Những tổn thương tâm lý của nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Người Việt ít biết cách chia sẻ. Nạn nhân bị quấy rối xâm hại tình dục rất khó chia sẻ với người khác. Họ thường giữ chặt câu chuyện và cảm xúc trong lòng, có khi vài chục năm hoặc cả đời. Nhưng khi nạn nhân cảm thấy tin tưởng vào một người bạn, nạn nhân bộc lộ thì chỉ sau vài câu thường gặp phản ứng: "Thôi em nhắc chuyện đó làm gì, hãy quên nó đi em." Điều này gây ra cho nạn nhân một sự hụt hẫng nghiêm trọng. Mối quan hệ giữa hai người sau đó không còn có thể gắn kết được nữa cho dù có cố gắng đến đâu. Chúng ta thấy sự tổn thương được lặp lại và sâu hơn. Nạn nhân sẽ rất khó khăn trong việc bộc lộ mọi cảm xúc sau đó. (Nga Thi Bich Nguyen)


Bài 2: Chữa trị

Trong bài 1 tôi trình bày các bước diễn biến tâm lý của nạn nhân để chúng ta có thể hiểu họ phải vật lộn với bản thân như thế nào sau khi bị xâm hại. Những tổn thương tâm lý ấy phải được chữa trị, làm lành. Nhưng người Việt không coi trọng các vấn đề về tâm lý con người nên thường bỏ qua, cứ nghĩ thời gian có thể tự làm lành những tổn thương tâm lý. Chúng ta không có những chuyên gia tâm lý giỏi, không có các trung tâm giúp đỡ nạn nhân phục hồi. Gia đình người thân bạn bè không có kiến thức và hiểu biết để giúp nạn nhân vượt qua. Xã hội thì luôn đổ lỗi cho nạn nhân. Nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục vô cùng cô đơn, lạc lõng và liên tục bị tổn thương, khó thể tự làm lành.

Trong thực trạng như vậy, chúng ta buộc phải tự tìm hiểu kiến thức để tự chữa trị hoặc hỗ trợ nạn nhân chữa trị và cũng để chúng ta biết cách hành xử đúng đắn hơn với những nạn nhân bị quấy rối xâm hại tình dục. Bạn không thể nào biết được bạn, người thân, bạn bè của mình đã có bị xâm hại hay không hoặc sẽ bị xâm hại lúc nào đó. Không ai muốn điều đó xảy ra, nhưng khi nó xảy ra thì ta buộc phải có kiến thức, hiểu biết để đối phó, chữa trị, không để di chứng tổn thương suốt đời.

1. Vượt qua nỗi sợ. Sau khi sự việc xảy ra, nạn nhân rơi vào trạng thái sợ hãi tột độ, mặc cảm, tự ti và không biết tin ai để có thể thổ lộ sự việc. Trong môi trường xã hội Việt Nam thì nỗi sợ hãi của nạn nhân càng cao vì từ gia đình cho đến xã hội đều hành xử theo cách luôn chửi rủa đổ lỗi cho nạn nhân nên nạn nhân không dám tin mình sẽ được bênh vực khi nói ra. Chỉ khi nào nạn nhân cảm nhận được tình yêu thương thật sự, không bị trách mắng phán xét và đổ lỗi thì lúc đó nạn nhân mới có thể nói ra sự việc đã xảy đến với mình. Chỉ khi nào nạn nhân nói ra được sự việc và nhận được sự bảo vệ: kẻ quấy rối bị bắt, cách ly, nhận hình phạt thì nạn nhân mới thoát được tình trạng sợ hãi.

Một số người thường bộc lộ sự phẫn nộ của mình trước sự xâm hại, quấy rối tình dục bằng những câu: "Tao sẽ giết nó." "Con cháu tao mà bị thì tao giết nó.." Họ tưởng rằng họ đang bảo vệ và trao niềm tin cho người thân của mình, nhưng ngược lại điều đó chỉ làm cho người thân của họ tăng phần sợ hãi khi trở thành nạn nhân. Nạn nhân càng không dám nói ra vì sợ nói ra sẽ có cảnh giết người và người thân của mình sẽ phải đi tù vì bảo vệ mình. Nạn nhân sẽ giấu luôn sự việc.

Cách ta hành xử và yêu thương đúng đắn hằng ngày mới đem lại cho người quanh mình sự tin tưởng. Ta không thể bảo một người dù là người thân tin tưởng vào sự yêu thương, bảo vệ của mình trong khi ta luôn đổ lỗi, trách mắng họ trong cuộc sống hằng ngày.

Nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục ở môi trường xã hội Việt Nam rất khó tìm được người để thổ lộ. Nhưng nếu muốn vượt qua thì bắt buộc phải nói ra với người mà mình tin tưởng nhất.

2. Chấp nhận sự thật. Sau một chấn động về thể xác và tinh thần, nạn nhân có xu hướng không chấp nhận điều đã diễn ra với mình. Họ không tin mình lại trở thành nạn nhân. Khốn nạn thay khi ở xã hội Việt Nam, rất nhiều kẻ có niềm tin vào cái gọi là luật nhân quả và đổ lỗi cho nạn nhân. "Nó phải thế nào thì mới bị hiếp." "Kiếp trước ăn ở làm sao nên bây giờ mới bị vậy." "Ba mẹ nó ăn ở ác nên con lãnh hậu quả.." Những cách nghĩ và câu nói như thế đầy rẫy trong cuộc sống hàng ngày. Khi một ai đó trở thành nạn nhân thì họ liền nghĩ đến những điều cay nghiệt trên và chối bỏ sự thật mình là nạn nhân để không phải chịu tổn thương chồng lên tổn thương. Trong khi đó thì chấp nhận sự thật là bước quan trọng để chữa lành. 

Sau khi chấp nhận sự thật, khẳng định bản thân mình không có lỗi gì, hành động xâm hại quấy rối kẻ khác gây ra cho mình là một tội ác, mình là một nạn nhân của tội ác ấy, thì lúc đó nạn nhân mới có đủ dũng cảm để đối đầu với kẻ gây ra tổn thương cho mình và vượt qua.

3. Đau buồn. Mọi nạn nhân đều có quyền đau buồn vì những điều mình đã trải qua và đó là điều cần thiết. Giận dữ, khóc, nói, sợ hãi...hãy để mọi cảm xúc mà mình cảm nhận trong lòng bộc lộ ra ngoài. Nếu không nó sẽ ăn mòn nạn nhân bên trong.

Người Việt mình thường có kiểu động viên nhau: "Đừng buồn, đừng khóc." "Ráng chịu đi rồi sẽ qua." hoặc tỏ ra tội nghiệp nạn nhân. Điều này là một trong những cách hành xử rất sai lầm của người Việt. Họ tước đoạt quyền được bộc lộ cảm xúc của người khác, bắt người khác và cả bản thân họ phải dồn nén và chịu đựng mọi tổn thương mà đáng lẽ không phải chịu một mình.

Đau buồn vì một việc đau buồn đã diễn ra với mình là điều tự nhiên, đừng cố giả vờ mình không đau buồn. Bởi chỉ sau khi đã đau buồn rồi, bộc lộ được rồi thì nạn nhân mới có thể bước tiếp.

4. Chia sẻ. Đây là điều rất quan trọng trong quá trình điều trị. Nói ra với ai đó về việc diễn ra, cảm xúc của mình, điều mình cảm nhận, không cần chi tiết, chỉ nói điều mình muốn nói và chia sẻ sự đau buồn mà mình đang chịu đựng. Điều này giúp nạn nhân giải tỏa gánh nặng chịu đựng và tìm được sự giúp đỡ, yêu thương.

Người Việt ít biết cách chia sẻ. Nạn nhân bị quấy rối xâm hại tình dục rất khó chia sẻ với người khác. Họ thường giữ chặt câu chuyện và cảm xúc trong lòng, có khi vài chục năm hoặc cả đời. Nhưng khi nạn nhân cảm thấy tin tưởng vào một người bạn, nạn nhân bộc lộ thì chỉ sau vài câu thường gặp phản ứng: "Thôi em nhắc chuyện đó làm gì, hãy quên nó đi em." Điều này gây ra cho nạn nhân một sự hụt hẫng nghiêm trọng. Mối quan hệ giữa hai người sau đó không còn có thể gắn kết được nữa cho dù có cố gắng đến đâu. Chúng ta thấy sự tổn thương được lặp lại và sâu hơn. Nạn nhân sẽ rất khó khăn trong việc bộc lộ mọi cảm xúc sau đó.

5. Bước tiếp (move on.) Cuộc sống vẫn tiếp diễn, để có thể sống một cuộc đời hạnh phúc thì con người buộc phải bỏ qua quá khứ và bước tiếp. Để làm được điều này, nạn nhân cần phải trải qua các bước 1,2,3,4 rồi mới có thể bước tiếp. Nếu bị tắc lại ở bước nào đó thì nạn nhân mãi chịu tổn thương để lại di chứng, không thể sống một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc trọn vẹn.

Những di chứng tổn thương ăn sâu, hình thành nên tính cách, thói quen, thay đổi nhân sinh quan, thay đổi xu hướng tình dục ở một số nạn nhân. Nạn nhân mất niềm tin vào con người, không dám tin tưởng tuyệt đối vào sự gắn kết, không tin lời hứa hẹn, luôn mặc cảm mình không đủ tốt nên không tin mình xứng đáng được hạnh phúc kể cả khi được yêu thương.

Xâm hại, quấy rối tình dục là một tội ác để lại tổn thương rất nghiêm trọng cho nạn nhân. Nhưng cách chúng ta hành xử với nạn nhân như thế nào cũng là điều rất quan trọng bởi nếu thiếu hiểu biết chúng ta sẽ gây thêm tổn thương cho người vốn đã chịu tổn thương.

FB Nga Thi Bich Nguyen (22/3/2019)