Hành vi bầy đàn là gì?...(Nguyễn Thị Bích Ngà)

Trong xã hội con người, các nhà triết học và xã hội học tin rằng HVBĐ là kết quả của ước muốn bắt chước hành vi của đám đông vì mỗi cá nhân cho đó là hành vi an toàn nhất. Sự bắt chước này có tính phản xạ và không đòi hỏi sự can thiệp của lý trí. Nhiều khi hành vi của đám đông bắt nguồn từ vài người bắt chước hành vi của một cá nhân mà họ ngưỡng mộ - khi một sự chọn lựa (có thể có ý thức) của vài người trở thành sự chọn lựa vô ý thức của đám đông mà ta gọi nó nôm na là ‘a dua’. Các trào lưu có tính cách thời thượng là HVBĐ kiểu này. Các nhà xã hội học cho rằng tính a dua đến từ bản tính thích xã giao (sociability) của con người vì họ muốn được đám đông chấp nhận như là một thành viên. (Nguyễn Thị Bích Ngà)


I. Định nghĩa

"Bầy đàn," trong ngữ cảnh xã hội học, là một nhóm người chia sẻ một trạng thái, tính chất hoặc một sự mong muốn, và mỗi thành viên trong nhóm nhận thức được sự chia sẻ đó và xem nó là ‘nhóm của mình’.

‘Hành vi bầy đàn’ (HVBĐ) mô tả hiện tượng nhiều cá nhân trong một nhóm bắt chước nhau và hành động đồng loạt như nhau dù không định trước.

HVBĐ thường được thấy ở các loài vật hay sinh hoạt theo bầy như mục súc. Ở con người HVBĐ thường được thấy ở những cuộc biểu tình, nổi loạn, khán giả tại các cuộc tranh đua thể thao, nhưng nó cũng có thể diễn ra trong một nhóm nơi mà tinh thần tập thể được đề cao.

Với con người, hành vi của bầy đàn không nhất thiết phản ánh hành vi của mỗi thành viên nếu họ đứng riêng. Nói cách khác, khi một cá nhân tham gia bầy đàn, họ thường khoác lên mình cái tâm lý và hành vi của nhóm. Các nhà xã hội học đưa ra 3 lý do để giải thích hiện tượng này:

-Nhận chìm nhân cách (personality submergence): một cách vô thức, cá nhân xem sự tham gia bầy đàn nặc danh của mình là cơ hội để thể hiện quyền lực của nhóm.

-Truyền nhiễm (contagion): mỗi hành động hay tâm trạng nổi bật trong bầy đàn thường được lan truyền rất nhanh như dịch bệnh, và cá nhân trong đó xem sự bắt chước của mình là phù hợp với lợi ích của nhóm.

-Sự nhẹ dạ (suggestibility):HVBĐ có khả năng cuốn hút thành viên của nhóm, làm họ mất tự chủ và sẳn sàng hành động theo nhóm.

II. Tại sao lại có ‘hành vi bầy đàn’?

Các nhà sinh vật học cho rằng ở loài vật HVBĐ là thuộc về bản năng sinh tồn: mỗi con thú hành động như những con thú kế cận để kết với nhau thành bầy nhằm giảm cơ nguy bị thú dữ ăn thịt. Sự thành lập ‘bầy đàn’ chỉ cần tuân thủ một nguyên tắc duy nhất là con nào cũng muốn tranh thủ vị trí ở giữa đàn vì đó là nơi an toàn nhất. Hành động này của mỗi con thú khiến cho cả bầy dường như đoàn kết với nhau và có hành động nhất quán.

Trong xã hội con người, các nhà triết học và xã hội học tin rằng HVBĐ là kết quả của ước muốn bắt chước hành vi của đám đông vì mỗi cá nhân cho đó là hành vi an toàn nhất. Sự bắt chước này có tính phản xạ và không đòi hỏi sự can thiệp của lý trí. Nhiều khi hành vi của đám đông bắt nguồn từ vài người bắt chước hành vi của một cá nhân mà họ ngưỡng mộ - khi một sự chọn lựa (có thể có ý thức) của vài người trở thành sự chọn lựa vô ý thức của đám đông mà ta gọi nó nôm na là ‘a dua’. Các trào lưu có tính cách thời thượng là HVBĐ kiểu này. Các nhà xã hội học cho rằng tính a dua đến từ bản tính thích xã giao (sociability) của con người vì họ muốn được đám đông chấp nhận như là một thành viên.

Một tình huống dễ gây nên HVBĐ dẫn tới bạo loạn là khi dân chúng tụ tập để bày tỏ sự căm phẫn vì lý do nào đó, nhất là khi có một nhóm đối kháng với họ (công an hay các nhóm bất đồng chính kiến khác). Ta cũng có thể thấy HVBĐ tại những cuộc tranh tài thể thao quốc tế khi sự ủng hộ cuồng nhiệt có thể trở thành bạo lực. Tóm lại, khi tinh thần “bộ lạc” (tribalism) trở nên cao trào: ‘Phe Ta chống Phe Nó’.

Trong tình trạng một đám đông hoảng loạn, nguy hiểm lớn nhất của HVBĐ là nó dễ thu hút những phần tử lợi dụng cơ hội để thực hiện ý đồ xấu và bạo lực như hôi của, tàn phá, giết người để trả thù.

Bằng chứng lịch sử cho thấy nhiều lãnh tụ độc tài (như Hitler) biết vận dụng HVBĐ rất giỏi. Thí dụ như cài ‘cò mồi’ trong đám đông để khích động tính a dua của họ.

Đôi khi HVBĐ chỉ là do ngộ nhận ban đầu về thông tin, nhưng khi đám đông tin là có thật thì đến một lúc nào đó thông tin đó trở thành ‘như thật’ và hiệu ứng a dua sẽ tăng theo cấp số nhân. Hiện tượng này dễ xẩy ra trong những xã hội bị bưng bít thông tin và dân chúng không có khả năng kiểm chứng thông tin.

III. HVBĐ là một công cụ đắc lực của chế độ độc tài

Những nhà nước độc tài luôn tìm cách dùng HVBĐ theo cách có lợi cho họ bằng cách:

1.Kiểm soát thông tin: chỉ cho báo chí đăng những tin tức không có hại cho chính phủ.

2.Dùng cò mồi và báo chí tay sai để thông tin ‘theo định hướng’.

3.Dùng răn đe, lừa phỉnh và mua chuộc để nguỵ tạo sự ủng hộ của dân chúng cho tới khi hiệu ứng a dua thành hình.

4.Cổ động thói tôn sùng lãnh tụ để đa số dân chúng ít học có thần tượng mà theo. Khi thủ đoạn này thành công thì nó tạo nên hiện tượng ‘cuồng loạn đại chúng’ (mass hysteria) như hay thấy ở Bắc Triều Tiên.

5.Dùng thủ đoạn và vũ lực để ngăn chận tất cả những ý kiến trái chiều hay phản tuyên truyền.

IV: Tại sao HVBĐ có hại cho dân chủ?

1.HVBĐ triệt tiêu khả năng tư duy và hành động độc lập của công dân – một tính chất của dân chủ đa nguyên.

2.Để tạo HVBĐ, người ta thường dùng bạo lực và thủ đoạn thay vì lý trí và thuyết phục – hai khả năng cần có để tranh thủ nhân tâm trong một nền dân chủ.

3.HVBĐ là một mục tiêu của chính sách ngu dân vì thói bầy đàn làm người dân dễ bị cai trị và lợi dụng. Dân trí thấp là một trở ngại lớn cho dân chủ.

4.Để tạo HVBĐ, song song với tuyên truyền, nhà nước chuyên chế cần một chế độ kiểm soát thông tin chặt chẽ - không cho người dân có cơ hội để hoài nghi và kiểm chứng. Một nền dân chủ cần có thông tin tự do và đa chiều để người dân có thể thẩm định và chọn lựa.

5.Để khuyến khích HVBĐ, người ta thường tạo dựng những ‘thần tượng’ làm mục tiêu cho thói a dua. Trong một nền dân chủ, sự bình đẳng và nhân phẩm của mọi người được đề cao.

6.Để tạo HVBĐ, một nhà nước độc tài xem mỗi người dân là một công cụ phi nhân cách để uốn nắn theo hướng có lợi cho chế độ. Trong khi đó, một nhà nước dân chủ phải tôn trọng nhân cách của mỗi công dân.

7.HVBĐ là kẻ thù của cá tính và tính sáng tạo. Một nền dân chủ lành mạnh cần cả hai đức tính đó.

V. Thực hành

1.Nhìn vào lịch sử và xã hội VN, liệt kê những sự kiện có HVBĐ và chứng minh.

2.Phân tích các quyết định/công bố của chính phủ và xem cái nào có tính cách cổ động HVBĐ.

3.Nếu bạn muốn tránh bị lôi cuốn vào HVBĐ, bạn phải làm gì?

4.Trong hệ thống giáo dục, làm sao để khuyến khích học sinh chọn tư duy độc lập và đào luyện nhân cách riêng, như là cách để ‘chủng ngừa’ chống xu hướng bầy đàn?

Bài cũ, viết cùng HT.