Những kinh nghiệm rút từ các cuộc biểu tình tại Hồng Kông (Nguyễn Hiền - Diễm Thi)

Cuộc biểu tình của Hong Kong đã đưa người biểu tình đối đầu trực diện với Đảng cộng sản Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa, sẽ cực kỳ khó khăn cho việc tìm ra con đường thỏa hiệp giữa người biểu tình và Đảng cộng sản Trung Quốc, và Bắc Kinh đang phải đối mặt với một thực tế : mất quyền kiểm soát Hong Kong. (Nguyễn Hiền)
 
Biểu tình Hong Kong và những điều thú vị !
Nguyễn Hiền, VNTB, 14/08/2019
Mới đây nhất, Trung Quốc tuyên bố "biểu tình bạo lực ở Hong Kong có dấu hiệu khủng bố", đồng thời, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công bố đoạn video, trong đó ghi lại cảnh xe bọc thép đang di chuyển tới thành phố Thâm Quyến – giáp ranh Hong Kong. Một chỉ dấu cho thấy nguyên tắc "chính quyền trên đầu ngọn súng" đang được Bắc Kinh sẵn sàng đưa ra, khi mà nhiều tuần qua, cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã đặt ra thách thức lớn nhất đối với sự cai trị của Trung Quốc kể từ khi Anh chuyển giao năm 1997.
Tại sao Trung Quốc lại sẵn sàng cứng rắn ? Tại sao cuộc biểu tình Hong Kong lại từ bất tuân dân sự đi đến bạo lực ? Và phản ứng của Mỹ, cũng như các quốc gia Tây Âu đối với cuộc biểu tình này là như thế nào ? Liệu ở Hong Kong sẽ xuất hiện cuộc cách mạng màu ? Và liệu Hong Kong sẽ là con cờ domino đầu tiên cho chuỗi Đài Loan, Tây Tạng,… sắp tới ?
Nhưng quan trọng hơn, nhân khẩu học trong phong trào biểu tình Hong Kong, cũng như quan điểm chuyển từ "ôn hòa" sang "cứng rắn", và hành động bạo lực của cảnh sát làm gia tăng lượng ủng hộ biểu tình của nhóm người "trung niên, lão niên, bảo thủ" đối với người biểu tình đã mang lại một góc nhìn thú vị trong phong trào đấu tranh dân chủ - độc lập của đặc khu hành chính này.
Biểu tình Hong Kong tiệm cận vạch đỏ mà Đảng cộng sản Trung Quốc đặt ra ?
Javier C. Hernández và Amy Qin của tờ New York Times (NYT) trong một bình luận ngày 13/8 (1) đã cho rằng, cuộc biểu tình của Hong Kong đã đưa người biểu tình đối đầu trực diện với Đảng cộng sản Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa, sẽ cực kỳ khó khăn cho việc tìm ra con đường thỏa hiệp giữa người biểu tình và Đảng cộng sản Trung Quốc, và Bắc Kinh đang phải đối mặt với một thực tế : mất quyền kiểm soát Hong Kong.
Về phía những người biểu tình, thì tương lai của Hong Kong sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những gì sẽ xảy ra trong vài tháng tới, ám chỉ rằng, "tương lai của nền dân chủ".
Hong Kong từ lâu trở thành một đặc khu hành chính, nơi mà Bắc Kinh sử dụng các chính sách ưu đãi kinh tế lẫn tuyên truyền để chiêu dụ dân. Nhưng người biểu tình ngày càng thấy bức bối với những nhu cầu giới hạn đó, họ cần một sự tự do – dân chủ thực tế.
Các khẩu hiệu trong cuộc biểu tình gần đây của Hong Kong gắn liền với cụm từ "dân chủ ; tương lai ; tự do" và cả "cách mạng ; độc lập", một yếu tố rất chính trị mà giới cầm quyền Bắc Kinh thực sự lo ngại.
Kể từ khi Carrie Lam – một nữ nhân nắm quyền Trưởng đặc khu Hong Kong, bà ta dường như kỳ vọng một Dự luật dẫn độ về đại lục sẽ là di sản lớn trong nhiệm kỳ. Thế nhưng, kết quả đổi lại là sự tức giận của hàng triệu người Hong Kong vào tháng Sáu, và sự phẫn nộ tiếp tục kéo dài khi mà bà Carrie Lam tuyên bố chỉ "đỉnh chỉ luật", thay vì "rút luật". Đồng thời, Carrie Lam cũng mạnh tay hơn với người biểu tình, bằng cách điều động lực lượng cảnh sát tấn công dã man người biểu tình. Mới đây nhất, một phụ nữ đã bị cảnh sát tấn công đến mức hỏng cả một mắt.
Người biểu tình trở nên "cứng rắn" hơn, với lửa, bom xăng, và gạch. Quốc huy của Trung Quốc bị bôi bẩn.
"Không có chỗ cho sự rút lui", hay "sống hay chết vì tương lai Hong Kong" đang được cả hai phía đề cập.
Ở đại lục, giới thân Bắc Kinh cảnh báo Hong Kong đang trên bờ vực của thảm họa. Các tờ báo nhà nước đã kêu gọi người dân bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc. Các quan chức cao cấp đã đổ lỗi cho các nhà ngoại giao Mỹ trong diễn biến biểu tình Hong Kong.
"Biểu tình ôn hòa không có tác dụng"
Phong trào đã đạt đến một bước ngoặt vào tháng Bảy, khi một nhóm nhỏ các nhà hoạt động xông vào cơ quan lập pháp, đập vỡ các bức tường kính và viết khẩu hiệu bằng sơn.
Một số ít người biểu tình đã công khai kêu gọi độc lập của Hong Kong, và hầu hết đều phàn nàn về cảm giác bất lực về chính trị.
Hơn 700 người đã bị bắt giữ trong ngày cuối tuần vừa qua.
Bài báo của NYT ngày 13/8 đề cập một yếu tố cực kỳ quan trọng trong chuyển đổi phương thức biểu tình, đó là "biểu tình ôn hòa không có tác dụng".
Bài viết dẫn lời Crystal Yip, một sinh viên đại học 20 tuổi, ngồi yên trong số những người biểu tình tại sân bay hôm thứ Hai, đã khiến hơn 150 chuyến bay bị hủy . Cô cũng như hàng triệu người khác (giáo viên, công nhân, luật sư, sinh viên, công chức) đã từng tràn ra đường để phản đối chính quyền một cách ôn hòa. Nhưng giờ đây, Crystal Yip đã gia nhập một "nhóm nhỏ những người biểu tình trẻ tuổi", và sử dụng chiến thuật "cứng rắn hơn" nhằm gửi đến một thông điệp xứng đáng hơn đến Bắc Kinh.
Bản thân Crystal Yip tự nhận với NYT, cô đang mạo hiểm mạng sống của mình.
Sự thay đổi trong quan điểm và tư tưởng của Crystal Yip về tính chất biểu tình đến từ khi cô "xem phim tài liệu về các cuộc biểu tình chống Nga ở Ukraine năm 2014, và về Edward Leung, một nhà hoạt động ủng hộ độc lập, người đã bị kết án sáu năm tù vì bạo loạn". Và từ đó cô đi đến kết luận, biểu tình ôn hòa không có ích gì.
Một chiến thuật cực đoan hơn được chấp nhận, sau thất bại của các phong trào dân chủ trước đây, bao gồm của cuộc Cách mạng dù năm 2014. Khi những người biểu tình bị kết án dài, những người ủng hộ dân chủ bị đẩy ra khỏi nghị trường, và chính quyền Bắc Kinh thọc sâu hơn vào trong bộ máy chính quyền Hong Kong. Trong khi đó, về mặt xã hội, bất bình đẳng thu nhập, thiếu nhà ở giá rẻ, thiếu việc làm lương cao đang gia tăng.
"Tôi cảm thấy rất tiếc về cách chúng tôi, người dân Hong Kong, đã bị đối xử", ông Charlie Li, một thợ cơ khí xây dựng, người được truyền cảm hứng từ sự kiên trì từ những người biểu tình cho biết.
Ông Li, 35 tuổi, nói rằng ông đã ném ô và mũ bảo hiểm vào các sĩ quan cảnh sát. Ông đổ lỗi cho chính phủ Bắc Kinh đã đẩy người biểu tình tới bạo lực.
Đài Loan sẽ nối tiếp Hong Kong ?
Giống như Hong Kong, Đài Loan có hẳn một thế hệ trẻ đang phải đối mặt với sự cứng rắn ngày càng lớn từ Đại lục. Và một nhóm thế hệ trẻ ngày càng xác định là người Đài Loan - không phải người Trung Quốc.
Tại một lễ hội âm nhạc ngoài trời ở thành phố Chiayi, miền Nam Đài Loan, Freddy Lim, một thành viên ban nhạc đã khơi dậy những người hâm mộ trẻ tuổi của mình về tình hình Hong Kong.
"Dân chủ không chỉ quan trọng đối với Đài Loan, mà đối với tất cả những người bị áp bức, bao gồm cả bạn bè của chúng ta ở Hong Kong, phải không ?", ông đặt câu hỏi với hàng ngàn fan của mình.
Và Lim đưa ra thông điệp : "Chỉ khi người Đài Loan đoàn kết, chúng ta mới có thể vượt qua mọi khó khăn !". Đáp trả lại, đám đông hô vang "độc lập".
Đảo quốc Đài Loan đang đứng trước sự đe dọa nhiều mặt của Bắc Kinh.
Các cuộc tập trận của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở vùng biển quanh Đài Loan hiện đang diễn ra. 22 đồng minh ngoại giao công nhận Chính phủ Đài Loan đã "chia tay" với Đài Loan trước áp lực (kinh tế) của Bắc Kinh khi bà Tsai lên chức vụ Tổng thống vào năm 2016. Và mới đây nhất, Bắc Kinh đã công bố những hạn chế mới đối với du lịch cá nhân đến Đài Loan nhằm gây áp lực kinh tế cho hòn đảo này. Các thương hiệu quốc tế như Qantas và Marriott Hotels của Đài Loan bị Bắc Kinh "chèn ép" vì không tuân thủ chặt chẽ yêu sách của Đảng cộng sản Trung Quốc đối với hòn đảo này.
Thế nhưng, giống với Hong Kong, Đài Loan đã có một thế hệ trẻ "không Trung Quốc", và Hong Kong đã và đang truyền cảm hứng cho giới trẻ đảo quốc này. Sự thành công của Hong Kong sẽ sớm thúc đẩy Đài Loan "cứng rắn" hơn với Bắc Kinh trong tương lai. Và lúc đó, Bắc Kinh sẽ đối diện thêm với một mối nguy khác.
Mỹ đứng đâu trong Hong Kong ?
Bất kỳ cuộc đàn áp bạo lực nào ở Hong Kong sẽ là "hoàn toàn không thể chấp nhận được", lãnh đạo Thượng viện Mỹ, McConnell cảnh báo Trung Quốc vào ngày 12/8.
"Người dân Hong Kong đang dũng cảm đứng lên trước Đảng cộng sản Trung Quốc khi Bắc Kinh cố xâm phạm quyền tự chủ và tự do của họ", McConnell trong một tweet cho biết. Và cuộc đàn áp bạo lực nào cũng không chấp nhận được.
"Thế giới đang theo dõi (Hong Kong)".
Một số chuyên gia pháp lý Hong Kong cho biết, khi Bắc Kinh bắt đầu liên hệ hoạt động biểu tình của người Hong Kong là có mầm mống "khủng bố" thì sẽ có thể dẫn đến việc sử dụng luật, cách thức chống khủng bố nhằm chống lại.
Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc cũng tập hợp tại thành phố lân cận Thâm Quyến để tập trận, tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho biết.
Một nhà ngoại giao Mỹ đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo (sinh viên) phong trào biểu tình ở Hong Kong.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus đã gọi Trung Quốc là "chế độ côn đồ".
Cách thức của Mỹ đưa ra đã và đang cho thấy, vấn đề Hong Kong đang được họ giám sát chặt chẽ, và ngay khi Bắc Kinh có động thái cứng rắn hơn, thì phong trào sẽ đi đến "độc lập hoàn toàn".
Nhân khẩu học quyết định tính lâu dài biểu tình ?
SCMP trong bài viết chiều ngày 12/8 (2) đã phân tích nhân khẩu học người biểu tình Hong Kong, trong đó, có 60% người tham gia là từ độ tuổi 29 trở xuống, 18% là 45 tuổi trở lên, và 74% là có trình độ đại học. Hơn 60% người biểu tình cho biết họ cũng đã tham gia vào các cuộc biểu tình Chiếm trung tâm vào năm 2014. 16% người biểu tình tham gia hoạt động xã hội.
Cuộc khảo sát được công bố vào ngày 12/8, được thực hiện bởi ba học giả địa phương : Giáo sư Francis Lee Lap-Mush, Edmund Cheng Wai, một giáo sư trợ lý tại Đại học Baptist và Samson Yuen Wai- hei của Đại học Lĩnh Nam.
Nghiên cứu được rút ra từ 6.600 bảng câu hỏi được đưa ra tại 12 cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ, kéo dài từ ngày 9/6 đến ngày 4/8.
Lee cho biết, những người phản ứng với Bắc Kinh có điểm chung : trẻ và có trình độ đại học.
Nhiều người biểu tình thấy mình thuộc tầng lớp trung lưu, Lee nói, đề cập đến 50,6% những người tham gia tự nhận mình theo cách đó.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy phong trào chống dẫn độ là sự pha trộn giữa những người mới đến và nhóm cũ đến từ phong trào Chiếm trung tâm 2014.
Trong số 6.688 người được khảo sát, 16,6% cho biết phong trào chống dự Luật dẫn độ là lần đầu tiên họ tham gia (các phong trào xã hội như thế này). Nghiên cứu cho thấy 60,5% cho biết họ đã tham gia vào các cuộc biểu tình Chiếm trung tâm vào năm 2014.
Giới trẻ có thể giữ im lặng trong thời gian dài đối với phong trào xã hội, nhưng điều đó không có nghĩa là họ chuyển sang ủng hộ chính phủ, ông Cheng nói.
Giới tính người biểu tình, với 53,7% là nam và 46,3% là nữ.
Những người biểu tình ở Hong Kong ngày càng thông cảm với hành động cực đoan, cuộc khảo sát cho thấy, sau nhiều tháng chống chính phủ. Hơn 95% người biểu tình đồng ý rằng, không có sự nhượng bộ của chính phủ, các chiến thuật triệt để là điều dễ hiểu.
Lee lưu ý rằng, khi Chính phủ không có hành động nào ngoài việc đình chỉ dự luật dẫn độ vào ngày 15/6, thì chứng tỏ hành động tương đối ôn hòa không đủ khả năng để buộc chính phủ đáp ứng nhu cầu (rút lại dự Luật dẫn độ), dẫn đến "xu hướng tự nhiên" leo thang hành động của của người biểu tình.
Cheng cho biết sự chấp thuận biểu tình bạo lực ngày càng tăng có thể liên quan đến vụ tấn công của một nhóm đám đông mặc áo trắng nhằm vào người biểu tình và người ngoài cuộc tại ga đường sắt Yuen Long vào ngày 21/7, khiến ít nhất 45 người đã được đưa đến bệnh viện. Và khi cảnh sát đến, những kẻ tấn công đã rời khỏi hiện trường. Trong cuộc khảo sát ngày 27/7, 84,5% đồng ý mạnh mẽ rằng những người biểu tình có thể có hành động cực đoan, tăng từ 68,9% một tuần trước đó.
Kết quả khảo sát mới nhất cũng chỉ ra rằng các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục. Vào ngày 4/8, chỉ có 1,9% kêu gọi tạm dừng các cuộc biểu tình, trong khi 54,1% ủng hộ sự leo thang trong hành động. Khoảng 40% người biểu tình cảm thấy nên tiếp tục phong cách phản kháng hiện tại của họ và huy động thường xuyên.
Điều này phù hợp với một bài báo của CNN ngày 13/8, theo đó, kể từ ngày 9/6, hàng trăm ngàn công dân Hong Kong đã tràn ra đường để ủng hộ các cuộc biểu tình và nói lên sự không hài lòng của họ với chính quyền thành phố và các chính sách của thành phố. Điều đặc biệt, nhóm người già đã tham gia các cuộc tuần hành để thể hiện sự ủng hộ của họ. Nhưng liệu các hành vi bạo lực leo thang, bao gồm cả việc phá hủy trụ sở chính phủ của Hong Kong, có làm suy yếu sự ủng hộ này hay không.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 14/08/2019
******************
Từ biểu tình Hong Kong, nhìn lại Việt Nam
Diễm Thi, RFA, 13/08/2019
Việt Nam từng có những cuộc biểu tình lớn phản đối Trung Quốc cũng như phản đối những điều luật bóp nghẹt quyền tự do của người dân như luật an ninh mạng, luật đặc khu… nhưng đều bị giải tán nhanh chóng. Dư luận đặc nhiều dấu hỏi về sự khác biệt giữa biểu tình ở Hong Kong và Việt Nam ?
bieutinh2
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ chặn lối vào nhà ga sân bay sau vụ ẩu đả với cảnh sát tại sân bay quốc tế Hong Kong vào cuối ngày 13 tháng 8 năm 2019. AFP
Những điểm giống …
Phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong đã bước sang tuần thứ 10. Đặc biệt là chiến dịch tọa kháng tại sân bay quốc tế Hong Kong từ tối hôm 9/8 với gần 5.000 người khiến sân bay phải đóng cửa, hủy hàng trăm chuyến bay ba ngày sau đó.
Quan chức chính quyền Trung Quốc gọi cuộc biểu tình Hong Kong là "khủng bố" và kêu gọi sử dụng "bàn tay thép" để giải quyết "những hành vi bạo lực" ở Hong Kong.
Một trong những cách mà chính quyền Trung Quốc đang thực hiện ở Hong Kong hiện nay là để cảnh sát bắn đạn cao su, xịt hơi cay vào người biểu tình. Đã có khoảng 600 người bị bắt kể từ ngày 9/6, khi những cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra và lan rộng.
Blogger Tuấn Khanh nhận xét chính quyền Trung Quốc hiện đang điên cuồng bắt bớ, đánh đập người biểu tình để tìm xem ai là thủ lĩnh, y như cách hành xử của chính quyền Việt Nam :
"Những người lãnh đạo biểu tình là những người bí mật. Họ không hề xuất hiện ở vị trí lãnh đạo vào bất cứ thời điểm nào để có thể bị bắt vì bất cứ lý do gì, kể cả lý do biểu tình.
Do đó vào lúc này, sự điên cuồng tấn công giới sinh viên Hong Kong của chính quyền Trung Quốc cho thấy sự tức giận vì không tìm ra đầu mối người lãnh đạo. Họ bắt giữ nhiều ngày và đánh đập là bài bản quen thuộc rất giống ở Việt Nam. Họ chịu sự tra tấn, ép buộc để khai ra ai là người hướng dẫn biểu tình ; ai hẹn giờ biểu tình ; và ai là người tổ chức và có biết đường dây nào hay không".
Theo các nhà quan sát thì cách hành xử của chính quyền Trung Quốc hiện nay trong việc đàn áp và dập tắt biểu tình ở Hong Kong là một "bài" giống nhau ở tất cả các nước cộng sản.
Về mặt truyền thông, từ hôm 12/8, báo chí nhà nước mạnh mẽ chỉ trích người biểu tình ; cùng lúc phát ngôn viên Dương Quang của Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macao gọi biểu tình ở Hong Kong là "khủng bố" thì từ này được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV nhắc lại đến ba lần trong bản tin thời sự cùng ngày.
Trước đó, hôm 9/8, bà Regina Ip, thành viên Hội đồng lập pháp Hong Kong, cũng là một lãnh đạo chính trị thân chính quyền trung ương, phát biểu trên China Global Television Network (CGTN) rằng "Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho chúng tôi để cảnh sát cứng rắn hơn nữa".
Blogger Tuấn Khanh nhận định sẽ không có một Thiên An Môn thứ hai, tức sẽ không có xe tăng nghiền nát người biểu tình, nhưng Trung Quốc sẽ có cách của họ mà theo Blogger Tuấn Khanh là cũng tương tự như ở Việt Nam. Ông nói :
"Trung Quốc sẽ có cách là cho người ta sợ, cũng giống như cách mà Việt Nam đã làm vào ngày 10/6/2018. Hôm đó Việt Nam có một cuộc tra tấn khủng khiếp khi công an mở ra một cái trại bắt tất cả những người đi biểu tình về đó rồi đánh đập họ khủng khiếp. Trung Quốc họ cũng sẽ làm như vậy ở Hong Kong".
…và khác với Việt Nam
bieutinh3
Cảnh sát bảo vệ Nhà ga số 1 sau vụ ẩu đả với người biểu tình tại Sân bay Quốc tế Hong Kong vào ngày 13 tháng 8 năm 2019. AFP
Tại Việt Nam, cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên diễn ra vào ngày 5/6/2011, sau sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp thiết bị thăm dò dầu khí của Việt Nam khiến dư luận Việt Nam hết sức công phẫn.
Đến tháng 5/2014, khi Trung Quốc lắp đặt giàn khoan thăm dò dầu khí HD-981 vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam, nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc cũng đã diễn ra tại 22 tỉnh thành ở Việt Nam trong đó có : Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hoá.
Đặc biệt ngày 10/6/2018, hàng ngàn người từ nhiều tỉnh thành khác nhau đã đổ ra đường biểu tình phản đối luật đặc khu hành chính kinh tế (Luật Đặc khu) và Luật an ninh mạng.
Tất cả các cuộc biểu tình đều bị chính quyền đàn áp, dập tắt bằng bạo lực, đẫm máu nhất là cuộc biểu tình hôm 10/6/2018 khiến nhiều người bị đánh dã man ; hàng trăm người bị bắt ; gần 130 người đã bị kết án tù với các tội như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người bảo vệ nhân quyền, cho rằng, so sánh biểu tình Hong Kong và biểu tình Việt Nam là quá khập khiễng, bởi người biểu tình ở Việt Nam quá ít, vài ngàn người đàn áp rất dễ. Hơn nữa người Việt không có "Văn hóa biểu tình" do chế độ cộng sản không cho phép biểu tình và nhà nước kiểm soát tất cả mọi hoạt động của người dân. Từ đó đa số người dân không nghĩ đến việc lên tiếng cho những quyền lợi "sát sườn" của mình dẫn đến "Văn hóa phản kháng", "Văn hóa biểu tình" bị đè bẹp. Ông nói thêm :
"Tôi nghĩ ở Việt Nam hiện giờ là khó, bởi sự đoàn kết, liên kết giữa những người biểu tình hầu như chưa có. Trong cuộc biểu tình lớn vào năm 2011 cũng gần như mang tính tự phát khi chỉ có một lời kêu gọi trên mạng tập trung tại một điểm vào một giờ nhất định nào đó rồi về chứ không mang tính lâu dài như ở Hong Kong".
Ông Vũ Quốc Ngữ kết luận rằng biểu tình ở Việt Nam mang tính ái quốc chứ không phải tinh thần dân tộc.
Blogger Tuấn Khanh có cùng ý kiến khi cho rằng việc nổ ra một cuộc biểu tình có giá trị tinh thần của dân chủ, nhân quyền và cách mạng thì chưa thể xảy ra ở Việt Nam được. Ông giải thích thêm về sự khác nhau hoàn toàn giữa việc biểu tình ở Hong Kong và biểu tình ở Việt Nam :
"Việt Nam khác biệt hoàn toàn là bởi vì Hong Kong cho tới giờ phút này họ vẫn còn giữ được các nhóm Xã hội Dân sự, các tổ chức chính trị, đồng thời nó vẫn là một hệ thống tam quyền phân lập tương đối chưa bị chính quyền của Trung Quốc cài cắm vào.
Việt Nam nó có cái khó là sau năm 1975 cho tới bây giờ thì cộng sản đã hoàn toàn tiêu diệt tất cả những hệ thống Xã hội Dân sự độc lập, thậm chí là bất kỳ ai có ý kiến khác biệt, dù là cá nhân cũng có thể bị đẩy vào tù, cho nên cái không khí nó giống như ở Bắc Hàn hay Trung Quốc lúc này".
Với hai thể chế chính trị khác nhau, cách "trị" dân của chính quyền hai quốc gia cũng khác nhau dẫn đến cách hành xử của người dân cũng khác nhau. Blogger Tuấn Khanh kết luận :
"Ở Việt Nam thì đời sống chịu nhiều sự ban phát của chính quyền cũng như việc răn đe của chính quyền hơn là ở Hong Kong. Sự khác biệt đó dẫn đến chuyện nếu có một cuộc biểu tình thì Việt Nam sẽ khác".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 13/08/2019