Cổ phiếu công ty Trung Quốc bị bán tháo trên toàn cầu (Vnexpress)

Kinh tế TQ đã đạt đỉnh điểm và giờ là đến lúc phải hạ cánh. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là yếu tố thúc đẩy cho quá trình này diễn ra nhanh hơn mà thôi. Mọi việc chỉ mới là bắt đầu, dự kiến trong hai năm tới đây TQ mới thật sự lâm nguy. Khủng hoảng kinh tế TQ sẽ kéo theo khủng hoảng chính trị và TQ có thể tan vỡ thành nhiều quốc gia. Sự suy thoái và sụp đổ của TQ diễn ra từ từ chứ không phải ngay lập tức vì TQ là một đế quốc chứ không phải là một quốc gia. Độc giả quan tâm có thể đọc lại các bài phân tích về TQ của THDCĐN, cụ thể là các bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng từ cách đây vài năm.

Diễn biến giá cổ phiếu Weibo, Sina và Baidu trong một năm qua.


Cuộc chiến thương mại ngày càng trầm trọng khiến giá cổ phiếu công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ và Hong Kong lao dốc.
Tháng này, chỉ số S&P/BNY Mellon China ADR theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã mất 15%, hướng tới một tháng tệ nhất kể từ tháng 10/2008. Cổ phiếu Weibo, Sina và Baidu đều giảm hơn 30%. Chỉ mới 3 tuần trước, S&P/BNY Mellon’s ADR còn ở gần đỉnh 9 tháng.

Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng China Enterprises theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết tại đây cũng đã mất hơn 10%, tệ nhất trong nhóm chỉ số lớn trên toàn cầu. Hang Seng China đang hướng tới tháng tệ nhất kể từ đầu năm 2016. Hai mã giảm mạnh nhất trong chỉ số này là hãng sản xuất thiết bị viễn thông China Tower Corp và hãng hàng không Air China, với hơn 20% trong tháng 5.

Quy mô bán tháo cho thấy tài sản Trung Quốc đang chịu thiệt hại nặng nề kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng sức ép lên Bắc Kinh. Hồi đầu tháng, Mỹ nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc và gần đây hạn chế nước này tiếp cận với các công nghệ chủ chốt của Mỹ.

NDT đi xuống càng khiến nhà đầu tư thiệt hại, do nó làm giảm lợi nhuận của các công ty Trung Quốc khi đổi sang USD. Giá NDT tại Trung Quốc tháng này đã mất 2,6%. Trong khi đó, giá đồng tiền này trên thị trường quốc tế giảm 2,8%.

"Khi quan điểm của ông Trump thay đổi, hai bên sẽ không dễ đạt thỏa thuận", Ronald Wan - Giám đốc Partners Capital International nhận định, "Trừ phi bất ngờ đạt kết quả tốt. Nếu không, tâm lý bi quan sẽ vẫn còn".

Hiện tại, có rất ít dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ sớm chuyển biến tốt. Trung Quốc hôm qua đổ lỗi cho Mỹ về việc đàm phán đình trệ và khẳng định Mỹ cần "sửa sai" nếu muốn khôi phục đối thoại. Cùng ngày, ông Trump cho rằng Huawei Technologies là "rất nguy hiểm" và có thể đưa công ty này vào thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD.

Đầu tháng 5, sau một thời gian hai bên "đình chiến" và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Căng thẳng hiện tiếp tục lên cao khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "đen", cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ.

Hà Thu (theo Bloomberg)