Tổng giám đốc 8X ôm đất chục tỷ: Nỗi đau 'uống Viagra cũng chưa lên được' (VietnamNet)
Buôn bán bất động sản không phải là một nghề dễ dàng như kiểu "ngồi mát ăn bát vàng". Bất cứ nghề nghiệp gì cũng cần có tính chuyên nghiệp với một chuyên môn cao. Các cuộc sốt đất tại các thành phố lớn VN đều do các ôm trùm thổi giá. Những ông trùm này bao gồm các nhà tài phiệt bất động sản, quan chức cao cấp, báo chí và cả chính quyền. Họ là một đường dây, một hệ thống rất chuyên nghiệp và bài bản. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ đều là "con mồi" của họ. Thiếu hiểu biết và tham lam là hai nguyên nhân đẩy nhiều người đầu tư đến chổ trắng tay. Cuộc chơi này còn kéo dài, nhiều người vẫn đang "thắng" nhưng chỉ những ai dừng lại mới thắng còn nếu "cố đấm ăn xôi" thì sớm muộn cũng mất hết tài sản và rơi vào cảnh nợ nần.
Cảnh xô bồ chen lấn mua đất tại khu vực Tây Bắc Đà Nẵng vài tháng trước khi thị trường "đóng băng".
Cảnh chen lấn mua đất tại các dự
án, cảnh xô bồ, hứng khởi trao tiền giao dịch tại các phòng công chứng,
cảnh đông đúc, chờ lâu tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất như thời
điểm tháng 2, tháng 3 đã không còn.
Thay vào đó là sự vắng vẻ, đìu hiu.
"Đất
giảm giá 10-15% rồi mà khó tìm được người mua. Em lỡ ôm mấy lô trúng
đỉnh, giờ bán thì lỗ nhiều quá. Thôi cố giữ một thời gian nữa rồi tính"-
chị Linh, một "nhà đầu tư" đất tại khu vực Hòa Xuân chán nản cho biết.
"Lướt sóng" gặp phải… "sóng thần"
Các
ki-ốt môi giới bất động sản mọc lên như nấm tại các dự án trong thời
điểm sốt đất. Nhưng lượng giao dịch tại các ki-ốt này dường như chỉ là
con số lẻ so với các giao dịch qua mạng, đặc biệt là facebook.
Hàng
loạt fanepage có tên na ná liên quan đến mua bán BĐS Đà Nẵng với hàng
chục, đến hàng trăm ngàn thành viên là kênh tương tác nhanh nhất, hiệu
quả nhất giữa môi giới và người mua, người bán. Nhưng thay vì chỉ đăng
tin mua bán, thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4-2019, từ "cứu cọc" đã
xuất hiện dày đặc trên các bản tin, liên quan nhiều nhất đến BĐS tại dự
án A.
"Khách mình mua lô đất B.1X, 3 ngày nữa ra công
chứng mà không đủ tiền, nhờ anh em cứu cọc". "Cần cứu cọc lô 2X giá 3,5
tỷ". "Em cọc lô 4X 300 triệu. Hôm nay chuyển lại cọc chỉ 150 triệu".
"Mai em không có tiền công chứng nên chuyển cọc lô 5X, chịu lỗ 200
triệu. Em chờ đến 11h đêm nay, có ai cứu em với. Huhu"...
"Trước
đây, mỗi lô đất dự án bình thường chỉ cần cọc 50-100 triệu đồng. Nhưng
trong cơn sốt đất, bên bán luôn yêu cầu đặt cọc 200-300 triệu đồng, thậm
chí là nhiều hơn. Còn bên mua cũng muốn đặt cọc số tiền lớn vì lo sợ
nếu đặt cọc ít, bên bán dễ "bẻ kèo", sẵn sàng đền tiền cọc khi giá đất
tăng vọt từng ngày. Khi thấy thị trường chựng lại, nhiều người chấp nhận
lỗ tìm mọi cách để sang cọc, vớt vát được đồng nào hay đồng đó, còn hơn
là mất trắng.
Khi cơn sốt đất còn neo ở điểm đỉnh,
vẫn còn nhiều người vào "comment", hoặc "inbox" để hỏi han, trao đổi,
mặc cả. Tuy nhiên đến thời điểm này, những tin bán đất rao dồn dập nhưng
rất ít người quan tâm. Người có nhu cầu mua đất xây nhà thì chờ đất
xuống thêm, vì thấy giá hiện nay tuy giảm vẫn còn cao hơn nhiều so với
năm trước.
"Em cũng nhảy vô cứu cọc, giờ mắc kẹt tiền
trong đất. Mà tiền mua đất gần 1/2 là vay ngân hàng. Gắng gượng đến
cuộc thi pháo hoa quốc tế sắp tới (được tổ chức vào tháng 6-2019-PV) mà
giá đất không hồi lại thì giá nào em cũng bán, chứ không trả nổi lãi
ngân hàng"- Bình, một dân buôn BĐS chia sẻ, đôi mắt buồn bã nhìn xa xăm.
Cuối
tháng 3-2019, thấy nhiều người kiếm tiền dễ dàng từ đầu cơ đất ở Đà
Nẵng, chị Thúy bàn với chồng đến đây để đầu tư. Là chủ một doanh nghiệp
xây dựng, chồng chị Thúy đã dùng hàng chục tỷ đồng vốn vay để thi công
công trình chuyển qua mua 2 lô đất biệt thự, mỗi lô hơn 300m² ở Hòa
Xuân. Việc tìm hiểu, mua bán và ra công chứng diễn ra chóng vánh trong
vòng một ngày.
Đến nay, ý định "lướt ván", mua nhanh
bán nhanh coi như thất bại, doanh nghiệp khó khăn vì đồng vốn không thể
luân chuyển. Khi nghe chị Thúy kể, người bạn ở Đà Nẵng chỉ còn biết nói
lời an ủi, hy vọng vào một ngày... nắng đẹp.
Nếu như
những người mua đất tại các dự án pháp lý đầy đủ, hạ tầng hoàn chỉnh, dự
án đã có đông dân cư thì còn hy vọng giá đất một ngày nào đó hồi lại,
hoặc chấp nhận lỗ nhiều thì bán cũng có người mua. Còn những người mua
đất vườn ao, bụi bờ ở khu vực huyện Hòa Vang thì "chết đứng". Bởi đất
khu vực này ở thì không được, xây trọ cũng chẳng ai thuê, mỗi lô đất vài
chục đến một hai trăm m², cũng chẳng đáng bỏ công đến để chăn nuôi hay
trồng trọt.
Thời điểm sốt đất, mảnh vườn 400m của bà C
(trú xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) có người ở phố lên mua 1 tỷ. "Sau đó
người ta sang nhượng qua nhiều tay, nghe nói lên đến hơn 2 tỷ đồng, gia
đình cô tiếc đứt ruột. Nhưng nghe giờ rớt giá lắm rồi, cả tháng nay
không thấy ai vào làng xem đất như trước", bà C bộc bạch...
"Uống Viagra cũng chưa lên được lúc này"
Có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia mua bán bất động
sản. Nhưng họ không phải là người dẫn dắt cuộc chơi. Nhiều người đã
"nuốt quả đắng" khi bị lôi kéo bởi những "mê hồn trận" thông tin. Và
không ít người ngỡ mình nhanh nhạy, nắm được thời cơ khi biết trước
thông tin lại là những người bị thiệt hại nhiều nhất.
Trong
lúc nhiều người tìm cách tháo chạy lại có những người âm thầm gom đất
tại khu vực Tây Bắc Đà Nẵng vì được "rỉ tai" về cơ hội to lớn, khi một
khu phi thuế quan và biệt thự cao cấp quy mô sẽ được đầu tư xây dựng tại
đây. Thông tin này xuất hiện trùng với thời điểm một doanh nghiệp chuẩn
bị "ra hàng" phân khu C thuộc một dự án trong khu vực này.
Trước
đó, tại buổi "Tọa đàm mùa xuân" tại Đà Nẵng đầu tháng 3-2019, ông
Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đã hé
lộ dự định mở Khu phi thuế quan tại Đà Nẵng. Tháng 4-2019, tại cuộc làm
việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng, Công ty Xuất nhập khẩu Thái Bình Dương
(IPPG, trực thuộc IPP) đã đề xuất xây dựng dự án khu phi thuế quan và
biệt thự, với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng tại KĐT sinh thái
Golden Hills. Theo đó, khu phi thuế quan có diện tích khoảng 7 ha gồm
các hạng mục như cửa hàng miễn thuế, nhà hàng, các tiện ích vui chơi,
giải trí; khu biệt thự cao cấp có diện tích khoảng 70 ha.
IPPG
đưa ra viễn cảnh khu phi thuế quan và khu biệt thự cao cấp sẽ tạo điểm
đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, biến khu vực này thành
một nơi mua sắm sầm uất, thúc đẩy sự thịnh vượng, giàu có, giải quyết
công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương.
Ngoài ra, IPPG cũng đề xuất xây dựng trung tâm tài chính Đà Nẵng tại 4
lô đất trên đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà.
Nhưng đến
ngày 6-5-2019, IPPG có báo cáo gửi UBND TP Đà Nẵng thông báo chấm dứt
đàm phán dự án Khu phi thuế quan tại Golden Hills vì "không đạt được
thỏa thuận như dự kiến với doanh nghiệp sở hữu khu đất" định đặt dự án.
Theo
IPPG, các thông tin liên quan tới việc IPPG thực hiện dự án đã xuất
hiện trên nhiều kênh thông tin đại chúng khiến giá đất tăng cao, gây ảnh
huởng đến việc đàm phán giữa IPPG và chủ khu đất. Lý do IPPG đưa ra
khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi thông tin về dự án đã được ông Hạnh
Nguyễn nêu ra tại buổi tọa đàm có rất đông báo chí tham dự, thế nhưng
lại lấy lý do dừng dự án vì "lộ thông tin" khiến giá đất tăng cao.
Nếu
vượt lên những hồ hởi, phấn chấn về viễn cảnh của dự án, bình tĩnh
nghiên cứu quy định của pháp luật, thì khu phi thuế quan chỉ được mở tại
các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu được thành lập theo quyết định
của Thủ tướng. Mở khu phi thuế quan tại một khu đô thị đâu phải thích là
được, theo ý muốn của chủ đầu tư hay chính quyền địa phương!
Nhưng,
đúng như báo cáo của IPPG, giá đất Golden Hills đã tăng chóng mặt sau
Tết Nguyên đán, đỉnh điểm là trước các thông tin về dự án khu phi thuế
quan. Nhưng ngay sau đó đã trầm lắng, cùng với sự trầm lắng chung của cả
thị trường bất động sản. Và khi những "tay to" đã bán đất ôm tiền và
đến nay dự án đã chính thức "cáo chung", nhiều người đầu cơ đất tại khu
vực này chỉ còn biết kêu trời...
Cùng với lượng khách rất lớn từ Hà Nội, các tỉnh Quảng Trị, Quảng
Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, giới đầu cơ đất đai ở Đà Nẵng cũng đông đảo
không kém, góp phần kích thích thị trường. Để thổi giá đất, một số
người bất chấp pháp luật, giả mạo các văn bản của UBND TP Đà Nẵng. Có
trường hợp lợi dụng các hội thảo để tung tin đầu tư các dự án thương
mại, di dời sân bay, xây cầu vượt sông... để thổi giá đất lên.
Trước
sự phát triển quá nóng và kém lành mạnh của thị trường, UBND TP Đà Nẵng
đã đề nghị các cơ quan chức năng chấn chỉnh, điều tra, xử lý. Thị
trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam vừa qua còn bị "một cái tát" rất
mạnh qua vụ lừa đảo bán đất của Công ty Quảng Đà, chiếm đoạt của người
mua đất 150 tỷ đồng; sự tranh chấp, "lật kèo" liên quan đến các chủ đầu
tư dự án và đơn vị phân phối như Bách Đạt An, Hoàng Nhất Nam....
Qua
những vụ việc này, đã bộc lộ nhiều dự án mở bán khi chưa đủ điều kiện
pháp lý, chưa có cơ sở hạ tầng, thậm chí còn chưa hoàn thành nghĩa vụ
thuế, chưa có quyết định giao đất của chính quyền địa phương. Hiệu ứng
đám đông khiến nhiều người đổ xô đi mua khi đất tăng giá, rồi lại đổ xô
đi bán khi thị trường bất ổn. Rất nhiều nhà đầu tư đã trở thành nạn nhân
của sự làm ăn gian dối, và cũng là nạn nhân của chính mình vì quá non
nớt hay hám lợi.
Chỉ mới vài tháng trước đây thôi,
tại một buổi họp mặt, phóng viên cảnh sát toàn cầu gặp hàng loạt bạn trẻ
8X, 9X giới thiệu là Tổng Giám đốc doanh nghiệp, tất nhiên là doanh
nghiệp BĐS với những cái tên lạ lẫm. Họ đều đến từ một tỉnh phía Bắc, rủ
nhau "đổ bộ" vào Đà Nẵng.
"Giờ ai cũng chen nhau
bán, mà rất hiếm người mua. Lãi suất ngân hàng cũng rậm rịch tăng, ôm
đất càng lâu rủi ro càng lớn. Bọn em mong giá đất hồi lại gần với sau
Tết để ra hàng. Nhưng với tình hình hiện giờ, chỉ có thể cắt lỗ chứ có
đổ Viagra xuống thì giá đất cũng chưa thể lên được" - Một "Tổng giám
đốc" thở hắt ra khi được hỏi về việc buôn bán đất đai...
(Theo Cảnh sát toàn cầu)