Kết quả bầu cử Malaysia: Đối lập Đông Nam Á nên mừng hay lo? (Trọng Nghĩa)

Tổ chức Nghị Sĩ ASEAN vì Nhân Quyền - ASEAN Parliamentarians for Human Rights - một tập hợp chính khách ASEAN, đã thấy rằng cuộc bầu phiếu ở Malaysia là « một điểm sáng trong thời đại đen tối ». Ông Mahathir đã đánh bại liên minh đã cầm quyền trong hơn 6 thập kỷ cho dù chính quyền đã chia cắt lại bản đồ cử tri một cách triệt để sao cho có lợi cho đảng cầm quyền, và truyền thông thì đưa tin về bầu cử rất thuận lợi cho phe của chính phủ.



Cuộc bầu cử Quốc Hội ở Malaysia - với kết quả bất ngờ ngoài dự đoán là chiến thắng liên minh đối lập - như đã thổi một luồng gió hy vọng vào các đảng đối lập tại một số láng giềng Đông Nam Á.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters ngày 12/05/2018, lãnh đạo một số đảng đối lập, mà có đảng đã phải đứng ngoài chính quyền từ hàng chục năm nay, đã hoan nghênh thắng lợi của ông Mahathir Mohamad, và bày tỏ hy vọng là chuyển biến tại Malaysia sẽ là khởi điểm cho một sự thay đổi dân chủ rộng lớn hơn trong vùng.

Chủ nghĩa chuyên chế ngày càng mạnh trong những năm gần đây, ở khắp Đông Nam Á, đã gây lo ngại trong giới bảo vệ các quyền tự do và giới phân tích tình hình, với việc chính quyền nhiều nước đã bắt giam những lãnh đạo có thể thách thức quyền lực của họ, thao túng các cuộc bầu cử, giới hạn tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Có người mừng… 

Tổ chức Nghị Sĩ ASEAN vì Nhân Quyền - ASEAN Parliamentarians for Human Rights - một tập hợp chính khách ASEAN, đã thấy rằng cuộc bầu phiếu ở Malaysia là « một điểm sáng trong thời đại đen tối ». Ông Mahathir đã đánh bại liên minh đã cầm quyền trong hơn 6 thập kỷ cho dù chính quyền đã chia cắt lại bản đồ cử tri một cách triệt để sao cho có lợi cho đảng cầm quyền, và truyền thông thì đưa tin về bầu cử rất thuận lợi cho phe của chính phủ.

Lãnh đạo đảng đối lập Cam Bốt bị giải tán, ông Sam Rainsy, trả lời Reuters từ Hoa Kỳ, cũng cho rằng : « Những gì mà dân chúng Malaysia đã hoàn thành rất đáng khích lệ đối với chúng tôi, vì cho thấy điều đó cũng có thể diễn ra ở Cam Bốt ».

Cựu thủ tướng Thái Lan lưu vong Thaksin Shinawatra, bị lật đổ năm 2006, cũng rất hoan nghênh kết quả cuộc bầu cử, xem đấy là một bằng chứng của « quyền lực của nhân dân ».

Tại cả Cam Bốt, nơi ông Hun Sen, trị vì từ hơn 3 thập kỷ nay, lẫn ở Thái Lan nơi đang có chính quyền quân sự, tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong 1 năm tới đây.

Nhưng cũng có người lo…

Lee Morgenbesser, một chuyên gia Úc, nghiên cứu về các chế độ ở Đông Nam Á, thì nhìn thấy cuộc bầu cử ở Malaysia có nhiều khả năng dẫn đến đàn áp mạnh hơn trong vùng, hơn là kéo theo một sự thức tỉnh dân chủ: « Kết quả đáng ngạc nhiên trong cuộc bầu cử này cũng gởi một lời cảnh báo đến các chế độ chuyên chế trong vùng…, củng cố xu hướng (đàn áp) từ nhiều năm nay, và sẽ thấy thêm nhiều hành động thao túng, loại bỏ đối lập vào các thời điểm bầu cử. »

Chuyên gia này nêu ví dụ Mùa Xuân Ả Rập bắt đầu vào năm 2010. Các thành quả dân chủ gặt hái được đã bị đảo ngược khi giới nắm quyền tại nhiều nước phản ứng hung hăng bằng bạo lực và bắt các nhà ly khai.

Thái Lan: Quân Đội nắm quyền

Ở Đông Nam Á là ví dụ Thái Lan, nước từ 1932 đến nay đã kinh qua 12 cuộc đảo chính thành công. Chính quyền quân phiệt hiện tại đã đình hoãn các cuộc bầu cử và cấm tụ tập hơn 5 người. Giới quân đội Thái cho là họ đảo chinh, nắm quyền là để chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị và chống tham nhũng. Việc cấm tụ tập là để bảo vệ an ninh quốc gia và hoãn bầu cử vì cần thời gian chuẩn bị luật bầu cử mới.

Cam Bốt: Đối lập bị loại trừ hoàn toàn

Theo ông Morgenbesser, tại Cam Bốt thì chính quyền áp dụng biện pháp « loại bỏ hoàn toàn đối thủ ra khỏi cuộc bầu cử », như đặt đảng đối lập Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt CNRP ra ngoài vòng pháp luật vào năm ngoái (2017) và bắt giữ Kem Sokha, lãnh đạo đảng này. Truyền thông độc lập cũng bị buộc đóng cửa.

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen giải thích bằng lý do: Đảng CNRP và ông Sokha cấu kết với Mỹ để lật đổ chính quyền Phnom Penh. Điều mà các luật sư của ông Sokha đã phủ nhận.

Trả lời hãng Reuters về kết quả bầu cử ở Malaysia, thứ trưởng Nội Vụ Cam Bốt Huy Vannak đã tỏ ý « thán phục nỗ lực của ông Mahathir thách thức đảng (cũ) cầm quyền của ông và thắng lợi bất ngờ. »
Theo cựu lãnh đạo đối lập Cam Bốt Sam Rainsy, ông Hun Sen sẽ lại thắng nữa trong cuộc bầu cử tháng 7 nếu đảng CNRP không được phục hồi. Ông cảnh báo là người dân sẽ bất bình và không đi bỏ phiếu. Hiện nay, thì người của đảng CNRP đang vận động tẩy chay cuộc bầu cử sắp tới đây. Theo ông Sam Rainsy, một tỷ lệ đi bầu thấp sẽ làm chính quyền mất tính chính đáng.

Singapore: Đối lập quá yếu kém

Về trường hợp Singapore, với đảng Hành Động Nhân dân PAP nắm quyền từ ngày giành độc lập đến nay, tức 57 năm qua, thì tình hình tương đương với Malaysia về mặt chính trị.

Singapore hiện có một bộ luật rất khắt khe trừng phạt tội phỉ báng. Theo những người chỉ trích chính quyền, luật này thường được sử dụng để đàn áp đối lập chính trị. Các phương tiện truyền thông thì luôn thuận theo chính quyền.

Theo ông Morgenbesser, tương tự như Malaysia, Singapore cũng có những cuộc bầu cử có tranh đua thực sự, nhưng cũng có sơ hở. Tuy nhiên, khác với Malaysia, ở Singapore không có vụ tai tiếng tham nhũng nào nghiêm trọng.

Cựu nghị sĩ Singapore Inderjit Singh thuộc đảng thân chính phủ ghi nhận là người dân Singapore đã bị « chấn động » trước kết quả bầu cử ở Malaysia, một số người cho là chuyện này cũng có thể xẩy ra ở Singapore. Nhưng ông Inderjit Singh không tin là người Singapore sẵn sàng thay đổi để chọn chính phủ từ phe đối lập, ngày nào mà đối lập chưa có những lãnh đạo tầm cỡ quốc gia.

Hiện nay thì đảng đối lập Singapore, đảng Người Lao Động (Workers’ Party) chỉ chiếm có 6 ghế ở nghị viện, so với 80 ghế của đảng cầm quyền.

RFI