Chuyện Phạm Cao Lâm bị Thái Lan trục xuất về Việt Nam (Tina Hà Giang-BBC)

Đã 2 tháng trôi qua mà số phận của Trương Duy Nhất vẫn không ai rõ, nhà nước VN và Thái Lan đều im lặng. Chưa có nơi nào trên thế giới mà tính mạng con người lại bị xem nhẹ như ở VN. Nghi can trong vụ giết hại người anh của Kim-Jong Un người Indonesia đã được trả tự do trong khi nghi can người VN vẫn còn ngồi tù. Trục xuất Cao Lâm không giải quyết được gì, vấn đề là Nhất đang ở đâu? Có lẽ cảnh sát Thái Lan ít nhiều "tiếp tay" cho vụ mất tích này? Cũng có thể các nhân vật bất đồng chính kiến VN lại được đem ra đổi chác với Thái Lan? 


Tin ông Phạm Cao Lâm, một khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng người Việt tại Bangkok, cùng gia đình, bị cảnh sát Thái Lan bắt ngày 1/3 làm xôn xao dư luận.

Vợ con của ông Cao Lâm bị trục xuất cuối tuần trước, và bản thân ông sẽ phải rời khỏi Bangkok, nơi họ đã sinh sống trong 16 năm qua, vào sáng thứ Ba ngày 12/3.

Việc cảnh sát Thái Lan bắt ông Phạm Cao Lâm và gia đình, rồi cuối cùng trục xuất họ, được cho là vì trước áp lực quốc tế, Thái Lan muốn tìm ra manh mối cho cuộc điều tra về sự mất tích của blogger Trương Duy Nhất.

Sáng 11/3, phóng viên của BBC đến gặp ông Cao Lâm tại Trung tâm Tạm giam Di trú (Immigration Detention Center - IDC), để hỏi rõ sự tình.

BBC:Xin được hỏi tình hình của anh trong trung tâm tạm giam này ra sao.

Cao Lâm: Ngày mai tôi bị trục xuất về Việt Nam rồi. 

BBC:Sở Di trú Thái Lan họ mua sẵn vé cho anh?

Cao Lâm: Không mình bị trục xuất thì phải tự mua vé mà đi chứ. Vợ con tôi về Việt Nam từ tuần trước rồi, nhưng tôi cũng chưa liên lạc được với họ. Trong này không có phôn, không có internet nên liên lạc khó.

BBC:Anh có nghĩ là mình và gia đình sẽ bị nguy hiểm hay gặp khó khăn phiền phức khi về Việt Nam không?

Cao Lâm: Ai cũng hỏi là tôi về Việt Nam có nguy hiểm không. Điều này thì phải sau khi về đến Việt Nam tôi mới trả lời được. Giờ tôi đang ở đây thì làm sao mà biết được về Việt Nam sẽ thế nào. 

Nhưng tôi qua đây thuần tuý là để làm ăn. Tôi làm thợ may ở đây đã 16 năm rồi. Tôi là một người lo làm ăn. Tôi chưa bao giờ hoạt động đấu tranh, tôi không tham gia tổ chức chính trị nào. Chỉ có hai năm vừa rồi sinh hoạt nhiều ở nhà thờ thì tôi hay giúp đỡ những người nghèo. Những người tôi giúp đỡ, tôi cũng không biết họ có phải là người tị nạn hay không, mà cũng không hỏi. Chỉ hễ thấy ai gặp khó khăn thì tôi giúp trong khả năng mình.
 
BBC:Anh đã ở đây 16 năm rồi, sao bây giờ mới bị bắt? Và lao động bất hợppháp thì thường phải chỉ phải nộp phạt thôi, vậy tại sao anh lại bị trục xuất? Những trường hợp bị trục xuất như vậy có thường không?

Cao Lâm: Lao động bất hợp pháp bị cảnh sát bắt thì cứ đóng tiền phạt rồi về, nhưng đó là cảnh sát thường. Gặp cảnh sát di trú bắt thì không có cách nào nộp phạt được. Họ đưa ra tòa rồi đưa vào đây. 

BBC: Cảnh sát họ đến tận nhà để bắt gia đình anh?

Cao Lâm: Vâng chiều hôm đó họ kéo đến nhà không báo trước đòi xem giấy tờ rồi đưa chúng tôi về đồn. Sau khi ra tòa thì họ bảo cả nhà bị trục xuất vì lao động bất hợp pháp. Họ nói thế.

BBC: Theo anh thì lý do thực sự khiến họ bắt anh rồi trục xuất anh là gì?

Cao Lâm: Họ bắt tôi là vì họ cần phải điều tra cho rõ việc Trương Duy Nhất. Họ biết Bạch Hồng Quyền là người đưa đón Trương Duy Nhất và lo cho Trương Duy Nhất trong những ngày ông Nhất ở Thái Lan cho nên họ muốn tìm Bạch Hồng Quyền để hỏi. Họ biết tụi tôi quen nhau, chắc họ cũng biết tôi là người đứng ra thuê nhà cho vợ chồng Bạch Hồng Quyền. Nhưng Bạch Hồng Quyền dọn ra khỏi nhà đó rồi. Tôi nói với họ tôi không biết Bạch Hồng Quyền đâu. Còn tại sao trục xuất gia đình thì họ chỉ nói vì lý do lao động bất hợp pháp. Nhưng tôi biết chắc chắn là không phải như vậy. Hôm tôi bị bắt, tôi bị bắt lúc 4 giờ chiều, 1 giờ chiều hôm đó vợ Bạch Hồng Quyền còn gọi phôn kêu cứu nói là đang bị cảnh sát đi tìm.

BBC:Tình trạng bị giam giữ ở đây như thế nào? Anh bị ở chung phòng với nhiều người không?

Cao Lâm: Tôi ở phòng số 6 chung với khoảng 70 người đồng bào Tây Nguyên. Ngày mới vào trong người còn mười mấy ngàn bahts, tôi chia cho họ mỗi người 200 bahts, để mua thêm thức ăn. Ăn uống ở đây khổ lắm. Chẳng giúp được nhiều nhưng họ xem tôi như một ân nhân. Ngày mai đi rồi, tôi vừa gom tiền mua mấy thùng mì này, để lại tặng cho họ.
BBC: Khi blogger Trương Duy Nhất bị mất tích rồi mọi việc ồn ào lên, anh có nghĩ là mình sẽ bị liên lụy như thế này không?

Cao Lâm: Không ngờ được. Tôi chẳng dính dáng gì đến Trương Duy Nhất, mà vì mấy bài viết trên mạng xã hội mà tôi bị nạn. Đón xong Trương Duy Nhất, Bạch Hồng Quyền chở ngay đến nhà tôi, nhưng lúc ấy tôi không có nhà. Tối khoảng chín giờ tôi mới ghé qua gặp họ được khoảng 10 phút. Họ có truyền thông trong tay, họ tìm cách đổ lỗi cho tôi để che dấu sự bất cẩn của họ. Nhưng làm sai thì họ có lỗi với lương tâm, còn tôi thì không làm gì phải để lương tâm cắn rứt. Nhưng họ làm hại uy tín của tôi, chỗ đứng của tôi trong cộng đồng.

BBC: Anh có giận ghét họ?

Cao Lâm: Không. Tôi nghĩ mình bị gặp nạn quá lớn. Đôi khi cũng nghĩ là mình nếu không thân tình với Bạch Hồng Quyền, không đứng ra mướn nhà hộ, giúp đỡ gia đình Bạch Hồng Quyền những ngày mới đến đây từ năm 2017 thì giờ không bị tai bay vạ gió. Quyền còn chưa làm được gì để trả ơn cho tôi. Tôi buồn vì họ có truyền thông trong tay, họ muốn nói gì thì nói...

BBC:Bị trục xuất như thế rồi thì tài sản của gia đình anh ở đây ai lo? Gia đình anh sau này có quay lại Thái được không?

Cao Lâm: Tôi sẽ tìm cách quay lại bằng cách này hay cách khác. Hôm cảnh sát báo bị trục xuất tôi cũng nói với họ như thế. 'Mấy ông cứ trục xuất tôi đi, rồi trước sau tôi cũng quay lại đây thôi.'

BBC: Cảnh sát họ phản ứng ra sao?

Cao Lâm: Họ cười cười thôi. Tôi ở đây 16 năm rồi, cộng đồng, hàng xóm ai cũng biết, cũng qúy mến. Tôi chỉ lo làm ăn, rảnh thì làm việc từ thiện, chẳng làm hại ai. Ai cũng biết thế.