Một câu hỏi lớn nhân kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8-1945 (Nguyễn Gia Kiểng)
Thay vì bước vào kỷ nguyên độc lập và dân chủ và bây giờ có thể đã là một nước giầu mạnh, chúng ta đã chỉ bắt đầu cùng với Cách Mạng Tháng 8 một giai đoạn nội chiến rồi cộng sản với thực trạng bi đát hiện nay. Chúng ta đang là một quốc gia không đáng kể.
Một
lần nữa chúng ta lại kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8-1945.
Một câu hỏi lớn, rất lớn, cần được đặt ra là tại
sao vào lúc đó, khi Thế Chiến II chấm dứt và một triển
vọng độc lập và dân chủ mở ra cho Việt Nam, lực
lượng được ủng hộ nhiều nhất lại là Đảng Cộng
Sản, một đảng theo một chủ nghĩa chuyên chính mà mục
đích sau cùng là xóa bỏ các quốc gia, hơn nữa chủ
nghĩa này đã bị nhận diện là sai và bị bác bỏ trên
chính quê hương của nó từ 70 năm trước?
Cố
gắng trả lời câu hỏi này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ
hơn giai đoạn lịch sử kế tiếp và đồng thời cũng
giúp chúng ta hiểu phải tranh đấu như thế nào để mở
ra cho đất nước kỷ nguyên dân chủ.
Ba
lý do của một quốc hận
Có
ba nguyên nhân chính khiến Đảng Cộng Sản đã được
quần chúng Việt Nam ủng hộ và đã cướp được chính
quyền.
Lý
do thứ nhất
là lòng yêu nước và tinh thần quốc gia của chúng ta quá
yếu. Sự thực này hầu như bị mọi người cố tình phủ
nhận vì trong bối cảnh nội chiến sau Cách Mạng Tháng 8
(CMT8) lòng yêu nước đã là một khẩu hiệu của mọi
phe phái, không ai dám nhận rằng mình không yêu nước dù
rất ít ai thực sự yêu nước. Tuy vậy nếu ta suy nghĩ
bình tĩnh thì sự thiếu vắng của lòng yêu nước và
tinh thần quốc gia của người Việt Nam chỉ là đương
nhiên. Yêu nước trước hết là yêu đồng bào mình và
tinh thần quốc gia trước hết là nguyện ước xây dựng
và chia sẻ một tương lai chung với đồng bào mình. Chúng
ta không thấy, hay cùng lắm chỉ thấy được một cách
rất mờ nhạt, tình yêu và nguyện ước đó khi nhìn vào
lịch sử. Trong suốt quá trình lập quốc của chúng ta,
từ thời tiền sử cho đến thế kỷ 10 khi Ngô Quyền mở
đầu kỷ nguyên tự chủ, chúng ta đã chỉ thấy những
cuộc chiến giữa các phe phái môn phiệt để tranh giành
quyền thống trị trên một khối dân chúng bị coi như
những kẻ nô lệ. Không hề có dấu vết của tình dân
tộc nghĩa đồng bào. Vào cuối thế kỷ thứ 3 Đào Hoàng
là tướng Đông Ngô cai trị nước ta. Đào Hoàng đã đàn
áp thẳng tay mọi ý đồ tự trị và thực hiện một
chính sách Hán hóa quả quyết, buộc những thành phần
bất khuất phải rút vào rừng núi và trở thành người
Mường. Tuy vậy khi Đào Hoàng qua đời dân chúng đã khóc
thương ông như khóc cha chỉ vì ông đã để cho họ sống
yên. Trong suốt dòng lịch sử đối với tuyệt đại bộ
phận quần chúng các lãnh chúa địa phương hay các quan
cai trị Trung Quốc đều chỉ là những kẻ thống trị
trong khi họ vẫn chỉ là những người nô lệ. Các giai
đoạn tự chủ chỉ thay thế một ách nô lệ ngoại bang
bằng một ách nô lệ bản xứ. Những người nô lệ
không có lý do để yêu nước.
Sự
vắng mặt của tinh thần quốc gia dân tộc vẫn tiếp tục
dưới hai triều đại Lý và Trần. Nhà Trần còn chủ
trương lấy lẫn nhau trong họ để máu hoàng tộc không
bị pha trộn với dân gian. Phải đến thế kỷ 15, trong
bài Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi mới nhắc tới "dân"
khi buộc tội quân Minh "nướng
dân đen trên lửa hung tàn".
Nhưng cũng chỉ có thế. Ngay cả sau thế kỷ 19 nhà Nguyễn
cũng vẫn chỉ tự coi là một lực lượng thống trị.
Các vua nhà Nguyễn dành những đặc quyền lớn cho tỉnh
Thừa Thiên của mình và rất ít khi vào Nam hay ra Bắc.
Người
ta có thể biện luận rằng mọi quốc gia đều bắt đầu
từ một tham vọng thống trị của một nhóm nhỏ, tinh
thần quốc gia và dân tộc chỉ hình thành chậm chạp sau
đó với thời gian. Đúng, nhưng vấn đề là đối với
chúng ta tinh thần này đã gần như không có trong gần
suốt dòng lịch sử khá dài. Chúng ta không có tinh thần
quốc gia và dân tộc bởi vì nền tảng ý thức hệ của
chúng ta là Khổng Giáo, một ý thức hệ vừa rất sơ
đẳng vừa vô tổ quốc. Các nho sĩ theo phương châm "nước
nguy không đến, nước loạn không ở" (nguy
bang bất nhập loạn bang bất cư).
Họ chỉ mong ước được làm tôi tớ cho các vua chúa để
sống sung túc và tiếp tay ức hiếp khối dân chúng nghèo
khổ. ( Chính bản chất vô tổ quốc của Khổng Giáo đã
khiến các nước nhỏ bé như Mông Cổ và Mãn Thanh có thể
chinh phục và thống trị Trung Quốc trong một thời gian
dài trước khi sụp đổ vì phân hóa nội bộ chứ không
phải vì bị chống đối như những lực lượng ngoại
xâm).
Một
trong những chủ trương nền tảng của chủ nghĩa Marx là
xóa bỏ các quốc gia, nhưng điều này nhiều người Việt
Nam không biết, hoặc có biết cũng không khiến nó bị từ
khước bởi vì lòng yêu nước và tinh thần quốc gia của
chúng ta gần như không có. Trái lại lời kêu gọi đấu
tranh giai cấp, xóa bỏ giầu nghèo của nó có sức thu hút
đặc biệt, nhất là sau nạn đói đầu năm 1945 khiến
gần hai triệu người chết. Vả lại tại Trung Quốc cũng
như tại Việt Nam chủ nghĩa cộng sản đã xuất hiện
như một cải tiến của Khổng Giáo. Về bản chất hai
chủ nghĩa này gần giống nhau. Cũng giáo điều chuyên
chính, cũng kỳ thị giai cấp, cũng thù ghét thương mại,
cũng vô tổ quốc. Điều khác biệt chỉ là chủ nghĩa
cộng sản, ít nhất trên danh nghĩa, chủ trương bênh vực
người nghèo trong khi Khổng Giáo công khai phục vụ giai
cấp quyền quý.
Lý
do thứ hai
là sự thiếu vắng tư tưởng, tư tưởng nói chung cũng
như tư tưởng chính trị. Chúng ta tự hào có lịch sử
dài, bốn ngàn năm hay hai ngàn năm, nhưng chúng ta không có
một nhà tư tưởng nào hay một tác phẩm tư tưởng nào.
Nguyễn Trãi có được một câu nói đúng "chính trị
cốt mưu tìm hòa bình, chiến tranh trước hết là để
trừ bạo ngược", nhưng ông cũng chỉ dừng lại ở
đó thôi. Tư tưởng của chúng ta cho đến rất gần đây
chỉ là Khổng Giáo du nhập từ Trung Quốc, nhưng Khổng
Giáo không phải là một triết lý mà trái lại còn là
một phản triết bởi vì nó chỉ lặp lại những xác
quyết chứ không lý luận trong khi lý luận là nền tảng
của triết. Mãi đến đầu thế kỷ 20 mới có Phan Châu
Trinh, nhưng Phan Châu Trinh mới chỉ mở đầu cho tư tưởng
chính trị và đã không được tiếp nối. Phạm Quỳnh là
một học giả chân chính nhưng cũng mới chỉ là một học
giả. Dầu vậy Phan Châu Chinh và Phạm Quỳnh đã là hai
trí thức lỗi lạc bậc nhất của chúng ta trong thế kỷ
20.
Vào
thời điểm của CMT8 chúng ta không có một tư tưởng
chính trị nào cả. Việt Nam Quốc Dân Đảng chỉ lặp
lại qua loa khẩu hiệu Tam Dân của Trung Hoa Quốc Dân
Đảng. Các đảng Đại Việt -ra đời từ cuối thập
niên 1930- nói chung chỉ sao chép lại chủ nghĩa Nazi, một
chủ nghĩa tồi tệ sắp gây ra Thế Chiến II và bị đào
thải. Chủ nghĩa "dân tộc sinh tồn" của Đại
Việt Quốc Dân Đảng, do đảng trưởng Trương Tử Anh
viết trên hai trang giấy, chỉ tóm lược một cách rất
thô sơ chủ nghĩa quốc gia cực đoan của Quốc Xã Đức.
Đại Việt Dân Chính của nhóm Tự Lực Văn Đoàn thì
theo lời ông Nguyễn Tường Bách, một đảng viên cốt
cán, chỉ có một cương lĩnh luộm thuộm nửa Tam Dân nửa
phát xít. "Chủ nghĩa Duy Dân" cũng hoàn toàn trống
rỗng. Việc Lý Đông A được nhiều trí thức khoa bảng
coi là một lý thuyết gia chỉ chứng tỏ chúng ta không có
tư tưởng. Các đảng phái quốc gia không chịu đầu tư
vào học tập tư tưởng chính trị chủ yếu vì không
hiểu tư tưởng chính trị là gì để nhìn thấy sự cần
thiết của nó.
Trong
giai đoạn Pháp thuộc chúng ta đã có nhiều người học
được nhiều kiến thức phương Tây ở mức độ cao,
nhưng họ chủ yếu học để thi lấy bằng và làm quan
chứ không quan tâm tới tư tưởng, càng không quan tâm tới
tư tưởng chính trị. Về mặt tư tưởng chúng ta vẫn
chưa có gì. Chính vì sự trống vắng tư tưởng đó mà
vào thời điểm CMT8 đại đa số người Việt, kể cả
trí thức, không biết một sự thực khổng lồ là chủ
nghĩa Marx đã bị nhận diện là sai và bị loại bỏ ngay
trên quê hương của nó từ 70 năm rồi, chính xác là từ
đại hội Gotha của Đảng Xã Hội Dân Chủ Đức năm
1875. Nếu Hồ Chí Minh có kiến thức hơn một chút thì
khi được biết tới chủ nghĩa cộng sản, gần 50 năm
sau khi nó đã bị bác bỏ, ông đã không say sưa đến độ
mê sảng và không làm nhiều người mê sảng theo ông và
điên cuồng tàn sát những người mà họ nghi ngờ là
không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Bi đát hơn nữa
là trong sự trống vắng tư tưởng đó chủ nghĩa Marx đã
xuất hiện dưới mắt nhiều người như một tư tưởng
chính trị mới, mạch lạc và thuyết phục, nhất là khi
nó lại quả quyết đứng về phía những người nghèo
khổ và kêu gọi họ đứng dậy đoàn kết đấu tranh đòi
quyền sống. Và như đã nói nó còn có sức động viên
mãnh liệt sau nạn đói Ất Dậu kinh khủng vừa xẩy ra
vài tháng trước đó và vẫn chưa chấm dứt hẳn.
Lý
do thứ ba
là quần chúng Việt Nam vào lúc đó cũng không có chọn
lựa nào khác. Việt Nam Quốc Dân Đảng đã hoàn toàn tê
liệt từ năm 1930 sau khi bị đàn áp dã man. Đảng viên
cơ sở vẫn còn nhiều, kể cả ở nông thôn, chủ yếu
là những người tham gia vì cảm phục sau sự hy sinh anh
dũng ngày 17/6/1930 tại Yên Bái, nhưng đầu não thì đã
bị tiêu diệt gần hết, số nhỏ thoát nạn thì phần
lớn đã đào thoát qua Trung Quốc. VNQDĐ thực ra không có
lãnh đạo sau năm 1930 để vận dụng cảm tình của dân
chúng. Các đảng Đại Việt chỉ mới thành lập và cũng
chỉ là những tổ chức lỏng lẻo không có dự án chính
trị và chỉ giới hạn trong giới trí thức đô thị.
Điểm chung của tất cả các đảng phái quốc gia là một
sai lầm. Tất cả đều tin rằng chỉ có con đường đấu
tranh võ trang dù không có và cũng không thể có phương
tiện. Như vậy tất cả đều rất yếu và đã mang sẵn
thất bại ở trong lòng.
Nhiều
người thường nhắc lại với sự tiếc nuối là vào
thời điểm CMT8 chính phủ Trần Trọng Kim đã thiếu quả
quyết. Nhưng chính phủ Trần Trọng Kim chưa bao giờ là
một chính phủ. Nó chỉ có trên danh nghĩa và giấy tờ
vài tháng trước đó, sau cuộc đảo chính của Nhật ngày
9/3/1945. Các bộ trưởng chỉ được phong chức chứ chưa
nhận chức. Họ ở rải rác trên ba miền Nam Trung Bắc và
hình như chưa bao giờ họp lại. Khi họ họp lại, có lẽ
là lần đầu, hai tuần lễ trước CMT8, họ cãi lộn rồi
tất cả từ chức. Chính quyền Trần Trọng Kim không
nhượng bộ Đảng Cộng Sản vào ngày 19/8/1945 như nhiều
người nghĩ, nó chưa bao giờ có thực và đàng nào cũng
đã tan rã rồi. Ông Trần Trọng Kim không phải là một
chính trị gia. Ông chỉ là một nhà giáo và một nhà sử
hoàn toàn không có kinh nghiệm lãnh đạo nào trên bất cứ
địa hạt nào. Khi được vua Bảo Đại mời làm thủ
tướng ông đã mời một số nhân sĩ có tiếng tăm làm
bộ trưởng. Những người này không có một kiến thức
và kinh nghiệm chính trị nào. Họ không phải là một đội
ngũ và cũng không biết nhau để có thể đồng ý. Họ
chỉ là những nhân sĩ cùng lắm có thể tham gia vào một
guồng máy có sẵn, khi không có guồng máy họ bối rồi
và bỏ cuộc. Đó là điều đã xảy ra. Sau này tại Paris
tôi đã có nhiều dịp trao đổi với bác sĩ Hồ Tá
Khanh, bộ trưởng kinh tế trong chính phủ Trần Trọng
Kim. Ông Hồ Tá Khanh là một người tốt nhưng ông nhìn
nhận là không biết gì về cả kinh tế lẫn chính trị.
Ông hoàn toàn đồng ý với những nhận xét của tôi về
chính phủ Trần Trọng Kim.
Trong
cuốn hồi ký Một
cơn gió bụi
ông Trần Trọng Kim đã nhìn nhận rằng vào lúc đó Đảng
Cộng Sản gần như là lực lượng duy nhất và họ đã
rất mạnh. Có thể lực lượng quân sự của họ chưa
mạnh nhưng họ có tổ chức và hậu thuẫn, ngay cả trong
hàng ngũ vệ binh của triều đình Huế. Các cấp lãnh đạo
của họ cũng đã được huấn luyện tại Liên Xô và
Trung Quốc. Họ đáng lẽ còn mạnh hơn nữa nếu không tổ
chức cuộc "Nam Kỳ Khởi Nghĩa" dại dột và vụng
về vào cuối năm 1940 để rồi thảm bại và phần lớn
các cơ sở miền Nam bị tiêu diệt. Tuy vậy vào thời
điểm tháng 8/1945, trong khoảng trống chính trị và quyền
lực toàn diện khi Nhật đầu hàng, quân Đồng Minh chưa
tới và chính quyền Trần Trọng Kim tan rã, Đảng Cộng
Sản là lực lượng duy nhất. Thắng lợi của họ là
đương nhiên. Chỉ tiếc một điều là họ đã là chính
họ, nghĩa là Đảng Cộng Sản.
Ngày
19/8/1945 xứng đáng được coi là một ngày quốc hận lớn
trong lịch sử Việt Nam. Ân hận, đáng tiếc và đáng
buồn chứ không thù hận. Thay vì bước vào kỷ nguyên
độc lập và dân chủ, và bây giờ có thể đã là một
nước giầu mạnh, chúng ta đã chỉ bắt đầu cùng với
Cách Mạng Tháng 8 một giai đoạn nội chiến rồi cộng
sản với thực trạng bi đát hiện nay. Chúng ta đang là
một quốc gia không đáng kể. Nghèo khổ, tụt hậu và ô
nhiễm, không một công ty, một phát minh khoa học kỹ
thuật hay một sáng tác văn học nghệ thuật, hay ngay cả
một thành tích thể thao nào được thế giới biết đến.
Đã thế còn mất biến, mất đất, mất đảo, mất cả
một phần chủ quyền. Người Việt Nam vẫn còn bị từ
chối những quyền làm người căn bản nhất, vẫn còn bị
thống trị bởi một đảng coi mình cao hơn đất nước,
thẳng tay vơ vét và đàn áp không khác một lực lượng
chiếm đóng. Trên thực tế chúng ta đang ở trong một
tình trạng nội chiến. Tất cả đã bắt đầu ngày
19/8/1945.
Những
bài học vẫn còn rất thời sự
Như
chúng ta cùng vừa nhìn lại, ba lý do đã khiến CMT8 diễn
ra như nó đã diễn ra là vào thời điểm đó lòng yêu
nước và tinh thần quốc gia của chúng ta quá yếu, tư
tưởng chính trị của chúng ta thiếu vắng và nhân dân
Việt Nam không có chọn lựa nào khác ngoài Đảng Cộng
Sản. Chúng ta có thể rút ra những bài học nào cho tương
lai?
Trước
hết chúng ta cần thực thà nhìn nhận rằng lòng yêu nước
và tinh thần quôc gia, hay tinh thần trách nhiệm với đất
nước, là điều chúng ta phải tạo ra, củng cố và tăng
cường chứ chưa phải là điều đã sẵn có để có thể
sử dụng và lạm dụng. Một dân tộc sau một cuộc nội
chiến, dù chỉ một vài năm, chỉ có hai chọn lựa. Một
là hòa giải dân tộc để đất nước tiếp tục, hai là
không hòa giải và chấp nhận tan vỡ. Như thế chúng ta
phải đồng ý với nhau rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ
hiện nay và mọi chính sách của chính quyền dân chủ sau
này phải đặt nền tảng trên tinh thần hòa giải và hòa
hợp dân tộc một cách thành thực, quả quyết và trọn
vẹn.
Tư
tưởng chính trị thiếu vắng vào giai đoạn CMT8 đã
khiến chúng ta trôi dạt vào thảm kịch bởi vì một quốc
gia không có tư tưởng chính trị không khác một con tầu
đi biển không có la bàn, không đụng vào đá ngầm này
thì cũng đâm vào một băng đảo khác. Tai họa là chắc
chắn. Chúng ta cần chấm dứt tức khắc và dứt khoát
thái độ vô lễ với kiến thức để đầu tư một cách
nghiêm túc vào tư tưởng và kiến thức chính trị. Mọi
hợp tác phải được quyết định trước hết theo tiêu
chuẩn này. Phải dứt khoát tẩy chay sự nông cạn và hời
hợt, nhất là khi nó đi đôi với sự tự mãn.
Và
tại sao không có một lực lượng chính trị đáng kể
nào trước mặt Đảng Cộng Sản vào thời điểm 1945? Đó
là vì một tổ chức đấu tranh chính trị đúng nghĩa chỉ
có thể là thành quả của một cố gắng xây dựng bền
bỉ trong nhiều năm, bắt đầu bằng một đội ngũ nòng
cốt, đặt nền tảng trên một tư tưởng chính trị lành
mạnh và một dự án chính trị vừa nghiêm túc vừa khả
thi.
Chúng
ta cần khẩn cấp rút ra những bài học vẫn còn rất
thời sự này.
Nguyễn
Gia Kiểng
(19/08/2018)