Sự toan tính của Trump đã đến (David Frum)



David Frum, Trump's Reckoning Arrives, The Atlantic, May 24, 2018


Biên dịch: Mai V. Phạm



Sự khó đoán đã từng mang lại lợi thế cho Tổng thống Trump - nhưng hiện tại, nó lại đang tạo ra một danh sách dài của những thất bại về chính sách đối ngoại. “Từ từ rồi bất thình lình.” Đó là cách mà một trong những nhân vật của nhà văn Ernest Hemingway mô tả quá trình phá sản. Cụm từ này áp dụng một cách sinh động cho những thất bại chồng chất về những ​​chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Donald Trump bắt đầu vai trò tổng thống với nhiều cơ hội để chủ động ​​về chính sách ngoại giao hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào gần đây. 

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Trump đã gạt bỏ hầu hết mọi khía cạnh trong 70 năm lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ: NATO, thương mại tự do, hội nhập châu Âu, ủng hộ dân chủ, chiến tranh Iraq, thỏa thuận Iran, sự nghi ngờ với Nga, tiếp cận Trung Quốc. Việc Trump thắng cử tổng thống đã đẩy mọi chính phủ phải nỗ lực để dự đoán những gì có thể xảy ra. Sự hoang mang của các nước làm tăng quyền lực của Trump - và một cách quái đản, sự ngu dốt về chính sách cũng như hành vi đáng ghét của Trump cũng thế. Sau tám năm dưới sự lãnh đạo dễ tính của Barack Obama, Hoa Kỳ đột nhiên quay một bộ mặt nguy hiểm về phía thế giới. Trong ngắn hạn, mối hiểm họa đó đe dọa các quốc gia khác phải thỏa hiệp với vị tổng thống mới khó đoán - Donald Trump

Trump cũng tận hưởng nhiều cơ hội lớn hơn: một nền kinh tế đang phát triển, tài chính liên bang ít phiền toái hơn, và những chiến dịch chiến tranh ít hơn bất cứ lúc nào kể từ 9/11. Trong những tháng đầu tiên làm tổng thống, Trump đã phô trương quyền lực của mình như thể đó là một nguồn tài nguyên vô hạn. Ông gầm gừ đe dọa, ra lệnh, gây sự kiếm chuyện, và chơi trò thiên vị. Và rồi hậu quả bắt đầu đến. 

Khi một vị tổng thống nói, thì những người khác lắng nghe. Khi tổng thống hành động, ông tạo ra một chuỗi các phản ứng. Khi tổng thống chọn lựa một giải pháp, ông loại bỏ những lựa chọn khác. Đó là lý do tại sao các tổng thống luôn được bao quanh bởi đội ngũ nhân viên chu đáo để trợ giúp tổng thống — và khuyến cáo tổng thống phải suy nghĩ kỹ lưỡng, thấu đáo c lời nói và hành động.



Nếu chúng ta áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc, họ có thể đáp trả như thế nào? Bước tiếp theo của chúng ta là gì?

Nếu chúng ta muốn áp lực Iran một cách mạnh mẽ hơn những người tiền nhiệm của chúng ta, chúng ta sẽ cần hậu thuẫn gì từ các nước khác? Đổi lại họ sẽ muốn điều gì từ chúng ta?

Chúng ta muốn điều gì từ Bắc Triều Tiên mà chúng ta có thể nhận được một cách thực tế nhứt?


Đội ngũ của Trump không tham gia vào các cuộc rèn luyện như vậy.

Đội ngũ của Trump không làm vậy bởi vì tổng thống Trump không làm như thế. Ý tưởng của Trump về chính sách đối ngoại là ra lệnh như hoàng đế, mà không hề suy nghĩ kỹ lưỡng làm cách nào để ép buộc các bên phải tôn trọng thỏa thuận hoặc phải làm gì nếu việc cam kết thỏa thuận không diễn ra.

Chính quyền Trump đã hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran mà không thèm tìm kiếm sự hợp tác trước với châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Ấn Độ về các biện pháp trừng phạt mới.

Trump đã bắt đầu một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà không có bất kỳ kế hoạch nào nhằm đáp lại các cuộc phản công không thể tránh khỏi của Trung Quốc.

Trump nhiệt tình vồ lấy cuộc họp thượng đỉnh có thể diễn ra giữa Hoa Kỳ-Bắc Hàn, trong niềm tin sai lệnh rằng cuộc họp thượng đỉnh này đại diện cho sự nhượng bộ lớn của Bắc Hàn đối với Hoa Kỳ, nhưng thực ra, một cách chính xác, nó là sự nhượng bộ lớn bởi Hoa Kỳ.

Kết quả: Trung Quốc đẩy lùi thương mại còn Trump thì chớp mắt và rút lui. Cả thế giới nhìn thấy Trump lẩn tránh và rút lui. Nhượng bộ trước Trung Quốc lớn mạnh, Trump đang xoa dịu cái tôi của mình bằng một kế hoạch thuế quan mới đánh vào xe hơi đến từ Nhật Bản, Mexico và Canada.

Kết quả: Hoa Kỳ đã từ bỏ quyền kiểm tra các cơ sở hạt nhân của Iran mà không hề có bất kỳ kế hoạch khả thi nào để áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn cầu thay thế. Ấn Độ và Trung Quốc - mỗi nước giao dịch thương mại với Iran còn nhiều hơn là toàn bộ Liên minh châu Âu với Iran - và không có nước nào là dễ bị tổn hại trước áp lực của Hoa Kỳ.

Kết quả: Một cách ngu dốt thổi phồng hy vọng phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên, Trump hiện đang tham gia vào cuộc đối thoại công kích nhau với tên lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên, bỏ qua ý kiến ​​của Hàn Quốc về các mối đe dọa chiến tranh.

Cách tiếp cận - “Ra lệnh, áp đặt trừng phạt, và bắt nạt bạn bè và kẻ thù phải đầu hàng mang lại cho tôi sự vĩ đại, oai vệ” - của Trump đối với chính sách ngoại giao là không đủ hiệu lực ngay cả khi áp dụng cho các nước tương đối yếu kém như Bắc Triều Tiên và Iran. Khi đồng thời áp dụng cho toàn bộ thế giới, cả các đồng minh và đối thủ, nó chỉ tạo ra sự thất bại nhanh chóng.

Trong trường hợp của Trump, sự toan tính đến rất nhanh vì ba lý do.

Thứ nhứt, bởi vì Trump đã nói rất nhiều và tweet rất nhiều, nên Trump đã tự tiết lộ nhiều về bản thân mình, sớm hơn rất nhiều so với các vị tổng thống khác. Cái tôi của Trump, muốn gây được sự chú ý, sự bốc đồng, và quá trình làm việc kỳ lạ và bất thường trong ngày của Trump - tất cả đều được ghi nhận và phân tích trước bất kỳ hành động chính thức nào của nhiệm kỳ tổng thống. Những điều này được ghi nhận không chỉ bởi các nhà lãnh đạo mà còn bởi các cử tri — với kết quả đến trước khi Trump ra quyết định muốn hợp tác với ai. Ví dụ, với Australia, những lời xúc phạm của Trump đã giới hạn các nhà lãnh đạo dân chủ có trách nhiệm của Australia muốn hợp tác với Trump.

Thứ hai, các nhà lãnh đạo nước ngoài đã kết luận rằng con đường ngắn nhất đến trái tim của Trump là chạy qua ví tiền của Trump. Các quốc gia dầu mỏ như Tiểu vương quốc Ả Rập và Arab Saudi đã vội vã hỗ trợ lợi ích kinh doanh của Donald Trump và con rể của ông là Jared Kushner, nhằm tìm kiếm đặc lợi so với các đối thủ trong khu vực như Qatar. Các nhà lãnh đạo độc tài có thể cản trở các doanh nghiệp được cấp phép của Trump - như tổng thống Recep Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Rodrigo Duterte của Philippines - đã khai thác đòn bẩy dễ trông thấy này để hành động mà không hề bị hậu quả gì.

Thứ ba, những giao dịch đầy nghi ngờ của Trump với Nga trước cuộc bầu cử có khả năng được các nước nắm lấy để khiến Trump phải xấu hổ. Một bài báo có tựa đề “Ukraine...chấm dứt hợp tác với cuộc điều tra của Mueller," trên tờ New York Times vào đầu tháng 5/2018. Tờ New York Times báo cáo rằng Ukraine như đang cầu khẩn: “Bằng mọi cách có thể, chúng tôi sẽ tránh chọc giận các quan chức hàng đầu của Mỹ”, một đồng minh thân cận của Tổng thống Poroshenko nói với tờ New York Times. Nhưng Ukraine đã chứng minh rằng nó đang sở hữu thông tin cực kỳ nguy hiểm về các vấn đề kinh doanh của cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump là Paul Manafort, và Ukraine đã công bố các khoản thanh toán bí mật cho Paul Manafort vào mùa xuân năm 2016.

Tất cả những điều này chỉ là bắt đầu. Thâm hụt ngân sách đang tăng nhanh. Các cam kết quân sự đang tăng nhanh. Đồng minh của Hoa Kỳ đang nhanh chóng quay lưng. (Theo cuộc khảo sát toàn cầu của Pew năm 2017 thì chỉ có 17% ​​người Hàn Quốc tin tưởng Trump làm điều đúng đắn trước khi những hỗn loạn xảy ra. Đánh giá tín nhiệm của Obama ở Hàn Quốc đã tăng từ 75% lên 88% trong nhiệm kỳ tổng thống).

Tại một thời điểm mà thương vong quân sự tương đối thấp và thị trường việc làm đang tăng trưởng mạnh mẽ, sự nổi tiếng của tổng thống Trump tại Hoa Kỳ cũng chỉ bằng với George W. Bush trong những tháng tồi tệ nhất của cuộc chiến Iraq vào năm 2005-2006 và của Barack Obama trong những tháng đáng thất vọng nhất của sự phục hồi yếu kém từ cuộc suy thoái kinh tế năm 2009. Các lựa chọn của tổng thống Trump đang co hẹp lại ngay cả trước cuộc bầu cử giữa kỳ.

Nó chỉ có thể tồi tệ hơn cho Trump và — quan trọng hơn – cho vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới dưới sự lãnh đạo của Trump.


David Frum, một người trung kiên với đảng Cộng Hòa, một chuyên gia bình luận chính trị nổi tiếng sắc sảo ở thđô Washington DC, một biên tập viên cao cấp của tờ The Atlantic và là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó là cuốn sách nổi tiếng Trumpocracy: Sự tham nhũng của nền Cộng Hòa Mỹ


David Frum cũng từng phụ trách công việc viết diễn văn cho tổng thống George W. Bush và là cha đẻ cụm từ “axis of evil” - trục ma quỷ, để chỉ ba nước Bắc Han, Iran và Iraq mà nhiều người cứ nghĩ là của Tổng thống Bush. Tuy nhiên, từ khi Donald Trump thắng cử tổng thống, David Frum đã liên tục phê bình và phản đối Trump, cụ thể là chỉ trích các cuộc tấn công của Donald Trump đối với các chuẩn mựcđịnh chế dân chủ cũng như cảnh báo Trump là mối đe dọa với nền dân chủ Mỹ. 



David Frum nhận được bằng đại học B.A. và thạc sĩ M.A. từ Đại học Yale năm 1982. Ông tốt nghiệp hạng ưu ngành luật của đại học Harvard vào năm 1987. Cuốn sách đầu tiên của ông, Dead Right, được xuất bản vào năm 1994 và được phe bảo thủ cánh hữu ca ngợi như là một phần quan trọng của văn học tư tưởng cho phong trào bảo thủ.