Ma túy đã thành đại nạn, bao giờ ngăn chặn được? (Tuổi Trẻ)

Ở VN ma túy được buôn bán như là khoai, sắn với trọng lượng lên đến hàng tấn. Vụ bắt giữ gần đây nhất ở Hà Tĩnh cũng lên đến hơn 3 tạ ma túy đá. Ma túy có mặt khắp nơi và cho dù có bào chữa với bất cứ lý do gì thì trách nhiệm chính cũng là từ chính quyền, cụ thể là Bộ Công an. "Theo tường thuật của báo điện tử Infonet thì dù Quốc hội khóa 14 đã khống chế số lượng tướng quân đội và tướng công an nhưng cử tri Đà Nẵng chưa hài lòng khi vẫn còn phải nuôi tới 620 ông tướng chính thức, 74 ông tướng “ngồi chơi xơi nước” chờ ngày nghỉ hưu và vô số ông “tướng chìm” (mang cấp bậc đại tá nhưng hưởng lương tướng)" (VOA). Tướng nhiều như vậy để làm gì khi mà ma túy đã thành đại nạn? Ai phải chịu trách nhiệm về chuyện này? "Thế lực thù địch" nào đã gây ra thảm cảnh này?... 

 Các loại kẹo viên, keo hít, bóng cười, shisha, cỏ Mỹ... có thể mua dễ dàng trong các quán cà phê, ngoài đường phố - Ảnh: T.T.D.

Nữ sinh bị sát hại thương tâm trong dịp tết tại Điện Biên. Cả năm nghi phạm vụ án đều là những con nghiện nặng. Công luận dấy lên những câu hỏi tội ác liên quan tới con nghiện, đại nạn ma túy đến bao giờ mới ngăn chặn được?

Cách nay 15 năm, người viết bài này có tranh luận với một số vị chức sắc TP.HCM về mối bất an khi Việt Nam và TP.HCM là thị trường tiêu thụ ma túy. 

Thời điểm đó, cơ quan chức năng vẫn cho rằng Việt Nam là nơi trung chuyển ma túy qua các nước khác, có tiêu thụ nhưng không nhiều, chủ yếu là ở một bộ phận thanh niên hư hỏng.
 
Trên quan điểm ấy, việc chống được đưa lên hàng đầu, đặc biệt ngăn chặn từ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam. 

Lực lượng biên phòng, công an dồn sự chú ý vào tuyến biên giới, trong khi ở nội địa tình hình diễn ra ngày càng phức tạp và không thể kiểm soát được, ma túy có chiều hướng lan rộng ra khắp nơi.

Ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong câu chuyện cửa miệng ở thành phố đến nông thôn đều nói đến chuyện ma túy. 

Hiện tượng những người ngáo đá leo lên cột điện cao thế, giết người, cướp của... diễn ra thường xuyên hơn. 

Tệ hơn, những người lên cơn nghiện giết chết vợ con, bố mẹ, hàng xóm cũng ngày một nhiều.

Ma túy đang từng ngày, từng giờ tàn phá mỗi gia đình và đời sống yên lành của xã hội. Nếu trước đây con nghiện tập trung ở vùng cao phía Bắc và các thành phố lớn thì nay lan ra khắp nông thôn, thành thị. 

Đối tượng sử dụng ma túy lúc trước thường chỉ khoanh lại ở một vài đối tượng cá biệt thì nay có thể thấy ở khắp các thành phần xã hội, nhiều nghề (tài xế, học sinh, sinh viên, công chức, trí thức, công nhân), nhiều độ tuổi... Có kẻ vật vờ ngoài đường, nhưng cũng có không ít người nghiện ở trong các biệt thự sang trọng, công sở hoành tráng.

Việc buôn bán, tàng trữ và sản xuất ma túy ngày càng tinh vi, biến hóa khôn lường. Dù cố gắng nhưng rõ ràng việc phòng và chống ma túy của chúng ta luôn trong thế bị động, đa phần các phương án đối phó đi theo sau diễn tiến của cơn lốc ma túy. 

Ma túy không chỉ đến từ biên giới, hàng trăm sản phẩm gây nghiện được làm từ trong nước, từ chính những loại thuốc trong danh mục được lưu hành của Bộ Y tế và bày bán công khai ở các nhà thuốc.

Những loại ma túy mới xuất hiện từng ngày dưới dạng viên nén, keo, khí, chất lỏng, cỏ, lá cây, miếng dán... với các hình thức hấp dẫn, bắt mắt. 

Nếu trước đây ma túy xâm nhập từ biên giới trên bộ, trên biển thì nay được vận chuyển bằng đường bưu điện, đường hàng không qua hình thức quà biếu, hành lý xách tay... 

Các loại kẹo viên, keo hít, bóng cười... có thể mua gần trường học, thanh niên dễ dàng hút shisha, mua cỏ Mỹ trong các quán cà phê, ngoài đường phố.

Cho đến nay, chúng ta chưa có một thống kê nào đầy đủ về bức tranh ma túy ở Việt Nam, nhưng chắc chắn một điều số người chết vì ma túy và tác hại của ma túy gây ra nghiêm trọng hơn nhiều lần so với tai nạn giao thông. 

Toàn xã hội dồn sức cho việc kéo giảm tai nạn giao thông, vẫn chưa thấy sự tập trung nguồn lực xã hội cho việc phòng và chống ma túy trên bình diện quốc gia và cấp cơ sở.

Đã đến lúc cần tập trung sức mạnh của bộ máy thông tin đại chúng, các trường học từ tiểu học đến đại học, huy động các tổ chức chính trị xã hội, các tôn giáo tuyên truyền, giáo dục cho người dân (nhất là giới trẻ) hiểu biết về tác hại của ma túy, làm sao cho mỗi người tự ý thức hình thành nên sự phản kháng tự thân để nói "không" với ma túy. 

Tất cả các giải pháp về luật, các hình thức chế tài, biện pháp về kinh tế và tổ chức xã hội cần phải được nghiên cứu ban hành và thực thi triệt để.

TS Nguyễn Minh Hòa