Ý kiến một luật sư về vụ Vườn rau Lộc Hưng (BBC)

"Theo tôi, nguồn gốc sâu xa của mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền trong công tác thu hồi đất và đền bù giải tỏa trong thời gian qua xuất phát từ việc nhà nước "xác lập sở hữu toàn dân đối với đất đai, do nhà nước thống nhất quản lý". Bởi về bản chất, đây là chính sách nhằm dọn đường cho việc chính quyền "quốc hữu hóa" đất đai của người dân một cách hợp pháp với giá rất rẻ." (Luật sư Phùng Thanh Sơn) Đúng là như thế và cần có một giải pháp chính trị từ thể chế chính trị. Thể chế đó không phải là thể chế hiện hành. Quan tâm đến chính trị và ủng hộ cho các tổ chức chính trị mới để thay đổi tận gốc vấn đề là điều người dân Việt Nam cần suy nghĩ và cất tiếng nói.


Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh đi thăm người dân Vườn rau Lộc Hưng hôm 6/1


Hôm 6/1, một nhà hoạt động ngụ tại Vườn rau Lộc Hưng nói với BBC rằng "không nghĩ chính quyền có thể lấy trắng đất của dân trước Tết" trong lúc luật sư bình luận về nguồn gốc sâu xa của mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền trong công tác thu hồi đất.

Hôm 6/1, tình hình tại Vườn rau Lộc Hưng được ghi nhận tiếp tục căng thẳng, với người của chính quyền mặc thường phục theo dõi gắt gao khu vực, trong lúc dân địa phương cũng cắt cử người luân phiên canh gác.

Cùng thời điểm, một văn bản được cho là của Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình phát đi ghi: "Đề nghị cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị tập trung nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng trong nhân dân trên địa bàn dân cư để kịp thời tuyên truyền về dự án đầu tư xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia và xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng vi phạm pháp luật tại khu đất công trình công cộng ở phường 6, quận Tân Bình."

Trước đó, tin cho hay, hơn 10 ngôi nhà và tài sản của của người dân ở Vườn rau Lộc Hưng đã bị phá sau đợt cưỡng chế hôm 4/1.

'Phản ứng cương quyết'

Hôm 6/1, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam, đang ngụ tại Vườn rau Lộc Hưng, nói với BBC: "Theo quan sát của tôi, tình hình hôm nay vẫn tiếp tục căng thẳng."

"Chính quyền vẫn cho phát loa phóng thanh tuyên truyền, khuyến cáo người dân ở khu vực này tự tháo gỡ, dọn tài sản."

"Như vậy, còn hơn 40 căn nhà mà chính quyền cho là xây dựng trái phép đang nằm trong tầm ngắm."


"Hiện tại, tôi cảm nhận được rằng người dân ở đây rất đông và phản ứng rất cương quyết để giữ nhà cửa, tài sản mà gia đình họ đã gầy dựng từ năm 1954 đến nay."

"Do vậy, tôi không nghĩ là chính quyền có thể lấy trắng đất của dân khu vực này trước Tết."

"Cũng cần nói thêm là trong vụ Vườn rau Lộc Hưng, nếu chính quyền tự tin rằng họ xử lý đúng thì sao báo chí Việt Nam không đưa tin các diễn biến tại khu vực này?"


'Quốc hữu hóa đất đai'

Cùng ngày, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, TP HCM bình luận với BBC: ""Điểm nóng" Vườn rau Lộc Hưng thuộc địa bàn có nhiều tín đồ công giáo, lại có sự ủng hộ tinh thần từ Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh. Do đó, tôi tin rằng chính quyền đã và buộc phải nghiên cứu rút kinh nghiệm từ việc cưỡng chế đất tại các địa phương khác, đặc biệt những địa phương có nhiều tín đồ Công giáo. Tuy nhiên, theo tôi thì chính quyền chỉ rút kinh nghiệm nhằm để đối phó hiệu quả với người dân và thu hồi trót lọt khu đất chứ không phải rút kinh nghiệm để tìm ra bài học để an dân hay kiến nghị cấp có thẩm quyền thay đổi chính sách đất đai đang rất bất cập hiện nay." 

"Tôi không có hồ sơ của vụ việc này nên không bình luận về trình tự thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng khu đất này có đúng trình tự pháp luật hay không. Tuy nhiên, theo chính sách pháp luật về đất đai của Việt Nam, nếu người dân sử dụng đất ổn định từ trước 15/10/1993 (ngày luật Đất đai 1993 có hiệu lực pháp luật), Nhà nước có trách nhiệm phải công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân mà không truy nguyên nguồn gốc."

"Sở dĩ có chính sách này là xuất phát từ bất cập của luật Đất đai năm 1987. Theo luật Đất đai năm 1987, người dân không được tặng cho, mua bán, thế chấp, cầm cố, để lại thừa kế đối với quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, chính sách này đi ngược lại với quy luật khách quan, trên thực tế người dân vẫn mua bán, tặng cho, để lại thừa kế, cầm cố, thế chấp… mà nhà nước không thể kiểm soát được."

"Do đó, buộc chính quyền phải sửa đổi luật Đất đai năm 1987 bằng luật Đất đai năm 1993 (có hiệu lực kể từ ngày 15/10/1993). Theo Luật mới, người dân được quyền chuyển nhượng, tặng cho, cầm cố, thế chấp, để lại thừa kế quyền sử dụng đất. Để giải quyết hậu quả của các giao dịch trái pháp luật đã diễn ra trước 15/10/1993, nhà nước yêu cầu người dân kê khai việc sử dụng đất. Với tư cách là đại diện chủ sở hữu, bằng quyền lực nhà nước, nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để công nhận theo hiện trạng sử dụng đất của người dân trên cơ sở kê khai sử dụng đất của người dân." 

"Theo tôi, nguồn gốc sâu xa của mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền trong công tác thu hồi đất và đền bù giải tỏa trong thời gian qua xuất phát từ việc nhà nước "xác lập sở hữu toàn dân đối với đất đai, do nhà nước thống nhất quản lý". Bởi về bản chất, đây là chính sách nhằm dọn đường cho việc chính quyền "quốc hữu hóa" đất đai của người dân một cách hợp pháp với giá rất rẻ."

"Đối với người dân thì họ suy nghĩ rất đơn giản và rất chính đáng rằng đất của họ khai hoang, nhận chuyển nhượng từ người khác thì Nhà nước phải thừa nhận đó là tài sản của họ. Nhà nước chỉ thực hiện công việc quản lý hành chính nhà nước về đất đai chứ không được thực hiện với tư cách là chủ sở hữu đối với đất đai."

"Nghĩa là Nhà nước không có quyền thu hồi của người này để giao cho tổ chức, cá nhân khác. Bất kể đất thu hồi đó được sử dụng vào mục đích công cộng hay kinh doanh thương mại. Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, nhà nước buộc phải trưng dụng, trưng thu, trưng mua thì phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người dân."

"Đất nước này là của chung nên nhà nước không thể buộc những người có đất bị thu hồi phải hy sinh cho lợi ích quốc gia bằng cách buộc họ nhận tiền đền bù với giá thấp hơn giá thị trường gấp nhiều lần trong khi những người khác thì không."

Khu vườn rau Lộc Hưng nằm trong khu vực có dự án xây trường công lập do Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình làm chủ đầu tư.

"Tình trạng xây dựng không phép tại khu vực này vẫn diễn ra, nhất là trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 đến nay," theo website của Ủy ban Nhân dân phường 6, quận Tân Bình hồi tháng 8/2018.

Người dân Lộc Hưng nói suốt 20 năm qua, họ đã xin kê khai và làm giấy tờ thủ tục xin sử dụng đất nhưng không được giải quyết dù đã hai lần có văn bản từ văn phòng thủ tướng chính phủ.