Trung Quốc lần đầu có biểu tình 'quy mô hiếm thấy' ở Vũ Hán (BBC)



Trong khi thế giới đang hướng sự tập trung vào các cuộc biểu tình ở Hong Kong, Trung Quốc đại lục cũng vừa chứng kiến tình trạng bất ổn ở quy mô hiếm thấy.
Hàng ngàn người Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã xuống đường tuần trước trong vài ngày.

Họ tức giận về kế hoạch xây một nhà máy đốt rác thải mà theo họ sẽ khiến thành phố bị ô nhiễm mức nguy hiểm. 

Nhưng khi các cuộc biểu tình gia tăng trong tuần, chính quyền Trung Quốc bắt đầu kiểm duyệt và tăng cường an ninh để cố gắng che đậy tình trạng bất ổn.

Tại sao họ tức giận?

                     Người Trung Quốc học được gì từ biểu tình ở Hong Kong?                 

Vũ Hán đã tuyệt vọng tìm cách xử lý rác thải ra từ 10 triệu cư dân thành phố. Vì vậy, chính quyền thành phố đã lên kế hoạch xây một lò đốt rác khổng lồ, có trụ sở tại khu Yangluo của quận Tân Châu, nơi khoảng 300.000 người sinh sống.

Theo một tài liệu của chính quyền Vũ Hán công bố vào tháng Hai, lò đốt rác có công suất 2.000 tấn rác/ngày.

Huyện Tân Châu cũng đã sở hữu một bãi rác thải, mùi nồng nặc, theo một số người dân địa phương, có thể ngửi thấy ngay cả khi người ta đi ngang qua bằng xe buýt.

Nhưng người dân lo ngại rằng các lò đốt rác công nghệ tồi có thể thải ra dioxin, tàn phá hệ miễn dịch, biến đổi hormone và gây ung thư. Trong năm 2013, năm nhà máy như vậy ở thành phố Vũ Hán bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn và thải ra các chất gây ô nhiễm nguy hiểm, theo đài truyền hình CCTV của Trung Quốc.

Vào cuối tháng Sáu, tin đồn bắt đầu lan truyền rằng lò đốt rác mới bắt đầu được khởi công tại Yangluo, nơi được quy hoạch làm một khu công nghiệp, gần khu dân cư và hai trường học.

Người dân địa phương đã xuống đường trong vài ngày, yêu cầu phải xem xét lại địa điểm xây nhà máy đốt rác. 

Họ giương cao các biểu ngữ với các khẩu hiệu như "ô nhiễm không khí sẽ hủy hoại thế hệ tiếp theo" và "chúng tôi không muốn bị đầu độc, chúng tôi chỉ cần hít thở không khí trong lành". Họ không yêu cầu phải loại bỏ hoàn toàn mà chỉ cần nhà máy được di chuyển xa hơn.

Các cuộc biểu tình đã tăng lên trong nhiều ngày và theo một số người dân địa phương, thời điểm đông nhất đã có tới 10.000 người tham gia.

Chính phủ trả lời như thế nào?
                     Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình Trung Quốc                 

Lúc đầu, chính quyền huyện Tân Châu đã cố gắng xoa dịu tình trạng bất ổn. Họ đưa ra một tuyên bố vào thứ Tư tuần trước phủ nhận việc bắt đầu xây nhà máy rác. Họ nói dự án thậm chí đã không được phê duyệt, và cũng chưa có bất kỳ đánh giá tác động môi trường nào.

Họ nói chính quyền địa phương sẽ "coi trọng tiếng nói của người dân" trong việc ra quyết định, nhưng cảnh báo rằng các cơ quan an sẽ trấn áp bất kỳ "hành vi bất hợp pháp nào như kích động và khiêu khích độc hại".

Một số người dân địa phương được cho là đã bị giam giữ nhưng không kiểm chứng được con số chính xác.

Cuối tuần qua, chính quyền dường như đã thành công trong việc dẹp tan các cuộc biểu tình. Một số người dân địa phương cho biết có cảnh sát chống bạo động trên đường phố và các cửa hàng xung quanh các địa điểm biểu tình được lệnh đóng cửa trước 6 giờ tối.

Trong khi đó, cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc đã hoạt động. 

Các ý kiến trên mạng xã hội biến mất nhanh chóng. Video và hình ảnh các con đường đầy người biểu tình và các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát có thể được kiểm duyệt trong vài giờ. Trong khi có một vài tường thuật trên truyền thông nhà nước về nhà máy đốt rác, không có tờ báo nào trong số đó đưa tin về các cuộc biểu tình.

Người dân địa phương cho biết họ không hài lòng với sự trấn an của chính quyền quận, bởi vì chính quyền thành phố phải là người có tiếng nói cuối cùng.

Nhưng chính quyền thành phố giữ im lặng cho đến nay.

Điều này khác thường như thế nào đối với Trung Quốc?

Trung Quốc thường thấy các cuộc biểu tình công khai như thế này, nhưng chủ yếu ở tầm vóc nhỏ hơn nhiều.

Trong khi người dân Trung Quốc hầu như tránh các cuộc biểu tình về cải cách chính trị kể từ khi phong trào Thiên An Môn bị nghiền nát năm 1989, thì các cuộc biểu tình liên quan đến các vấn đề môi trường trở nên phổ biến hơn.

Các phong trào dân sự chống lại các dự án gây ô nhiễm bắt đầu từ năm 2007 khi một cuộc biểu tình nổ ra ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, phản đối một nhà máy hóa chất công nghiệp.

Vụ việc trở nên nổi tiếng tại thời điểm kiểm duyệt vẫn nhẹ tay hơn bây giờ, và chính quyền địa phương cuối cùng đã đưa dự án này ra khỏi thành phố.

Năm 2015 có những cuộc biểu tình ở cả Thượng Hải và phía bắc Thiên Tân, phản đối kế hoạch xây các nhà máy sản xuất mà người dân địa phương cho rằng 'đặt họ vào tình thế nguy hiểm'.

Năm 2017, thành phố Thanh Viễn thuộc tỉnh Quảng Đông cũng chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối một lò đốt rác.

Trong các cuộc biểu tình ở Thanh Nguyên, gần 10.000 người dân địa phương đã xuống đường và cảnh sát đã bắn hơi cay vào đám đông. Ba ngày sau, chính phủ hủy bỏ kế hoạch xây lò đốt rác.

Chính quyền Vũ Hán có thể học hỏi từ Thanh Nguyên?

Cho đến nay không có dấu hiệu của điều đó.

Thậm chí một tuần sau các cuộc biểu tình, chính quyền thành phố dường như vẫn bị điếc trước dư luận.