt câu hỏi liệu ông có quan ngại khi nhà nước Việt Nam có thể yêu cầu đóng cửa, đặt tường lửa với mạng Livenguide hay không, Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh cho biết:

“Tôi không nghĩ Livenguide “nguy hiểm” đến độ Nhà nước Việt Nam phải có những biện pháp đặc biệt. Livenguide đơn giản là không gian mở cho tất cả các thành phần, kiểu cách, chính kiến. Thật sự cũng có nhiều người chỉ trích những người chỉ trích nhà nước trong Livenguide. Điều này xét cho cùng thì cũng có ích cho tất cả.

Dầu Nhà nước Việt Nam có đặt tường lửa đối với Livenguide thì Livenguide vẫn theo đuổi các cam kết của mình. Tôi nghĩ không có bức tường nào đủ cao để ngăn người Việt đến với tự do!”.

Ngoài việc có thể tìm thêm một MXH khác an toàn để nói lên những bất công trong xã hội, để tránh những bắt bớ từ chính quyền, các facebooker cũng nên tự tìm cho mình một “con đường an toàn” như lời Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung rằng, trong một chế độ mà tòa án không độc lập và tuân theo chỉ thị của đảng cộng sản cầm quyền thì người dân cần hiểu biết pháp luật để tự bảo vệ bản thân.

Theo ông, cái cách để bảo vệ bản thân là khi cơ quan công an ép mình thừa nhận bất cứ việc gì thì mình (người dân) có quyền im lặng. Việc chứng minh người dân phạm tội gì hay đang là sở hữu trang Facebook nào là việc của cơ quan điều tra phải chứng minh chứ dân không có nghĩa vụ phải trả lời. Ngoài việc giữ quyền im lặng thì người dân phải luôn yêu cầu có luật sư trong các buổi làm việc, bất chấp việc cơ quan công an nại lý do liên quan đến "an ninh quốc gia” nên không cho luật sư tham gia từ đầu.


Nguồn: RFA