Hà Văn Nam là ai, tại sao nhiều người phản đối việc bắt giữ anh? (Thùy Linh)
Trên quan điểm của THDCĐN thì tất cả các trạm BOT trên quốc lộ 1A đều là "BOT bẩn". Đây là con đường huyết mạch của đất nước nên nhà nước phải có trách nhiệm sửa chữa nâng cấp...Các trạm BOT chỉ được dựng lên trên các con đường mới do họ bỏ tiền ra làm và thu phí tự nguyện của dân. Sau lưng các BOT bẩn là một chính quyền "bẩn" vì vậy chống các trạm BOT bẩn này rất gian nan và cần sự lên tiếng của cả xã hội. Những người dũng cảm như anh Hà Văn Nam là rất đáng quí và rất cần nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ. Càng ngày người dân càng hiểu ra rằng chính quyền này đứng về phía nào? Người dân hay BOT bẩn?
"Tối hôm 4/3, tôi dặn Nam nhớ đúng
giờ đón bà nhé. Sáng 5/3, tôi gọi cháu để nói 'Thôi cháu đỗ ở đầu luôn
đường bà ra', nhưng gọi mãi máy của Hà Văn Nam không trả lời."
"Sau
8 giờ vợ Nam mới nói là 'Cụ ơi nhà con bị bắt rồi'. Tôi choáng người.
Không phải tôi sợ gì đâu. Tôi tức là một, hai là tôi thừa biết đó là âm
mưu của chính quyền, móc ngoặc với BOT. Nó sợ Nam đưa tôi đi giám sát
BOT, nó mới cố tình bắt Hà Văn Nam đúng 7 giờ 30 sáng 5/3 như vậy," cụ
Lê Hiền Đức kể lại với BBC.
Sáng 5/3, Hà Văn Nam đã bị hàng chục
công an, cảnh sát giao thông vây quanh nhà, bắt giam để điều tra vụ án
"Gây rối trật tự công cộng" xảy ra ở trạm thu phí BOT Phả Lại hôm
31/12/2018 - hơn hai tháng trước đó.
"7
giờ kém 10 tôi ngủ dậy thì có nghe tiếng dưới nhà. Nhà tôi công an
phường hay qua nhà, hỏi thăm, nhắc nhở nên tôi nghĩ bình thường. Thì vài
giây sau đó, tôi nghe giọng anh rất nghiêm trọng 'Xuống đây anh nhờ
với' thì tôi thấy tay anh ấy đã còng, và họ đọc lệnh bắt giữ," chị Trần
Thị Nhài, vợ anh Nam kể lại.
Anh Hà Văn Nam bị bắt giữ khi vết
rạn trên xương sườn vẫn chưa lành hẳn từ đợt anh đột ngột bị bắt giữ,
hành hung vào cuối tháng Một.
Chị Nhài kể lại trước đó hôm
28/1,"họ bắt lúc 8 giờ sáng khi anh ấy đang uống nước đầu ngõ. Nhóm
người bị khẩu trang khống chế bắt anh ấy lên xe. Tầm 11 giờ 30 anh mượn
điện thoại bảo là thả rồi, bảo là đánh nhầm người…."
Kết quả anh Nam bị bầm tím khắp người và bị gãy hai xương sườn.
Hà Văn Nam là ai?
Hà Văn Nam, chủ doanh nghiệp 38 tuổi, với gần 35.000
người theo dõi trên trang Facebook cá nhân, là một cái tên không xa lạ
với nhiều người.
Anh tích cực tham gia các hoạt động giám sát,
phản đối các BOT thu phí không hợp lý kể từ giữa 2018 đến nay như BOT
Tân Đệ, BOT Mỹ Lộc, BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.
Hà Văn Nam phản
đối bằng cách đàm phán, trao đổi trước với các lãnh đạo BOT, rồi mới đâm
đơn kiến nghị lên bộ ngành. Nếu vẫn không có kết quả, thì anh đem xe
đến chặn làn.
Anh cùng các anh em đặt các trạm xả, tức các lán,
các trại, thi nhau ăn nằm bám trụ, theo dõi quan sát BOT liệu có dám thu
phí người dân hay không.
"Trạm Tân Đệ thu phí đường tránh nhưng
lại đặt ở trung tâm, giờ đã phải gỡ bỏ hoàn toàn và đặt lại đúng vị trí.
Trạm Mỹ Lộc giờ cũng hoàn toàn bỏ thu phí, không có nhân viên trong
kiốt nữa," anh Đỗ Nam Trung, một người bạn đồng hành cùng anh Nam phản
đối các trạm BOT cho biết.
"Trạm Bắc Thăng Long, ban đầu yêu cầu
trạm đối thoại nhưng lại không chịu ra gặp. Anh em chặn làn thì 15-20
phút sau phải gỡ barie từ đó đến nay. Hôm qua có tin Hà Văn Nam bị bắt,
trạm này hạ barie tính thu phí lại nhưng cánh tài xế tỏ ra rất giận dữ
nên lại phải gỡ barie," anh Trung nói tiếp.
Theo anh Trung tính
toán, anh em đấu tranh chống BOT đã tiết kiệm cho người dân ít nhất hàng
chục tỷ đồng và đều có công sức của Hà Văn Nam đóng góp trong đó.
Nên
thông tin Hà Văn Nam bị công anh huyện Quế Võ bắt giữ đã khiến cánh tài
xế vô cùng tức giận, không kém lần anh bị bắt cóc tấn công khoảng một
tháng trước.
Vụ bắt Hà Văn Nam có nhiều uẩn khúc?
Hà Văn Nam bị bắt hai tháng sau khi vụ việc tại BOT Phả Lại xảy ra, và một tháng sau khi 6 nghi can đầu tiên bị bắt.
Khi
được hỏi có gì bất thường trong việc bắt anh Nam, luật sư Trần Thu Nam
nói về mặt pháp lý thì vụ án vẫn chưa hết thời hiệu xử lý hình sự.
Tuy nhiên, vị luật sư đăng ký bào chữa cho anh Hà Văn Nam nhấn mạnh vụ việc có nhiều uẩn khúc.
"Khi
cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố 6 bị can trong vụ gây
rối mất trật tự hồi tháng Một, họ không đề cập đến anh Nam, mà trải qua
một thời gian khá dài rồi lại bắt anh ta."
"Anh Nam đã hoạt động
chống đối BOT bẩn nhiều, phải chăng họ đang lợi dụng thời điểm anh Nam
đang có mặt ở đó để quy kết anh ta gây rối, đồng phạm với những bị can
họ bắt trước đây."
Theo anh Trung, anh và Nam đang cùng đấu tranh
BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài vào cuối 2018, thì anh Nam quyết định xuống
Bắc Ninh ủng hộ cánh tài xế phản đối BOT Phả Lại.
"Thực sự bất ngờ vì tôi biết Nam không liên quan đến
sáu người kia. Nam không đem xe mình ra chặn làn mà ngồi trong trụ sở
BOT, đến đưa đơn kiến nghị. Đang làm việc thì anh em bên ngoài tự phát
tự đánh, Nam hoàn toàn không biết có người đánh."
"Đây có thể là một dạng cố ngụy tạo tội danh, ép Nam phải chịu trừng phạt. Nếu thế thì thật vô thiên vô pháp."
Theo
chị Nhài, anh Nam xuống làm việc với quản lý BOT Phả Lại để yêu cầu
miễn phí cho người dân địa phương trong vòng bán kính 5km vì họ mỗi ngày
qua lại trạm rất thường xuyên.
"Hôm đó anh ấy đang làm việc với
quản lý, trong văn phòng BOT. Lái xe không đồng ý thu phí người ta tự
dưng thắc mắc, anh ấy không hề biết."
Dư luận đòi trả tự do cho Hà Văn Nam
Kể từ hôm 5/3, không ít người đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho Hà Văn Nam.
"Anh
hùng diệt BOT bẩn" Hà Văn Nam không phải là một tài xế mà là chủ của
hai doanh nghiệp ở Hà Nội. Anh sở hữu trung tâm giảng dạy tiếng Anh và
là giám đốc một công ty chuyên rửa đồ gia dụng.
Chị Trần Thị
Nhài, vợ anh Nam, nói anh là một người thông minh, hiểu biết, từng đạt
giải Nhất tỉnh học sinh giỏi môn Toán, và thủ khoa đại học.
"Gia
đình cũng lo lắng cho anh Nam, khuyên anh gì cũng vừa phải thôi vì gia
đình còn có mẹ già, con nhỏ. Nhưng càng ngày càng phát hiện nhiều, anh
ấy càng bất bình, càng đấu tranh. Tôi khuyên anh ấy không nghe," chị
Nhài nói.
Hà Văn Nam được bạn bè mô tả là một người "hào sảng, biết san sẻ với người yếu thế, thích sự công bằng trong xã hội".
Cụ
Lê Hiền Đức, người sát cánh cùng gia đình Nam trong nhiều ngày nay nói:
"Hà Văn Nam không phải là một thanh niên hoạt động chính trị quấy rồi
gì, chỉ là một người đi theo tư tưởng của tôi, tìm những xấu xa, tham
nhũng trong xã hội. Cho nên tôi mới đồng hành cùng cháu."
Luật sư
Trần Thu Nam thì nói, "Tôi thấy anh Nam là một người dũng cảm, rất đáng
tân trọng, dám đương đầu với các thế lực, dám đấu tranh vì quyền lợi
chung của mọi người.
"Và trước khi anh bị bắt anh đã bị hành
hung, điều này đặt ra nhiều câu hỏi, sự nghi ngờ của người dân đối với
các cơ quan thực thi pháp luật và các thế lực đứng đằng sau BOT."
Nguyễn Lai viết:
"Trong khi bộ chính trị luôn miệng hô hào bảo vệ người tố giác, tham
nhũng, tiêu cực. Nhưng thật chất họ lại làm ngược lại tất cả. Hà Văn Nam
và một số anh em, đã phản đối ôn hòa để dẹp các BOT bẩn đang lạm thu bỏ
túi một con số lời khủng, thay vì chính quyền phải bảo vệ những người
đã đứng ra tố cáo bọn BOT thì họ lại làm ngơ trước những sự việc."
Hoan Dang Thuy: Trong mắt tôi em thật tuyệt
vời chàng trai dũng cảm Hà Văn Nam ạ. Đừng ai nghi ngờ cậu ấy là phần tử
này nọ mà tội nghiệp. Tôi muốn nói với cả thế giới này rằng Hà Văn Nam
là một người tử tế cậu ấy có trái tim ấm áp tình yêu thương và một lý
tưởng sống cao đẹp."
Tạ Phương: Sự thật thì Nam là 1 người nhút
nhát và lành tính. Trong lão chỉ có 1 tình yêu thương đồng loại vô bờ
bến và tôi trân trọng lão!... Ngày anh cả bị bọn nó bắt đi đánh, thằng
Út lương tháng 5 triệu, bắt vội máy bay đi về. Tôi theo các anh chị
chống BOT đi ra công an, đi lên tận Đan Phượng đón được anh mình về!
Nhìn thấy anh mình trong tình trạng bầm dập hoảng loạn! Tôi không kìm
được nước mắt gào lên...
Bối cảnh
Hồi tháng Một,
công an huyện Quế Võ cũng khởi tố bắt giữ 6 người khác gồm Nguyễn Quỳnh
Phong, Nguyễn Quang Hùng, Nguyễn Tuấn Quân, Lê Văn Khiển, Vũ Văn Hà và
Trần Quang Hải để điều tra cùng hành vi gây rối trên.
Trạm BOT
Phả Lại nằm ở xã Đức Long, huyện Quế Võ trên Quốc lộ 18 giáp, đoạn tiếp
giáp giữa Bắc Ninh - Hải Dương và trạm đi vào hoạt động từ 24/12/2018.
Vẫn
theo báo Tiền Phong, ba ngày sau khi đi vào hoạt động, hôm 27/12, hàng
chục người dân địa phương "có biểu hiện gây rối trật tự công cộng."
Đến
ngày 31/12, khoảng 100 người cùng nhiều ô tô tập trung dừng đỗ, không
chịu mua vé. Chiều cùng ngày, khi xả trạm, nhiều người vẫn không đưa xe
qua trạm.
Theo chị Nhài và cụ Hiền Đức, gia đình và người thân
vẫn liên tục gửi đơn kiến nghị lên nhiều cơ quan, bộ ban ngành về vụ
việc của anh Hà Văn Nam.
Cụ Lê Hiền Đức cho biết cán bộ trực ban
Bộ Công an đã từ chối tiếp nhận đơn của gia đình anh Nam nhưng phía Tổng
cục An ninh và Công an Thành phố đã vui vẻ tiếp nhận đơn.
Luật sư
Trần Thu Nam cũng cho biết đang chờ đợi văn bản trả lời của công an Bắc
Ninh về hồ sơ đăng ký bào chữa cho anh Hà Văn Nam.
BBC