Chim báo bão sau ngày 10/6/2018 và lời cảnh tỉnh (FB Lã Minh Luận)

Đồng ý với tác giả là chúng ta cần lạc quan và tin vào lương tri của người Việt. Có một sự thật khá buồn là lòng dân VN đã hướng về dân chủ, về tương lai nhưng tầng lớp trí thức VN vẫn đang...bất động.





I- THỰC TRẠNG VÀ PHÂN TÍCH


1- Ngày 10/6/2018 của Nhân Dân Việt Nam đã đi vào dấu son lịch sử dân tộc. Một cuộc xuống đường “Giũ bùn đứng dậy sáng loà” vô cùng hoành tráng của nhiều giai tầng xã hội, suốt dọc dải miền Trung cho vào tới Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Một cuộc Tổng biểu tình chống lại chính quyền của họ, bởi những điều Luật đi ngược lại Hiến pháp và Quyền con người của Nước Việt Nam XHCN, đặc biệt là đe doạ sự tồn vong và sự phát triển của đất nước như hai dự Luật: Đặc khu và An ninh mạng. Có thể nói đây là một cuộc xuống đường do tức nước vỡ bờ mà có. Nó lớn chưa từng thấy trong lịch sử từ sau 1945 chứ không phải sau 1975 như mọi người nhận định. Đây là CÁNH CHIM BÁO BÃO rằng bão đã nổi lên rồi từ miền Nam quê hương thân yêu! Sức nén đã tới tận cùng sự chịu đựng của con người. Đã đến lúc Nhân Dân phải thị uy sức mạnh và quyền Tối cao của mình, Tổ quốc là thiêng liêng, Đất Nước của Nhân Dân, gánh suốt chiều dài lịch sử Đất Nước chỉ Nhân Dân chứ không phải ai khác. Thế nên không một tổ chức nào có quyền tự quyết định mọi vấn đề trọng đại của Đất Nước ngoài Nhân Dân.

2- Những lời tố cáo chính quyền bắt bớ, đàn áp một cách dã man, vô lối đối với những người biểu tình, sau ngày 17/6, tràn đầy trên các không gian mạng khiến cả thế giới biết đến, điều đó cho chúng ta thấy cái gì? Đó có phải là:

- Một chính quyền yếu kém, rệu rã đã không lãnh đạo, quản trị nổi Nhân Dân, đất nước mà phải dùng bạo lực để dập tắt ngọn lửa?

- Một chính quyền lục đục, không ngay ngắn, đầy dẫy những mâu thuẫn và nghịch lí, khiến nơi nơi nổi loạn, xuống dường phản kháng bất bạo động (trên bất chính dưới tắc loạn), lòng dân cạn kiệt niềm tin?

- Một chính quyền đã “hun đúc” nên những công cụ chỉ biết dối trá và tàn bạo, lấy bạo lực làm trục xoay chế độ, trấn áp tội phạm nhưng chẳng phân biệt được đâu là “tội phạm” đâu là nhân dân, luôn bộc lộ bản chất “hèn với giặc, ác với dân”; thiếu hẳn cái gốc của loài người là tình yêu thương con người: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” (NT); tạo ra rãnh đứt gãy, đối kháng trầm trọng giữa chính quyền và Nhân Dân?

- Một chính quyền run sợ trước sức mạnh của nhân dân, lo bảo vệ chính quyền mà cả giận mất khôn; hành xử tàn bạo, vô luân, vô pháp với người tham gia biểu tình; vi phạm Nhân quyền một cách trắng trợn như bắt bớ, giam cầm, tra khảo, đánh đập, gây gãy răng, gãy xương sườn, chấn thương sọ não, hôn mê, hộc ra máu, gãy tay, què chân,... Có người bị kết án tù đày và những người được thả sau một thời gian câu lưu thì không một người nào không mang theo về đầy mình thương tích. Còn nữa, tài sản như tiền, điện thoại của họ đều bị cướp, bị đập phá, bị khui mật khẩu, moi tin, kiểm tra thông tin cá nhân một cách thô bạo. Hỏi Nhân quyền trên đất “thiên đường XHCN” này ở đâu?

Những thực trạng đầy bê bối trên của chính quyền đã cho chính họ thấy điều khủng khiếp gì đã và đang đe doạ nền móng của thể chế này? Nên nhớ dân không tự dưng dại dột hay động rồ nổi loạn chống lại Nhà nước “vì dân, do dân, của dân”; hay do bất kì thế lực thù địch nào xúi bẩy, dắt mũi mà làm điều ngu ngốc, dân có trí tuệ của dân.

3- Về phía nhân dân, họ đi biểu tình là thực hiện quyền Hiến định của họ. Họ không vi phạm Pháp luật. Nói Luật chưa ban hành thì đó là lỗi của Bộ Tư pháp và Quốc hội chứ không phải là họ. khi họ bị đàn áp thô bạo, Quyền sống, Quyền Tự do, Dân chủ, Quyền mưu cầu hạnh phúc của họ bị tước đoạt, đời sống của họ ngày càng bị đẩy vào ngõ cụt thì điều gì sẽ xảy ra? 

Lịch sử đã chứng minh: Nhân Dân Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục trước cường quyền, bạo chúa hay một sự xâm lăng nào của ngoại bang. Những người nông dân áo vải hiền như hạt lúa củ khoai ấy sẽ lại đứng lên, đạp quân thù xuống đất đen, súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa. Nhân Dân là người chế ngự lịch sử, lái con thuyền lịch sử, quyết định sự hưng vong của dân tộc. Đó là vai trò, là tính tất yếu của nhân nhân trong một đất nước.

II- SUY NGẪM VÀ KẾT LUẬN

Quy luật của sự sinh tồn là sinh sự - sự sinh; có áp bức có đấu tranh; con giun xéo mãi cũng quằn; tức nước vỡ bờ; cùng tắc biến, biến tắc thông. Hôm nay côn đồ lấy của họ một cái răng thì ngày mai phải trả họ mười cái. Hôm nay đánh được họ một cái thì ngày mai phải chịu đập trả lại hai mươi cái. Đời có vay có trả. Đời cha ăn mặn thì cả đời cha và con cùng phải chịu khát nước. Chúa sinh ra vạn vật, Chúa cũng rất công bằng bởi Chúa là yêu thương. Chúa dạy con người biết yêu thương nhau. Kẻ nào không biết yêu thương, làm toàn điều ác, đến một lúc nào đó, Đấng Cứu thế sẽ phải ra tay trừng trị. Thuyết nhà Phật cũng dạy: Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ, ác giả ác báo, gây gió gặt bão... Nên nhớ không phải ngẫu nhiên mà các Đấng Tối Cao đã đúc kết thành những khuôn sống chắc nịch như vậy cho loài người. 

CHIM BÁO BÃO rằng ngày mai trời sẽ sáng. Không có cái gì tốt mãi, không có cái gì xấu mãi, không có cái gì muôn năm, vĩnh cửu ngoài tình yêu thương, nhân nghĩa của con người. Hưng thịnh - Suy vong của một thể chế, của một đất nước đều tuân theo chu kì của quy luật phát triển xã hội. Đừng ai bi quan, hãy tự cân bằng tinh thần và nuôi niềm hi vọng, dù đang ở bên bờ vực thẳm cũng đừng để mất niềm tin, để mất niềm tin sẽ mất theo nhiều thứ khác! Cơn đau đẻ nào cũng bí bách và đau đớn, nó vật vã, vần vũ, vật lộn có khi nguy hiểm đến cả tính mạng người Mẹ và đứa Con. Sự hồi sinh của một đất nước cũng vậy, song hãy biết chịu đựng và hướng về phía trước các bạn nhé!

24/6/2018