Phong thần diễn nghĩa...Tân Dân (Thạch Đạt Lang)

Không ít trí thức VN, kể cả những người đang chỉ trích chính quyền cộng sản và có các bài viết trên mạng xã hội...có chung đặc tính là nông nổi, hời hợt và cảm tính. Việc tác giả Nguyễn Trọng Dân gọi Blogger Huỳnh Thục Vi, một cô gái dũng cảm vì dám chống lại chế độ cộng sản là "Nữ thần tự do công lý của Việt Nam" là một ví dụ. Khen ngợi và cảm phục một con người có bản lĩnh và dũng cảm là việc rất cần thiết nhưng thổi họ lên tận mây xanh và phong thánh cho họ lại là một hành động mù quáng. Những hành động này cần lên án vì nó ảnh hưởng đến quá trình dân chủ hóa VN. Nó làm phân tán sự chú ý của người dân và tạo ra ánh hào quang không có thật cho các hoạt động nhân sĩ. 
Phong Thần là một tiểu thuyết dã sử của Tầu nói về nhà Thương, còn gọi là nhà Ân, kéo dài hơn 600 năm (1776-1122 trước Công Nguyên) được chính thức ghi vào lịch sử Trung Hoa. Truyện Phong Thần diễn ra dưới đời Trụ Vương, còn được gọi là Phong Thần Diễn Nghĩa. Tiểu thuyết này hình thành từ những truyện thần thoại, truyền thuyết hoang đường trong dân gian pha lẫn với tôn giáo.
Truyện Phong Thần kể rằng, đất Thần Châu đời nhà Thương có 3 giáo phái phát triển mạnh mẽ là Xiển Giáo, Triệt Giáo, Đạo Giáo. Khương Tử Nha là một đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn người sáng lập Đạo Giáo ở núi Côn Lôn, theo lệnh thầy xuống núi phò Vũ Vương (nhà Chu) diệt vua Trụ (nhà Thương).
Cuộc chiến giữa nhà Chu với nhà Thương được sự trợ giúp của các giáo phái Xiển Giáo, Triệt Giáo và Đạo Giáo gây nên những trận đấu long trời lở đất giữa các thần tiên gồm 365 người, vì phạm luật thiên đình bị Ngọc Hoàng Thượng Đế đầy xuống trần gian thành người trần, gia nhập vào các giáo để tu luyện như Na Tra, Mộc Tra, Kim Tra con của Lý Tịnh...
Các vị thần tiên trong lúc giao chiến với nhau, vì bửu bối, phép thần thông thua kém đối phương, bị giết chết, được phong thành thần, trở về thiên đình. Khương Tử Nha là người được Nguyên Thủy Thiên Tôn giao việc lập bảng và xây đài Phong Thần.
Đó là chuyện dã sử Trung Hoa. Nước Vệ ngày nay trong cuộc chiến đấu của người dân chống lại nhà Sản cũng xẩy ra truyện Phong Thần, người được phong thần vẫn sống nhăn răng sau khi được tấn phong. Người lập bảng phong thần không phải là Khương Tử Nha mà là Lão Tổ Trọng Dân ở Huỳnh Kỳ Giáo, đóng ở giải núi Long Vưu, trải dài từ Âu sang Á.
Không biết ai đã ủy nhiệm Lão Tổ Trọng Dân lập bảng phong thần. Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đức Chúa Trời, Phật Tổ Như Lai, Allah, Đấng tiên tri Muhammad..? Cũng không ai biết dựa vào tiêu chuẩn nào để Trọng Dân Lão Tổ phong thần cho người sống?
Tham gia tụ tập trái phép chống giàn khoan, móc vàng đen HD-981, chống hãng đúc thép Formosa tự do xả thải xuống biển ở Hà Tĩnh, chống luật đặc khu, luật an ninh mạng, viết sách nói về nhân quyền, về chính trị bình dân… hay phải ở tù vài năm, bị công an nhà Sản đánh đập, tra tấn gẫy tay, gẫy chân, u đầu sứt trán, lột quần áo, bầm dập thân thể… tiêu chuẩn nào được ưu tiên cứu xét phong thần ?
Người đầu tiên Lão Tổ phong thần là nữ sĩ Thục Vy sống ở Bô Huồn, Buột Mê Than được phong làm Nữ Thần Tự Do Công Lý của nước Vệ thời... Hậu Hiện Đại (1).
Trong khoảng thời gian 2 năm gần đây, người nước Vệ lưu lạc sống ở bình nguyên Cờ Hoa đã từng phong thánh cho hoàng đế Đỗ Năm Trăm, gọi ông là thiên sứ dù Đỗ Năm Trăm chưa có công trạng gì đặc biệt với đất nước, dân tộc Vệ cũng như cộng đồng người Vệ ở bình nguyên Cờ Hoa hay trên thế giới ngoài lời hứa tiêu diệt chế độ Cộng Trừ Xã Nghĩa của nhà Sản.
phongthan2
Nữ sĩ Thục Vy sống ở Bô Huồn, Buột Mê Than được phong làm Nữ Thần Tự Do Công Lý của nước Vệ thời... Hậu Hiện Đại
Nếu chỉ tham gia thành lập hội phụ nữ quyền dân nước Vệ - được tổ chức Theo Dõi Quyền Dân Quốc Tế (Human Rights Watch) trao tặng bằng khen, tưởng lục Hellman Hammett dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ăn nói, phát ngôn - hay viết sách Nhận Định Sự Thật Về Tự Do Và Quyền Dân rồi xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng - biểu tượng của nhà nước, chế độ Cộng Trừ Xã Nghĩa - phổ biến trên mạng xã hội Facebook là được phong thành thần Công Lý và Tự Do… thì hóa ra muốn được phong thần khi còn sống cũng không khó cho lắm.
Đó là chưa kể, nếu so sánh về thời gian tù tội, bị sai nha, hành hạ, tra tấn... thành tích tranh đấu cho quyền dân, cho tự do, dân chủ, công bằng xã hội của nữ sĩ Thục Vy - so với nhiều người khác như Minh Hạnh, Công Nhân, Đoan Trang, Thị Nga, Thanh Nghiên... - còn quá mỏng, dù rằng đây không phải là điều kiện để nhận định giá trị của nữ sĩ.
Trước khi phong thần Tự do và Công lý cho nữ sĩ Thục Vy, có bao giờ Lão Tổ Trọng Dân tìm hiểu, tự hỏi nữ sĩ Vy đã bao nhiêu lần xuống đường, tụ tập trái phép trong những biến cố như sự xâm nhập lãnh hải nước Vệ của giàn móc vàng đen Hải Dương 981, vụ phóng uế của Formosa hay biểu tình chống luật đăc khu, luật an ninh mạng… ?
Nữ sĩ Thục Vy cũng chưa hề thưởng thức, nếm đòn đánh đập, tra tấn của bọn nha trảo, chưa hít thở không khí ẩm mốc, hôi hám, sinh hoạt trong ngục tối, nhầy nhụa, bẩn thỉu của nhà Sản như Công Nhân, Thị Nga, Minh Hạnh, Thanh Nghiên, Đoan Trang, Phong Tần, Minh Hằng, Thanh Thủy... Do đó sẽ là bất công nếu chỉ phong thần cho nữ sĩ Thục Vy mà quên đi những người vừa kể trên và nhiều người khác nữa,
Dĩ nhiên lẽ, nếu phong thần cho bất cứ ai từng ở tù hay nếm đòn hận thù của bọn nha trảo nhà Sản vì (dám) đòi hỏi quyền dân, tranh đấu cho tự do, dân chủ thì phải lập một danh sách dài và phải đặt một tiêu chuẩn rõ ràng chứ không thì người được thành nữ thần, người không, sẽ xẩy ra khiếu kiện lôi thôi, rắc rối, phiền hà mà không ai có thể giải quyết.
Phải chăng vì nữ sĩ Thục Vy bày tỏ ưu ái Huỳnh Kỳ, phủ nhận Hồng Kỳ (còn gọi là Huyết Kỳ) nên Lão Tổ Trọng Dân đặc biệt phong thần cho nữ sĩ ngay khi còn sống ? Hay nữ sĩ Thục Vy được đứng đầu bảng Phong Thần nhờ ngoại hình xinh đẹp, thông thạo tiếng Ăng-lô Sắc Xông, từng có một đít sách nói về nữ quyền chăng ? Mây bi - mây bi nót.
Tuy nhiên đừng quên rằng, chẳng riêng gì nữ sĩ Thục Vy, còn rất nhiều người khác như Nguyễn Viết Dũng cùng một số bạn trẻ, dù sinh ở miền Bắc nước Vệ sau cuộc chiến xâm lăng miền Nam cùng nhiều phụ nữ khác yêu thương, kính trọng hay hoài niệm Huỳnh Kỳ, khinh ghét căm thù Huyết Kỳ, chỉ có điều họ không ồn ào bày tỏ, lôi kéo sự chú ý của người khác.
Khứa lão họ Hồ lập nên nhà Sản nước Vệ, chết mấy chục năm, sau khi đám đệ tử loong coong, lau nhau tổng hợp công trạng hại nước, hại dân rồi mới được phong thánh, cho vào chùa ngồi chung với Phật. Ngày nay nữ sĩ Thục Vy thành thần khi còn sống, tuổi chỉ ngoài 30, vượt qua mặt khứa lão họ Hồ mà không bóp kèn. Chúc mừng ! Chúc mừng !
Thạch Đạt Lang
(05/04/2019)