Trần Đại Quang và kiếp làm người cộng sản (Việt Hoàng)
Ông mất
đi rồi, với tình cảm con người dành cho “phần người” trong ông, chúng tôi xin
được chia buồn cùng gia quyến của ông. Còn những lời ai oán của người dân dành
cho ông vì những việc ông đã làm, trên cương vị của ông lúc còn sống thì ông và
gia đình ông phải mang theo suốt đời.
Con người
sinh ra, lớn lên, trưởng thành, bệnh tật, ốm đau rồi chết: “sinh, lão, bệnh, tử”
vốn là qui luật của muôn đời. Ai rồi cũng phải chết. Con người khi sống luôn suy
nghĩ và hành động khác nhau cho nên khi chết họ cũng được/bị đối xử khác nhau.
Có hai giai đoạn mà ai cũng cần đến vòng tay yêu thương của gia đình và bạn bè đó
là lúc sinh ra và khi mất đi.
Một cái
chết đang được dư luận quan tâm đó là ông Trần Đại Quang, đương kim chủ tịch nước
vừa mất ngày 21/9/2018. Trên mạng xã hội dư luận cũng cho rằng ông Đỗ Mười, cựu
tổng bí thư đảng cộng sản cũng đã chết.
Cái chết
của ông Quang đã gây tranh cãi trên mạng xã hội khi nhiều người dân thay vì tỏ
ra thương tiếc ông thì họ lại chỉ trích những việc ông đã làm khi còn là bộ trưởng
bộ công an và trên cương vị chủ tịch nước. Nhà báo Đào Tuấn cho rằng “người chết
thì không có lỗi” và Blogger Trịnh Hữu Long thì có bài viết “về nghĩa tử là
nghĩa tận”…
Dù thương
xót hay hả hê về cái chết của ông Quang thì mỗi người đều có lý do của mình tùy
theo hoàn cảnh cụ thể. Vì sao lại có chuyện trái ngược như vậy trước cái chết của
một con người? Chúng ta cần biết rằng những người cộng sản lãnh đạo có chức quyền
đều có một cuộc sống không bình thường.
Nguyên
nhân sâu xa của nó bắt nguồn từ chủ nghĩa cộng sản, một trong những đặc tính cơ
bản của chủ thuyết này là: Vô tổ quốc. Những người cộng sản muốn xây dựng thế
giới đại đồng, xóa bỏ biên giới quốc gia, xóa bỏ giai cấp. Ông Hồ trước khi mất,
có viết trong di chúc là ông sắp được về “thế giới người hiền của Mác và Lênin”
chứ không phải về với ông bà tổ tiên.
Trái tim
của người cộng sản dành cho đồng bào, cho gia đình, cho tình yêu một chổ đứng rất
không đáng kể. Tố Hữu từng viết:
“Trái
tim anh chia ba phần tươi đỏ.
Anh dành cho đảng phần nhiều,
phần cho thơ và phần để em yêu”.
Khi kết nạp
đảng mọi đảng viên phải tuyên thề suốt đời trung thành với đảng, sẵn sàng hy
sinh cho lý tưởng của đảng. Tất cả những ai không đi theo đúng đướng lối chủ
trương của đảng (dù chủ trương đó đúng hay sai) đều bị trừng phạt thảm khốc.
Chính vì
thế mà mỗi người cộng sản phải sống với hai con người, một con người bình thường
và một con người cộng sản. Con người bình thường của họ thì giống như bao người
khác, cũng có yêu thương, tình cảm, vui buồn, gia đình, bè bạn…Còn con người cộng
sản thì lại hoàn toàn khác: Độc đoán, cực đoan, nhẫn tâm, không có tình người,
tình đồng bào…Những cái này người cộng sản gọi là “tính đảng”. Ai muốn được
thăng tiến thì “tính đảng” phải cao. “Tính đảng” càng cao thì “tính người” càng
thấp.
Ông Quang
có thể là một người chồng, một người cha gương mẫu, biết yêu thương, chăm sóc
và quan tâm đến vợ con. Ông có thể là người anh tốt biết lo lắng và vun vén cho
anh em. Ông cũng có thể là người bạn chân thành, quí trọng bạn bè…Nhưng khi rời
gia đình đến cơ quan để làm “người cộng sản” thì ông sẽ không hề áy náy lương
tâm hay ngập ngừng khi hạ bút ký vào những văn bản hay quyết định của đảng mà
có thể gây ra cái chết hay đày đọa cho hàng trăm, hàng vạn, hàng triệu người
khác. Việc ông ký Luật An ninh mạng là một ví dụ.
Trong 3
năm ông làm bộ trưởng công an có đến hơn 260 người bị chết trong lúc bị tạm
giam. Hàng trăm người dân Việt nam vô tội, chỉ vì bày tỏ chính kiến khác với đảng
mà bị bỏ tù hàng chục năm trời trong đó có những bà mẹ trẻ đang phải nuôi con
nhỏ như Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay chị Trần Thị Nga. Dưới thời ông, lực
lượng công an “còn đảng còn mình” trở nên hung bạo và mất tính người chưa từng
thấy. Công an hành hung cả những người bệnh tật, thậm chí tàn phế như anh Đinh
Văn Hải, bị công an Di Linh Lâm Đồng đánh đến trọng thương. Bao nhiêu vụ án oan
sai, bao nhiêu cái chết tức tưởi trong đồn công an, bao nhiêu mảnh đời rách nát
vì bị mất nhà mất cửa vì chính sách cưỡng chế đất đai…ông đều biết. Và ông đã
làm gì cho họ?
Ông đã
không làm gì cả. Ngay cả lúc ốm đau bệnh tật sắp chết ông còn cố ký vào Luật An
ninh mạng để bảo vệ chế độ bằng cách bịt miệng người dân. “Tính đảng” đã lấn át
hoàn toàn ‘tính người” trong ông.
Tất nhiên
gieo gì thì được nấy. Ông sẽ được đảng của ông tổ chức quốc tang rình rang, ông
sẽ chôn ở những nơi phong cảnh hữu tình, đảng sẽ không tiếc những lời có cánh
dành cho ông. Tuy nhiên với người dân, những người đang bị đảng của ông cai trị
(mà ông từng là một nhân vật quan trọng) không thể nào ca tụng hay thương xót
ông được. Có bao giờ ông nghĩ đến họ hay làm cho họ một điều gì tốt đẹp đâu mà
giờ ông có thể trông chờ lòng thương từ họ?
Nếu có thế
giới tâm linh sau khi chết thì e rằng linh hồn ông khó mà siêu thoát khi tiếng
oán than của người dân đối với ông không bao giờ dứt. Chết không có nghĩa là hết.
“Cọp chết để da, người chết để tiếng”, tiếng đời dành cho ông và đồng đảng của
ông luôn là tiếng oán hận ngút ngàn đến muôn đời.
Ông mất
đi rồi, với tình cảm con người dành cho “phần người” trong ông, chúng tôi xin
được chia buồn cùng gia quyến của ông. Còn những lời ai oán của người dân dành
cho ông vì những việc ông đã làm, trên cương vị của ông lúc còn sống thì ông và
gia đình ông phải mang theo suốt đời.
Thật khó
để trông chờ vào sự thay đổi của những người cộng sản già nua và lú lẫn nhưng
chúng tôi vẫn hy vọng những người cộng sản trẻ đang đương chức và còn sống rút
ra bài học cho mình, hãy cùng với các tổ chức dân chủ đối lập đứng đắn và có viễn
kiến dân chủ hóa đất nước. Một nước Việt Nam dân chủ không nhằm tiêu diệt hay hạ
nhục những người cộng sản mà để mang lại tự do và nhân phẩm cho chính họ, để họ
được sống và được chết như những con người bình thường.
Việt
Hoàng (22/9/2018)