70 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền: Tình hình vẫn còn ảm đạm (Thụy My)

Dân chủ dành được đã khó, giữ được lại càng khó hơn. Các thế lực phản dân chủ luôn tìm cách thao túng và lũng đoạn chính quyền để trục lợi cho phe nhóm và đồng đảng. Dù vậy thì nhu cầu được sống trong môi trường dân chủ, tự do và tôn trọng nhân phẩm luôn là khát vọng của loài người. Cuộc chiến bảo vệ nhân quyền dù khó khăn và dai dẳng nhưng cuối cùng lẽ phải sẽ chiến thắng độc tài. 

 Đại sứ 19 nước tại Việt Nam đọc Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền bằng tiếng mẹ đẻ trong một video ngày 10/12/2018.


Ngày 10/12/2018, ngày Nhân quyền Quốc tế đồng thời kỷ niệm 70 năm bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ở Paris, tình hình quyền con người vẫn chưa mấy khởi sắc.

Ở Việt Nam, 21 đại sứ và phó đại sứ của 19 đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội đã đọc bản Tuyên ngôn Nhân quyền bằng tiếng mẹ đẻ của mình, trong một video đăng trên Facebook.

Tại Paris, có một số hoạt động như thắp nến dưới chân tháp Eiffel vào đúng ngày 10/12 lúc 18 giờ 30, hội thảo về nhân quyền tại Việt Nam ngày 9/12 do Ecole Sauvage (hiệp hội trợ giúp trẻ em Việt Nam) và Hội Thanh Thiếu niên Việt Nam tại Paris phối hợp tổ chức ở quận 13. Ngoài ra còn có buổi văn nghệ « Hát cho 70 năm tiếng nói nhân quyền » ở quận 14 vào ngày 16/12.

Thông cáo của Amnesty International công bố ngày 10/12 cho biết, kể từ nay báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền của tổ chức này sẽ được phổ biến vào ngày 10/12 hàng năm. Trong năm 2018, Amnesty ghi nhận hai xu hướng chính : các nhà lãnh đạo độc tài muốn hủy hoại nguyên tắc bình đẳng, và sự vùng lên của phụ nữ. 

Về tình hình nhân quyền tại Đông Nam Á, nổi bật là việc đàn áp người Rohingya ở Miến Điện, trấn áp đối lập và báo chí ở Cam Bốt, « cuộc chiến chống ma túy » ở Philippines. Tại Đông Á, đáng lo ngại nhất là việc Trung Quốc bắt giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tại châu Âu, Amnesty International quan tâm đến tình trạng phân biệt đối xử ở Hungary, Nga và Ba Lan. Tại châu Mỹ, nhân quyền đang sa sút ở Colombia, Venezuela… và tại châu Phi vẫn còn quá nhiều chính phủ đàn áp các nhà ly khai.

Cũng trong ngày hôm 10/12, bác sĩ người Congo Denis Mukwege và nhà hoạt động Irak, Nadia Murad, được nhận giải Nobel Hòa Bình tại Oslo vì đấu tranh chống bạo lực tình dục trong thời chiến. Cơ sở của bác sĩ phụ khoa Mukwege, 63 tuổi, từ hai thập kỷ qua đã chữa trị cho trên 50.000 phụ nữ bị tấn công tình dục. Còn cô gái Irak 25 tuổi Murad, bị quân thánh chiến tra tấn, hãm hiếp và bán đi nhiều lần, đã tranh đấu cho các phụ nữ Yazidi bị bắt làm nô lệ.

RFI