Bãi Tư Chính: Việc VN kiện TQ ra tòa quốc tế đang được nhắc lại (BBC)

"Giải pháp ngay lúc này, theo tôi là, cần tranh thủ sự ủng hộ, trợ giúp của quốc tế bằng mặt trận thông tin. Cần đưa các nhà báo quốc tế tới nơi xảy ra sự việc để đưa tin chân thực, sống động về tình hình nóng bỏng tại nơi này cho thế giới biết, như Việt Nam đã từng làm năm 2014 khi Trung Quốc mang giàn khoan 981 tới vùng biển Việt Nam. Song song với việc này, cần ngay lập tức kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Việc Tòa Trọng tài PCA năm 2016 tuyên bố Philippines thắng trong vụ nước này đơn phương kiện Trung Quốc đã tạo thuận lợi lớn cho Việt Nam để khởi kiện Trung Quốc. Điều mà trước sự kiện 2016 Việt Nam có thể không làm được." (Hoàng Việt, giảng viên ĐH Luật TP Hồ Chí Minh)


Ý kiến của giới quan sát rằng giờ đã đến thời điểm Việt Nam dùng biện pháp pháp lý để phản ứng lại hành động của Trung Quốc liên quan vụ Bãi Tư Chính. 

Tại sao lại là bây giờ, khi Trung Quốc từng gây hấn nhiều lần trên Biển Đông trong các năm qua?

Trao đổi với Mỹ Hằng của BBC hôm 23/7, ông Hoàng Việt, giảng viên ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu luật Quốc tế, nói Việt Nam đã khá chậm trong việc phản ứng lại hành động của Trung Quốc trong vụ Bãi Tư Chính. 

Do đó, ông Hoàng Việt cho rằng nếu không ngay lập tức có các giải pháp tức thì để tranh thủ ủng hộ của thế giới, trong đó có việc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, thì hậu quả có thể khó lường.
Philippines đã đơn phương kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế và đã 'thắng lớn' năm 2016.

"Tôi được biết là mỗi lần có sự cố như vụ Bãi Tư Chính thì chính phủ thường cho họp các cơ quan ban ngành và tìm ý kiến. Nhưng đến lúc tìm ra giải pháp thì sự việc đã xảy ra một thời gian khá lâu rồi. Trong vụ Bãi Tư Chính phải gần nửa tháng sau mới thấy Việt Nam có tiếng nói chính thức."

"Phải hiểu rằng Việt Nam cần có sự thận trọng, cân nhắc khi đối đầu với một đối thủ quá mạnh là Trung Quốc. Không như Philippines ngăn cách với Trung Quốc bằng đường biển, Việt Nam có đường biên giới trên bộ liền với Trung Quốc và vì vậy, dễ tổn thương hơn khi đối đầu với nước này. Trung Quốc đã có nhiều 'đòn' nhắm vào Việt Nam. Vi dụ ngay khi sự kiện Bãi Tư Chính xảy ra, Trung Quốc đã đóng tất cả các đập trên thượng nguồn sông Mekong khiến vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam dưới hạ nguồn bị khô hạn nghiêm trọng. Ngoài ra còn các 'đòn' thương mại khác. Việt Nam đã rút ra bài học xương máu sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 nên đã chọn đấu tranh trong hòa bình." 

"Nhưng lùi một bước để tiến ba bước cũng là chiến thuật để đối đầu với một đối thủ quá mạnh. Ví dụ Việt Nam từng bắt buộc phải ngưng thăm dò hai lô dầu khí trên Biển Đông năm 2018 dưới sức ép của Trung Quốc. Nhưng sau đó một thời gian Việt Nam lại hoạt động trở lại các lô này. Trong vụ Bãi Tư Chính, chúng ta đã có sự mềm mỏng nhất định, nhưng nếu không có kịch bản để phản ứng ngay tức thì thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong tương lai."

"Giải pháp ngay lúc này, theo tôi là, cần tranh thủ sự ủng hộ, trợ giúp của quốc tế bằng mặt trận thông tin. Cần đưa các nhà báo quốc tế tới nơi xảy ra sự việc để đưa tin chân thực, sống động về tình hình nóng bỏng tại nơi này cho thế giới biết, như Việt Nam đã từng làm năm 2014 khi Trung Quốc mang giàn khoan 981 tới vùng biển Việt Nam. 

"Song song với việc này, cần ngay lập tức kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Việc Tòa Trọng tài PCA năm 2016 tuyên bố Philippines thắng trong vụ nước này đơn phương kiện Trung Quốc đã tạo thuận lợi lớn cho Việt Nam để khởi kiện Trung Quốc. Điều mà trước sự kiện 2016 Việt Nam có thể không làm được."

Vì sao có thể kiện lúc này?

"Trước đây Việt Nam không kiện Trung Quốc hẳn nhiên có một số lý do tiềm ẩn," theo theo nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn tại Pháp trong một bài viết gửi BBC. 

"Trong khi tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines chỉ bộc phát mới đây, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về Hoàng Sa đã trên 100 năm, tranh chấp Trường Sa bắt đầu từ sau Thế chiến Thứ hai, cũng đã tròn 70 năm."

"Từ lâu, Trung Quốc không nhìn nhận "có tranh chấp với Việt Nam" trên Biển Đông, do đó không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán."

"Tuy nhiên, phán quyết của Tòa Trọng tài PCA ngày 12/7/2016, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về đường chữ U chín đoạn và "quyền lịch sử" ở khu vực Biển Đông, đã không chỉ giải quyết những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực Trường Sa mà còn mở cho Việt Nam nhiều cơ hội pháp lý (và ngoại giao) để giải quyết Hoàng Sa, vấn đề đã bị "đông lạnh" ít ra từ năm 1975 đến nay. Nhờ đó, Việt Nam có thể "ép" Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán với mình. Nếu Trung Quốc một mực từ chối "đàm phán", lúc đó Việt Nam có thể nghĩ đến việc đi kiện," ông Trương Nhân Tuấn phân tích.

"Bởi vì, việc "đi kiện" (trước Tòa án về Luật Biển) chỉ được một bên áp dụng khi mà mọi phương án "ngoại giao" (tức đàm phán) đều cạn kiệt. Luật Biển 1982 xác định rõ việc này ở các điều 281 và 282."

Việt Nam 'sẽ thắng' nếu kiện?

Ông James Kraska, Chủ tịch Trung tâm Stockton về Luật hàng hải Quốc tế thuộc Trường Hải Chiến của Mỹ, trả lời VOA rằng Trung Quốc đang hành động "bất hợp pháp" trên Biển Đông và vi phạm "nghiêm trọng" Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)" mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Ông James Kraska cũng cho rằng Việt Nam "nên kiện" Trung Quốc ra tòa quốc tế, và nhận định "Việt Nam hầu như là sẽ thắng."

"Phán quyết cuối cùng sẽ do chủ tịch của tòa trọng tài quốc tế về luật biển và không có ai (nước nào) ngoài Trung Quốc tin rằng những gì mà Trung Quốc đang làm là hợp pháp," ông James Kraska giải thích. 

Ông Jonathan Odom - giáo sư luật quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Marshall của Mỹ thì viết trên Twitter nhận định rằng Hà Nội "có thể dùng hầu hết phần biện hộ" của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế năm 2016 là có khả năng giành chiến thắng về mặt pháp lý.

"Vấn đề chỉ là liệu Hà Nội có đủ ý chí chính trị để làm việc này hay không," ông Jonathan Odom viết.