Điều 50 Brexit: EU xem xét gia hạn lâu hơn? (BBC)

Làn sóng dân túy đang càn quét khắp thế giới và ngay cả nước Anh, một quốc gia có nền dân chủ lâu đời nhất thế giới cũng không thoát khỏi vấn nạn đó. Brexit đang làm cho nước Anh "đi cũng dở, ở cũng không xong". Bây giờ thì cả nước Anh và cả Liên Hiệp Châu Âu đều nhận ra tác hại vô cùng to lớn của việc Anh rời khỏi EU. Gia hạn Brexit là một lối thoát trong ngắn hạn và trong tương lai các chính trị gia cần phải rà soát toàn bộ hệ thống chính trị đang vận hành, chúng đã lỗi thời so với sự phát triển của kinh tế và khoa học. Khi giới trí thức tinh hoa từ nhiệm và đẩy sự khó khăn trong việc lấy các quyết định chính trị quan trọng cho người dân thì hậu quả sẽ không lường. Brexit đã chứng minh cho điều đó. 


Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk tuyên bố ông sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo EU "mở rộng thời gian gia hạn" cho thời hạn Brexit, nếu nước Anh cần suy nghĩ lại về chiến lược của mình và đạt được sự đồng thuận.

Sự can thiệp của ông được đưa ra khi các nghị sĩ Anh sẽ bầu để tìm kiếm gia hạn thay vì 29/3 thì chờ đến 30/6.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp mặt tại Brussels hôm 21/3 và sẽ có quyết định cuối cùng.

Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng nếu thỏa thuận Brexit của bà không được chấp thuận thì việc gia hạn lâu hơn có thể cần thiết.

Sau hai thất bại vang dội tại Hạ viện, bà sẽ thực hiện một nỗ lực khác để thúc đẩy Thỏa thuận rút khỏi EU trong tuần tới.

Tất cả 27 quốc gia EU sẽ phải đồng ý gia hạn, và ông Tusk, chủ tịch hội đồng của khối, sẽ hội đàm với một số nhà lãnh đạo trước thềm cuộc họp tại Brussels vào tuần tới.

Trong khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định rằng bất kỳ sự trì hoãn nào "nên được thực hiện trước cuộc bầu cử Châu Âu" vào cuối tháng Năm, ông Tusk nói rõ sự trì hoãn lâu hơn có thể xảy ra.

Ông Tusk hồi đầu năm phát biểu rằng trái tim của EU vẫn rộng mở cho Anh quốc nếu nước này thay đổi suy nghĩ về Brexit. 

Ông đã kích động phản ứng giận dữ từ những người ủng hộ Brexit khi ông nói rằng có một "nơi đặc biệt dưới địa ngục" cho những ai thúc giục Brexit "mà thậm chí không có lấy một phác thảo về kế hoạch làm sao thực hiện điều đó một cách an toàn".

Đề xuất của ông Tusk được đưa ra sau khi có tin tức nói EU cảnh báo 'không có cơ hội thứ ba' dành cho thỏa thuận rời đi của nước Anh ngay khi thủ tướng Anh nhận thất bại lần hai trước Quốc hội hôm thứ Ba về thỏa thuận mà bà xây dựng.

Vì vậy, tại thời điểm quan trọng này, các nhà lãnh đạo Châu Âu suy nghĩ gì về việc gia hạn Điều 50, hiệp ước gia hạn hai năm mà nước Anh đã viện dẫn vào ngày 29 tháng 3 năm 2017?

Đức mất niềm tin nhưng vẫn muốn giúp

Trong giới doanh nhân và chính trị ở Berlin, sự thất vọng ngày càng gia tăng, thậm chí là tức giận, về sự phát triển ở nước Anh.

Tuy vậy, Đức có vẻ như sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp tạo điều kiện cho một Brexit có trật tự mà bà Angela Merkel khẳng định là vẫn có thể.

Thủ tướng Đức sẽ không đưa ra công khai liệu bà sẽ ủng hộ việc gia hạn Điều 50 hay không, nhưng nó được thừa nhận rộng rãi rằng bà và chính phủ của bà sẽ sẵn sàng làm điều đó.
Có những người tin rằng sự ủng hộ nên có điều kiện phụ thuộc vào khả năng của nước Anh trong việc đưa ra lý do và sự kỳ vọng của mình trước khi việc gia hạn được chấp thuận. 

Và có những lo ngại đáng kể về tác động của việc gia hạn lâu hơn lên các cuộc bầu cử EU nhưng lợi ích của Đức phụ thuộc vào việc tránh được một Brexit không đạt thỏa thuận và thiệt hại có thể gây ra cho nền kinh tế Đức.

Chính phủ Đức sẽ làm những gì có thể để đạt được mục tiêu đó.

Tiến sĩ Norbert Roettgen, chủ tịch ủy ban đối ngoại, kêu gọi Anh và EU nên có thời gian.

"Mọi thứ thật cuồng nhiệt, rối loạn và không rõ ràng. Hãy chậm lại và cố gắng có cái đầu sáng suốt," ông nói. "Thế giới sẽ không kết thúc nếu tất cả chúng ta dành thời gian hít thở, tập trung vào những điểm mấu chốt."

"Nếu chúng ta cố gắng gấp rút có một kết quả bây giờ điều đó chắc chắn sẽ sai lầm."

Pháp sẽ đòi hỏi những điều kiện cứng rắn

Theo Hugh Schofield tại Paris:

Là quốc gia "tiền tuyến" có chung đường biên giới với Vương quốc Anh - nhờ đường hầm Channel Tunnel - Pháp có nhiều lo ngại hơn hết về một Brexit không có thỏa thuận.

Tuy nhiên, khi chấp nhận cho London thêm thời gian, Tổng thống Emmanuel Macron được kỳ vọng sẽ nhấn mạnh các điều kiện.

Ông sẽ không thông qua việc gia hạn nếu điều đó chỉ đơn giản là làm giảm nỗi đau.

Việc gia hạn "cơ bản" một vài tuần sẽ là vấn đề dễ dàng, theo Elvire Fabry từ Viện Jacques Delors ở Paris.

Ngay cả khi Hạ viện thông qua kế hoạch của bà Theresa May hôm thứ Ba, việc gia hạn như vậy có lẽ là không tránh khỏi, và tự động được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh EU vào tuần tới.
"Nhưng sự gia hạn dài hơn đặt ra tất cả các vấn đề. Không ai thấy thoải mái với ý nghĩ Anh tham gia bầu cử EU vào tháng Năm. Nó sẽ là sự phân tâm không mong muốn," bà Fabry nói.

"Vì vậy, với sự gia hạn lâu hơn sẽ phải có một mục tiêu rất rõ ràng và chính xác được đưa ra bằng văn bản - ví dụ, các cuộc bầu cử mới ở Anh hoặc một cuộc trưng cầu dân ý mới."

Bà nói rằng Brussels "khá ủng hộ" ý tưởng này - nhưng trong những ngày qua mọi thứ đã thay đổi.
"Không ai ở đây thảo luận, 'chúng ta hãy vượt qua và không có thỏa thuận.' Sự mệt mỏi đó dường như đang có chỗ đứng ở nước Anh, nhưng không phải tại Châu Âu."

"Ở đây mọi người đều kiệt sức và mất kiên nhẫn - nhưng chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi không thể làm thêm gì nữa. Người Anh phải tự giải quyết việc này với nhau."

Ba Lan đồng ý bất cứ điều gì trừ việc không đạt thỏa thuận

Theo Adam Easton tại Warsaw:

"Người dân Anh đã quyết định nước Anh sẽ rời, đó nên là kết luận. Nếu không nó sẽ là sự sỉ nhục."
Đó là cách một thành viên nghị viện Châu Âu từ đảng cầm quyền, Ryszard Legutko, nói và thêm rằng: "Một cuộc trưng cầu dân ý lần hai và một sự gia hạn quá dài cũng là một sự sỉ nhục".

Các quan chức cấp cao thì điềm đạm hơn chút.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Jacek Czaputowicz, nói Vương quốc Anh có thể cần thêm một chút thời gian.
"Chúng tôi đang theo dõi những gì đang diễn ra ở Anh - những lá phiếu, có những kỳ vọng nhất định về việc họ sẽ kết thúc như thế nào. Có lẽ chúng tôi sẽ cần... kéo dài thời gian một chút, có thể cần thêm một ít thời gian để suy ngẫm," ông nói với phóng viên trong quốc hội Ba Lan.

"Theo quan điểm của chúng tôi một Brexit không đạt thỏa thuận là giải pháp tồi tệ nhất."

Với Wasrsaw, việc đảm bảo quyền của khoảng một triệu người Ba Lan đang sống ở Anh luôn là ưu tiên số một, và chính phủ hai quốc gia duy trì "liên lạc thường xuyên".

Nhưng Ba Lan đang hy vọng một thỏa thuận và một thời kỳ chuyển giao suôn sẻ. Đó là bởi vì Vương quốc Anh là thị trường bán hàng lớn thứ ba của Ba Lan.

Hà Lan chờ đợi và hy vọng điều tốt nhất

Theo Anna Holligan tai Rotterdam:

Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Stef Blok nói với BBC rằng đất nước của ông sẽ xem xét một cách "nhân từ" bất kỳ yêu cầu nào gia hạn Điều 50. Nhưng "không có mục tiêu rõ ràng sẽ không giải quyết được điều gì", ông cảnh báo. 

Câu thần chú "hãy hy vọng điều tốt nhất, chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất" củng cố cách tiếp cận của người Hà Lan, và ông Blok đã có mặt tại sự kiện giới thiệu sự chuẩn bị của chính phủ cho một sự rút lui không đạt thỏa thuận. 

"Tôi đang mong đợi bất kỳ giải pháp nào sẽ giải quyết vấn đề, nhưng điều đó giờ đây phải đến từ London."
Người Hà Lan không bao giờ muốn Vương quốc Anh rời Liên minh Châu Âu nhưng tôn trọng lựa chọn của họ. Nhưng bây giờ họ xem bất kỳ sự gia hạn nào giống như xé một miếng dính plaster. Lý tưởng nhất là giải quyết nhanh chóng để vượt qua nỗi đau.

"Chúng ta đang sống trong thực tế là Brexit đã thỏa thuận chúng ta", bộ trưởng ngoại thương Sigrid Kaag nói, ra hiệu cho một dòng xe tải đang lăn bánh trên phà đến cảng Felixstowe của Anh.

"(Hà Lan) là cửa ngõ tự nhiên của bạn vào Châu Âu. Với một chính phủ ổn định. Chúng tôi không ngồi yên, chúng tôi không hoảng loạn, chúng tôi đã sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào."

Italia nói: 'Hãy cho chúng tôi biết những gì bạn muốn'

Theo James Reynolds tại Rome:

Ý sẽ ủng hộ việc gia hạn Điều 50 với hai điều kiện:

Nếu Anh giải thích chính xác những gì họ muốn

Nếu Anh nói chính xác họ muốn gia hạn bao lâu

Italia tin rằng chính phủ Anh thực lòng khi nói họ không muốn sự ra đi không có thỏa thuận, một quan chức cao cấp của Ý, yêu cầu không nêu tên, nói với BBC.

Nhưng, đồng thời, nước Ý không ngại chuẩn bị cho việc không đạt được thỏa thuận. Trong vài ngày tới, chính phủ hy vọng sẽ thông qua một gói điều luật nhằm giải quyết những ưu tiên của mình: quyền công dân, ổn định tài chính, giúp đỡ các doanh nghiệp.

Tuần tới, chính quyền Rome dự kiến sẽ tổ chức một loạt cuộc họp thông tin tại các cảng trên khắp đất nước để giải thích việc không đạt thỏa thuận sẽ được tiến hành như thế nào.