Những ngòi nổ nội chiến Việt Nam (Viết từ Sài Gòn)
Đồng ý với tác giả là các 'ngòi nổ trong lòng người dân VN' đang càng ngày lớn lên bởi chính sự phồn thịnh giả tạo vì chúng không được xây nên bởi các giá trị đạo đức truyền thống mà bằng sự cướp bóc và chiếm đoạt. Người Việt 'bằng mặt nhưng không bằng lòng' thể hiện qua câu nói mà ai cũng biết "giàu thì chúng nó ghét, nghèo thì chúng nó khinh mà thông minh là chúng nó tìm cách tiêu diệt". "Chúng nó" đây là chính quyền, là người dân, là mỗi người trong chúng ta. Rõ ràng là chúng ta không ưa nhau, thậm chí ghét nhau. Và các cuộc cách mạng đường phố thường xảy ra khi các mâu thuẫn xã hội lên đến đỉnh điểm. Chính quyền cộng sản hiện nay không những không làm cho các mâu thuẫn đó giảm đi mà còn khoét sâu hố ngăn cách giàu nghèo và tạo ra ngày càng nhiều bất mãn trong xã hội vì lợi ích cục bộ của các phe nhóm trong đảng.
Việt
Nam có chỉ số và thực tiễn phát triển kinh tế khá tốt trong ba năm trở
lại đây. Và Việt Nam cũng manh nha những ngòi nổ nội chiến khủng khiếp
nhất kể từ 30 tháng 4 năm 1975 đến nay.
Nếu
như sau 1975, có những cuộc "nuôi quân", "phục quốc" của các "anh hùng
rừng lá thấp" bên tận trời Thái Lan, Campuchia hay những cánh rừng ngập
mặn heo hút muỗi mòng Tây Nam Việt Nam và những cuộc "phục quốc" ấy
nhanh chóng bị dập tắt bởi các lực lượng an ninh, du kích hay dân phòng,
kể cả vệ tinh nhân dân… Thì hiện nay, các ngòi nổ lại nằm ngay trong
mỗi người dân. Và nguyên nhân rõ nét nhất là mâu thuẫn một cách phồn
thịnh giữa nhân dân và nhà nước.
Nói
"mâu thuẫn một cách phồn thịnh" nghe có vẻ sến súa hoặc cải lương.
Nhưng thực ra, điều đáng sợ nhất của con người không phải là mâu thuẫn
gay gắt, mâu thuẫn không đội trời chung, mâu thuẫn bởi cái đói, mâu
thuẫn bởi miếng ăn… Mà là mâu thuẫn một cách phồn thịnh.
Bởi
khi đất nước phục hồi kinh tế sau chặng đường dài đau khổ, đói khát,
mất tự do trong từng bữa ăn, đến nay, phải nhìn thẳng một sự thật là
điều kiện vật chất tại Việt Nam không đến nỗi tệ, cảnh siêu giàu cũng
có, cảnh giàu, khá cũng nhiều, cảnh đói từng bữa ăn hầu như rất hiếm,
chỉ xuất hiện ở một số bản nhỏ miền núi (và có thể hình ảnh này bị lợi
dụng trắng trợn để trục lợi những người Việt yêu nước sống trên quê
hương thứ hai, để họ phải đau đáu nghĩ về quê hương và ki cóp từng đồng
gửi về cho quê nhà – nhưng thực tế là phần lớn vào túi các "nhà hoạt
động", "nhà từ thiện"). Và điều này lại gây thêm một kiểu mâu thuẫn
khác.
Trở
lại chuyện mâu thuẫn một cách phồn thịnh, khi con người đủ ăn, đủ mặc,
đủ chỗ ở sau chuỗi dài khó khăn, dẫu sao, người ta cũng thấy mãn nguyện
một phần nào và dễ dàng bỏ qua, xí xóa cho những lỗi "không làm vỡ hủ
gạo của mình".
Trường
hợp các BOT tận thu, thu vô tội vạ dù đã quá hạn phép thu trên khắp nẻo
đường Việt Nam mà người lái xe phần đông vẫn không quan tâm hoặc có
biết nhưng cũng "ném một cục lơ" cho xong chuyện cũng là một biểu hiện
của mâu thuẫn một cách phồn thịnh. Xét về mặt nội tâm, lý lẽ, chắc chắn
chẳng mấy ai chấp nhận chuyện cống nạp cho các trạm BOT quá hạn hoặc các
trạm BOT phi lý, nhưng người ta bận bịu, nếu làm cho ra lẽ thì lại mất
thời gian và trở ngại cho việc đã dự tính nên cuối cùng là "phá tiểu hao
thu đại lợi". Nghĩa là chấp nhận mất vài chục ngàn mua vé BOT để kịp
việc.
Lợi
dụng vào tâm lý "phá tiểu hao thu đại lợi" của những người dân mới bắt
đầu ngấp nghé chạm vào thương mại, chạm vào lĩnh vực kinh doanh hoặc
chạm vào kinh tế khấm khá mà hầu hết giới cán bộ từ ngành giao thông đến
công an, tòa án, tư pháp, kinh tế, thuế vụ, giáo dục, y tế… kính thưa
các loại hình hành chính công đều thay phiên nhau bóc lột của người dân.
Đi công chứng một tờ giấy hợp đồng mua bán nhà hoặc đất đai, muốn nhanh
thì phải có tiền lót tay ; đi đường, bị công an giao thông thổi, muốn
khỏi bị hư xe sau khi công an cẩu về đồn hoặc rầy rà thì thôi có lỗi hay
không lỗi, cứ lót tay vài trăm gọi là "ổ bánh mì" cho công an giao
thông để đi cho nó nhanh…
Có
hàng trăm thứ bóc lột một cách tinh vi đối với người dân mà họ không
biết. Nổi cộm nhất vẫn là ngành y tế, giáo dục và giao thông. Muốn con
hay chữ phải yêu lấy thầy, ngày xưa ông bà nghĩ sao không biết mà nói ra
câu này, cho đến bây giờ, tình yêu thầy cô được qui ra tiền rất rõ rệt,
tiền càng lớn thì tình yêu càng nhiều, con em càng đỡ vất vả, đỡ bị ép
trong học hành. Muốn người thân mau lành bệnh hoặc tránh bị sốc thuốc,
tránh bị tủi nhục hoặc cô đơn vì bị bác sĩ ghẻ lạnh, hất hủi, cách tốt
nhất là lót tay bác sĩ. Mặc dù trong bệnh viện để bảng sờ sờ ra đó là
cấm bác sĩ nhận quà cho, biếu, camera gắn trong cả thang máy… Nhưng
không biếu ở bệnh viện thì phải tìm tới nhà biếu, có vậy người thân mới
được yên thân.
Ngành
giao thông thì thảm khốc nhất, có thể nói là người đi đường bị bóc lột
không chừa thứ gì, ngay trong việc đổ xăng để chạy, một lít xăng đã gánh
hơn 50% thuế trên tổng giá, đi xe hơi thì việc đăng kiểm cũng bất minh
không kém. Một chiếc xe, khi đăng kiểm, ngoài việc kiểm định chất lượng
chiếc xe ấy còn đủ để lăn bánh hay không, chủ xe phải mua bảo hiểm giao
thông, đóng phí bảo trì đường bộ. Mức phí bảo trì đường bộ mỗi xe dao
động từ 1 triệu 500 ngàn đồng đến 18 triệu 500 ngàn đồng mỗi năm tùy
thuộc vào tải trọng chuyên chở. Thử làm một phép tính nhỏ, chỉ tính
riêng năm 2018, có gần 300 ngàn xe ô tô mới ra khỏi cửa hàng và đến đăng
kiểm để lăn bánh, như vậy, chỉ riêng năm 2018, chi phí bảo trì đường bộ
những xe mới này phải đóng dao động từ 450 tỷ đồng đến 5.550 tỷ đồng.
Đó là chưa nói đến hàng chục ngàn chiếc xe cũ vào đăng kiểm. Một con số
khủng khiếp và có thể xây dựng, tái thiết bất kì con đường nào. Và cũng
xin nhấn mạnh, đây là con số đã hạ xuống mức thấp nhất, thực thu còn cao
hơn nhiều !
Đã
vậy, một chiếc xe giả sử ngừng lăn bánh, bỏ trong kho suốt 3 năm, khi
đi đăng kiểm, chủ xe buộc phải mua bảo hiểm và đóng phí đường bộ cho
suốt 3 năm không lăn bánh đó. Đây là điều khoản cực kì vô lý và bất minh
trong ngành đăng kiểm Việt Nam. Và nếu chủ xe không chấp nhận đóng
khoản phí đó thì xe vĩnh viễn không được lăn bánh vì không có đăng kiểm
tiếp theo ! Thử đặt một câu hỏi : Xe không lăn bánh, không tham gia giao
thông thì ảnh hưởng gì tới đường sá, ảnh hưởng gì tới an toàn giao
thông nói chung ? Câu trả lời là không ảnh hưởng gì cả, nhưng muốn đăng
kiểm thì phải nộp khoản tiền cho ba nằm nằm kho kia, nộp đủ !
Nói
ra điều này để thấy rằng sự bóc lột không cần phải tinh vi và không có
một qui chuẩn nào nữa, nó vượt ngoài mọi giới hạn cho phép của lương
tri. Nhưng giới cán bộ, công chức vẫn nghĩ đủ trò để lách luật, để bóc
lột. Đó là chưa nói tới nạn xin bánh mì của cảnh sát giao thông khắp nẻo
đường Việt Nam…
Và
còn hàng trăm ngàn nạn bóc lột khác mà người dân luôn nhìn thấy, luôn
thấu hiểu, luôn tức giận nhưng chấp nhận "ngậm miệng qua ải", "phá tiểu
hao thu đại lợi" để tồn tại, để kinh doanh, làm ăn. Và không chừng có
nhiều người ranh ma, biết biến cái tiêu cực thành cái sinh lợi của họ
bằng cách toa rập với cán bộ, bày trò bóc lột đối thủ cạnh tranh.
Chính
cái sự chấp nhận, cam chịu và xem điều đó như một khổ ải đương nhiên đã
nhanh chóng đẩy chính quyền và người dân đến chỗ không thể giải quyết
mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn này cộng nghiệp với các chính sách về văn hóa,
giáo dục, chính trị luôn có khuynh hướng bóp nát mọi ý thức tự do cũng
như giá trị truyền thống trong nhân dân từ phía nhà nước lại một lần nữa
đẩy mâu thuẫn đến cao độ. Nhưng cái ngòi nổ vẫn chưa thật sự phát tác
một khi yếu tố ngoại bang và sự khinh rẻ đồng tộc đang ngày càng bùng
phát. Một người Việt Nam, dù nói như thế nào đi nữa thì khi sang Mỹ hay
sang một quốc gia nào đó, gặp các đồng hương cư trú tại đây sẽ bị nhìn
bằng ánh mắt nghi ngại, sự nghi ngại này không phải do cố ý mà do có từ
trong huyết quản, trong vô thức.
Cái
vô thức tập thể đầy tính hoài nghi và thù hận bắt đầu có từ 500 năm
trước, khi mà những đoàn lưu dân toàn những thành phần bất mãn, bất
phùng thời, bất hảo, bất cần… Bị triều đình nhà Lê, Trịnh, Nguyễn xua
khéo vào miền Nam trong cuộc Nam Tiến lịch sử. Nỗi bất mãn của người ra
đi đối với người ở lại không hề nhỏ chút nào. Và sau nhiều thế kỉ, nỗi
bất mãn ấy trở thành vô thức tập thể, đến mức một người Nam có thể buột
miệng nói "dân Bắc Kỳ" đối với bất kỳ người Bắc nào họ gặp một cách đầy
mỉa mai, kì thị mà trong thâm tâm họ không hiểu vì sao mình lại coi
thường dân Bắc ! Và đáng sợ hơn là để bao biện cho sự kì thị, mỉa mai
của mình, người Nam có thể viện đủ các tật xấu để áp lên người Bắc mặc
dù họ không tin chắc và cũng không có cơ sở nào để tin rằng người Bắc ấy
xấu thực sự.
Và,
xin lỗi, nói thì đụng chạm nhưng cũng đành chấp nhận nói ra sự thật :
Chưa đầy một thế kỉ, mà người Việt lưu vong, trở thành công dân của các
quốc gia tiến bộ đã có vô thức tập thể của họ, đã có chút gì đó kì thị
và coi thường, thậm chí hoài nghi đối với người Việt trong nước. Bởi
cuộc ra đi của người Việt trên khắp năm Châu kể từ sau 30 tháng 4 năm
1975 là một vết thương lớn khó lành. Chính cái vết thương này tạo ra nỗi
đau tập thể và một thứ vô thức tập thể mới đang hình thành ngay trong
lòng các quốc gia tiến bộ, ngay trong tầm đời sống tiến bộ, cởi mở. Nói
thật thì đâm mất lòng, chứ có mấy người Việt ở hải ngoại không nhìn
người Việt (trừ thân quyến của họ) trong nước là những "cộng sản nằm
vùng" hoặc những "kẻ sống trong chuồng cộng sản" ?!
Và
cũng không ít người, kể cả trí thức nhà nước và trí thức tiến bộ, cả
phụ nữ trong nước và phụ nữ theo chồng Tây luôn nhìn những phụ nữ lấy
chồng Hàn Quốc như một loại người biến mình thành món hàng đổi đời cho
gia tộc, một loại người không có hạnh phúc mà chỉ có cam chịu và chấp
nhận… Với lý lẽ biện minh rằng "khác văn hóa, khác giọng nói thì làm sao
có được hạnh phúc". Mà họ quên mất một điều rằng trong một quốc gia
không may mắn, vẫn có người dính một chút may mắn và có người suốt đời
sống trong rủi ro, đau khổ. Những người may mắn được xuất cảnh sang
phương Tây tự do, giàu có bằng nhiều con đường, trong đó có đường hôn
nhân, những người không may mắn bị xuất cảnh sang đất Hàn với bao chông
gai chờ đợi. Tất cả đều mong mỏi đổi đời, và tất cả đều mong ước thoát
khỏi thực tại đau khổ. Chính vì thế, nếu không thông cảm, thương yêu
được nhau thì tốt nhất cũng đừng bao giờ ném cho nhau sự kì thị bằng cái
nhìn đạo đức và văn minh !
Tất
cả mọi mâu thuẫn, nhìn từ Việt Nam, nó bắt đầu từ nỗi đau của cái phồn
thịnh đánh đổi, cái phồn thịnh nửa vời, cái phồn thịnh giả tạo và cam
chịu nhiều hơn là cái phồn thịnh mọc lên từ nền tảng văn minh, tiến bộ.
Và đáng sợ hơn nữa là mâu thuẫn của người Việt lại hình thành trên nỗi
mặc cảm nhược tiểu. Một người đi đường bị mặc cảm nhược tiểu trong sâu
thẳm nên xem việc ném vài chục ngàn đồng vào trạm BOT như là chuyện bình
thường, bởi nếu cần, họ sẽ ném nhiều hơn để thể hiện đẳng cấp. Và điều
này dẫn tới hệ lụy là một thứ đằng cấp ảo hình thành, những ai đấu tranh
cho sự thật, cho giá trị chân chính có thể bị nhìn bằng ánh mắt kì thị,
coi thường. Và ngay cả những người đấu tranh, dù đã vượt qua ngưỡng sợ
hãi nhưng vẫn nuôi trong mình (dù không muốn) một phần mặc cảm vô hình,
nên họ dễ dàng dẫn đến thái độ khinh thị đối với những ai không dám hoặc
không biết đấu tranh. Nhìn người khác nhỏ bé, thiếu thông cảm cũng là
một cách tự xây dựng mình to lớn khác thường so với người, một cách để
che lấp mặc cảm sâu xa.
Và
còn hàng triệu vấn đề khác mà khi nói tới, dường như đang chạm vào ngòi
nổ nào đó vô hình mà khủng khiếp ! Trong bầu không khí mâu thuẫn và
chứa đầy mặc cảm, thì có vẻ như những người làm công tác quản lý, những
kẻ có cơ hội để tương tác và nhận chịu sự cúi luồn, chấp nhận tủi nhục,
mượn nhân dân để xin xỏ, vay không thời hạn của đối tác bên ngoài hoặc
các tổ chức kinh tế nhiều nhất, nỗi nhược tiểu của họ cũng nặng nề nhất.
Càng nhược tiểu, càng mâu thuẫn, họ càng có những hành vi quái dị,
những hành vi bất chấp luân thường, đạo lý và dám thách đấu với cả thần
linh như vụ cẩu lư hương trước tượng Đức Thánh Trần tại quận 1, Sài Gòn.
Và không ai khác, chính những nhà quản lý đã châm ngòi nổ mâu thuẫn
Việt Nam một cách vô thức. Hệ quả của nó không hề nhỏ một chút nào. Xét
trên diện rộng, nó gây nguy cơ mất ổn định và có thể bùng phát cuộc nội
chiến bất kì giờ nào. Một cuộc nội chiến không đáng có và hoàn toàn
không được phép xảy ra trong lúc này, khi mà kẻ xâm lăng chỉ mong giây
phút ấy đến. Hơn bao giờ hết, sự bình tĩnh cần thiết quí hơn mọi thứ
trong lúc này !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 21/02/2019 (VietTuSaiGon's blog)