Căn tính của đa số trí thức Việt là loăng quăng?! (Paul Nguyễn Hoàng Đức)

Muốn là cây đứng giữa trời, muốn lời nói mang sức mạnh như chân lý “nói phải củ cải cũng nghe” và “miệng kẻ sang có gang có thép” thì phải có LÝ TRÍ. Các triết gia và nhà sư phạm phương Tây dứt khoát rằng: giáo dục là của lý trí. Đi học là để lý trí biết phân biệt cao thấp, đúng sai, vì thế chỉ có người mang tri thức mới có Lương Tri. Và lý trí là ông chủ. Cảm xúc là nô tài. Vậy thì giới trí thức Việt và Á Đông nhiều người đi học chứ, còn có nhiều giáo sư tiến sĩ đằng khác…nhưng sao? Vì mang bản thể dây leo, họ không cách gì đứng thẳng để có lý trí được. Vả lại, sống trong môi trường phong kiến phải trung quân nhiều kiếp, họ trở nên sợ sệt luôn nói nước đôi để an toàn, vì thế họ luôn thủ vai là những viên bi xoay tít để làm hài lòng mọi người. (Paul Nguyễn Hoàng Đức)


Sau nhiều lần gặp gỡ và trải nghiệm, hôm nay tôi đã phát hiện ra một bản tính cố hữu cũng như tầm vóc phổ biến của trí thức Việt, đó là: sợ các chuẩn mực nên thành loăng quăng. Xin các bạn đừng vội tự ái, tôi sẽ chứng minh điều này rõ ràng sáng tỏ.

Kèm theo điều trên, tôi cũng phát hiện ra hình ảnh không chỉ là biểu tượng mà dường như mang nguyên lý song hành với nó, đó là: những dây leo, chúng không cách gì đứng thẳng được, mà chúng phải cuốn vào cọc, rồi gốc, đến các cành ngang hay bò theo tường, tóm lại cứ vớ được địa thế đứng thẳng hay nằm ngang, kể cả chạy xuống thung lũng hay hố… thì dây leo cứ thế mà bò.

Ở đời, ai chẳng hiểu, đứng thẳng thì kiêu hãnh như “có cứng mới đứng đầu gió”, hay như câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người/ làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Nhưng than ôi, muốn đứng thẳng như cây thông chẳng hạn, hay như cây tùng, cây bách thì gỗ nó phải cứng cáp, gió dù giật chiều nào cũng vươn thẳng chứ không chịu nghiêng ngả, vì thế mới đứng thẳng được. 

Mà muốn đứng thẳng thì một chiếc cột phải cắm vuông góc với mặt đất chỉ một điểm duy nhất. Có câu “ngựa Hồ hí gió bắc, chim Việt đậu cành nam”, đấy coi như một đặc tính của địa lý, nhưng chim nam lại đòi hí gió bắc, rồi ngửi gió tây, ngả gió đông lung lung tí mẹt thì làm sao có một bản tính hình thành như truyền thống?!

Người Việt rất khinh bỉ các loại đức tính dây leo như đề cao: “nhất ngôn cửu đỉnh” – một lời nói tựa chín đỉnh, rồi “nói lời phải giữ lấy lời/ đừng như con bướm đậu rồi lại bay”, rồi phỉ báng loại thay đổi xoành xoạnh “lá mặt lá trái” như “lời nói gió bay” chẳng chịu trách nhiệm gì cả, thậm chí “nhổ rồi lại liếm”… Đó là những dạng “nôm na mách qué!” rồi “dở ông dở thằng!”

Lời nói cần minh định chính trực như: “ngô ra ngô, khoai ra khoai”, hay “nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy”- một lời nói ra ngựa tứ khó đuổi!

Muốn là cây đứng giữa trời, muốn lời nói mang sức mạnh như chân lý “nói phải củ cải cũng nghe” và “miệng kẻ sang có gang có thép” thì phải có LÝ TRÍ. Các triết gia và nhà sư phạm phương Tây dứt khoát rằng: giáo dục là của lý trí. Đi học là để lý trí biết phân biệt cao thấp, đúng sai, vì thế chỉ có người mang tri thức mới có Lương Tri. Và lý trí là ông chủ. Cảm xúc là nô tài.

Vậy thì giới trí thức Việt và Á Đông nhiều người đi học chứ, còn có nhiều giáo sư tiến sĩ đằng khác… nhưng sao? Vì mang bản thể dây leo, họ không cách gì đứng thẳng để có lý trí được. Vả lại, sống trong môi trường phong kiến phải trung quân nhiều kiếp, họ trở nên sợ sệt luôn nói nước đôi để an toàn, vì thế họ luôn thủ vai là những viên bi xoay tít để làm hài lòng mọi người.

Cụ thể, xưa kia họ vớ được thuyết Trung Dung, cứ lấy điểm giữa mà dung hòa, rồi “dĩ hòa vi quí” thế là lấy lòng được tất cả, sống trong số đông an toàn lắm. Đến thời hiện đại, họ học mót được thuyết Tương đối của Einstein, thế là lúc nào mồm cũng reo “tương đối cả thôi” để đánh bài hòa cả làng. Đến lúc vớ được biện chứng pháp của Hegel A = Phi A, thì họ thấy chân trời nước đôi đã mở ra vô tận, tất cả cái gì đều không còn là nó nữa mà là cái khác 1 = 10 tỉ luôn, thoải mái mà biện hộ.

Ở trên tôi đã nói về những chiếc dây leo: chúng leo theo các loại địa hình. Vì thế những người yếu ớt dĩ hòa vi quí không bao giờ muốn sống hay nói chuyện theo chuẩn mực cứng nào cả, cái gọi là Công lý, rồi Chân lý là tai họa với họ… Tôi đã gặp cả giáo sư soạn sách, mà ông ta bảo: “anh có chân lý của anh, tôi có chân lý của tôi”, có nghĩa ông không cần hiểu: chân lý giống như chữ viết và tiếng nói, nó chí ít phải dùng chung trong một cộng đồng. Những người dây leo này luôn muốn sống theo chuẩn mực mờ ảo, tùy thuộc địa hình hay hoàn cảnh, giống như con thằn lằn hay bạch tuộc thay mầu theo nền bên dưới hay hoàn cảnh… thực ra như vậy họ cũng là những người sống cơ hội, theo đâu âu đấy… mà đã sống theo thời chỉ là nô tài thôi!

Triết gia Aristote nói: “Một con người không có trật tự sẽ điên. Một thành bang không trật tự sẽ hỗn độn!” Một người muốn làm hài lòng tất cả thì có nghĩa chẳng định sống hết mình cho ai cả, mà là nhàn nhạt xàng xê tất cả để có lợi cho mình. Người phương Tây nói: ông chủ cần giao việc cho mọi đầy tớ, nên ông cần phân biệt công việc cũng như sức vóc của từng người. Còn đầy tớ nó mới à uôm, không cần phân biệt. Chúa Trời sắp đặt cái đầu trên cao nhất để còn quan sát và ra mệnh lệnh. Bàn chân dưới thấp để còn bước trên đất. Vì thế không thể có sự cào bằng như nhau. Không biết phân biệt cao – thấp là dốt nát. Đó chính là lý do lịch sử Á Đông dẫm chân tại chỗ mấy nghìn năm.

Sau khi phát hiện ra cấu trúc, cũng là thể tạng của những con người dây leo, tôi thấy rất thanh thản, và từ giờ trở đi, tôi không thể có bất cứ lý do nào khó chịu hay nổi cáu với họ, bởi vì: dù họ nhiều quyền, nhiều tiền, nhiều vinh quang thế nào mặc lòng, nếu họ chỉ sống cảm xúc và cơ hội lấy lòng theo từng hoàn cảnh như dây leo bò về hướng nào cũng được… Tôi thực sự chỉ coi phẩm chất của họ ở tầm dưới.

Chia sẻ sự phát hiện của tôi với các bạn, để các bạn cũng được thoải mái!

Paul Đức 07/3/2019