Những tổn thương tâm lý của nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục (Nguyễn Thị Bích Ngà)
Bài 1: Các bước diễn biến tâm lý
Thời gian gần đây, qua mạng
xã hội và báo chí, chúng ta thấy nhiều trường hợp trẻ em, trẻ vị thành
niên, học sinh, sinh viên bị nhiều đối tượng quấy rối, xâm hại tình dục
và phụ nữ bị cưỡng hiếp diễn ra khắp nơi. Mạng xã hội và báo chí giúp
đưa nhiều vụ việc ra ánh sáng. Ngày càng nhiều những nạn nhân, gia đình
nạn nhân lên tiếng tố cáo kẻ quấy rối, xâm hại chứ không im lặng như
trước kia.
Chúng ta thấy dường như nạn quấy rối, xâm hại tình
dục gia tăng hơn trước bởi cứ cách vài hôm chúng ta lại đọc thấy một vài
vụ việc. Thực ra không phải vậy. Những vụ việc mà chúng ta đọc được chỉ
là một phần rất nhỏ nổi lên mặt nước của tảng băng chìm. Tình trạng
quấy rối, xâm hại tình dục đã diễn ra từ lâu và tiếp tục kéo dài cho đến
ngày nay ở khắp nơi với nhiều mức độ khác nhau, để lại nhiều di chứng
tổn thương cho nhiều người qua nhiều thế hệ.
Người Việt không
coi trọng các tổn thương về mặt tinh thần nên các nạn nhân bị quấy rối,
xâm hại tình dục hầu như không được chữa trị, thậm chí còn bị chính gia
đình, xã hội và cả bác sĩ, người điều tra, báo chí,..làm cho tổn thương
thêm vì thiếu hiểu biết. Những vết thương thể chất có thể lành sau vài
ngày, vài tháng, một năm nhưng tổn thương về tâm lý thì để lại di chứng
kéo dài nhiều năm, hoặc cả đời nếu không được chữa trị.
Điều này
có lẽ các anh chị cũng đã đọc nhiều qua báo chí, các bài viết nghiên
cứu. Nhưng cụ thể diễn biến tổn thương và di chứng của nó ra sao? Cần
đối xử với nạn nhân như thế nào thì không nhiều người nắm rõ. Trong bài
viết này tôi cố gắng trình bày các bước diễn biến tâm lý của nạn nhân bị
quấy rối, xâm hại tình dục và các di chứng để lại trong tinh thần của
nạn nhân.
1. Sợ hãi. Nạn nhân bị cảm giác sợ hãi lo lắng thường
trực ám ảnh trong đầu và thường xuyên mơ ngủ nhìn thấy cảnh bị xâm hại,
có lúc kể cả khi thức vẫn bị những hình ảnh đó quấy nhiễu làm cho tâm
thần bất an, thường xuyên mất ngủ, khó tập trung học tập, làm việc một
cách bình thường.
Trong giai đoạn này, nạn nhân thường im lặng,
trốn tránh xa lánh tất cả mọi người. Nếu kẻ quấy rối là người thân,
người quen (cùng nhà, cùng khu xóm, cùng trường..) thì nỗi sợ hãi, ám
ảnh sẽ tăng lên gấp nhiều lần vì nạn nhân phải đối mặt với kẻ quấy rối,
xâm hại và sợ tiếp tục bị quấy rối xam hại lần nữa. Tình trạng này kéo
dài và không chấm dứt nếu nạn nhân không nói ra, không nhận được sự bảo
vệ hoặc không thay đổi môi trường sống (xa đối tượng quấy rối, xâm hại
mình.)
2. Chối bỏ. Cơ thể con người có cơ chế tự bảo vệ bản thân
trước những tổn thương tinh thần. Khi nó nhận thấy các dấu hiệu sợ hãi,
lo lắng kéo dài làm ảnh hưởng đến thể chất thì nó sẽ cố gắng khóa nỗi sợ
đó lại và đây là lúc giai đoạn chối bỏ bắt đầu.
Nạn nhân chối
bỏ điều đã diễn ra với mình, giả vờ điều đó không xảy ra. Nạn nhân vì sợ
hãi nên không, chưa thể nói ra, chưa dám chống lại nên việc giả vờ mình
không bị tổn thương là điều tưởng chừng như hợp lý, nhưng ngược lại, nó
tàn phá tinh thần nạn nhân nhiều hơn. Bởi trong quá trình chối bỏ, nạn
nhân đồng thời thường phải giả vờ mình là một phần của tội lỗi.
Cô gái và chàng trai thích nhau. Cô đồng ý hôn môi chàng trai. Khi chàng
trai sờ soạng và muốn nhiều hơn, cô từ chối, nhưng chàng trai không
ngừng lại và tiếp tục tấn công. Đó là xâm hại. Nhưng khi ở trong giai
đoạn chối bỏ, cô gái sẽ thường xuyên tua lại cảnh trên trong đầu mình và
cho rằng tại vì mình đồng ý cho hôn nên mới xảy ra chuyện. Hoặc cho
rằng vì mình cũng đồng thuận nên đó không phải là xâm hại và nếu không
phải là xâm hại thì không tổn thương.
Giai đoạn chối bỏ chỉ chấm
dứt khi nạn nhân nói ra được với một ai đó và nhận được sự bảo vệ. Nếu
không vượt qua được giai đoạn này thì nạn nhân sẽ bị di chứng tổn thương
suốt đời: Luôn tự đổ lỗi cho bản thân vì những lỗi của người khác. Luôn
tự lừa dối chính mình. Khó có thể xây dựng và giữ gìn một mối quan hệ
lâu dài vì hoang mang, không có niềm tin bền vững vào các giá trị yêu
thương, chia sẻ, tha thứ..
3. Giận dữ. Sau khi chối bỏ không
thành công, nạn nhân sẽ chuyển sang trạng thái giận dữ, căm thù. Bởi
không, chưa nói được với ai và phần lớn cũng không đủ khả năng tự vệ lẫn
trả thù cộng với việc giấu diếm sợ người ngoài biết việc nên sự tức
giận của nạn nhân không trực tiếp hướng về kẻ quấy rối, xâm hại mình mà
lại hướng đến những người vô can xung quanh.
Nạn nhân trở nên
cáu kỉnh, nóng tính, sẵn sàng gây hấn với tất cả mọi người. Không điều
gì làm cho nạn nhân cảm thấy hài lòng. Nếu không vượt qua được giai đoạn
này, nạn nhân sẽ bị tổn thương suốt đời, trở nên xấu tính trong mọi
việc bởi sự nhạy cảm của mình, lúc nào cũng tự coi mình là nạn nhân của
mọi việc, không bao giờ cảm nhận được sự công bằng, luôn nghi ngờ mọi
thứ mọi người.
Nạn nhân sẽ dễ dàng tung hê mọi mối quan hệ theo
cách tiêu cực nhất có thể như một cách trả thù và làm tổn thương bản
thân nhiều nhất theo mọi hướng. Bất chấp tất cả. Đây là lúc nạn nhân
mong manh nhất dễ gây tổn thương cho mình (nạn nhân thường có ý định tự
tử) và cho người khác nhất.
4. Thỏa hiệp. Sự giận dữ của nạn
nhân gây ra nhiều tổn thương cho chính họ và những người vô can xung
quanh cho đến lúc nạn nhân nhận ra đó là một sai lầm thì nạn nhân bắt
đầu quay sang giai đoạn thỏa hiệp.
Giai đoạn này diễn biến khá
phức tạp và hỗn loạn. Các cảm xúc rối loạn đan xen lẫn nhau làm nạn nhân
mất phương hướng, trong đó cảm giác muốn tha lỗi cho kẻ quấy rối, xâm
hại tăng cao.
Nạn nhân mong muốn được xin lỗi, mong muốn có một
cái cớ nào đó để bỏ qua, để giải quyết cho xong, để bản thân có thể quên
đi và sống tiếp mà không phải bộc lộ với người thứ ba. Đây là điều khó
thể xảy ra. Tổn thương vẫn vẹn nguyên. Di chứng để lại là nạn nhân mất
niềm tin vào sự phục thiện của con người. Trong cuộc sống họ sẽ khó lòng
tha thứ cho những lỗi lầm của người khác và kể cả những lỗi lầm của bản
thân.
5. Chôn vùi. Mọi vết thương thể chất đều được thời gian
làm lành một cách nhanh chóng bởi con người thường tập trung chữa trị
cho nó trước bởi nó dễ dàng nhìn thấy và dễ dàng điều trị. Tổn thương
tâm lý thì khác, nó âm thầm trong lòng, không mấy ai để ý, nhất là ở VN
khi mà con người chưa coi trọng sức khỏe tâm thần của chính mình và cộng
đồng nên càng coi thường. Tuy vậy, theo thời gian, con người buộc phải
sống tiếp nên các nạn nhân thường buộc phải chọn cách chôn vùi.
Sau sợ hãi, chối bỏ, giận dữ, thỏa hiệp không thành công nạn nhân thường
chọn cách chôn vùi điều đã xảy ra. Họ không nói về nó, không nhắc về
nó, coi như nó không tồn tại để không phải đối mặt và giải quyết.
Rất nhiều nạn nhân không biết bản thân mình chịu đựng di chứng. Họ sống
và có thể lập gia đình, có thể thành đạt nhưng vết thương trong lòng
không lành miệng. Di chứng tổn thương này làm ảnh hưởng và hình thành
các tính cách mới, đến nhân sinh quan và cách họ đối xử với mọi người
xung quanh.
Họ không biết vì sao mình hay nóng giận vô lý hoặc
mất niềm tin hoặc cực đoan hoặc tàn phá lòng tự tôn và cảm giác tự trọng
của bản thân. Tổn thương bị che đậy, bị khuất lấp nhưng không có nghĩa
là nó chết. Mỗi khi đọc một mẩu tin về quấy rối, xâm hại tình dục thì họ
lại trải qua cảm giác rùng mình, sợ hãi, chối bỏ, giận dữ, thỏa hiệp,
cố gắng chôn vùi một lần nữa, một lần nữa và một lần nữa..Chu trình
không có hồi kết thúc.
Cho dù có cố gắng đến đâu và giả vờ như
thế nào để chối bỏ thì các bước trên vẫn diễn ra trong diễn biến tâm lý
của nạn nhân mà không phải nạn nhân nào cũng nhận biết và hiểu rõ về nó
cũng như thừa nhận.
Biết các bước diễn biến tâm lý của nạn nhân,
những tổn thương tâm lý họ phải chịu đựng, những di chứng của họ, ta có
thể biết được các bước để giúp họ trong việc chia sẻ, vượt qua bằng sự
thấu hiểu và yêu thương mà không vô tình gây thêm tổn thương cho họ.
(còn nữa)
(còn nữa)
FB Nga Thi Bich Nguyen
20/3/2019