Nói có được gì đâu (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Khi nhiều người nghĩ và nói, “nói có được gì đâu” thì rốt cuộc những người dám lên tiếng luôn luôn ở thế yếu, không có sức mạnh vì không có số đông. Họ mãi bị chèn ép, trù dập và dần dần sẽ có những người thoái chí, đứng vào đội ngũ những người nói câu “nói có được gì đâu” với một tâm trạng chua chát. Người tốt không được bảo vệ, chở che ủng hộ là một điều hết sức vô lý. Nó báo hiệu xã hội và những con người sống trong xã hội đó rất không ổn. Sự công chính và sự thật sẽ mất dần. Tội ác và dối trá sẽ lên ngôi. Những người bàng quan nói câu “nói có được gì đâu” lần lượt sẽ thành nạn nhân của chính những tiêu cực, bất cập mà họ đã làm ngơ trước đó. (Nguyễn Thị Bích Ngà)


Xã hội có quá nhiều điều bất cập từ trên xuống dưới. Từ thể chế cho đến bộ máy quản lý, từ giáo dục cho đến y tế, từ nông nghiệp cho đến sản xuất, từ cách ứng xử giữa người với người cho đến cộng đồng…mà nếu chịu tìm hiểu và nhìn thẳng sự thật đều dễ dàng nhận biết. Có nhiều người nhận biết nhưng lại quá nhiều người trong số đó cho rằng “nói có được gì đâu” nên im lặng và giả vờ như không biết, không quan tâm, không bàn luận. Thậm chí, khi thấy người khác nói, họ thường khuyên với vẻ ra chiều hiểu biết, “Nói có được gì đâu.”

Ta thử phân tích nói có được gì không. 

1.Một quan chức tham nhũng, lạm dụng chức quyền, nếu nhân viên dưới quyền đồng lòng tố cáo thì quan chức đó sẽ bị pháp luật xử lý. Phần đông nhân viên không dám nói hoặc nghĩ nói có được gì đâu, chỉ một hai người dám tố cáo thì 98% khả năng vị quan chức kia có thể lợi dụng quyền lực và các mối quan hệ để trù dập người tố cáo. Người tố cáo mất việc, vị quan chức ấy vẫn tại vị và leo cao. Ta thấy, để chống lại với quyền thế, ta cần số đông người dám nói để tạo thành sức mạnh.

2.Các vị bác sĩ, giáo viên, công nhân viên chức các ngành đều thấy những điều vô lý, bất cập trong ngành của mình, chỉ vài người lên tiếng vạch ra những bất cập ấy thì sẽ bị vu cáo là gây rối, phá hoại và nặng thì cho nghỉ việc. Nhưng nếu có hơn phân nửa người trong các vị lên tiếng thì tình hình sẽ khác.

3.Văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp, các giá trị bị đảo lộn…chỉ vài người lên tiếng phê phán các thói xấu của người Việt, phê phán chính sách quản lý tệ hại của chính phủ gây ra tình trạng trên thì sẽ như hạt muối bỏ biển, không thể gióng lên được hồi chuông cảnh báo, không mấy người quan tâm. Nhưng nhiều người lên tiếng, chắc chắn sẽ tạo được tác dụng cảnh tỉnh.

4.Nhiều người dân chưa nhận thức được tình hình xã hội do họ còn mãi mê với cuộc sống bộn bề. Số ít người nói, viết trên mạng xã hội sẽ khó thể tác động đến họ. Nhưng nếu nhiều người viết, nói vừa trên mạng xã hội vừa trực tiếp truyền tai chắc chắn sẽ làm nhiều người thức tỉnh và hiểu lý do tại sao bản thân lại khốn khổ.

5.Một chính quyền có cách thức vận hành và quản lý đất nước tồi dở và độc tài sẽ làm cho đất nước tụt hậu, không thể phát triển, văn hóa, đạo đức xuống cấp. Chỉ vài trăm người trên tổng số mấy chục triệu dân dám lên tiếng phản đối chính quyền tiếp tục lãnh đạo thì mấy trăm người này sẽ bị chính quyền vu cáo là thành phần phản động, chống phá. Chính quyền bắt bớ, kết án, bỏ tù. Nhưng nếu vài triệu đến vài chục triệu người lên tiếng thì chính quyền không thể bỏ tù tất cả, không thể vu cáo. Nếu người dân biết vận dụng quyền làm chủ của mình thì hoàn toàn có khả năng xây dựng một chính quyền mới để lãnh đạo đất nước tốt hơn.

Tiếng nói của số đông luôn dễ đem lại kết quả hơn tiếng nói của những cá nhân đơn lẻ. Cho nên người ta gọi tiếng nói của số đông là sức mạnh tập thể. Để sức mạnh tập thể đạt được kết quả tốt nhất cần có tổ chức và ý thức tổ chức của mỗi người trong tập thể.

Khi nhiều người nghĩ và nói, “nói có được gì đâu” thì rốt cuộc những người dám lên tiếng luôn luôn ở thế yếu, không có sức mạnh vì không có số đông. Họ mãi bị chèn ép, trù dập và dần dần sẽ có những người thoái chí, đứng vào đội ngũ những người nói câu “nói có được gì đâu” với một tâm trạng chua chát. Người tốt không được bảo vệ, chở che ủng hộ là một điều hết sức vô lý. Nó báo hiệu xã hội và những con người sống trong xã hội đó rất không ổn. Sự công chính và sự thật sẽ mất dần. Tội ác và dối trá sẽ lên ngôi. Những người bàng quan nói câu “nói có được gì đâu” lần lượt sẽ thành nạn nhân của chính những tiêu cực, bất cập mà họ đã làm ngơ trước đó.

Tôi tự nhận mình hiện nay đang thuộc nhóm số ít những người lên tiếng trước thực trạng xã hội. Những gì nhóm thiểu số chúng tôi đang làm, nói, viết chưa đem lại những hiệu quả cao bởi chúng tôi chưa nhận được sự hưởng ứng đông đảo từ số đông. Và chúng tôi cũng chỉ là những người vì sự công chính và vì tương lai của con cháu mà lên tiếng nên không có sự chuyên nghiệp để thu hút sự quan tâm của số đông. Nhưng, tôi tin, theo quy luật, dần dần sẽ ngày càng có thêm những người lên tiếng. Ném một viên đá nhỏ xuống nước, từ tâm vòng xoáy nhỏ xíu sẽ có những vòng tròn nhỏ lan ra và biến mất. Nhưng nhiều viên đá ném xuống nước, các vòng tròn nhỏ sẽ lan ra và kết nối với nhau. 

Qua các còm trên ngay chính trang của tôi, tôi nhận ra có nhiều anh chị em có trình độ, kiến thức, khả năng, sức khỏe hơn tôi nhiều. Tôi hi vọng, ao ước họ sẽ tiếp sức với nhóm người thiểu số chúng tôi để ném một viên đá xuống nước. Có quá nhiều chủ đề để viết, để nói và truyền tai nhau. Chưa đạt hiệu quả cao không có nghĩa là nói không được gì. Nói, trước hết là để lương tâm mình thanh thản, thứ đến là tạo sự kết nối giữa những người thiểu số với nhau nhằm tạo ra hiệu ứng lớn hơn, tác động mạnh hơn. 

Không có gì vô nghĩa. Không có gì phí hoài. Mình thấy đúng thì mình làm thôi.

25.8.2019