Nợ công của Việt Nam gây tranh cãi, chuyên gia cảnh báo rủi ro (VOA)
Con số nợ công 58,4% GDP do chính phủ Việt Nam cung cấp là không chính xác, vì nó chưa cộng vào nợ của các doanh nghiệp nhà nước (trong trường hợp các doanh nghiệp này phá sản thì chính phủ phải trả nợ thay). Theo định nghĩa về nợ công của Liên Hiệp Quốc và của các tổ chức quốc tế, thì nợ công gồm nợ của chính phủ trung ương và địa phương, cộng thêm vào đó là nợ tư mà chính phủ bảo lãnh, cộng với nợ của doanh nghiệp nhà nước trung ương và địa phương. Theo định nghĩ này thì nợ công của Việt Nam có thể lên tới trên 200% GDP, nghĩa là mức nguy ngập, và càng nguy ngập hơn khi mà phần lớn các doanh nghiệp nhà nước đều là những doanh nghiệp bệnh hoạn, hang ổ của các lãnh đạo tham nhũng và bất tài nên nguy cơ chính phủ phải trả nợ thay các doanh nghiệp này là rất lớn. Sự sụp đổ của nền kinh tế Việt Nam là điều chắc chắn nếu tính trạng này vấn tiếp tục, nếu chế độ tham nhũng này vẫn kéo dài thêm.
Vấn đề nợ công của Việt Nam mới đây lại được báo giới trong nước mổ xẻ, lưu ý đến áp lực “vay nợ mới chỉ để trả nợ cũ” và ngân sách không dư bao nhiêu tiền để đầu tư, phát triển. Hai chuyên gia kinh tế, tài chính bình luận với VOA rằng tổng số nợ của Việt Nam vẫn đang ngày càng tăng là “rất nguy hiểm”, đặt ra nguy cơ “vỡ nợ”.
Các trang VietNamNet và Tin tức Việt Nam hôm 17/6 dẫn dữ liệu trong một báo cáo của chính phủ trình quốc hội, cho hay năm 2018 Việt Nam có nợ công đạt ngưỡng 3,2 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi người dân gánh hơn 32 triệu đồng nợ công.
Theo hai báo mạng, tỷ lệ nợ công Việt Nam đã giảm xuống mức tương đương với 58,4% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP), cũng là mức thấp nhất 3 năm qua, song chính phủ đang đối mặt thách thức về trả nợ do “thu không bù nổi chi”.
Thu ngân sách năm 2019 dự kiến “vẫn thấp hơn chi ngân sách 222 nghìn tỷ đồng”, bài báo của VietNamNet cho biết, vì vậy, chính phủ “vẫn phải vay nợ thêm” để bù đắp cho phần chi nhiều hơn thu này.
Tổng mức vay của ngân sách Việt Nam năm 2019 dự kiến sẽ lên tới hơn 425 nghìn tỷ đồng, trong đó phần vay để bù đắp bội chi là 224 nghìn tỷ đồng còn vay để trả nợ gốc là trên 200 nghìn tỷ đồng, VietNamNet tường thuật.
Cùng lúc, Tin tức Việt Nam trích lại lời phát biểu của đại biểu quốc hội Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) tại một phiên thảo luận mới đây rằng “sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ”.
Về bức tranh toàn cảnh gồm nợ công và ngân sách Việt Nam, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế uy tín, nói với VOA rằng chi trả nợ chiếm 24-25% tổng chi ngân sách, bên cạnh đó là 65-70% chi thường xuyên, phần chi cho đầu tư “không còn được bao nhiêu”.
Ông Doanh đưa ra cảnh báo:
“Hiện nay, Bộ Tài chính, chính phủ phải phát hành trái phiếu. Cái trái phiếu đó dùng để chi trả nợ. Trong đó có trả nợ lãi và một phần trả nợ gốc, cho nên là tổng số nợ ngày càng tăng lên chứ chưa giảm đi được, và đó là vấn đề rất nguy hiểm”.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính-ngân hàng người Mỹ gốc Việt, nói với VOA rằng dùng nợ mới để trả nợ cũ không phải là cách để giải quyết nợ công vì “cuối cùng dư nợ không thay đổi”. Điều quan trọng, theo ông Hiếu, là phải có khả năng trả để dư nợ giảm dần.
Tiến sĩ Hiếu có chung suy nghĩ như nhà kinh tế Lê Đăng Doanh về mối nguy mà Việt Nam phải đối mặt. Ông Hiếu nói:
“Dùng nợ cũ để trả nợ mới ở Việt Nam gọi là tái cơ cấu nợ. Nhưng nếu chúng ta sử dụng ‘tái cơ cấu nợ’ chỉ để trì hoãn việc trả nợ thì điều này rất nguy hiểm vì đến cuối cùng dư nợ cứ thế tăng mãi. Cái rủi ro, cái nguy hiểm của tái cơ cấu nợ là chúng ta có một cái ảo tưởng là mình có trả nợ, nhưng thực tế là nợ càng ngày càng lớn, và nó tạo ra rủi ro về tài chính cho quốc gia”.
Chuyên gia tài chính-ngân hàng có hơn 30 năm kinh nghiệm ở Mỹ, Đức và Việt Nam đưa ra đề xuất rằng Việt Nam nên đặt ra ngưỡng về nợ công bằng con số tuyệt đối, thay vì một tỷ lệ phần trăm so với GDP.
Ông Hiếu cho rằng nếu áp dụng như vậy, nợ công sẽ được khống chế và giảm dần, ngược lại, với cách tính bằng tỉ lệ phần trăm, khi GDP tăng, số nợ công cũng gia tăng và khó kiểm soát.
Cũng góp ý về cách kiềm chế nợ công, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:
“Điều quan trọng của Việt Nam là phải cắt giảm chi thường xuyên và phải tinh giản bộ máy”.
Theo báo cáo của chính phủ được báo chí trích đăng, Việt Nam phải trả tổng cộng khoảng 250 nghìn tỷ đồng năm 2018. Trong đó, trả nợ trong nước là 198 nghìn 907 tỷ đồng và trả nợ nước ngoài là hơn 51 nghìn tỷ đồng. Trong phần trả nợ trong nước, chiếm gần một nửa là để trả lãi.
VietNamNet dẫn lời ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, cho hay rằng “một trong các vấn đề tác động đến sự an toàn nợ công của Việt Nam là việc các khoản vay sắp đến hạn trả”.
Một ví dụ được đưa ra là nhiều khoản vay trong nước cơ bản sẽ đến hạn sau 5 năm vay. “Một số khoản vay ODA, kể cả có lãi và không lãi cũng đến hạn phải trả nợ gốc vào năm 2020… làm gia tăng áp lực trả nợ vào thời gian tới”, bài báo có trích lời ông Hiển cho hay.
Nguồn VOA