Dự án 8.100 tỷ 10 năm hoang tàn, 'chim đầu đàn' gãy cánh (VNN)

Các Doanh nghiệp Nhà nước, sớm muộn rồi cũng như thế cả. Trước chúng là Vinashin, Vinalines...Sau khi các "quả đấm thép" mà ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng học hỏi từ các tập đoàn Hàn Quốc thất bại thảm hại thì chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc lại dồn hết mọi ưu đãi cho các doanh nghiệp tư nhân sân sau như Vingroup, FLC...và với "định hướng XHCN" thì sớm muộn các tập đoàn này cũng thao túng nền kinh tế VN. Một đất nước VN tương lai sẽ nằm trong tay một số nhà tài phiệt như ở Nga và họ mới là chủ nhân của đất nước còn người dân thì làm thuê với đồng lương rẻ mạt trên chính quê hương mình. Chống các nhà tài phiệt thao túng nền kinh tế đất nước và cải cách hành chính là hai yêu cầu then chốt của EU trước khi viện trợ và giúp đỡ cho Ukraine nhưng đến giờ Ukraine vẫn chưa làm được. VN sẽ đi vào vết xe đổ đó?   


Suốt nhiều năm nay, câu chuyện của dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên vẫn chưa có hồi kết. Giai đoạn 1 của nhà máy vẫn đang hoạt động, nhưng tai tiếng của dự án mở rộng khiến “cánh chim đầu đàn” ngày càng hụt hơi trên thị trường thép Việt. Song chuyện của gang thép Thái Nguyên không phải dừng lại ở dự án hoang tàn kia, mà nói lên nhiều điều hơn thế.

Hơn 10 năm hoang tàn

Nhà máy Gang thép Thái Nguyên là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. “Khai sinh” từ năm 1959, đây được coi là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép. Đến 20/12/1963, Gang thép Thái Nguyên khánh thành lò cao số 1 - công trình đầu lòng của nền công nghiệp luyện kim nước ta.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, Công ty gang thép Thái Nguyên (TISCO) vẫn đứng vững và được xem là niềm tự hào của ngành công nghiệp nặng Việt Nam, “thâu tóm” một loạt danh hiệu vẻ vang như Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba,...

Nhưng dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 khởi công vào năm 2007 đã khiến TISCO rẽ sang con đường gập ghềnh khác. Tổng thầu dự án là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC). Tổng vốn đầu tư khi đó chỉ là 3.800 tỷ đồng.

Đầu tư dự án mở rộng giai đoạn 2 với bản kế hoạch triển khai từ đầu những năm 2000, các lãnh đạo của Tisco khi ấy tham vọng rằng sẽ giương cao ngọn cờ đầu trong sản xuất phôi thép. Một đại diện trong ngành thép chia sẻ: Năm 2003 cả nước chưa sản xuất được nửa triệu tấn phôi thép và vẫn “đóng cửa” với phôi thép nhập khẩu. Việt Nam cũng chưa tham gia vào các hiệp định thương mại tự do.

Gang thép Thái Nguyên tin tưởng vào cơ hội ấy.

Nhưng năm 2007, thời điểm triển khai dự án, cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 nổ ra. Giá cả vật tư leo thang, lương tối thiểu tăng nhanh, dự án phải tạm dừng. Đến năm 2009, dự án tái khởi động thì số vốn đầu tư “đội” hơn 2 lần, lên con số 8.100 tỷ đồng.

Khi dự án còn đang loay hoay kiếm tiền đầu tư thêm, thì hàng loạt dự án sản xuất thép của các tập đoàn tư nhân trong nước đã đi vào hoạt động, phôi thép nhập khẩu giá rẻ tràn vào. Khó khăn chồng chất khó khăn. Trong khi ấy, dự án giai đoạn 1 ngày càng tỏ ra “hụt hơi” trong cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Trước năm 2013, thị phần thép TISCO chiếm khoảng 13-15%, dẫn đầu thị phần cả nước. Nhưng từ năm 2013, gió bắt đầu đổi chiều. Những nhà sản xuất thép như Hòa Phát, Pomina, Posco SS, Vina Kyoei,...  áp dụng “công nghệ mới, hiện đại, chi phí thấp” đã khiến áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.

Hệ quả là “cánh chim đầu đàn” dần mỏi cánh. Thị phần thép TISCO liên tục bị thu hẹp và giảm từ 15% xuống chỉ còn xấp xỉ 8%, rơi xuống thứ 5 trong toàn ngành thép.

Lỗi tại ai?

Sẽ là không đầy đủ khi đổ lỗi cho “khủng hoảng kinh tế”, “thay đổi chính sách” để biện minh cho cảnh hoang tàn ở đại dự án này.

Bởi thời điểm Gang thép Thái Nguyên khởi công dự án mở rộng giai đoạn 2, thì Tập đoàn Hòa Phát cũng đặt viên gạch đầu tiên cho Khu liên hợp sản xuất gang thép Hải Dương. Giờ đây, dự án của Hòa Phát đã đi vào hoạt động từ lâu, qua 3 giai đoạn đầu tư (dù quy mô và quy trình sản xuất không phức tạp như dự án của TISCO), thì Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vẫn chỉ là đống sắt vụn nằm phơi nắng, phơi mưa.

Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ gần đây đã hé lộ thêm lý do khiến đại dự án này lâm cảnh bi đát như ngày hôm nay.

Đó là lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa đầy đủ cơ sở trình VnSteel, Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ; thành lập Ban Quản lý Dự án không đủ năng lực; Ký Hợp đồng EPC với nhà thầu MCC có một số nội dung không chặt chẽ, gây bất lợi cho TISCO làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án; gây thất thoát vốn đầu tư...

“Sau 18 tháng kể từ ngày Hợp đồng có hiệu lực, MCC không thực hiện nhưng TISCO không áp dụng điều khoản phạt hợp đồng đã ký với MCC, không báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu lại theo quy định khi MCC đề nghị điều chỉnh hợp đồng đưa ra nhiều hạng mục không hợp lý, không có căn cứ”, theo Thanh tra Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ Công nghiệp (trước đây) không yêu cầu TISCO, VnSteel lập thiết kế cơ sở để thẩm định theo quy định; thiếu kiểm tra, giám sát TISCO, VNS trong việc thẩm định báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ khi chưa đảm bảo các điều kiện để triển khai dự án (nguồn vốn, nguồn nguyên liệu, cơ sở xác định TMĐT,... ).

Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự tại dự án.

Nhưng, làm thế nào để dự án đắp chiếu này có thể hồi sinh là điều mà một lãnh đạo ngành thép thừa nhận “đang bế tắc”. Bởi vì Nhà thầu Trung Quốc yêu cầu “có bằng chứng là TISCO có tiền thì mới đàm phán”. Trong khi đó, Chính phủ yêu cầu “không bỏ tiền ngân sách cứu các dự án thua lỗ, kém hiệu quả”.

Còn dự án này, sau khi tăng vốn lên 8.100 tỷ đồng, thì do thời gian đắp chiếu quá lâu, lại tiếp tục đội thêm vốn. Các loại chi phí cộng dồn lại khiến tổng vốn đầu tư của nhà máy thép 8.100 tỷ đồng này có nguy cơ đội vốn thêm gần 1.000 tỷ đồng, lên con số khổng lồ là trên 9.000 tỷ.

Đến nay, tương lai dự án vẫn mịt mờ, còn tiền tươi thóc thật hơn 4.000 tỷ đã đổ vào dự án vẫn chưa biết ngày nào thu hồi được vốn.

Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho Dự án là 4,4 nghìn tỷ đồng.

Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là 3,8 nghìn tỷ đồng (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỷ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho tổng thầu MCC trên 92% giá trị hợp đồng (Phần E là 2,9 triệu USD/3,1 triệu USD, 92,77%; Phần P 106,6 triệu USD/114,8 triệu USD 92,89%) nhưng các hạng mục của Dự án đều chưa hoàn thành.

Từ năm 2013 đến nay, MCC và các nhà thầu đã dừng thi công.
 
Hà Duy