Khách hàng hốt hoảng với hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, EVN nói gì? (Zing)

Độc quyền chính trị sẽ dẫn đến muôn vàn thứ độc quyền khác trong đó có điện, nước, xăng dầu...Điện trong thực tế đã tăng gần 50% chứ không phải 8,36% như EVN thông báo và chắc chắn sẽ còn tăng nữa khi ngân sách thâm thủng vì tham nhũng và để trả lương cho 3 bộ máy: Đảng, Nhà nước và Mặt trận tổ quốc. Một đất nước bình thường, người dân chỉ nuôi mỗi bộ máy nhà nước còn đảng và các hội đoàn thì tự họ phải lo lấy còn ở VN tất cả đều ăn lương nhà nước, tức là từ tiền thuế của nhân dân. Không đủ tiền để trả lương thì nhà nước phải tăng thuế và các dịch vụ độc quyền. Người dân VN phải ủng hộ cho các đảng chính trị khác để cùng cạnh tranh với ĐCSVN.

 
Một số khách hàng bất ngờ khi tổng tiền điện lên cao sau đợt tăng giá thêm 8,36% từ 20/3. EVN lý giải nguyên nhân do nhu cầu sử dụng điện tăng, kết hợp với điều chỉnh giá. 
 
Bất ngờ, hốt hoảng là cảm xúc của nhiều khách hàng khi nhận thông báo tiền điện tháng 4. Đây là tháng đầu tiên từ khi Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giá điện ngày 20/3. Theo đó, mức tăng giá là 8,36%, nhưng hóa đơn tiền điện tăng cao hơn nhiều.

Tiền điện tăng phi mã

Chị Tuệ Thư (quận 8, TP.HCM) cho biết trước khi tăng giá điện, gia đình dùng đều đặn ở mức 950.000-1.060.000 đồng/tháng. Tuy nhiên tháng 4, tổng tiền đã lên 1.544.000 đồng, nghĩa là tăng 49% so với trước đó.

Tương tự, tiền điện của gia đình anh Xuân Tiến (quận 7, TP.HCM) đã tăng gấp đôi. Theo đó tháng 3, gia đình anh dùng hết 352.000 đồng; đến tháng 4 là 775.000 đồng.

Một khách hàng khác là anh Phạm Duy (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết hóa đơn tiền điện tháng 4 đã cao hơn 46% so với trước đó. Gia đình anh Duy phải trả 1,01 triệu đồng, trong khi tháng 3 là 688.000 đồng.

“Gia đình tôi còn chưa dùng đến điều hòa”, anh Duy nói.

Tình trạng tiền điện tăng bất thường khiến nhiều người không tin ở con số 8,36% mà EVN đưa ra.

Mức tiêu thụ điện cao cộng hưởng với tăng giá?

Bậc giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh vào 20/3 chia làm 6 bậc. Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh.

Giá bậc 4 là 2.536 đồng cho 201-300 kWh; bậc 5 có giá 2.834 đồng cho 301-400 kWh; bậc 6 được tính 2.927 đồng cho 401 kWh trở lên.

Theo tính toán của EVN, khách hàng dùng dưới 50 kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng. Với khách hàng dùng 51-100 kWh, sẽ phải trả thêm 14.000 đồng. Bậc 2, khách dùng 101-200 kWh phải trả thêm 31.600 đồng; nếu dùng 201-300 kWh thì phải trả cao hơn 53.100 đồng. Với khách hàng dùng trên 400 kWh thì phải trả thêm 77.200 đồng.

Cụ thể, một khách hàng dùng 100 kWh, giá cũ phải trả 77.450 đồng, với giá mới phải trả 83.900 đồng. Tổng cộng hộ này phải trả thêm 6.450 đồng. Với hộ dùng 300 kWh, với giá cũ phải trả 577.250 đồng; giá mới phải trả 635.600 đồng, tăng thêm 48.350 đồng.

Tính toán của EVN dựa trên cơ sở giữ nguyên mức tiêu thụ điện. Tuy nhiên, nếu khách hàng vừa tăng dùng điện, vừa cộng hưởng với yếu tố giá, tổng tiền điện sẽ tăng cao hơn 8,36%.

Một hộ gia đình dùng 200 kWh tính theo giá cũ phải trả 343.000 đồng. Nếu hộ này tăng sử dụng lên 250 kWh, cộng hưởng với việc tăng giá, tổng số tiền phải trả là 499.000 đồng, cao hơn 156.000 đồng, tương ứng thêm 45%.

Tương tự, nếu hộ gia đình dùng 300 kWh, tính theo giá cũ là 577.000 đồng. Hộ gia đình dùng tăng lên 350 kWh, cộng hưởng với tăng giá, số tiền phải trả là 767.000 đồng, cao hơn gần 200.000 đồng, tương ứng tăng 33%.

Nếu hộ gia đình tăng dùng thêm 20 kWh, tiền điện cũng có thể tăng tới 34%. Ví dụ, một hộ dùng 100 kWh, tính theo giá cũ là 157.000 đồng. Khi dùng thêm 20 kWh, số tiền phải trả là 211.000 đồng. Tổng số tiền tăng 54.000 đồng, tương ứng thêm 34%.

EVN nói gì về tiền điện tăng bất thường?

Trao đổi với Zing.vn, đại diện Ban kinh doanh EVN đưa ra một số nguyên nhân dẫn tới việc tăng giá điện.

EVN cho biết theo quy luật thời tiết hàng năm vào tháng 3 và 4, khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C. Tại miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, cũng bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30 độ C.

Từ đó dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của khách hàng dùng cho thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh tăng cao.

EVN dẫn số liệu tại Hà Nội giai đoạn cuối tháng 3 và đầu tháng 4, việc tiêu thụ điện tăng cao từ 47 triệu kWh/ngày lên gần 58 kWh/ngày (tăng 23%). Tại TP.HCM, sản lượng tiêu thụ tăng 71 triệu kWh/ngày lên 83 triệu kWh/ngày (tăng 17%).

EVN cũng dẫn một lý do khác là giá điện đã được điều chỉnh thêm 8,36%. Cộng thêm số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày, kéo dài từ ngày ghi chỉ số tháng 2 đến ngày ghi chỉ số tháng 3).

“Số ngày sử dụng điện dài hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn. Điều này kết hợp với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện tăng hơn so với tháng trước”, EVN cho biết.

Theo EVN, dự báo trong các tháng 5, 6, 7, nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài và có thể còn nóng hơn nữa. Khi đó, nhu cầu sử dụng điện cũng như sản lượng điện tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng, do đó để giảm chi phí tiền điện EVN khuyến nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm.

Hiếu Công