Dân túy và chủ nghĩa cộng sản (Thạch Đạt Lang)
Ở
các nước độc tài hay cộng sản như Nga, Trung Quốc, Việt Nam... các lãnh
đạo dùng dân túy trong mục đích bắt vít vào ghế quyền lực của mình. Hãy
nhìn vào công cuộc chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam, người ta dễ
dàng nhận ra ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là đại diện cho "chủ
nghĩa dân túy" rõ ràng nhất. Ông Trọng đánh đúng vào tâm lý người dân
đang khao khát một biến cố nào đó có thể thay đổi thực trạng xã hội Việt
Nam hiện nay.
Trong thời gian vài năm gần đây, hai chữ Dân Túy được nói đến nhiều trên báo chí, phương tiện truyền thông như một chủ nghĩa hay một khuynh hướng chính trị, nhất là từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống thứ 45 của Mỹ với khẩu hiệu America first.
Nhiều
người hiểu lầm rằng Dân Túy (Populismus) là một chủ nghĩa. Thật ra đó
không phải là một chủ nghĩa, một tư tưởng, hay chủ thuyết gì mới lạ.
Đúng ra đó chỉ là một chiêu bài dùng để vận động tranh cử hay làm một
cuộc cách mạng (bạo động hoặc bất bạo động) mà mục đích là đạt được
quyền lực cai trị.
Khởi
thủy, từ tiếng Latin (Populus) có nghĩa là người dân, ở đây được hiểu
là đa số thuộc giai cấp bị trị, tương phản với chính quyền. Chính vì
thế, trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống của mình, ông Donald Trump
tuyên bố rằng từ ngày ông bước chân vào tòa Bạch Ốc, quyền lực sẽ được
trao trả lại cho nhân dân, người dân sẽ tự quyết định số phận của mình.
Sự thật ra sao thì người dân Mỹ đã rõ.
Dân
túy không phải là một học thuyết hay chủ nghĩa bởi không có nền tảng
căn bản được hệ thống hóa thành tư tưởng, không có sự nghiên cứu về tiến
triển của xã hội, suy nghiệm về tiến trình phát triển của nhân loại qua
các thời kỳ văn minh hay các chế dộ cai trị.
Dân
túy chỉ là một khuynh hướng chính trị, một phong trào nhất thời, trong
giai đoạn xã hội mất ổn định, kinh tế suy thoái... được các chính trị
gia lợi dụng, tuyên truyền kích động quần chúng bằng cách đề cao chủng
tộc, công bằng xã hội, quyền hạn, phúc lợi người dân, bài trừ tham
nhũng, hối lộ…
Lịch
sử đã chứng minh khi khuynh hướng dân túy trong một nước bộc phát mạnh
mẽ, chiến tranh giữa các quốc gia là điều khó tránh. Hitler, Hirohito,
Mussolini... là những thí dụ điển hình trong quá khứ dùng dân túy để
thực hiện tham vọng của mình, hiện tại Donald Trump. Putin, Tập Cận Bình
cũng đang dùng khuynh hướng dân túy để nắm giữ quyền lực.
Chữ
dân túy vì thế được dùng để nói đến các chính trị gia có khuynh hướng
mị dân, chỉ tuyên bố, hứa hẹn những lời sáo rỗng, những chính sách, kế
hoạch mà họ biết rõ không thể thực hiện - mục đích chỉ để lôi kéo sự
đồng tình, ủng hộ của dư luận, của dân chúng vì đi đúng vào tâm lý quần
chúng – bởi những kế hoạch, chính sách đó thiếu hẳn nền tảng căn bản về
pháp lý cũng như về lý luận chính trị.
Tuy
nhiên ở những quốc gia theo thể chế tự do dân chủ, khuynh hướng dân túy
khó lòng phát triển mạnh vì cơ chế quyền lực được cân bằng với thể chế
tam quyền phân lập và tự do báo chí. Những diễn tiến chính trị ở Mỹ cho
thấy dù ông Donald Trump công khai hay ngấm ngầm dùng dân túy để khuynh
đảo xã hội cũng khó lòng đạt được thành công.
Ở
các nước độc tài hay cộng sản như Nga, Trung Quốc, Việt Nam... các lãnh
đạo dùng dân túy trong mục đích bắt vít vào ghế quyền lực của mình. Hãy
nhìn vào công cuộc chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam, người ta dễ
dàng nhận ra ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là đại diện cho "chủ
nghĩa dân túy" rõ ràng nhất. Ông Trọng đánh đúng vào tâm lý người dân
đang khao khát một biến cố nào đó có thể thay đổi thực trạng xã hội Việt
Nam hiện nay.
Nguyễn Phú Trọng với khẩu hiệu "lò nóng lên rồi"…
Trong
tình trạng suy thoái nặng nề về kinh tế, môi trường bị ô nhiễm nặng nề
khắp nơi, xã hội mất an ninh, văn hóa suy đồi, y tế, giáo dục tan hoang
vì tham nhũng, hối lộ, cửa quyền của cán bộ, đảng viên chế độ cộng sản
từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc, việc khởi xướng đánh tham
nhũng bằng cách bắt giam, điều tra, kết án, cách chức hàng loạt đảng
viên, cán bộ, lãnh đạo cao cấp, kể cả một ủy viên bộ chính trị là Đinh
La Thăng làm nức lòng nhiều người.
Việc
làm và bản thân của ông Trọng được luật sư Trần Đình Triển ca tụng,
khen ngợi, nâng lên thành hào kiệt. Đi xa hơn nữa, vụ 15.000 dân oan mất
đất ở Thủ Thiêm, khiếu nại hơn 16 năm dài không có kết quả, chẳng hiểu
tại sao, tự nhiên được lệnh ai đó khui ra, báo chí đồng loạt lên tiếng.
Ông Nguyễn Phú Trọng được ông Lưu Trọng Văn, bơm cạch cạch, thổi lên tận
mây xanh, gọi là "Ngài" vì tiếng kêu thét vang trời của 15.000 dân oan
trong suốt 16 năm không ai nghe thấy, giờ mới lọt đến tai "Ngài" Nguyễn
Phú Trọng.
Tuy
nhiên, "ngài" nghe rồi lại để đó, chưa kịp làm gì đã có ai đó gửi tin
nhắn, yêu cầu làng báo im lặng giùm một chút. Thế là tiếng kêu thét của
15.000 dân oan vừa vang lên đến thiên đình liền tắt ngủm. Không khó để
nhận ra ai là người gửi tin nhắn yêu cầu các tờ báo, phương tiện truyền
thông im lặng. Ngoài Ban tuyên giáo của ông Võ Văn Thưởng, còn ai trồng
khoai đất này ?
Có
thể do lo sợ việc sử dụng khuynh hướng dân túy lan tràn trong nội bộ
của đảng, đồng thời cũng để dằn mặt các đối thủ chính trị đang ngắm
nghía địa vị, chỗ ngồi của mình, trưởng ban tuyên giáo của đảng cộng
sản, Võ Văn Thưởng viết bài Chủ nghĩa Dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam đăng trên báo SGGP ngày thứ ba 15/05/2018 dù trước đó một năm, Thưởng từng tuyên bố :
"Chúng
ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của
mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ
xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình
thành chân lý"...
Thật
ra chẳng cần là trí thức, có học, có bằng cấp kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư,
phó giáo sư... linh tinh các cái, chỉ cần có cái đầu tỉnh táo, để ý,
nhận xét, ai cũng có thể nhận ra là Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ
muốn đối thoại với dân hay có chủ trương, chính sách, đường lối nào phục
vụ nhu cầu, quyền lợi chính đáng của người dân. Cứ nhìn, đọc những lời
thề của quân đội : "Trung với đảng, hiếu với dân" hay của công an : "Công an nhân dân, còn đảng còn mình" thì rõ.
Tất
cả chỉ vì sự tồn tại, sống còn của đảng. Dân có thể bị đồng hóa, nước
có thể bị nô lệ nhưng đảng phải tồn tại, vững bền. Còn tin vào những
tuyên bố mị dân, những chiến dịch thanh trừng tham nhũng của Nguyễn Phú
Trọng, còn gửi kiến nghị để xin xỏ chuyện này, chuyện kia, còn hân hoan,
thích thú nhìn một vài tên hay vài chục tên lãnh đạo cộng sản bị bắt
giam, kết án, vào tù... thì đừng trách một sáng ngủ dậy thấy ở đầu phố,
tiếng loa vang vang những bản nhạc Tầu.