Thủ tướng quên… ‘kiên quyết’, dân Đà Nẵng gặp may! (Trân Văn)
Đà Nẵng 'thành phố đáng sống', trung tâm văn hóa-chính trị-du lịch của cả miền Trung với dân số khoảng 1 triệu người đang bị...thiếu nước. Không hiểu sau này thành phố tiếp tục phát triển thì hiện tượng thiếu nước còn trầm trọng đến cỡ nào? Rõ ràng là Đà Nẵng đã rất phát triển trong thời gian qua với những khu đô thị mới hoành tráng, những khu rì-sọt đẹp như tranh vẽ và đi cùng với chúng là giá bất động sản không kém gì Hà Nội, Sài Gòn. Tuy nhiên 'sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của đảng ta' có lẽ không bao giờ theo kịp thời cuộc. Hiện tượng ăn xổi, chụp giật, manh mún trong qui hoạch của chính quyền và các doanh nghiệp tư nhân chỉ biết có lợi nhuận đã nhanh chóng phải trả giá.
Ba nhà máy thủy điện: Đắk Mi 4, Sông Bung 4 và A Vương vừa ngưng phát
điện để đồng loạt xả nước vào hệ thống sông Vu Gia. Nguồn nước từ ba
nhà máy thủy điện này xả ra đã về tới hạ du Đà Nẵng, người ta hy vọng
nhờ thế, dân Đả Nẵng sẽ có nước để ăn, uống, tắm, giặt…
Đà Nẵng – nơi được ví von là “thành phố đáng sống” – thiếu nước từ
ngày 19 tháng 8. Thực trạng tồi tệ này được giới hữu trách giải thích là
do năm nay mưa ít, trời nắng, mực nước trên các dòng sông đồng loạt tụt
giảm, nước mặn từ biển tràn vào thế chỗ làm độ mặn của nước vọt lên,
doanh nghiệp đảm nhận vai trò cấp nước cho Đà Nẵng không thể lọc và cung
cấp nước cho dân ăn, uống, tắm, giặt như trước.
Tại Đà Nẵng, rất nhiều nơi, đặc biệt là khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành
Sơn, nhiều người phải tạm ngưng các sinh hoạt thường nhật để đi tìm
nước. Sau đó, nhiều khu dân cư ở Liên Chiểu, Hải Châu, Cẩm Lệ, Hòa Vang
cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đã có một số trường học tạm đóng cửa.
Cục Hậu cần Quân khu 5 đã phải điều động một số xe bồn loại 13 khối chở
nước đến tiếp ứng cho các khu dân cư không thể vắt được ở bất kỳ đâu
giọt nước nào…
Đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt. Tình
trạng này đã xuất hiện cách nay khoảng ba năm. Sự khác biệt giữa trước
đây và hiện nay chỉ ở mức độ: Càng ngày càng trầm trọng! Tờ Tuổi Trẻ
nhắc lại chuyện cách nay một năm. Lúc đó ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư
Đà Nẵng từng bảo rằng: Bất kể lý do là gì, để người dân thiếu nước chúng
ta cũng có tội! – và đặt vấn đề: “Thiếu nước sinh hoạt: Nhận tội với
dân, rồi sao nữa ?” (1).
Câu trả lời tất nhiên là chẳng sao. Nước dù tiếp tục thiếu, thậm chí
thiếu trầm trọng hơn song… đời nào có chuyện chỉ vì… ông Nghĩa (Bí thư
Đà Nẵng, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN)… cao hứng tuyên bố như thế mà bắt
ông… cúi đầu nhận tội? Chưa kể bắt ông Nghĩa cúi đầu nhận tội thì có bắt
Thủ tướng… cúi đầu nhận tội hay không?
Tháng trước, trước tình trạng miền Trung thiếu nước trầm trọng cả
trong sinh hoạt lẫn trồng trọt, Thủ tướng tuyên bố: “Kiên quyết” không
để người dân thiếu nước sinh hoạt (2). Từ đó đến giờ, nước cho ăn, uống,
tắm, giặt ở miền Trung càng ngày càng… thiếu và Đà Nẵng chỉ là ví dụ.
Sau Đà Nẵng, giờ tới lượt Bình Định, Phú Yên,… phải dùng cả xe cứu hỏa,
xe tưới cây chở nước cứu dân sắp chết khát (3).
Chẳng lẽ Thủ tướng “kiên quyết” nhưng dân chúng vẫn thiếu nước sinh
hoạt mà Thủ tướng vô can? Có nên tín nhiệm một người luôn luôn “kiên
quyết” nhưng hoạt động của chính phủ thường xuyên thiếu hữu dụng, đảm
nhiệm vai trò Thủ tướng hay không?
Nếu dùng google với “thủ tướng+kiên quyết” làm từ khóa, sẽ chỉ mất
vài chục giây là tìm ra hàng chục triệu trang web giới thiệu các tuyên
bố mà Thủ tướng thề “kiên quyết” trong đủ mọi chuyện: “Kiên quyết” đấu
tranh bảo vệ chủ quyền! “Kiên quyết” không lùi bước trước khó khăn!
“Kiên quyết” đẩy lùi tham nhũng, quan liêu! “Kiên quyết” không để vướng
mắc kéo dài!..
Còn thực tế? Với thực tế mà ai cũng thấy, cũng biết, sau khi Thủ
tướng tuyên bố… “kiên quyết”, bao giờ đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên
Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng “kiên quyết” không… dùng hai từ… “kiên
quyết” nữa?
***
Dẫu biến đổi khí hậu khiến thời tiết toàn cầu nói chung, thời tiết
Việt Nam nói riêng trở thành khác thường, khó đoán định nhưng chẳng phải
chỉ chuyên gia mà ngay cả thường dân cũng đã có thể nhìn ra, hậu quả
thiên tai ở Việt Nam (lụt, lũ quét, sạt lở, hạn hán) chắc chắn sẽ không
kinh khủng như vài năm gần đây nếu giới lãnh đạo Việt Nam lắc đầu với
các dự án thủy điện.
Tháng 3 năm 2017, Thủ tướng ra lệnh gia tăng kiểm soát việc quy
hoạch, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện, “kiên quyết” loại bỏ
các dự án thủy điện không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi
tới dòng chảy, môi trường và đời sống dân chúng (4). Chỉ bốn tháng sau,
chính phủ do Thủ tướng lãnh đạo cho hàng loạt tỉnh (Lào Cai, Quảng Trị,
Quảng Nam, Đắk Lắk,…) “bổ sung vào quy hoạch thủy điện” hơn 20 dự án
(5)!
Tháng trước, song song với tuyên bố: “Kiên quyết” không để người dân
thiếu nước sinh hoạt! – Thủ tướng cũng chính là người hết sức ân cần hỏi
thăm lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Sang năm tiếp tục hạn
hán thì có còn điện không (6)? May cho dân Đà Nẵng là Thủ tướng không
chỉ đạo: “Kiên quyết” tích nước để các nhà máy thủy điện vận hành ổn
định!
Đến giờ, dân số Đà Nẵng khoảng một triệu. Chỉ một triệu nhưng hệ
thống công quyền ở Đà Nẵng loay hoay suốt ba năm vẫn không thể cấp đủ
nước cho cư dân Đà Nẵng. May cho dân Đà Nẵng là Thủ tướng không “kiên
quyết” nên hệ thống công quyền ở thành phố này lơ là, không thực hiện
cho bằng được chỉ đạo của Thủ tướng cách nay ba năm: Muốn phát triển
mang tính đột phá, Đà Nẵng phải có khoảng… ba triệu dân (7).
Đà Nẵng mà có ba triệu dân như chỉ đạo của Thủ tướng hồi 2016, có thể
Thủ tướng sẽ chỉ đạo tiếp rằng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền
phải “kiên quyết” tuyên truyền, giáo dục nhân dân ăn, uống, tắm, giặt
bằng nước… biển! Dân Đà Nẵng, quý vị thấy mình may mắn không?
VOA
Chú thích