Giải quyết mâu thuẫn trong các mối quan hệ (Nguyễn Thị Bích Ngà)
Nhiều người bảo "tha thứ" cho người kia nhưng sự thật là
không hề có sự tha thứ nếu mâu thuẫn chưa được giải quyết. Khi không
được giải quyết, mâu thuẫn chỉ lặn đi chứ không hề mất đi. Và nó sẽ tích
tụ, bùng nổ vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Học cách giải quyết mâu thuẫn không khó, cái khó là bạn có chịu học hay không mà thôi. (Nguyễn Thị Bích Ngà)
Trong nhiều bài viết trước, tôi nhận định: người Việt thường cãi
nhau do không cùng hiểu chung định nghĩa của khái niệm, do hiểu sai hiểu
lầm, do thiếu kiến thức, do cảm tính thích tin vào tin đồn và nghi
ngờ,...nên thường tạo ra các mâu thuẫn trong các mối quan hệ trong gia
đình cũng như ngoài xã hội.
Khi một mâu thuẫn nảy sinh, nó phải
được giải quyết bằng cách này hay cách khác. Người văn minh chọn cách
nói chuyện, trao đổi thẳng thắn. Người thích bạo lực thì xông vào đánh
nhau. Nhưng người Việt thì thường chọn cách giữ trong lòng.
Các
mối mâu thuẫn này thường không được giải quyết một cách rốt ráo, đến nơi
đến chốn, ẩn ức không được giải tỏa nên người ta thường bằng mặt nhưng
không bằng lòng, dẫn đến không hiểu nhau, không thể cảm thông và dĩ
nhiên không thể có được sự đồng thuận hoặc đoàn kết sau đó, kể cả yêu
thương.
Trong gia đình
Ta thường nghe người ta khuyên
nhau: "Thôi thôi, vợ chồng (anh em, cha mẹ) trong nhà, có gì thì chín bỏ
làm mười, bỏ qua đi.." Đó là một câu nói rất hay để khuyên nhau trong
lúc cả hai bên nóng giận, cần sự kềm chế để không lỡ lời buông ra những
câu nói làm tổn thương. Nhưng khi đã hết nóng giận mà ta vẫn chín bỏ làm
mười không giải quyết mâu thuẫn thì nó tai hại.
Tôi rất ghét câu
"vợ chồng cãi lộn con cu làm lành." Thay vì vợ chồng ngồi lại nói
chuyện để thấu hiểu nhau hơn thì người Việt mình dùng sex, dùng endophin
để giải tỏa chốc lát.
Vợ không thích chồng nhậu nhẹt bê tha,
thay vì ngồi lại nói thẳng, phân tích những lợi hại của việc bê tha, nói
thẳng điều mình thích và không thích, những tổn thương và khó chịu mà
mình phải chịu từ việc bê tha của chồng để chồng tìm cách thay đổi thì
lại dấm dẳng trách hờn, giận dỗi, nói móc mỉa bóng gió và nặng mặt ra,
thậm chí trút lên đầu con cái, tệ hơn nữa là im lặng không nói gì. Chồng
thấy vậy thì tối ôm hun, tay chân sờ soạng lấy con cu giảng hòa. Xong.
Lần sau nhậu nhẹt bê tha tiếp. Vô hình chung thách thức sự chịu đựng,
kiên nhẫn của vợ và đẩy mâu thuẫn nhỏ thành mâu thuẫn lớn. Vấn đề không
hề được giải quyết.
Chồng không thích vợ cằn nhằn, nói nhiều,
nhai đi nhai lại lỗi lầm cũ của mình hoặc đánh con...thay vì ngồi lại
nói chuyện, phân tích lợi hại, thẳng thắn yêu cầu sự thay đổi thì
lại...bỏ đi nhậu hoặc phản ứng lại bằng cách im lặng, đánh đập hoặc tìm
cách sỉ nhục lẫn nhau qua lời nói. Và rồi cuối cùng cũng vẫn dùng
endophin để giải quyết mọi thứ.
Trong mối mâu thuẫn bố mẹ với con
cái cũng vậy, người làm bố mẹ không nói chuyện thẳng thắn với con mà né
tránh vấn đề hoặc dùng các biện pháp đánh đập, chửi mắng, xúc phạm, dằn
vặt một cách tiêu cực nhất để trấn áp.
Ta cần hiểu không có một
mối quan hệ bất kỳ nào lại không nảy sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn luôn luôn
xuất hiện bởi con người là những cá thể độc lập, có suy nghĩ riêng.
Không ai có thể hiểu người khác 100%, bên cạnh đó còn là ngoại cảnh tác
động, những di chứng tổn thương về tâm lý, hoàn cảnh sống, môi trường
công việc...làm cho con người có những thay đổi, phát sinh mâu thuẫn
hằng ngày. Chúng ta không thể ngăn chặn được mâu thuẫn. Chúng ta chỉ có
thể đối diện với nó và giải quyết nó cách nào mà thôi.
Khi nghe
bạn bè nói về những bất hòa trong gia đình với vợ chồng, con cái, tôi
thường khuyên họ nên trực tiếp ngồi lại với nhau và nói thẳng khi bình
tĩnh nhất. Tất cả đều hiểu đó là cách tốt nhất nhưng rất ít người thực
hiện. Thứ nhất là người Việt không có văn hóa nói thẳng, tranh luận,
thảo luận nên không biết cách ngồi xuống nói với nhau như thế nào. Khi
ngồi xuống được với nhau thì cũng không biết cách kềm chế, thương
thuyết, dung nhượng để đạt được win-win. Thứ hai là không thực hiện đến
nơi đến chốn.
Tôi khuyên thằng bạn rủ vợ đi cà phê nói chuyện để
giải quyết mâu thuẫn trong cách dạy con. Ra cà phê, cô vợ kể một loạt
tội của chồng của con và blah blah blah than thở một lúc, thằng bạn hứa
thay đổi blah blah nhưng không nói được vấn đề chính là cổ cũng phải
thay đổi. Rồi đâu lại vào đấy. Mâu thuẫn càng ngày càng tăng thêm, không
hề giảm đi.
Tôi thích cách giải quyết vấn đề của vợ chồng người
phương Tây. Họ nói ngay và nói thẳng. Khi thấy một bên mất kiểm soát,
nóng giận, thì bên kia ngưng và làm dịu bằng cách nói những câu đại
loại: "Anh yêu em. Chúng ta sẽ bàn về việc này sau nhé." Và họ đợi khi
bình tĩnh thì tiếp tục nói chuỵện chứ không dùng sex để giải quyết hoặc
bỏ qua. Với con cái cũng vậy. Vì thế nên họ có hạnh phúc thực sự khi ở
với nhau. Khi không cảm thấy hạnh phúc do có những mâu thuẫn không thể
giải quyết thì họ thường chọn cách xa nhau, không giả vờ. Người Việt
mình có mấy gia đình thực sự hạnh phúc?
Trong xã hội
Các
mối quan hệ trong gia đình đã không tránh được mâu thuẫn thì các mối
quan hệ xã hội còn phức tạp hơn nhiều. Trong gia đình, người Việt thường
dùng sex để giải quyết, nhưng trong các mối quan hệ xã hội không thể
leo lên bụng nhau để làm lành thì người VIệt thường chọn cách im lặng
hoặc ghét bỏ luôn khỏi làm lành.
Có lần, một em gái nhắn tin cho
tôi tố cáo một em trai làm em ấy có bầu rồi bỏ rơi, yêu cầu tôi lên
tiếng. Tôi hỏi bằng chứng và đề nghị sẽ đứng ra sắp đặt một cuộc nói
chuyện giữa hai bên để giải quyết. Nếu em ấy thực sự bị lừa dối thì tôi
sẽ giúp trong khả năng có thể. Em im luôn và sau đó nhờ người khác đồng
thời bảo rằng tôi là người bao che bênh vực cho em trai kia mà không
bênh vực người yếu thế
Mâu thuẫn giữa họ không hề được giải quyết mà trở thành một cuộc đấu tố
vô tiền khoáng hậu, thành trò cười đầy ồn ào và mệt mỏi, làm cho rất
nhiều người trở nên ghét bỏ nhau.
Trong anh em đấu tranh, có rất
nhiều lần nảy sinh mâu thuẫn do hiểu lầm, hiểu sai hoặc bất đồng trong
công việc chung mà không nói thẳng. Cứ ghim gút trong lòng đến nỗi không
thể làm việc cùng nhau. Tôi đề nghị lập một nhóm những người có hiểu
biết về tâm lý và có khả năng, uy tín để làm người trung gian hòa giải
các mâu thuẫn trong anh em. Tôi bị rất nhiều người cười và cho rằng tôi
mơ mộng viễn vông. Thậm chí có những người bảo tôi bày đặt lên mặt tài
giỏi (!?) Và cuối cùng cứ mỗi lần nảy sinh mâu thuẫn là thêm xa cách và
chia rẽ, thậm chí đi cà phê thôi mà có mặt người này thì người kia cáo
bận.
Các mối quan hệ xã hội bị xé nát chỉ vì không thể giải quyết
mâu thuẫn. Mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn hội nhóm là những mâu thuẫn nhỏ
ta không thể giải quyết thì làm sao có thể nghĩ đến và giải quyết nổi
các mối mâu thuẫn trong lòng dân tộc.
Ngồi xuống nói chuyện hoặc
lôi nhau ra bãi đập nhau một trận, cách nào cũng được (tôi chọn cách nói
chuyện) miễn là cuối cùng phải giải tỏa được những ẩn ức trong lòng
thì ta mới có thể tiếp tục bước đi và hợp tác, yêu thương. Vẫn còn vướng
mắc thì không thể nào bước tiếp được cho dù bạn có giả vờ "không có
gì."
Nhiều người bảo "tha thứ" cho người kia nhưng sự thật là
không hề có sự tha thứ nếu mâu thuẫn chưa được giải quyết. Khi không
được giải quyết, mâu thuẫn chỉ lặn đi chứ không hề mất đi. Và nó sẽ tích
tụ, bùng nổ vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Học cách giải quyết mâu thuẫn không khó, cái khó là bạn có chịu học hay không mà thôi.
4/3/2019