Một nền giáo dục thất bại - Một nhà nước thất bại - Một quốc gia thất bại (Song Chi)
Giáo dục là nền tảng cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Giáo dục thất bại thì không thể có lĩnh vực nào phát triển bình thường được. Người dân và trí thức VN không dành quan tâm đến chính trị nên con cái phải tiếp tục học tập dưới "mái trường XHCN" để rồi đứa con yêu quí đó sau mười 12 năm học phổ thông và 4 năm đại học bỗng trở nên "dở thầy dở thợ", không mấy ai được thành công. Đó là lỗi của tất cả chúng ta chứ không riêng gì đảng cộng sản.
Đánh giá ngắn gọn về Việt Nam sau hơn 43 năm đảng cộng sản giành quyền lãnh đạo tuyệt đối trên toàn lãnh thổ là gì?
Một nền giáo dục thất bại
Trong bài "Năm 2018-Một năm quá nhem nhuốc của ngành giáo dục Việt Nam" tôi
đã phân tích về điều này. Khi một nền giáo dục đào tạo ra những thế hệ
"sản phẩm" không chỉ bị thiếu hụt, yếu kém về mặt kỹ năng sống, trình
độ, kiến thức, mà còn khiếm khuyết mặt này mặt khác về mặt nhân cách,
thì đó là một nền giáo dục thất bại.
Khi
một nền giáo dục thường xuyên xảy ra đủ thứ tệ nạn, từ chạy điểm, chạy
bằng, đạo văn, gian lận trong thi cử ; cho tới bạo lực học đường, bạo
hành học sinh, lạm dụng tình dục học sinh v.v… thì đó là một nền giáo
dục thất bại.
Khi
một nền giáo dục mà thành tích trên những bản báo cáo, những trang giấy
hoàn toàn khác biệt với thực tế, năng lực học sinh, sinh viên cách một
trời một vực với cái bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, với những học hàm
Phó Giáo sư, Giáo sư… nhận được, đó là một nền giáo dục thất bại.
Và
khi cứ mỗi năm, Việt Nam lại có hàng ngàn bậc phụ huynh tìm mọi cách
cho con em đi du học, đến mức trở thành một phong trào "tỵ nạn giáo
dục", đó là một nền giáo dục thất bại.
Hậu
quả của nền giáo dục thất bại đó cả xã hội đã và đang phải gánh lấy, về
mặt chuyên môn là sự lãng phí thời gian, con người, khi học xong bao
nhiêu năm, thậm chí tốt nghiệp Cử nhân, Thạc sĩ mà vẫn không thực sự có
đủ trình độ, năng lực, không thể tìm được một việc làm tốt, "dở thầy dở
thợ". Về mặt đạo đức con người là bao nhiêu "sản phẩm" tồi, ngay cả
những người mang danh nhà giáo, quan chức làm việc trong ngành giáo dục
mà vẫn có những việc làm vô đạo đức, thiếu lương tâm, thậm chí vi phạm
pháp luật.
Một nhà nước thất bại.
Một
chính phủ/nhà nước không đem lại được sự phát triển kinh tế bền vững,
môi trường sống bình an, trong sạch cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, một
cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, không lo cho dân có được những
điều kiện an sinh xã hội tối thiểu trong học tập, y tế, lúc đau ốm, tuổi
già, khi tai nạn… là một nhà nước thất bại.
Một
nhà nước không tạo được một môi trường sống đủ tốt cho người dân, khiến
cho họ phải tìm mọi cách ra đi, tìm một môi trường khác, là một quốc
gia thất bại.
Một
nhà nước không tạo được niềm tin trong dân, luôn luôn cai trị dân bằng
bạo lực, sự sợ hãi, và những chính sách ngu dân ; luôn tìm cách ngăn
cấm, bịt miệng dân, cướp mọi quyền tự do, dân chủ của dân, ngược lại
luôn đối đầu với dân, coi dân như kẻ thù là một nhà nước thất bại.
Một
nhà nước không bảo vệ được sự toàn vẹn về lãnh thổ lãnh hải, chủ quyền
của quốc gia, không bảo vệ được đất nước, nhân dân trước sự xâm lăng của
ngoại bang dưới mọi hình thức khác nhau, trên mọi mặt trận khác nhau,
từ quốc phòng đến kinh tế, văn hóa, môi trường, sự an toàn trong thực
phẩm…, là một nhà nước thất bại.
Hậu
quả của một nhà nước thất bại thì quá rõ ràng : dẫn đến hiện trạng Việt
Nam là một quốc gia tụt hậu về nhiều mặt so với các nước trong khu vực
và trên thế giới, Việt Nam bị phụ thuộc nặng nề trong mối quan hệ bất
xứng và nguy hiểm với Trung Quốc, người dân Việt Nam không được hưởng
những quyền tự do dân chủ tối thiểu, không được ấm no, hạnh phúc.
Một quốc gia thất bại
Một
quốc gia thất bại không chỉ bị đánh giá bởi những gì có thể nhìn thấy
trên bề mặt như GDP tính trên đầu người, khối lượng tiền dự trữ, tiềm
lực về kinh tế, quốc phòng, sự tụt hậu so với các nước khác, mức độ phát
triển về nông nghiệp, công nghiệp, ngư nghiệp, kỹ thuật, quân sự… cho
tới mức sống của người dân, trình độ dân trí, mức độ văn minh của xã hội
v.v…
Một
quốc gia thất bại không chỉ bị đánh giá trên những số liệu thống kê,
sắp hạng hàng năm như chỉ số về tự do dân chủ, chỉ số chất lượng cuộc
sống, tự do kinh tế, phát triển con người, chỉ số bển vững môi trường
v.v…
Một
quốc gia thất bại không chỉ bị đánh giá bởi vị trí trên thế giới, trong
mối quan hệ ngoại giao với các nước khác, độ tin cậy của các nước đối
với quốc gia đó.
Một
quốc gia thất bại còn bị đánh giá qua một thể chế chính trị thất bại,
một nhà nước thất bại và một dân tộc mang những nét tâm lý, tính cách
thất bại-khi không có đủ nỗi đau, nỗi nhục, sự phẫn nộ và lòng tự tôn
dân tộc để quyết tâm thay đổi vận mệnh của đất nước, khi nỗi tự hào dân
tộc và khát khao chiến thắng chỉ đổ dồn vào việc thắng thua một trận
bóng đá, chẳng hạn, thay vì chiến thắng trên những mặt trận lớn lao hơn.
Liệu chúng ta sẽ chấp nhận là một dân tộc thất bại, một quốc gia thất bại cho đến bao giờ ?
Song Chi
Nguồn : RFA, 19/12/2018 (songchi's blog)